HIỂU VỀ TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP: RỦI RO VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH!

Trái phiếu - Một thuật ngữ vốn lai tàu tây, lại được được tiếp cận dưới nhiều góc độ tài chính, ngân hàng, kinh tế, đầu tư, chứng khoán... Với nhiều thuật ngữ chuyên môn như phát hành, chào bán, lợi tức, trái chủ... Cộng thêm sự khoa trương của một vài Người viết, khi thích nói những thứ đơn giản theo một lối diễn đạt cao siêu hết sức lằng nhằng - Đã làm cho không ít Bà con cảm thấy không hiểu gì. Để rồi khi Bà con đọc báo, thấy tin tức Doanh nghiệp nào đó bị hủy bán trái phiếu, lãnh đạo Doanh nghiệp bị bắt liên quan đến phát hành trái phiếu bất hợp pháp, thì cũng chỉ biết vậy thôi, mà không thực sự hiểu được bản chất vấn đề. Vì vậy - Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải một số vấn đề cơ bản đến Trái phiếu doanh nghiệp, để Bà con tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

1. Khi Bà con cho Ai đó vay tiền, thường Bà con sẽ yêu cầu Người vay viết cho Bà con một tờ giấy nhận nợ, giấy nhận nợ này là bằng chứng Người đó có vay tiền của Bà con, để Bà con dùng khi đi đòi nợ Họ. Trái phiếu doanh nghiệp cũng y chang như thế - Đó là một "Giấy nợ" của Doanh nghiệp (Người đi vay/Bên nợ) lập cho Chủ nợ (Người cho vay) để xác nhận rằng Doanh nghiệp đang nợ tiền một Ai đó, là cơ sở để Người đó đi đòi nợ Doanh nghiệp. Ví dụ: Ông Nguyễn Văn A đang sở hữu (Ngôn ngữ Dân tài chính hay gọi là nắm giữ) 1.000 trái phiếu do Công ty B phát hành, giá mỗi trái phiếu là 1.000.000 đồng, lãi suất 12%/năm - Có nghĩa là Ông Nguyễn Văn A đã cho Công ty B vay 01 tỷ đồng, Ông A là Chủ nợ của Công ty B, Công ty B có nghĩa vụ trả nợ gốc 01 tỷ đồng cho Ông A khi đến hạn, ngoài ra còn phải trả tiền lãi là 120 triệu/năm, không phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh của Công ty B.

2. Như vậy xét về bản chất, khi Bà con mua trái phiếu của một Doanh nghiệp, chính là Bà con đang cho Doanh nghiệp đó vay tiền, trái phiếu Bà con đang nắm giữ, là bằng chứng xác nhận giữa Bà con và Doanh nghiệp có tồn tại một "Hợp đồng cho vay tài sản", trong đó Bà con là Người cho vay/Chủ nợ, còn được gọi với nhiều cái tên mỹ miều khác như là Nhà đầu tư, Người mua trái phiếu - Và Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chính là Người đi vay/Con nợ, còn được gọi với nhiều cái tên mỹ miều khác như Công ty phát hành, Công ty chào bán. Nhưng tất cả cũng chỉ là vấn đề Doanh nghiệp đó đang thiếu vốn, cần tiền, và muốn vay nợ của Bà con, nên mới phát hành trái phiếu.

3. Chính vì trái phiếu là một giao dịch vay tiền, trả nợ - Nên nó cũng giống như khi Bà con cho một Cá nhân nào đó vay tiền "Xét dưới góc độ thu hồi nợ": Nếu Người vay tiền của Bà con, ăn nên làm ra, thì sẽ có cơ hội, có khả năng trả nợ cho Bà con; Còn nếu Họ làm ăn thất bát, sa cơ lỡ vận, thì xem như Bà con khó đòi lại tiền đã cho vay của mình; Trái phiếu doanh nghiệp cũng y hệt như vậy, nếu Doanh nghiệp kinh doanh có lời, thì sẽ có cơ hội, có khả năng trả nợ cho Bà con; Còn nếu Doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, thậm chí phá sản, thì Bà con sẽ mất trắng khoản tiền của mình. Đến đây, một số Người sẽ thắc mắc - Vậy tại sao không cho Ngân hàng vay để an toàn: Câu trả lời lại hoàn toàn y chang như việc cho vay ngoài, cho vay ngoài lãi sẽ cao hơn, nên đôi khi biết là rủi ro, nhưng Bà con vẫn cho Người ngoài vay để lấy lời cao, cho Ngân hàng vay, lãi suất thấp quá; Trái phiếu doanh nghiệp cũng thế, Doanh nghiệp muốn vay được, thì sẽ để lãi suất vay cao, cao hơn nhiều thậm chí gấp 3 - 4 lần lãi suất Ngân hàng, và Bà con ta thấy lãi cao, thì mua trái phiếu hơn là gửi Ngân hàng, chỉ vậy thôi - Đòn tâm lý chỉ vậy thôi. Nói ngược lại, nếu lãi suất trái phiếu cũng giống như lãi suất ngân hàng, thì tất nhiên chẳng ai đi mua trái phiếu.

4. Tuy nhiên - Do việc Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, mà bản chất là đi vay nợ Cộng đồng, trái phiếu lại có thể được mua bán trên thị trường, mà bản chất là mua bán quyền đòi nợ - Là một bộ phận cấu thành của thị trường chứng khoán, thị trường tài chính, nên sẽ có nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, nếu như có rủi ro, bất ổn xảy ra. Chính vì vậy, việc Doanh nghiệp huy động vốn, bản chất là đi vay tiền, dưới hình thức phát hành trái phiếu, sẽ phải tuân thủ nhiều quy định của pháp luật, nhất là đối với doanh nghiệp đại chúng (Công ty có quy mô lớn). Mà không phải muốn phát hành như thế nào cũng được - Bằng không giao dịch phát hành trái phiếu sẽ bị hủy bỏ, các trái phiếu đã ra đến thị trường, buộc phải thu hồi. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, việc thu hồi trái phiếu là một chuyện, còn việc có tiền để trả lại cho Người mua không, lại là một chuyện khác. Như vụ Tân Hoàng Minh, đến giờ nhiều Người vẫn chưa đòi được tiền.

5. Từ đó cho thấy, việc mua trái phiếu, bản chất là cho doanh nghiệp vay tiền, luôn có những rủi ro nhất định, mà rủi ro hàng đầu, chính là việc không thể thu hồi nợ (Cho vay nhưng không đòi lại được) - Mà nguy cơ này luôn hiển hiện, vì không phải Công ty nào cũng ăn nên làm ra, không phải Doanh nghiệp nào cũng tử tể. Vậy cách nào để phòng tránh rủi ro: Tốt nhất và an toàn nhất là chỉ mua trái phiếu của Doanh nghiệp nào mà có Ngân hàng bảo lãnh thanh toán, nghĩa rằng, khi đến hạn trả nợ, bất kể Doanh nghiệp đó đang làm ăn ra sao, luôn có Ngân hàng thanh toán tiền cho mình, còn lại là chuyện của Ngân hàng và Doanh nghiệp. Khi một Doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nếu có Ngân hàng bảo lãnh thanh toán, Bà con vốn đã yên tâm, lại càng yên tâm, vì Ngân hàng chỉ bảo lãnh cho những Doanh nghiệp nào có tài sản, có tiền. Còn những Doanh nghiệp không có Ngân hàng bảo lãnh, thì có quyền hoài nghi là đang có vấn đề, đang có rủi ro. Như vậy, để giảm tránh cách tốt nhất là chỉ mua trái phiếu của Doanh nghiệp có Ngân hàng bảo lãnh - Tuy nhiên, Bà con phải tìm hiểu kỹ vấn đề này, để không lầm tưởng về việc có Ngân hàng bảo lãnh, bởi đôi khi Ngân hàng chỉ là Đơn vị phân phối hoặc cũng chỉ là Bên mua sỉ bán lẻ, thì bản chất vẫn là trái phiếu không có bảo lãnh thanh toán.

6. Việc cho vay thông qua hình thức mua trái phiếu, vốn đã có những rủi ro như trên - Nhưng sẽ càng rủi ro hơn, khi thứ mà Bà con đang sở hữu không phải là trái phiếu mà chỉ là một Bên hợp tác đầu tư với Chủ nợ, dù Bà con vốn nghĩ, hiểu nhầm rằng, mình đã mua và sở hữu trái phiếu. Ví dụ: Công ty A phát hành trái phiếu, Công ty B mua trái phiếu của Công ty A, sau đó nếu Công ty B bán lại trái phiếu cho Bà con, thì Bà con trở thành Chủ sở hữu trái phiếu, tức là Bà con đã thay thế Công ty B trở thành Chủ nợ của Công ty A, Bà con có quyền đòi nợ Công ty A. Nhưng vấn đề sẽ hoàn toàn khác, nếu như Công ty A phát hành trái phiếu, Công ty B mua trái phiếu của Công ty A, nhưng rồi Công ty B lại ký hợp đồng hợp tác đầu tư cùng mua trái phiếu với Bà con, chứ không phải bán lại trái phiếu cho Bà còn, lúc này thứ mà Bà con sở hữu không phải là trái phiếu mà chỉ là quyền tài sản từ hợp đồng hợp tác với Công ty B, trong khi chính Bà con là Người đã bỏ tiền ra (Gian dối của Doanh nghiệp là ở chổ đó) - Trường hợp này hoàn toàn giống như B và C cùng chung vốn mua đất của A, nhưng C lại không được đứng tên trong hợp đồng mua đất, nên sau khi mua, trên Giấy tờ pháp lý đất là của B, nên B muốn giao dịch với ai cũng được, C là "Chủ sở hữu ẩn danh" nên quyền lợi phụ thuộc vào uy tín của B. Tất nhiên, nếu B gian dối, có hành vi trái pháp luật, B sẽ phải chịu chế tài, nhưng rủi ro cho C là đã hiện hữu, hay nói cách khác, sự mất an toàn là điều có thể thấy được. Vì thế, giải pháp đặt ra là Bà con phải xác định được bản chất vấn đề, tránh bị nhầm lẫn và hạn chế biến mình trở thành một "chủ sở hữu ẩn danh", bởi lúc đó, rủi ro pháp lý, thuộc hết về phần Bà con.

Doanh nghiệp là một Chủ thể pháp lý - Mọi hành vi của Doanh nghiệp được thể hiện thông qua hành vi của những con Người cụ thể có thẩm quyền đại diện cho Doanh nghiệp đó. Nên suy cho cùng, cũng giống như Con Người, khi đi vay tiền - Họ sẽ tìm cách "Rót mật vào tai" hứa hẹn đủ điều để Bà con có thể "Lộ tiền ra", đặc biệt với Doanh nghiệp, nơi hội tụ của nhiều Con Người, Họ càng biết cách quảng cáo, vẽ ra một tương lai tươi sáng, khiến cho Bà con chỉ muốn đầu tư. Chính vì vậy, Bà con cần phải cẩn trọng, suy xét thấu đáo, để không gặp những rủi ro đáng tiếc. Về mặt lý thuyết kinh tế/pháp lý, phát hành trái phiếu là một kênh huy động vốn có nhiều ưu điểm, bản thân nó không phải là hoạt động xấu, chỉ có một vài Con Người, khiến Chúng ta phải cẩn trọng, khi tham gia giao dịch này mà thôi.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan