QUYỀN THỪA KẾ CỦA “CON TRONG GIÁ THÚ”/“CON NGOÀI GIÁ THÚ”/CON NUÔI: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Để cho dễ hình dung - Bà con ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: Năm 2000, Ông A kết hôn hợp pháp với Bà B, có một Con chung là C (Sinh năm 2001). Năm 2010, Ông A quan hệ ngoài luồng với Bà D, Có một con rơi là E (Sinh năm 2012). Năm 2015, Ông A nhận G (Sinh năm 2014) là một Người cháu làm con nuôi (Vì Cha mẹ Người cháu không may qua đời). Năm 2020, Ông A chết để lại khối tài sản RIÊNG là 08 tỷ đồng. Để cho bớt rối rắm và lằng nhằng, Chúng ta giả định Cha mẹ của Ông A đã mất từ lâu.

Con trong giá thú là ngôn ngữ bình dân, Bà con ta hay dùng để chỉ Con của những Người có quan hệ hôn nhân hợp pháp, tức hôn nhân được pháp luật thừa nhận – Trái ngược với đó, là Con ngoài giá thú, dùng để chỉ Con của những Người không có quan hệ hôn nhân hợp pháp, tức hôn nhân không được pháp luật thừa nhận (Phân tích sâu hơn một chút, thì thuật ngữ “Con ngoài giá thú”, với hàm ý kỳ thị, thường được dùng để chỉ Con của một Người đang có hôn nhân hợp pháp, với một Người không phải đang là Vợ/Chồng của mình, tức Con rơi, Con ngoài luồng).

Đầu tiên – Cần khẳng định rõ ràng ngay rằng: Khi quy định về quyền thừa kế, pháp luật KHÔNG hề có sự phân biệt giữa “Con trong giá thú” với “Con ngoài giá thú” đối với Cha mẹ đẻ của mình. Nghĩa rằng, quyền thừa kế của những Người con này là hoàn toàn như nhau/giống nhau. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu Ông A không để lại di chúc, thì C (Người con trong giá thú) và E (Người con rơi), đều là hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của Ông A, và đều được chia phần bằng nhau (Mỗi Người 02 tỷ đồng).

Đến đây, một số “Chính thất” sẽ cảm thấy ấm ức, rằng tại sao “Đứa con hoang” của “Tiểu tam” kia lại cũng được hưởng phần thừa kế như Con của mình – Pháp luật gì kỳ cục vậy?! Thực ra, sự ấm ức đó, không phải vô lý dưới góc độ tâm lý xã hội - Nhưng triết học pháp lý quan niệm rằng, chỉ có khái niệm hôn nhân hợp pháp/hôn nhân bất hợp pháp, chứ KHÔNG thể có khái niệm Con hợp pháp/Con bất hợp pháp. Bởi mỗi Đứa trẻ sinh ra trên đời này, dù trong bất cứ trong bối cảnh nào, thì đó vẫn luôn là một “Con Người”, tự thân Đứa trẻ đó KHÔNG có bất kỳ một lỗi lầm nào trong cái ngày chào đời, Đứa trẻ đó cũng chưa bao giờ có cơ hội được quyền lựa chọn hoàn cảnh mình sinh ra, vì thế KHÔNG ai có quyền bắt Đứa trẻ phải chịu trách nhiệm thay cho lỗi lầm của Người nào, càng không thể tước bỏ những quyền bình đẳng về pháp luật của Nó so với những Đứa trẻ khác.

Do đó, “Chính thất” có ấm ức thì cũng phải chịu. Như ví dụ trên, ngay cả khi Ông A có lập di chúc để lại hết tài sản cho Vợ và Con trong giá thú (Là B và C), mà không để lại cho E phần nào, thì E vẫn là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vì vào thời điểm Ông A chết, E chưa được 18 tuối (Bà con nào chưa đọc Bài về Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, có thể vào trang để tìm đọc).

Lưu ý: Ở đây chỉ có E là Người thừa kế theo pháp luật của Ông A, còn Mẹ của E thì không, vì Bà không phải Vợ hợp pháp. Nhưng Bà B lại là Người thừa kế theo pháp luật của Ông A, vì là Vợ hợp pháp. Tất nhiên, E chỉ có quyền thừa kế theo pháp luật từ Ông A, mà không phải từ Bà B (Vợ hợp pháp của Ông A), vì không có mối liên hệ nào ở đây cả. Hiểu nôm na, có sự phân biệt giữa “Chính thất” và “Tiểu tam”, nhưng không có sự phân biệt Con đẻ do “Chính thất” hay “Tiểu tam” sinh ra. Tất nhiên, Chúng ta đang nói đến thừa kế theo pháp luật, còn theo Di chúc, thì “Của Ông, Ông muốn di nguyện cho Ai là quyền của Ông”!

Tiếp nữa - Khi quy định về quyền thừa kế, pháp luật KHÔNG hề có sự phân biệt giữa Con đẻ và Con nuôi. Tất nhiên Con nuôi phải là Con nuôi thỏa mãn quy định của pháp luật về xác lập Con nuôi, còn việc chỉ nhận vơ, tầm phào như Cha đỡ đầu, Mẹ bồng bế thì không được tính. Nghĩa rằng, quyền thừa kế của những Người con này là như nhau/giống nhau. Chẳng hạn như ví dụ trên, nếu Ông A không để lại di chúc, thì G (Người con nuôi), sẽ thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật của Ông A, và đều được chia phần bằng với C (Người con trong giá thú) và E (Người con rơi). Thậm chí, ngay cả khi Ông A có lập di chúc để lại hết tài sản cho một Người nào đó, mà không để lại cho E phần nào, thì E vẫn là Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, vì vào thời điểm Ông A chết, E chưa được 18 tuối.

Ngoài ra cũng cần lưu ý thêm rằng, quyền thừa kế mà Chúng ta đang nói đến là quyền thừa kế hai chiều, tức Cha/Mẹ cũng có quyền hưởng thừa kế di sản do Con ngoài giá thú/Con nuôi để lại, nếu như Con chết trước (Tất nhiên Con trong giá thú cũng hoàn toàn giống vậy). Riêng quyền thừa kế giữa “Con ghẻ” với “Bố dượng”/“Mẹ kế” có phần khác biệt, nên Tác giả sẽ phân tích nó trong một Bài viết tới đây.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan