TỪ VỤ VIỆC TIỀN GỬI TIẾT KIỆM TRONG NGÂN HÀNG BỊ PHONG TỎA: HIỂU ĐÚNG CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ!

Dẫn nhập: "Hai năm trước vợ chồng ông Toàn có gửi vào ngân hàng PVcomBank tại phố Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội số tiền 52 tỷ đồng, chia làm 3 sổ tiết kiệm. Trong đó ông Toàn đứng tên 1 sổ, vợ ông Toàn đứng tên 2 sổ. Đến cuối năm 2018, vợ chồng ông Toàn phát hiện cả 3 sổ tiết kiệm của mình bị phong tỏa do cầm cố để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn tại PVcomBank. Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, làm rõ sự việc một số cán bộ ngân hàng PVcomBank đã câu kết với các đối tượng khác làm giả hồ sơ vay vốn để chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông Toàn. PVcomBank đã 4 lần có văn bản cam kết trả lại tiền cho vợ chồng ông Toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này, 3 quyển sổ tiết kiệm của vợ chồng ông Toàn vẫn đang bị phong tỏa" - Trích từ Báo Dân Việt!

Vụ việc này, đang làm nóng dư luận trong những ngày gần đây, gây tâm lý hoang mang cho cả những Bà con có tiền gửi ngân hàng lẫn cả những Tổ chức hoạt động về tài chính. Tuy nhiên, có thể nói rằng, những thông tin về vụ việc có vẻ như đã bị "Xào nấu" khá nhiều, một phần vì có thể thông tin bị tam sao thất bản, nhưng quan trọng hơn, nhiều Người khi viết bài, không nắm được bản chất pháp lý của các vấn đề có liên quan, diễn đạt sai, dùng từ thiếu chuẩn xác, đã dẫn đến hệ quả, khiến cho vụ việc, không được phản ánh đúng bản chất khách quan. Có lẽ cũng chính bởi thế mà Báo Thanh Niên sau khi đăng bài phản ánh về vụ việc này, với dòng tít "Từ đại gia, trở thành dân oan" - Đã phải gỡ bài chỉ sau vài giờ đăng tải.

Trên cơ sở đó, nhằm để Bà con hiểu thêm về vấn đề, và bớt hoang mang, nếu như đã, đang, hoặc sẽ có tiền gửi vào Ngân hàng - Trong phạm vi Bài viết này, tác giả sẽ luận giải, phân tích các khía cạnh pháp lý có liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm, đồng thời đưa ra khuyến cáo, để Bà con tham khảo.

1. Khi Bà con gửi tiền vào Ngân hàng để lấy lãi, hoặc để nhằm tiết kiệm dần một khoản tiền - Thì giữa Bà con và Ngân hàng đã xác lập một giao dịch dân sự đó là: Hợp đồng cho vay tài sản, mà không phải là Hợp đồng gửi giữ tài sản như một số Người vẫn lầm tưởng. Trong giao dịch này, Bà con là Bên cho vay, còn Bên vay là Ngân hàng.

2. Trên cơ sở đó, theo quy định của Luật, sau khi Bà con và Ngân hàng xác lập giao dịch vay như vừa nêu, và Bà con chuyển tiền cho Ngân hàng, thì vào thời điểm Ngân hàng nhận được tiền này, cũng chính là lúc quyền sở hữu đối với số tiến này đã được chuyển giao từ Bà con sang cho ngân hàng. Tức là Ngân hàng trở thành Chủ sở hữu của khoản tiền vay này, mà không phải là Bà con nữa. Đối với mọi loại hợp đồng vay, giữa cá nhân với nhau, cũng đều phải hiểu như vậy. Tóm lại, lúc đó tiền Bà con đã cho vay, không còn là của Bà con nữa, mà là của Ngân hàng.

3. Cũng chính bởi thế - Chính vì Ngân hàng là Chủ sở hữu mới đối với khoản tiền này, nên mọi rủi ro xảy ra xuất phát từ việc quản lý, chiếm hữu, sử dụng số tiền này thì Ngân hàng phải gánh chịu, trên nguyên tắc Chủ sở hữu tài sản phải chịu rủi ro. Ví dụ: A cho B vay 50 triệu đồng, trên đường B về, chẳng may bị rơi mất, hay bị cướt giật, thì B là Người vay, phải chịu rủi ro, vì lúc đó 50 triệu bị mất là của B mà không còn là của A nữa, nghĩa rằng B vẫn phải trả nợ cho A, dù cho B đã bị mất tiền. Mọi giao dịch về vay tiền giữa cá nhân, hay với Ngân hàng đều hiểu y chang như vậy.

4. Như trên đã nêu: Khi Bà con gửi tiền cho Ngân hàng vay, Ngân hàng trở thành Chủ sở hữu của khoản tiền vay này, mà không phải là Bà con nữa. Thay vào đó - Tài sản mà Bà con sở hữu lúc này: Chính là quyền đòi nợ, quyền được nhận thanh toán nợ gốc, lãi từ Ngân hàng - Là một dạng quyền tài sản. Chính vì tài sản mà Bà con sở hữu sau khi cho vay, là quyền đòi nợ, nên tài sản là quyền đòi nợ này của Bà con không mất đi "Theo rủi ro nếu có xảy ra đối với tiền đã chuyển giao". Tức là dù cho sau khi nhận tiền của Bà con mà Ngân hàng làm mất, bị Người khác chiếm đoạt hay cho Người khác vay lại mà không đòi được, thì Ngân hàng vẫn phải có nghĩa vụ trả nợ cho Bà con.

5. Tài sản là quyền đòi nợ của Bà con sau khi cho Ngân hàng vay tiền, được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau - Trong đó có Sổ tiết kiệm. Sổ tiết kiệm này chính là một Chứng thư pháp lý, có giá trị chứng cứ, chứng minh quyền đòi nợ của Bà con đối với Ngân hàng. Bản thân Sổ tiết kiệm này không phải là tài sản, cũng giống như bản thân Sổ đỏ (Bìa đất) không phải là tài sản, mà chính thửa đất, quyền sử dụng đất mới là tài sản, hay như bản thân Giấy đăng ký xe (Cà vẹt) không phải là tài sản, mà chiếc xe mới là tài sản. Cho nên các Giấy tờ này: Sổ tiết kiệm, sổ đỏ.......... Chỉ là các chứng thư pháp lý, xác nhận về Chủ sở hữu tài sản là Ai mà thôi - Bà con nhớ kỹ điều này. Cũng chính vì vậy, nếu Bà con để mất xe, mất tiền, thì mới xem như bị mất tài sản đó - Còn nếu Bà con chỉ bị mất giấy tờ xe, mất sổ tiết kiệm...... Thì không có nghĩa là bị mất tài sản - Tài sản là xe, tiền vẫn còn đó, không mất đi đâu được.

6. Cho nên, cần khẳng định rằng: Khi Bà con gửi tiền vào Ngân hàng, thì quyền sở hữu đối với số tiền này đã được chuyển giao cho Ngân hàng, nếu bị mất mát hay rủi ro gì, Ngân hàng phải gánh chịu mà không phải Bà con. Ngay kể cả việc có ai đó giả mạo chữ ký, để lừa tiền thì cũng là lừa tiền của Ngân hàng, chứ không phải của những Người cho vay đã gửi tiền vào đó. Điều này đương nhiên hợp tình, hợp lý, hợp lẽ: Tiền đã giao cho Ngân hàng quản lý, sử dụng, định đoạt, muốn làm gì thì làm, tất lẽ rủi ro xảy ra, Ngân hàng cũng phải gánh chịu. Cho nên mọi lập luận, nhằm chối bỏ trách nhiệm của Ngân hàng trong những trường hợp này, đều không có cơ sở pháp lý.

7. Tuy nhiên - Vụ việc mà Chúng ta đang bàn đến đã nhắc ở đầu bài viết này, thì không đơn giản như vậy. Nó đã lằng nhằng hơn một chút - Đó là: Sau khi gửi tiền vào Ngân hàng, và nhận Sổ tiết kiệm, thì Người này (Ông Toàn) đã giao sổ tiết kiệm này cho Người khác mượn, để lấy lãi. Bản chất của giao dịch này, chính là "Cho vay tài sản là quyền đòi nợ" - Mà không phải là cầm cố Sổ tiết kiệm, như nhiều Người lầm tưởng. Cho nên khi Báo chí gán ghép cho Ông Toàn là đã cầm cố sổ tiết kiệm, Ông chối, nói không phải là đúng. Ví dụ: Ông A cho Ngân hàng B vay 50 tỷ, hàng tháng Ông A nhận tiền lãi. Sau đó Ông A cho Ông C "Mượn" Sổ tiết kiệm này, hàng tháng C phải trả lãi cho Ông A. Mục đích của C mượn sổ tiết kiệm này, là nhằm bảo đảm cho D vay nợ Ngân hàng. Chẳng hạn, D muốn vay của Ngân hàng 30 tỷ, thì cần phải có tài sản đảm bảo, Ngân hàng mới cho vay. Tài sản đảm bảo trong trường hợp này - Chính là sổ tiết kiệm của Ông A, trị giá 50 tỷ đồng. Nếu lúc đầu, mọi thứ đều chính xác như ví dụ này, mà không có gì khuất tất thì tất cả các giao dịch vừa nêu đều hợp pháp.

8. Nhưng trong Vụ việc này, mặc dù A (Ông Toàn) theo ví dụ trên, có đưa Sổ tiết kiệm cho C, nhưng lại không ký tá bất kỳ giấy tờ nào, nhằm đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào cả. Thực tế là sau khi C nhận sổ tiết kiệm từ A, đã giả mạo chữ ký của A nhằm bảo đảm cho D được vay nợ Ngân hàng, và sau khi Ngân hàng giải ngân thì C và D chiếm đoạt luôn. Nếu lúc đầu, A có ký Hợp đồng bảo đảm cho C và D vay nợ Ngân hàng, mọi chuyện sẽ rẽ theo một hướng khác, đó là nếu C và D không trả nợ, thì Quyền đòi nợ của A (Sổ tiết kiệm 50 tỷ) sẽ bị kê biên để đảm bảo thi hành án. Giống y chang như khi Bà con thế chấp nhà đất cho Ai đó vay tiền. Cho nên dù Sổ tiết kiệm hay Sổ nhà đất, đúng là sổ thật, nhưng vì Bà con không ký tá gì, mà chữ ký bị giả mạo, nên giao dịch sẽ bị vô hiệu. Nghĩa rằng, không thể phát mại tài sản của Bà con.

8. Nhưng nói như vậy, để thấy rằng - Trong vụ việc này, Người có Sổ tiết kiệm, cũng đã có một phần lỗi. Vì chính Anh ta đã giao sổ của mình cho Người khác, để lấy tiền lãi. Mặc dù những Người khác không nói "Mượn" sổ tiết kiệm này để làm gì, chỉ nói chung chung là huy động vốn. Nhưng Anh ta buộc phải hiểu và phải biết rằng, sẽ có những rủi ro pháp lý, khi giao sổ như vậy, Anh ta không thể nói không biết, bởi nếu không có giá trị gì, thì Người ta trả tiền lãi cho Anh làm gì, để được mượn sổ đó. Cũng giống như Bà con ta, giờ giao cho ai đó cầm Sổ đỏ nhà mình, Bà con có thấy lo lắng không?! Đương nhiên là có rồi.

9. Nhưng điều may mắn, là do trong trường hợp này, Ông Toàn (Ông A) chỉ giao Sổ tiết kiệm, mà không ký tá gì cả, nên quyền đòi nợ không bị mất đi, Ngân hàng vẫn phải trả nợ cho Ông ấy. Vấn đề là Vụ án đang trong quá trình giải quyết nên sẽ có những vấn đề về mặt thời gian, và một số những hệ lụy khác, không thể tránh khỏi. Bởi khi có nhiều giao dịch, nhiều quan hệ pháp luật đan xen nhau, và nhất là khi còn liên quan đến quy trình tố tụng, thì việc phải chấp nhận dựa vào trình tự luật định, là điều buộc phải tuân thủ chặt chẻ, để tránh những hệ lụy khác......

Từ những phân tích trên - Bà con cần thấy rằng, trong mọi giao dịch luôn ẩn chứa những rủi ro, những giao dịch ngầm, lại rủi ro hơn thế gấp bội phần. Cho nên, để hạn chế rủi ro, Bà con lưu ý mấy điểm sau: Không bao giờ để trứng vào một giỏ - Nghĩa rằng, nếu có nhiều tiền thì đừng gửi một Ngân hàng, đừng đầu tư vào một chổ, vì như vậy là "Được ăn cả, ngã về không", cho nên cần phân tán rủi ro; Cũng không được tham bát bỏ mâm, đừng vì một vài đồng tiền lãi, mà cho Người ta mượn cả giấy tờ nhà đất, sổ tiết kiệm, cực kỳ nguy hiểm. Nói chung, là cần phải có một sự an toàn nhất định trong các giao dịch, không nên quá phiêu lưu với toàn bộ tài sản của mình, mà luôn phải có một khoản nhất định, được an toàn tuyệt đối, nhằm có lối rẽ, trong những tình huống phức tạp.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan