QUÁ TRÌNH KHỞI KIỆN VÀ GIẢI QUYẾT MỘT VỤ ÁN DÂN SỰ: HIỂU VÀ ÁP DỤNG!

Khi có tranh chấp Dân sự xảy ra, Bà con thường sẽ Khởi kiện Vụ án dân sự, để yêu cầu Tòa án giải quyết. Những vấn đề pháp lý về việc Khởi kiện Vụ án dân sự, như: Xác định quan hệ tranh chấp; Xác định tòa án có thẩm quyền - Đã có Bài viết trên Trang này; Việc xác định, phân biệt khi nào nên Tố giác tội phạm ra Công an, khi nào nên Khởi kiện tranh chấp tại Tòa án - Cũng đã có Bài viết trên Trang này, Bà con có thể tìm đọc để hiểu kỹ hơn. Những vấn đề đã trình bày, Tác giả xin phép không nhắc lại. Tác giả để đường dẫn các Bài viết vừa nêu ở phần Bình luận. Để Bà con tiện tham chiếu.

Nội dung Bài viết này, Tác giả sẽ trả lời cho Câu hỏi: Vậy quá trình khởi kiện và giải quyết một Vụ án dân sự bao gồm có bao nhiêu giai đoạn?! Những khả năng có thể xảy ra cho từng giai đoạn?! Và cần lưu ý những gì trong các giai đoạn đó?! Đây là những vấn đề pháp lý vô cùng quan trọng; Hi vọng rằng, Bà con đọc, hiểu và có thể vận dụng trên thực tế, khi cần thiết.

Quá trình Khởi kiện và giải quyết một Vụ án tranh chấp về dân sự, thường trải qua các giai đoạn, các bước tố tụng - Cụ thể sau đây:

I. GIAI ĐOẠN "TIỀN TỐ TỤNG"

Hay còn gọi là giai đoạn trước khởi kiện. Thông thường, khi có tranh chấp, Bà con được quyền khởi kiện ngay ra Tòa án để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp. Ví dụ như tranh chấp về nợ nần, tranh chấp về bồi thường thiệt hại, tranh chấp về mua bán tài sản ...... Thì Bà con được quyền kiện ngay ra Tòa án.

Tuy nhiên, có một số ít những tranh chấp, Luật yêu cầu Bà con phải giải quyết bằng một thủ tục khác trước, rồi sau đó mới được quyền khởi kiện ra Tòa án. Những trường hợp này thường không nhiều. Chủ yếu liên quan đến tranh chấp về đất đai, tranh chấp về lao động....

Ví dụ 1: Ông A vay của Ông B, 1 tỷ đồng. Hẹn 3 tháng sẽ trả. Tuy nhiên, đến hạn Ông A không trả, trường hợp này, Ông B được kiện ngay ra Tòa án, để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp.

Ví dụ 2: Ông A và Ông B tranh chấp với nhau một thửa đất. Cả hai Ông đều cho đó là thửa đất của mình. Tuy nhiên, Ông A và B không được quyền khởi kiện ngay ra Tòa để yêu cầu giải quyết tranh chấp. Mà Ông A hoặc B phải làm Đơn ra Ủy ban xã nơi có đất, để đề nghị hòa giải tranh chấp về đất đai trước. Sau khi hòa giải không thành. Thì các bên mới có quyền khởi kiện ra Tòa. Nếu các bên chưa hòa giải tại Xã, mà khởi kiện ra Tòa, Tòa sẽ không thụ lý, mà trả lại Đơn, vì chưa đủ điều kiện khởi kiện, nghĩa là phải về hòa giải tại Xã đã. Lưu ý, Xã chỉ có chức năng hòa giải, không có thẩm quyền kết luận thửa đất là của Ai.

Kết luận 1: Khi có tranh chấp về dân sự, Bà con được khởi kiện ngay ra tòa án. Tuy nhiên, có một số ít tranh chấp, thì phải trải qua một thủ tục trước khi khởi kiện, đó là tranh chấp về đất đai phải hòa giải tại xã phường trước hay một vài loại tranh chấp về lao động phải qua hòa giải viên lao động trước.

II. GIAI ĐOẠN KHỞI KIỆN VÀ THỤ LÝ VỤ ÁN

Đây là giai đoạn Bà con nộp Đơn khởi kiện ra Tòa án. Bà con có thể nộp trực tiếp hoặc thông qua đường Bưu điện. Sau khi nhận được Đơn khởi kiện, Tòa sẽ phân công thẩm phán xem xét Đơn khởi kiện của Bà con là có hợp lệ không, nhằm xác định có thụ lý để giải quyết hay không. Lưu ý: Đây là giai đoạn xem xét Đơn, để xác định có thụ lý, rồi sau đó có giải quyết không. Chứ chưa đi vào giải quyết nội dung tranh chấp. Do đó, sau khi nhận Đơn của Bà con, thì có các khả năng xảy ra sau đây:

1. Đơn Bà con làm đã đầy đủ, có chứng cứ kèm theo cần thiết, và Bà con thuộc trường hợp không phải đóng, miễn đóng tạm ứng án phí, thì Tòa sẽ ra thông báo thụ lý giải quyết Vụ án. Và lúc này, xem như chính thức bắt đầu quy trình giải quyết Vụ án dân sự.

2. Đơn Bà con làm đã đầy đủ, có chứng cứ kèm theo cần thiết, và Bà con thuộc trường hợp phải đóng tạm ứng án phí. Thì tòa sẽ ra thông báo đóng tạm ứng án phí. Bà con cầm thông báo, đến Cơ quan thi hành án đóng tạm ứng án phí, xong Bà con cầm biên lai, quay lại nộp cho Tòa. Thì Tòa sẽ ra thông báo thụ lý giải quyết Vụ án. Và lúc này, xem như chính thức bắt đầu quy trình giải quyết Vụ án dân sự. Trường hợp Bà con không nộp tạm ứng án phí, thì Vụ án không được thụ lý, và bị trả lại Đơn khởi kiện.

3. Đơn Bà con làm chưa đầy đủ hoặc còn thiếu các chứng cứ cần thiết. Thì Tòa sẽ ra thông báo yêu cầu bổ sung Đơn khởi kiện, và cho Bà con 30 ngày để bổ sung, có thể gia hạn thêm 15 ngày. Nếu trong vòng 30 (Hoặc 45) ngày này, Bà con bổ sung đầy đủ, thì tiếp theo sẽ là rơi vào khả năng 1 hoặc 2 vừa nêu trên. Nếu hết 30 (Hoặc 45) ngày này Bà con không bổ sung, thì Tòa sẽ trả lại Đơn khởi kiện. Vụ án xem như không được thụ lý giải quyết.

4. Bà con Bị trả lại Đơn khởi kiện, do Vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc chưa đủ điều kiện khởi kiện hoặc một số nguyên nhân khác......

Ví dụ 3: Anh A kết hôn với Chị B. Có một con chung mới 03 tháng tuổi. Nay Anh A nộp đơn yêu cầu được ly hôn Chị B. Trường hợp này Tòa sẽ trả lại Đơn, không thụ lý, do chưa đủ điều kiện để khởi kiện. Vì theo quy định, khi đứa con chưa đủ 12 tháng tuổi, thì Người chồng không được khởi kiện ly hôn. Theo đó, Anh A phải đợi khi đứa bé tròn 1 tuổi, thì mới được quyền khởi kiện ly hôn.

Kết Luận 2: Khi có tranh chấp, Bà con muốn được Tòa án giải quyết, phải nộp Đơn khởi kiện cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo cho Tòa án. Tòa án sẽ xem xét thụ lý hay không thụ lý, như các trường hợp vừa nêu. Nếu Tòa không thụ lý, Bà con có quyền khiếu nại. Sau khi Tòa thụ lý, Vụ án chính thức bắt đầu được xem xét giải quyết theo trình tự dưới đây.

III. GIAI ĐOẠN XÉT XỬ SƠ THẨM

Đây thường là giai đoạn kéo dài nhất trong tất cả các giai đoạn. Đương sự gồm Nguyên đơn, Bị đơn, Người liên quan, có thể được Tòa triệu tập nhiều lần để cung cấp lời khai, bổ sung chứng cứ, làm rõ các vấn đề có liên quan. Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố (Kiện ngược lại Nguyên đơn), Người liên quan có quyền đưa ra yêu cầu độc lập (Kiện Nguyên, Bị đơn) sau khi nhận được Thông báo thụ lý của Tòa án.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, có thể diễn ra nhiều thủ tục nhỏ khác như: Định giá tài sản tranh chấp, giám định tổn thất để đòi bồi thường thiệt hại ....... chính những thủ tục này, khiến cho Vụ án bị kéo dài, và nhiều nguyên nhân khác. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử này, có những khả năng sau có thể xảy ra:

1. Tòa án tạm đình chỉ giải quyết Vụ án

Khi cần có thời gian để chờ kết quả định giá tài sản, ủy thác tư pháp ...... Tòa án sẽ ra quyết định Tạm đình chỉ giải quyết. Khi có kết quả những vấn đề vừa nêu. Vụ án lại được tiếp tục giải quyết. Các đương sự có quyền kháng cáo quyết định Tạm đình chỉ này lên Tòa phúc thẩm cao hơn, khi cho rằng nó không đúng.

2. Đình chỉ giải quyết Vụ án

Khác với Tạm đình chỉ. Đỉnh chỉ Vụ án, nghĩa rằng Tòa sẽ không tiếp tục giải quyết Vụ án nữa. Vụ án xem như bị dừng hẳn. Nguyên nhân bị đình chỉ, có thể do Nguyên đơn rút đơn khởi kiện, mà Vụ án không có phản tố gì cả, cũng có thể là do Tòa thụ lý sai, tức là đáng ra không được thụ lý, nhưng lại thụ lý. Các đương sự có quyền kháng cáo quyết định Đình chỉ này lên Tòa phúc thẩm cao hơn, khi cho rằng nó không đúng.

Ví dụ 4: Ông A và Ông B ký hợp đồng đặt cọc mua bán nhà, đất vào năm 2015, nhưng sau đó có tranh chấp cũng xảy ra trong năm 2015. Quá trình thương thảo không được. Nên Ông A khởi kiện ra tòa án vào năm 2020. Tòa án đã thụ lý vụ án về tranh chấp hợp đồng đặt cọc. Sau đó bị đơn có đơn yêu cầu tòa án đình chỉ vì vụ án đã hết thời hiệu giải quyết. Vì thời hiệu là 03 năm. Mà đến nay là đã 5 năm. Trong trường hợp này, Tòa phải đình chỉ giải quyết Vụ án. Nghĩa rằng Vụ án bị dừng lại không được giải quyết nữa.

3. Ra quyết định công nhận hòa giải thành

Trong quá trình giải quyết, nếu các bên tự thỏa thuận với nhau được. Không còn tranh chấp nữa. Thì tòa án sẽ lập Biên bản hòa giải thành và ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các bên. Quyết định này, có giá trị như một Bản án phúc thẩm, vì nó không bị kháng cáo hay kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Mà có hiệu lực ngay. Nếu các bên không tự nguyện thi hành thì có thể bị Cơ quan thi hành án, cưỡng chế thi hành.

4. Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm

Sau quá trình chuẩn bị xét xử, nếu Vụ án không rơi vào trường hợp bị đình chỉ hoặc được hòa giải thành. Thì Tòa án sẽ đưa Vụ án ra xét xử. Bằng một hội đồng xét xử gồm có 1 thẩm phán và 2 hội thẩm, trường hợp đặc biệt thì có 2 thẩm phán và 3 hội thẩm, theo thủ tục rút gọn thì chỉ bằng 01 thẩm phán.

Bản án của Tòa sơ thẩm tuyên, có thể là chấp nhận tòa bộ yêu cầu của Nguyên đơn, hoặc chỉ chấp nhận một phần, hoặc bác bỏ toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn; Cũng tương tự như vậy với phản tố của Bị đơn.

Điều quan trọng, là Bản án sơ thẩm không có hiệu lực ngay. Dù Bản án sơ thẩm xử đúng hay xử sai, thì Nguyên đơn, Bị đơn, Người liên quan có quyền khác cáo lên Tòa phúc thẩm.

Kết luận 3: Sau khi có Bản án sơ thẩm, nếu không có kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Thì Bản án sơ thẩm sẽ có hiệu lực. Quá trình giải quyết Vụ án kết thúc tại đây. Bản án sơ thẩm được đưa ra thi hành.

IV. GIAI ĐOẠN XÉT XỬ PHÚC THẨM

Bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án của Tòa cấp sơ thẩm, có thể bị kháng cáo hoặc kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Ở đây Chúng ta chỉ tập trung vào Bản án sơ thẩm bị kháng cáo.

Lưu ý: Bất kể Bản án sơ thẩm xử đúng hay xử sai. Bà con luôn có quyền kháng cáo lên Tòa phúc thẩm. Và khi nhận được kháng cáo trong thời hạn. Tòa án bắt buộc phải giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Bà con lưu ý điều này, để phân biệt với thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm về sau. Thời hạn kháng cáo là 15 ngày tính từ ngày tuyên án, trường hợp vắng mặt có lý do chính đáng thì tính từ ngày nhận được Bản án.

Quá trình xét xử phúc thẩm nhanh chóng hơn cấp sơ thẩm rất nhiều. Án tại hồ sơ, do đó Tòa phúc thẩm hiếm khi triệu tập các bên lên làm việc. Mà thường sẽ đưa vụ án ra xét xử luôn. Khi xét xử phúc thẩm, thì cấp phúc thẩm có các quyền sau:

1. Y án sơ thẩm. Tức là giữ nguyên quyết định của Tòa sơ thẩm. Hiểu nôm na là kháng cáo bị bác bỏ.

2. Hủy bản án sơ thẩm, để yêu cầu xét xử lại. Trường hợp này xem như Vụ án quay lại từ đầu.

3. Sửa án sơ thẩm. Tức là án sơ thẩm xử chưa đúng. Và Tòa phúc thẩm sửa án luôn. Mà không hủy án. Hiểu nôm na là kháng cáo được chấp nhận một phần hoặc toàn bộ.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay từ thời điểm tuyên án. Các đương sự không được quyền kháng cáo nữa. Về nguyên tắc, Vụ án kết thúc tại đây.

Kết luận 4: Với chế độ hai cấp xét xử, Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Bất kể Bản án đúng hay sai. Nguyên đơn, Bị đơn, Người liên quan cũng không được quyền kháng cáo nữa.

---------------

V. GIAI ĐOẠN XÉT LẠI BẢN ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC THEO THỦ TỤC GIÁM ĐỐC THẨM HOẶC TÁI THẨM

Bản án sơ thẩm nếu không bị kháng cáo, kháng nghị, sẽ có hiệu lực. Bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay. Và các Đương sự không có quyền kháng cáo nữa.

Các bên, nếu cho rằng, Bản án đã có hiệu lực, nhưng xử không đúng. Thì chỉ có thể làm Đơn khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Tuy nhiên khác với Đơn kháng cáo mà Tác giả đã cố tình nhắc đi, nhắc lại ở phần trước, là Đơn kháng cáo đương nhiên được thụ lý xem xét, bất kể đúng hay sai - Thì Đơn khiếu nại, đề nghị xem xét lại Bản án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm không đương nhiên được xem xét. Số lượng được xem xét trên thực tế là không nhiều. Bởi án phúc thẩm, thường đã kết thúc quy trình tố tụng.

Nếu Bà con cho rằng, Bản án sơ, phúc thẩm không đúng. Bà con có thể làm Đơn đề nghị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, đến Chánh án tòa tối cao, tòa cấp cao hoặc Viện trưởng viện tối cao, viện cấp cao.

Khi xem xét Đơn. Nếu có căn cứ, thì những Người vừa nêu sẽ ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các Bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã có hiệu lực trước đó. Sau khi có kháng nghị, thì Ủy ban thẩm phán tòa cấp cao hoặc Hội đồng thẩm phán tòa tối cao sẽ xét xử theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Khi đó có các khả năng sẽ xảy ra:

1. Không chấp nhận kháng nghị. Nghĩa rằng Bản án trước đó được giữ nguyên.

2. Hủy cả án sơ thẩm lẫn phúc thẩm, yêu cầu xét xử sơ thẩm lại từ đầu hoặc đình chỉ giải quyết Vụ án.

3. Hủy án phúc thẩm, giữ nguyên án sơ thẩm.

4. Hủy án phúc thẩm, yêu cầu xét xử phúc thẩm lại.

5. Sửa án phúc thẩm hoặc sơ thẩm đã có hiệu lực.

Những Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm vừa nêu, có giá trị thi hành ngay.

Kết luận 5: Bản án phúc thẩm có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, có thể bị Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Đương sự không có quyền này, dù có khiếu nại, cũng không đương nhiên được xem xét.

VI. THỦ TỤC ĐẶC BIỆT XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA TỐI CAO

Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao, chính là cơ quan Tư pháp cao nhất. Quyết định của Hội đồng là quyết định gần như cuối cùng của cuối cùng.

Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt của đặc biệt, nếu Quyết định này bị xem là trái luật. Thì lúc đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội có quyền yêu cầu xem xét lại, hoặc Ủy ban tư pháp, Viện trưởng Viện tối cao, Chánh án Tòa tối cao có thể kiến nghị xem xét lại. Tuy nhiên, khi xem xét lại, theo quy định hiện hành, Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao, vẫn có quyền bác yêu cầu của Ủy ban thường vụ Quốc hội....

Như vậy, hiện tại - Do Việt Nam không có Tòa bảo hiến - Tòa phá án, do đó, về nguyên tắc, Quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa tối cao, là Quyết định có giá trị cao nhất về tư pháp. Tức là cơ quan có thẩm quyền quyết định giải quyết cuối cùng về một Vụ án tranh chấp dân sự. Ngoài ra, cũng cần phải nhìn nhận rằng - Việc Luật tố tụng, quy định về thủ tục xem xét là Quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa tối cao, nó dẫn đến nhiều hệ quả: Đó là Các Bản án, Quyết định của Tòa án có sai sót, luôn có cơ hội để khắc phục, sửa chữa - Tuy nhiên, đó cũng là lý do, về mặt lý thuyết, khiến việc giải quyết Vụ án, không có điểm dừng!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan