TẠI SAO BỘ LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ NĂM 2015 (HIỆN HÀNH) KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH VỀ VIỆC "BẮT NGƯỜI TRONG TRƯỜNG HỢP KHẨN CẤP": PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

[Bài viết này mang nặng yếu tố học thuật chuyên sâu, khá phức tạp ngay cả với những Người có chuyên ngành luật nhưng không theo trường phái nghiên cứu, nên Bà con có thể cân nhắc việc đọc hay không, nhằm tránh nhức đầu]

Có thể nói rằng, Truyền thông/Báo chí và cả những Người bình luận thời sự/chính trị, đã có phần lúng túng nhất định, khi truyền đạt những thông tin ban đầu, về sự kiện pháp lý là những thủ tục tố tụng/hành vi tố tụng mà Cơ quan chức năng đang thực hiện đối với ông Đỗ Hữu Ca. Chẳng hạn, nơi thì nói ông Ca bị bắt khẩn cấp, nơi thì nói ông Ca bị tạm giữ, nơi thì nói ông bị tạm giam... Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự lúng túng đó, là vì nhiều Người đã quá quen với khái niệm/quy định/thủ tục/biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" được nêu trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 - Nhưng không còn được nhắc lại trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Sỡ dĩ Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không còn quy định về thủ tục/biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" như trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 - Vì thủ tục/biện pháp này có dấu hiệu Vi Hiến (Không phù hợp với quy định của Hiến Pháp - Đạo luật có hiệu lực cao nhất trong hệ thống pháp luật của một Quốc gia).

Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, đối với thủ tục/biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp", thì Cơ quan điều tra sẽ có quyền ra lệnh và tiến hành bắt Người trước, sau đó mới cần có quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát (Kiểu "tiền trảm hậu tấu") - Trong khi đó, Hiến pháp lại quy định rằng: "Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang" (Tức Viện phải chấp thuận trước mới được tiến hành bắt Người, trừ bắt quả tang).

Cho nên quy định "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" ("Bắt trước phê sau") theo Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là không phù hợp với Hiến pháp, nên cần phải được sửa đổi. Hay nói cách khác thủ tục/biện pháp "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" không còn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Cũng có nghĩa, Báo chí dùng thuật ngữ "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" là không chính xác trong trường hợp của ông Ca!

Vậy Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định như thế nào?!

Một khái niệm/quy định/thủ tục/biện pháp "mới toanh" xuất hiện: "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp"! Lưu ý là "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp" chứ không phải là "Tạm giữ" (Vì "Tạm giữ" lại là một khái niệm/quy định/thủ tục/biện pháp tố tụng hình sự khác). Như vậy, với quy định "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp" mà không phải là "bắt", Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, đã "né" được sự Vi hiến, trước hết là về mặt câu chữ (Nhưng không chỉ có vậy)!

Tất nhiên, để có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn là "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp" phải có những căn cứ luật định rõ ràng, mà Chúng ta tạm chưa bàn đến trong bài viết này. Thời hạn giữ Người trong trường hợp khẩn cấp chỉ là 12 giờ đồng hồ, tính từ khi bắt đầu giữ Người. Trong 12 giờ giữ Người này, Cơ quan chức năng phải đưa ra 1 trong 3 quyết định:

1. Một là - Trả tự do ngay, trường hợp này có thể hiểu nôm na là không có căn cứ để buộc tội, nên phải phóng thích ngay lập tức.

2. Hai là - Tạm giữ (Thông thường là 03 ngày, tối đa là 9 ngày), trường hợp này có thể hiểu nôm na là cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập thêm các căn cứ để buộc tội, chứng cứ buộc tội cần phải vững chắc. Sau khi đã có quyết định tạm giữ, trong thời hạn tạm giữ như vừa nêu, Cơ quan chức năng lại phải ra 1 trong 2 quyết định: Phóng thích, trả tự do nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can (i) hoặc khởi tố bị can khi xác định có dấu hiệu tội phạm.

3. Bà là - Bắt Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp với điều kiện đã được Viện phê chuẩn. Luật quy định hơi khuyết chổ này, nhưng tiếp nối với các Điều luật về sau, có thể hiểu, trường hợp này là đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, và việc bắt là nhằm để tạm giam.

Như vậy, từ những phân tích và trình bày sơ bộ nêu trên, Chúng ta thấy rằng: "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp" (i), "Tạm giữ" (ii), "Bắt Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" (iii) - Là 03 khái niệm/quy định/thủ tục/biện pháp tố tụng hình sự không giống nhau, với những căn cứ, trình tự áp dụng khác nhau. Và rằng "Bắt người trong trường hợp khẩn cấp" không còn được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Đối chiếu vào vụ việc của ông Ca, có thể thấy rằng, ban đầu ông Ca bị "Giữ Người trong trường hợp khẩn cấp", sau đó đã bị chuyển sang áp dụng biện pháp "Tạm giữ". Do đó - Với những Người theo dõi vụ việc, cần phải đợi thêm ít ngày nữa (Tối đa là 9 ngày) để biết được quy trình tố tụng tiếp theo được thực hiện với ông Ca - Cùng những khả năng như đã phân tích tại mục (2) nêu trên!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)