KHIẾU NẠI VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI: LUẬN GIẢI MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN!
Khiếu nại về đất đai là việc Người sử dụng đất, Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của Cơ quan Nhà nước, Cán bộ công chức có thẩm quyền trong quá trình quản lý về đất đai - Khi Họ cho rằng, quyết định hành chính, hành vi hành chính đó là trái pháp luật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Có thể nói rằng, khiếu nại xuất hiện gần như trong mọi lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước; Chẳng hạn một Người bị xử phạt hành chính do hành vi gây rối trật tự công cộng, kinh doanh quán ăn không niêm yết giá, lấn chiếm lòng lề đường ........ Đều có quyền khiếu nại; Và thực tế có rất nhiều Người đã thực hiện quyền khiếu nại của mình, trong đó có trường hợp khiếu nại không thành, nhưng cũng có nhiều trường hợp khiếu nại thành công, dẫn đến việc Cơ quan hoặc Người có thẩm quyền đã thu hồi quyết định hành chính bị khiếu nại ..... Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải một số vấn đề pháp lý liên quan đến khiếu nại, và giải quyết khiếu nại về đất đai, để Bà con tham khảo, vận dụng khi cần thiết.
I. CHỦ THỂ CÓ THẨM QUYỀN KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Luật đất đai hiện hành quy định có hai nhóm Chủ thể được quyền khiếu nại về đất đai, theo phạm vi mở rộng so với các quy định trước đây, bao gồm: Người sử dụng đất và Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất - Cụ thể:
1. Chủ thể là Người sử dụng đất
Người có quyền khiếu nại về đất đai trước hết và cũng chủ yếu nhất, đó là Người sử dụng đất, bao gồm:
- Tổ chức, Hộ gia đình, cộng đồng dân cư, cá nhân trong nước.
- Cơ sở Tôn giáo như Nhà thờ, Chùa....
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Cần lưu ý rằng: Người sử dụng đất có quyền khiếu nại, không nhất thiết là đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì mới có quyền khiếu nại. Ví dụ: Bà con sử dụng đất, do mua đất bằng giấy tay, hoặc do Cha ông để lại, mà chưa được cấp Giấy chủ quyền, vẫn có quyền khiếu nại.
2. Chủ thể là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất.
Đây là nhóm Chủ thể không phải là Người sử dụng đất (Không phải chính chủ) như đã nêu ở mục trên - Họ chỉ là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyền sử dụng đất, vì thế, vẫn bị chịu tác động của các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong quản lý đất đai, nên Họ cũng được quyền khiếu nại. Họ có thể là Người thuê đất của Người khác, cũng có thể là Người có tài sản trên đất.....
II. ĐỐI TƯỢNG BỊ KHIẾU NẠI TRONG KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Ở trên - Chúng ta đã phân tích những Người có quyền khiếu nại về đất đai. Tuy nhiên, chỉ khi nào Họ bị tác động bởi một quyết định hành chính, hành vi hành chính có liên quan đến quyền sử dụng đất của Họ, và Họ cho rằng những quyết định, hành vi này là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của Họ, thì Họ mới thực hiện quyền khiếu nại của mình.
Như vậy - Đối tượng bị khiếu nại đất đai, chính là các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính do Cơ quan hoặc Người có thẩm quyền ban hành hoặc thực hiện trong quá trình quản lý Nhà nước về đất đai. Theo đó, nhìn chung, Người dân có quyền khiếu nại gần như mọi vấn đề có liên quan đến quản lý đất đai - Nhưng thường khiếu nại về những nhóm vấn đề lớn sau:
1. Khiếu nại liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ví dụ 1: Ông A có thửa đất nông nghiệp, nay Ông A muốn chuyển thành đất ở, nhưng không được Ủy ban huyện chấp thuận, nên Ông A có quyền khiếu nại quyết định không cho phép chuyển mục đích này.
2. Khiếu nại liên quan đến việc thu hồi đất, việc không cho gia hạn thời hạn sử dụng đất
Ví dụ 2: Ông B có thửa đất nông nghiệp, nay bị Nhà nước ra quyết định thu hồi, thì Ông A có quyền khiếu nại quyết định này.
3. Khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất
Ví dụ 3: Bà C có thửa đất bị thu hồi, nhưng không được bồi thường, hoặc được bồi thường quá thấp, thì Bà C có quyền khiếu nại việc không bồi thường, bồi thường thấp này.
4. Khiếu nại liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Ví dụ: Ông A chết, không để lại di chúc, Ông A có 04 Người con, nhưng cơ quan Nhà nước lại cấp Giấy chứng nhận đất duy nhất cho một Người con của Ông A, thì những Người còn lại có quyền khiếu nại việc cấp giấy này.
Ngoài ra, Bà con còn có quyền khiếu nại các vấn đề khác như: Khiếu nại việc xử phạt vi phạm về đất đai, Khiếu nại quyết định giải quyết tranh chấp về đất đai, Khiếu nại việc thu tiền sử dụng đất, thuế đất .......
III. CHỦ THỂ BỊ KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Chủ thể bị khiếu nại, là Chủ thể đặc biệt, tức là Chủ thể mang trong mình quyền lực Nhà nước: Bao gồm Cơ quan có thẩm quyền hoặc Người có thẩm quyền đã ra quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính là Đối tượng đã bị khiếu nại nêu trên.
Ví dụ 5: Ủy ban nhân dân huyện X, ra quyết định thu hồi đất của Ông A. Ông A cho rằng việc ra quyết định thu hồi là không đúng, nên Ông A đã khiếu nại. Người bị khiếu nại trong trường hợp này là: Ủy ban nhân dân huyện X.
Ví dụ 6: Anh H là Cán bộ địa chính xã Y, trong qua trình tiến hành đo ve hiện trạng thửa đất của Ông B, đã không thực hiện đúng quy định, nên Ông B khiếu nại. Người bị khiếu nại trong trường hợp này là Anh H với tư cách là Cán bộ địa chính.
Việc xác định Người bị khiếu nại rất quan trọng, vì nó liên quan đến việc xác định Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về thủ tục, ngoài ra còn là xác định Người đã ra quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính có đúng thẩm quyền về nội dung không. Ví dụ, thẩm quyền thu hồi đất của cá nhân thuộc về Ủy ban cấp huyện, theo đó nếu Ủy ban cấp xã mà ra quyết định thu hồi đất là trái thẩm quyền.
IV. THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI VỀ ĐẤT ĐAI
Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về đất đai được phân cấp thành thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu và thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai. Điều đó cũng có nghĩa rằng: Về nguyên tắc, Bà con có quyền khiếu nại hai cấp, ngoại trừ, những khiếu nại, mà thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu thuộc Bộ trưởng Bộ Tài nguyên, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại này, Bà con chỉ có thể Khởi kiện vụ án hành chính, mà không thể khiếu nại lần hai lên cấp cao hơn.
1. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu
Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu chính là Thủ trưởng của Cơ quan đã ra quyết định hoặc của Người đã ra quyết định hay thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại. Như vậy, trong nhiều trường hợp: Chủ thể bị khiếu nại và Chủ thể giải quyết khiếu nại - Chính là một Người.
Ví dụ 7: Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Y ra quyết định thu hồi đất của Bà B. Nếu Bà B khiếu nại, thì Người bị khiếu nại là Chủ tịch huyện Y, mà Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cũng là Chủ tịch huyện Y nốt. Khoa học pháp lý gọi đây là cơ chế "Bộ trưởng - Quan tòa"!
2. Chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai
Sau khi khiếu nại lần đầu được giải quyết, mà Bà con không đồng ý hoặc đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại, mà Bà con không được giải quyết; Thì Bà con có quyền khiếu nại lần hai - Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai chính là Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu.
Ví dụ 8: Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Y thuộc Tỉnh Z, ra quyết định thu hồi đất của Bà B. Nếu Bà B khiếu nại, thì Người bị khiếu nại là Chủ tịch huyện Y, mà Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu cũng là Chủ tịch huyện Y. Sau khi Chủ tịch huyện Y ra quyết định giải quyết khiếu nại mà Bà con không đồng ý, thì Bà con được khiếu nại lần hai lên Chủ tịch tỉnh Z.
V. THỜI HIỆU KHIẾU NẠI
Thời hiệu khiếu nại, là điều quan trọng bậc nhất, nhưng thường không được Bà con xem trọng. Thời hiệu khiếu nại, là khoảng thời gian, pháp luật cho phép Bà con được thực hiện quyền khiếu nại của mình, mà khi thời hạn này hết đi, Bà con mất quyền khiếu nại. Hiểu nôm na, lúc đó Bà con đúng hay sai không còn quan trọng, vì thời hạn khiếu nại đã hết, nên Bà con không được khiếu nại nữa.
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính. Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.
Ví dụ 9: Ngày 01/03/2020 - Ủy ban nhân dân huyện X, ra quyết định thu hồi đất của Ông A. Ngày 02/03/2020 Ông A nhận được quyết định này. Nếu Ông A cho rằng việc ra quyết định thu hồi là không đúng, nên Ông A muốn khiếu nại, thì Ông A phải thực hiện việc khiếu nại trong vòng 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định này. Theo đó, nếu hết ngày 02/6/2020, mà Ông A không nộp đơn khiếu nại, thì xem như mất quyền khiếu nại. Sau này Ông A có khiếu nại, cũng sẽ bị trả lại đơn. Trừ trường hợp bất khả kháng như ốm đau, bệnh tật, nhưng việc chứng minh là vô cùng gian nan.
Lưu ý: Những đối tượng có thể bị khiếu nại về đất đai, cũng chính là những đối tượng có thể bị khởi kiện vụ án hành chính. Theo đó, khi Bà con nhận được hoặc biết được quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính tại mục (II) nêu trên, Bà con có quyền chọn khiếu nại như đã phân tích hoặc khởi kiện ngay ra Tòa. Trong trường hợp Bà con đã khiếu nại hai lần như trên, mà kết quả không ưng ý, sau đó Bà con vẫn có quyền khởi kiện ra Tòa.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!