CẤM KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ VÀ THỰC TIỄN SAU ĐÓ: LUẬN GIẢI CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ!

Luật Đầu tư hiện hành có hiệu lực từ ngày 01/01/2021, đã chính thức cấm kinh doanh nghề nhận đòi nợ thuê. Trước khi dự thảo Luật Đầu tư này, được Quốc hội bấm nút thông qua, đã có rất nhiều ý kiến tranh luận trái chiều, về việc có nên hay không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Những ý kiến đồng ý cấm thì cho rằng: Việc đòi nợ thuê có nhiều biến tướng, diễn biến phức tạp, hành xử theo kiểu thế giới ngầm, xã hội đen, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, cho nên việc cấm là hoàn toàn cần thiết. Những ý kiến phản đối cấm, thì lại cho rằng: Không phải cứ đòi nợ thuê, thì đương nhiên gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, ngay cả nhà sư, người tu hành cũng có kẻ tốt, người xấu, nên việc cấm là không chính đáng, thay vào đó, nên quản lý chặt hơn.

Tuy nhiên - Cuối cùng, như đã nêu, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã chính thức bị khai tử, kể từ ngày 01/01/2021. Mặc dầu vậy, liệu trên thực tế, việc đòi nợ thuê có bị chấm dứt tồn tại hay không?! Câu trả lời đương nhiên là không - Thay vào đó, nó được biến đổi thành những giao dịch hoàn toàn hợp pháp khác. Xin lưu ý là hoàn toàn hợp pháp. Bản chất của dịch vụ đòi nợ thuê, đó là giao dịch dân sự, mà trong pháp luật dân sự, có nhiều loại hình giao dịch có thể thay thế cho nhau, nhưng bản chất hệ quả cuối cùng không hề thay đổi - Từ đó sẽ dẫn đến việc, cấm cái này, Người ta sẽ làm cái khác mà không bị cấm.

I. MUA BÁN NỢ

1. Trước đây khi đòi nợ thuê chưa bị cấm - Ông A có một khoản nợ cần đòi là 01 tỷ đồng từ Ông B; Ông A có thể ký Hợp đồng dịch vụ đòi nợ với Công ty C, theo đó Công ty C sẽ thay Ông A đi tìm B để đòi phải trả nợ cho Ông A; Theo Hợp đồng Công ty C có thể thu trước của Ông A một khoản phí cơ bản hoặc/và một cơ số % nhất định trên số tiền thực tế đòi được, có thể là 20 hay 30%. Ví dụ đòi được 100 triệu thì Công ty C nhận 30 triệu, đòi được 1 tỷ thì nhận 300 triệu.

2. Tuy nhiên, hiện nay, dịch vụ đòi nợ thuê như vừa nêu đã bị cấm; Các bên sẽ chuyển sang ký Hợp đồng mua bán nợ. Về mặt lý thuyết pháp lý, Hợp đồng mua bán nợ, sẽ theo kiểu mua đoạn, bát đứt, lời ăn, lỗ chịu - Khi Ông A có một khoản nợ cần đòi là 01 tỷ đồng từ Ông B; Ông A có thể ký Hợp đồng bán khoản nợ này cho Công ty C, với giá 300 triệu; Theo đó Công ty C sẽ trở thành Chủ nợ mới và đi tìm B để đòi phải trả nợ cho mình; Trong trường hợp này, công ty C có đòi được nợ hay không, không liên quan đến Ông A, Ông A đã lấy 300 triệu, chấp nhận lỗ, xem như xong. Nhưng Ông A và Công ty C, hoàn toàn có thể thỏa thuận về thời điểm thanh toán khác đi, ví dụ Công ty C mua khoản nợ này với giá 700 triệu, tức cao hơn giá vừa nêu, nhưng Công ty C, sẽ thanh toán cho Ông A ừng đợt, với số tiền bằng 70%, mà Công ty C đòi được từ Ông B; Ví dụ đòi được 100 triệu, thì sẽ thanh toán cho Ông A 70 triệu, đòi được 1 tỷ, thì thanh toán 700 triệu - Thực tế, đây chỉ là cách nói ngược lại ở trên (Ví dụ đòi được 100 triệu thì Công ty C nhận 30 triệu, đòi được 1 tỷ thì nhận 300 triệu). Mà hoàn toàn không khác gì nhau. Nhưng về mặt giấy tờ pháp lý, thì Ông A và Công ty C không sai, vì cái mà Họ đang giao dịch là mua bán nợ, mà không phải là đòi nợ thuê, nên hoàn toàn hợp pháp.

3. Mặc dù, để thành lập một Công ty mua bán nợ, pháp luật quy định phải có vốn 100 tỷ đồng. Nhưng đó cũng chỉ là lý thuyết, Họ hoàn toàn có thể mua bán nợ dưới tư cách cá nhân, nhưng không phải kinh doanh chuyên nghiệp, nên không cần phải thành lập Công ty. Hiện tại, Bộ luật hình sự hiện hành cũng đã bãi bỏ Tội danh kinh doanh trái phép. Cho nên, thực tế việc hoạt động dưới hình thức mua bán nợ, thay cho đòi nợ thuê sẽ diễn ra rầm rộ. Bà con có thể kiểm chứng bằng cách, lên Google gõ cụm từ "Mua bán nợ" sẽ thấy vô số công ty, quảng cáo dịch vụ mua bán nợ một cách công khai, náo nhiệt - Đơn giản, vì đây là ngành nghề kinh doanh hợp pháp.

II. ỦY QUYỀN ĐÒI NỢ

1. Giao dịch đòi nợ thuê, hoàn toàn có thể được thay đổi thành giao dịch ủy quyền đòi nợ - Khi Ông A có một khoản nợ cần đòi là 01 tỷ đồng từ Ông B; Ông A có thể ký Hợp đồng ủy quyền đòi nợ với Công ty C, theo đó Công ty C sẽ nhận ủy quyền từ Ông A, đi tìm B để đòi phải trả nợ cho Ông A; Phí dịch vụ đòi nợ thuê, sẽ trở thành thù lao thực hiện công việc có ủy quyền. Giao dịch ủy quyền này hoàn toàn hợp pháp, xét về bản chất pháp lý, không hề khác dịch vụ đòi nợ thuê một chút nào.

2. Có khác chăng chỉ là Công ty C, không được đăng biển, hay quảng cáo công khai rằng Mình là Công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nên có thể ít người biết đến hơn. Tuy nhiên, điều này cũng không hề quan trọng gì, bởi thay vào đó, Họ sẽ quảng cáo rằng: Ở đây nhận ủy quyền đòi nợ. Tóm lại, ngoài hạn chế là không thể làm biển trược trụ sở công ty với một màu đen ngòm, và dòng chữ đỏ đầy ẩn ý "Công ty Đòi Nợ Thuê" (Thể hiện sự xã hội đen và nợ máu) - Mọi chuyện còn lại, không có gì khác.

3. Dưới hình thức là giao dịch ủy quyền, Các bên hoàn toàn có thể ký Hợp đồng với tư cách cá nhân, dù cho đó là chủ nợ, hay Người nhận ủy quyền đòi nợ. Nên việc đòi nợ thuê thông qua Hợp đồng ủy quyền lại càng phổ biến. Đương nhiên, Hợp đồng này sẽ được công chứng; Vì Công chứng viên, không có bất kỳ cơ sở pháp lý nào, để từ chối chứng nhận Hợp đồng ủy quyền này - Chắc chắn thế. Cho nên, việc nhận ủy quyền đi đòi nợ, cứ thế công khai, minh bạch, mà làm. Và còn nhiều cách khác........

------

TỔNG KẾT LUẬN:

Ai trong cuộc đời cũng có lúc gặp những khó khăn nhất định, bao gồm cả khó khăn về tài chính. Việc phải vay mượn tiền bạc, tài sản là hết sức bình thường. Tuy nhiên có vay, cần có trả - Trừ những trường hợp mà Người vay lâm vào hoàn cảnh khó khăn thật sự, không thể nào trả nợ được, dù rất muốn, cần được cảm thông.

Thì ngược lại, có những Người vay mượn, nhưng cố tình không trả, thậm chí những Người này, khi vay không hề quá khó khăn, nhưng thấy vay được là cứ vay, để tiêu xài, ăn chơi, và không hề có ý định trả nợ. Những trường hợp này, nếu tố giác ra Công an, thường sẽ bị từ chối thụ lý, vì đây là việc dân sự - Điều này hoàn toàn đúng; Cách còn lại thì phải kiện ra Tòa án, nhưng cũng không khả thi, nếu Con nợ đã tẩu tán hết tài sản, vài ba năm Tòa mới xử xong, đến khi Thi hành án, thì Con nợ không còn tài sản gì cả ..... Xem như tiền mất, tật mang.

Cho nên, đối với những con nợ kiểu này, việc để các Tổ chức đòi nợ chuyên nghiệp nhảy vào tham chiến, là hoàn toàn hợp tình, hợp lý - Do đó, việc Luật cấm kinh doanh nghề này, là một điều đáng tiếc, dù rằng có thể hiểu được sự lo lắng của Nhà làm luật. Tuy nhiên có cung ắt có cầu - Bằng cách này, hay cách khác, việc đòi nợ hộ vẫn sẽ diễn ra một cách hợp pháp. Vì vậy, Ai đó nghĩ rằng việc kinh doanh đòi nợ thuê đã bị cấm, nên cứ thoải mái vay mượn, không còn sợ bị đòi nợ chuyên nghiệp dí nữa, thì nên cân nhắc lại - Bởi đó là một quan điểm sai lầm!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan