AI ĐƯỢC QUYỀN NHẬN THẾ CHẤP ĐẤT ĐAI VÀ NHÀ Ở CỦA NGƯỜI KHÁC?!

Thế chấp là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Theo đó, tài sản thế chấp có ý nghĩa như là một bảo đảm chắc chắn cho Bên có quyền là sẽ bảo vệ được lợi ích của mình, trong trường hợp mà Bên có nghĩa vụ không thực hiện trách nhiệm của họ, thì Bên có quyền sẽ được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ hoặc nghĩa vụ thanh toán khác.

Thông thường, Chúng ta hay thấy việc thế chấp đi kèm với việc vay tiền. Nghĩa rằng Bên vay tiền, phải thế chấp tài sản của mình thì mới được vay tiền của Bên cho vay. Mục đích của Bên cho vay là nhằm đề phòng trường hợp Bên vay không trả tiền, thì sẽ xử lý tài sản thế chấp này để thu hồi nợ. Tài sản thế chấp có thể là động sản, bất động sản..... Tuy nhiên, trong Bài viết này, chỉ đề cập đến tài sản thế chấp là Quyền sử dụng đất và Nhà ở.

Như vậy, khi có tài sản để thế chấp, thì Bà con dễ được cho vay tiền hơn. Vì Chủ nợ yên tâm là đã có tài sản bảo đảm. Cũng chính bởi thế, việc thế chấp cần phải đúng quy định của pháp luật, là vấn đề có ý nghĩa sống còn với Bên cho vay. Đơn giản, nếu việc thế chấp không đúng luật, đương nhiên sẽ vô hiệu, tức là không có giá trị thi hành. Lúc này, khoản vay xem như là không có bảo đảm, việc thu hồi nợ như vậy cũng rủi ro hơn.

Theo quy định của Pháp luật về Đất đai và Nhà ở, thì Chủ sở hữu Nhà ở và Quyền sử dụng đất được thế chấp Nhà, đất để vay tiền. Nhưng không phải ai, cũng có quyền nhận thế chấp các loại tài sản này. Theo đó - Những Chủ thể không được pháp luật cho phép, thì không được nhận thế chấp, hợp đồng các bên ký kết cũng vì thế mà vô hiệu. Cụ thể:

1. Nếu Quyền sử dụng đất và Nhà ở thuộc quyền sở hữu của Tổ chức, thì Tổ chức này chỉ được thế chấp tài sản này tại Ngân hàng để vay tiền. Mà không được thế chấp cho bất kỳ chủ thể nào khác.

Ví dụ 1: Công ty A, cần vốn kinh doanh, nên muốn vay của Ông B 2 tỷ đồng. Và để bảo đảm trả nợ khoản vay này, Công ty A đã thế chấp 1 thửa đất của mình cho Ông B. Việc thế chấp của các Bên trong trường hợp này là trái luật. Vì Ông B chỉ là cá nhân, do đó không được phép nhận thế chấp Nhà, đất của Tổ chức (Công ty A).

Ví dụ 2: Công ty A, cần vốn kinh doanh, nên muốn vay của Công ty D 2 tỷ đồng. Và để bảo đảm trả nợ khoản vay này, Công ty A đã thế chấp 1 căn nhà của mình cho Công ty D. Việc thế chấp của các Bên trong trường hợp này là trái luật. Vì Công ty D chỉ là doanh nghiệp bình thường mà không phải Ngân hàng, do đó không được phép nhận thế chấp Nhà, đất của Tổ chức (Công ty A).

2. Nếu Quyền sử dụng đất và Nhà ở thuộc quyền sở hữu của Cá nhân, Hộ gia đình thì họ lại được thế chấp tài sản này cho Ngân hàng, Tổ chức khác không phải là Ngân hàng, hoặc thế chấp cho cá nhân khác để vay tiền. Như vậy phạm vi rộng hơn rất nhiều trường hợp trên.

Ví dụ 3: Ông A, cần vốn kinh doanh, nên muốn vay của Ông B 2 tỷ đồng. Và để bảo đảm trả nợ khoản vay này, Ông A đã thế chấp 1 thửa đất của mình cho Ông B. Việc thế chấp của các Bên trong trường hợp này là hợp pháp. Vì Ông A là cá nhân, do đó Ông B được nhận thế chấp đất của Ông A.

Ví dụ 4: Ông A, cần vốn kinh doanh, nên muốn vay của Công ty D 2 tỷ đồng. Và để bảo đảm trả nợ khoản vay này, Ông A đã thế chấp 1 căn nhà của mình cho Công ty D. Việc thế chấp của các Bên trong trường hợp này là hợp pháp. Vì Ông A là cá nhân, do đó Công ty D được nhận thế chấp Nhà của Ông A.

Nói tóm lại - Nếu Chủ sở hữu Nhà, đất là cá nhân, thì họ có quyền thế chấp Nhà, đất này cho Cá nhân, Tổ chức, Ngân hàng khác để vay tiền. Còn nếu Chủ sở hữu Nhà, đất là Tổ chức, thì chỉ được thế chấp tại Ngân hàng mà thôi. Cho nên Bà con phải thật lưu ý điều này, không phải cứ thấy họ có tài sản thế chấp là yên tâm, vì nếu thế chấp không đúng, sẽ vô hiệu ngay. Không có giá trị thi hành.

Ngoài ra, Bà con phải lưu ý đối với tài sản thế chấp là Nhà, đất thì phải đăng ký giao dịch bảo đảm mới có giá trị. Đặc biệt, cần nhớ: Nhà, đất không được cầm cố dưới mọi hình thức, vì luật không cho phép. Nên không bao giờ được ký hợp đồng cầm cố Nhà, đất!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan