NGƯỜI BÀO CHỮA HAY BỊ CÁO TRÌNH BÀY LỜI BÀO CHỮA TRƯỚC: DẪN CHIẾU VÀ BÌNH LUẬN!

Trong một Vụ án hình sự, nếu Bị cáo không có Người bào chữa (Luật sư hoặc Người bào chữa khác), đương nhiên Bị cáo sẽ là Người tự trình bày lời bào chữa nhằm đối đáp lại với bản luận tội của Kiểm sát viên (Đại diện Cơ quan công tố/buộc tội). Còn nếu, trong trường hợp Bị cáo có Người bào chữa, thì Ai sẽ là Người trình bày lời bào chữa cho Bị cáo trước: Người bào chữa hay Bị cáo?! Đây là một vấn đề pháp lý còn có những tranh cãi và quan điểm chưa thống nhất trong giới luật học - Điều này, xuất phát từ sự thay đổi căn bản của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 so với Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về quy định: Trình tự phát biểu khi tranh luận.

Điều 217.2 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, quy định về "Trình tự phát biểu khi tranh luận" như sau: "Bị cáo trình bày lời bào chữa, nếu bị cáo có Người bào chữa thì Người này bào chữa cho Bị cáo. Bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa". Quy định này của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 rất rõ ràng - Đó là, nếu Bị cáo có Người bào chữa (Luật sư hoặc Người bào chữa khác), thì Người bào chữa sẽ trình bày lời bào chữa cho Bị cáo trước, rồi sau đó Bị cáo có quyền trình bày bổ sung. Cũng chính vì sự rõ ràng này, mà trong quá trình áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, trình tự phát biểu như vừa nêu được áp dụng thống nhất, không có bất kỳ khúc mắc nào.

Cho đến khi, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 được ban hành và áp dụng, thì quy định về "Trình tự phát biểu khi tranh luận", đã có những khác biệt về cấu trúc và bản chất. Thật vậy - Điều 320.2 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định: "Bị cáo trình bày lời bào chữa; Người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; Bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa". Quy định này, mới đọc dễ gây khó hiểu, có thể hiểu theo những cách khác nhau - Nhưng có một điều chắc chắn rằng, với quy định này, thì không có chuyện nếu Bị cáo có Người bào chữa thì đương nhiên Người bào chữa sẽ được quyền trình bày lời bào chữa trước, rồi sau đó Bị cáo mới bổ sung như trong quy định đóng khung trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đã nêu trên.

Nếu không tìm hiểu sâu xa, nhiều Người sẽ cho rằng, quy định như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 là hợp lý hơn, đồng nghĩa quy định như Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là thiếu hợp lý, là một bước thụt lùi về tư pháp. Tuy nhiên không phải vậy - Điểm hạn chế của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, khi cứ đóng khung rằng Người bào chữa trình bày trước, sau đó Bị cáo bổ sung, dẫn đến có nhiều Vụ án, vì lý do nào đó mà Bị cáo muốn được tự trình bày lời bào chữa trước, nhưng không được Hội đồng xét xử chấp thuận, vì không có cơ sở pháp lý cho phép. Thế nên Bị cáo đành chờ Luật sư nói xong, rồi mới được nói. Điều này là không hợp lý về mặt logic tiếp quyền: Luật sư chỉ là Người bào chữa hộ cho Bị cáo, nên Luật sư không thể được nói trước, nếu Bị cáo không chấp nhận điều đó.

Chính trên cơ sở đó, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, mới sửa đổi quy đình về trình tự trình bày lời bào chữa - Và cũng phải dựa trên bản chất tiếp quyền như vừa nêu, mới hiểu được cái hay và sự tinh túy của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là dành quyền lựa chọn cho Bị cáo - Chứ không phải đi hiểu theo một cách hoàn toàn khác rằng bắt buộc Bị cáo phải trình bày trước, như một vài Người vẫn lầm tưởng. Nếu như Điều 320.2 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, quy định: "Bị cáo trình bày lời bào chữa; người bào chữa trình bày lời bào chữa cho bị cáo; bị cáo, người đại diện của bị cáo có quyền bổ sung ý kiến bào chữa" - Khiến cho nhiều Người còn loay hoay không dám chắc, Ai sẽ là Người phát biểu trước, thì hãy quay lại quy định tại Điều 61.2.g về QUYỀN của Bị cáo là được: "Tự bào chữa, nhờ người bào chữa". Như vậy, Bị cáo có QUYỀN mà không phải nghĩa vụ, trong việc tự bào chữa, nhờ Người bào chữa. Đã là quyền mà không phải nghĩa vụ, thì bị có có quyền làm hoặc không. Theo đó, Bị cáo có quyền tự bào chữa, nhưng không thực hiện quyền này, mà nhờ Người bào chữa, bào chữa cho Bị cáo, thì Hội đồng xét xử phải tôn trong điều đó.

Như vậy, cần phải hiểu được nguyên nhân sâu xa, là tại sao Nhà làm luật lại sửa đổi một quy định, dù quy định đó đã được áp dụng trong thời gian dài, bởi nguyên do có những hạn chế của nó. Nhưng cần phải hiểu thật đúng, thì mới phát huy hiệu quả được sự đổi mới đó, bằng không, sẽ là ngược lại. Chính vì thế, với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 về "Trình tự phát biểu khi tranh luận", cần phải hiểu rằng: Việc Bị cáo hay Người bào chữa - Ai là Người phát biểu lời trình bày bào chữa trước - Sẽ thuộc về quyền quyết định của Bị cáo. Luật sư không đương nhiên có quyền phát biểu trước như Bộ luật tố tụng hình sự 2003, nhưng Bị cáo cũng không bắt buộc phải phát biểu trước như một số Người vẫn đang hiểu nhầm về quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015. Theo đó: Bị cáo sẽ có quyền phát biểu trước, nếu như bị cáo đưa ra yêu cầu này, vì đó là quyền tự thân của Bị cáo, không Người bào chữa nào được ưu tiên hơn Bị cáo, nếu Bị cáo không nhường quyền - Nhưng một khi Bị cáo đã đề nghị Luật sư trình bày lời bào chữa trước, có nghĩa rằng Bị cáo đã nhường quyền ưu tiên này, thì Hội đồng xét xử không có quyền bắt buộc Bị cáo phải phát biểu trước nữa, vì đó KHÔNG phải là nghĩa vụ của Bị cáo.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan