NGUYÊN TẮC "SUY ĐOÁN VÔ TỘI" TRONG ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ VÀ PHÁP LUẬT VIỆT NAM: GIỚI THIỆU VÀ VIỆN DẪN!

Điều 14.2 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị - Được Đại hội đồng liên hiệp quốc thông qua vào năm 1966 (Có hiệu lực từ năm 1976) quy định rằng: "Người bị cáo buộc là phạm tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho tới khi hành vi phạm tội của người đó được chứng minh theo pháp luật". Trên cơ sở quy định của Điều ước quốc tế này, pháp luật hình sự của hầu hết các quốc gia đã "Nội luật hóa" vào trong các Đạo luật hình sự (Nhiều khi là cả trong Hiến pháp) - Đây được coi là thành tựu lớn lao của văn minh Nhân loại, là nguyên tắc chủ đạo, cốt lõi của pháp luật hình sự.

Điều 31.1 Hiến pháp hiện hành của Việt Nam quy định: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật". Cụ thể hơn - Điều 13 Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật tố tụng hình sự quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội".

Tất cả những Điều luật vừa dẫn chiếu, chính là sự vận dụng, tiếp thu, phát triển nội dung quy định tại Điều 11.1 Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền năm 1948: "Mọi người bị buộc tội hình sự có quyền được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội theo luật trong một phiên tòa công khai mà tại đó anh ta có tất cả các bảo đảm cần thiết cho việc bào chữa". Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu - Nguyên tắc suy đoán vô tội ấn định rõ ràng: Không một ai bị coi là tội phạm cho đến khi nào đã có một Bản án được tuyên bởi Tòa án theo đúng trình tự pháp luật chứng minh rằng Người đó có tội và Bản án được tuyên đó đã phải có hiệu lực pháp luật. Như vậy - Chỉ có tòa án, mới là cơ quan duy nhất có thẩm quyền phán quyết một Người nào đó có phạm tội hình sự hay không.

Cho nên, một Người mới chỉ thuộc diện nghi vấn, bị tình nghi, bị cáo buộc có liên quan, thậm chí đã bị khởi tố, bị điều tra, bị truy tố, bị bắt tạm giam - Thì vẫn chưa bị xem là đã có tội, chưa bị xem đã là tội phạm - Chừng nào mà Người đó chưa có bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp lý phán quyết là phạm tội. Vì thế, báo chí và truyền thông phải hết sức thận trọng khi đưa tin, viết bài về những Người mới chỉ ở diện tình nghi hay bị cáo buộc - Nghĩa rằng, không thể đưa tin, cứ như thể Người mới thuộc diện tình nghi đó đúng đích thị là hung thủ, trong khi pháp luật không hề quy định/công nhận như thế. Đương nhiên việc thông tin, đưa tin chính là chức năng, quyền hạn của báo chí và truyền thông - Nhưng việc đưa tin đó như thể nào, để không vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền của Người khác là điều cần phải được tuân thủ một cách triệt để.

Vậy với những vụ án mà mọi thứ đã được nhìn thấy rõ ràng, có Người tận mắt chứng kiến ngay lúc xảy ra sự việc, thì có còn áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và còn tiến hành điều tra hay không? Chúng ta hãy xem xét ví dụ: Vào lúc 17h00 ngày 13/03/2013, tại công viên x, một Người đàn ông đã bị đâm nhiều nhát dao vào bụng dẫn đến tử vong, ngay vào lúc xảy ra sự việc, có một số Người dân đã chứng kiến cảnh nam thanh niên dùng dao đâm nhiều nhát vào Người nạn nhân, nên đã tri hô, và đã cùng nhau vây bắt được nghi phạm giao cho cơ quan chức năng. Hay nói cách khác, đây là vụ án xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, nghi phạm đã bị bắt quả tang ngay tại trận (Người bị bắt chính là Người đã dùng dao đâm nạn nhân tử vong, nên Bà con không cần phải giả dụ có việc bắt nhầm hay không). Vậy với vụ án này, nghi phạm có được áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội và có phải tiến hành điều tra vụ án hay không?! Với nhiều Bà con ta, có lẽ sẽ cho rằng, mọi thứ rõ ràng vậy rồi, tội danh đương nhiên được thành lập, chối đi đâu, nên xử luôn, chứ điều tra gì nữa?!?

Tuy nhiên, nhận thức này của một số Bà con ta là chưa chính xác, thậm chí nhiều khi dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Bởi với ví dụ trên, những gì Bà con ta thấy mới chỉ là dấu hiệu về hành vi, được biểu hiện khách quan ra bên ngoài mà các Nhân chứng nhìn thấy - Nhưng để đánh giá đúng về bản chất một vụ việc, thì không chỉ có dựa vào dấu hiệu hành vi được biểu hiện ra bên ngoài đó, mà còn phải dựa vào rất nhiều yếu tố khác. Do vậy, ngay cả với những vụ việc, có Nhân chứng nhìn thấy rõ ràng, vẫn buộc phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, tiến hành điều tra nhằm xác định nguyên nhân, động cơ gây án, mục đích phạm tội, và nhiều vấn đề khác có liên quan, để làm sáng tỏ vụ việc - Với những vấn đề cụ thể bao gồm nhưng không giới hạn, sau đây:

1. Xác định xem nghi phạm có năng lực trách nhiệm hình sự hay không? Nếu như nạn nhân không có năng lực trách nhiệm hình sự, ví dụ như thực hiện hành vi lúc đang bị tâm thần dẫn đến không ý thức được, thì tội danh sẽ không thành lập. Tuy nhiên, có thể vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự, đó là Người giám hộ có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Gia đình nạn nhân.

2. Xác định xem nghi phạm thực hiện hành vi là hoàn toàn do ý thức chủ quan cá nhân hay do được ai đó thuê, mướn. Nếu có ai đó thuê, mướn hoặc sai khiến, thì nghi phạm phải chịu trách nhiệm hình sự với tư cách là Người thực hành, còn Người thuê mướn hoặc sai khiến chính là Chủ mưu. Vụ án Dung Hà bị sát hại ngay trước cổng nhà là một ví dụ cho trường hợp này: Người thực hành trực tiếp bắn Dung Hà là mấy đàn em sát thủ lâu la, Người điều khiển sát thủ là Hải Bánh, nhưng kẻ Chủ mưu là Năm Cam. Nếu giả dụ lúc đầu, chỉ căn cứ vào cái gọi là hành vi rõ ràng, chứng cứ sờ sờ, thì chỉ truy cứu trách nhiệm được mấy tay sát thủ, và đã bỏ lọt tội phạm là Hải Bánh, Năm Cam.

3. Xác định xem nguyên nhân gây án của nghi phạm là gì, ví dụ nếu là giết người diệt khẩu, nhằm bịt đầu mối, thì rất có thể từ vụ án này, sẽ mở ra vụ án khác kinh khủng hơn. Cho nên việc làm rõ vấn đề này, sẽ giải quyết toàn diện, triệt để vụ việc. Bởi biết đâu, vụ án này, cũng chỉ là một mắt xích, trong chuỗi liên hoàn án nào đó.

4. Xác định xem, Nghi phạm có phải là Người thực hiện hành vi trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, do hành vi vi phạm pháp luật trước đó của Nạn nhân hay không. Giả dụ nếu ngay trước đó, Nạn nhân có hành vi hãm hiếp, đánh đập Người thân của Nghi phạm, dẫn đến Nghi phạm rơi vào trạng thái bị kích động mạnh và ra tay sát hại Nạn nhân, thì đây sẽ là tình tiết để chuyển tội danh hoặc giảm nhẹ hình phạt cho Nghi phạm.

5. Xác định xem, có phải Nghi phạm sát hại Nạn nhân vì động cơ đê hèn hoặc có tính chất côn đồ hay không.... Nhằm xác định tình tiết tăng nặng khi lượng hình đối với Nghi phạm. Cũng có thể Nghi phạm thực hiện hành vi trong trường hợp vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc Nạn nhân cũng có một phần lỗi, thì đây sẽ là tình tiết để chuyển tội danh hoặc giảm nhẹ hình phạt cho Nghi phạm.....

Từ đó cho thấy - Ngay cả với những vụ án có Nhân chứng rõ ràng, xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, mà còn có rất nhiều khả năng có thể xảy ra. Thì huống chi những vụ việc ở tận đẩu, tận đâu, mà Chúng ta chỉ có được vài thông tin nhỏ giọt, và cũng không có cơ sở vững chắc, là những thông tin đó có chính xác hay không - Chứ chưa nói gì đến chuyện chưa có phán quyết cuối cùng đã có hiệu lực pháp lý của cơ quan có thẩm quyền. Do đó, mọi suy luận về những loại việc như vậy, hoàn toàn chỉ là sự phỏng đoán mang màu sắc cá nhân, dựa trên ý chỉ chủ quan, mà tuyệt nhiên không có một căn cứ nào xác đáng cả. Vậy nên, với những vụ việc như thế, chỉ nên làm một Người quan sát, nếu có quan tâm để theo dõi cho đến khi có kết luận cuối cùng, mà không nên làm một Nhà bình luận, bởi điều đó, sẽ dẫn đến một thế kẹt - Trước chất vấn rằng: Lập luận của Bạn có chứng cứ gì không và dựa trên cơ sở pháp lý nào?!? Bởi trong tình huống này, trả lời đằng nào cũng "Chết" - Khoa học tranh tụng, gọi đó là "Câu hỏi có tính phán quyết".......

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan