MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VỀ THỪA KẾ: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Chế định pháp luật về thừa kế là một Định chế pháp lý khá phức tạp, có nhiều vấn đề lằng nhằng, rối rắm. Đây cũng chính là một trong những quan hệ pháp luật thường xảy ra tranh chấp với nhiều hệ lụy tiêu cực, vì không chỉ liên quan đến vấn đề tài sản, mà còn là tình thân giữa những người đa phần có mối quan hệ ruột thịt. Chính bởi thế, việc có những hiểu biết nhất định về các quy định của pháp luật liên quan đến thừa kế, ít nhiều sẽ giúp cho Bà con ta tránh được những xung đột hay vướng vào các tranh chấp không đáng có. Với mục đích đó, trong phạm vi hạn hẹp của Bài viết này, Tác giả sẽ trình bày một số nội dung cơ bản và quan trọng nhất của Chế định pháp luật về thừa kế, để Bà con tham khảo và vận dụng khi cần thiết.

I. Bản chất của Thừa kế

Thừa kế là một giao dịch dân sự về việc định đoạt tài sản - Dịch chuyển tài sản từ Người chết cho những Người còn sống, sau khi Người để lại tài sản qua đời. Như vậy, Thừa kế là câu chuyện liên quan đến Tài sản - Là Di sản do Người chết để lại.

Trong giao dịch về Thừa kế, có 02 loại Chủ thể chính: Chủ thể để lại di sản thừa kế; Và Chủ thể nhận (Được hưởng) di sản thừa kế. Ngoài ra, còn có những Chủ thể có liên quan như: Chủ thể lưu giữ di chúc, Chủ thể quản lý di sản trước khi phân chia thừa kế, Chủ thể quan lý di sản dùng vào việc thờ cúng...

Cần lưu ý rằng: Chủ thể để lại di sản thừa kế chỉ có thể là Cá nhân. Nhưng Chủ thể được nhận di sản thừa kế thì có thể là Cá nhân, cũng có thể là Tổ chức. Tuy nhiên, Tổ chức là Chủ thể chỉ được nhận thừa kế theo di chúc, trong khi Cá nhân là chủ thể được nhận thừa kế cả theo di chúc và pháp luật. 

Ví dụ 1: Ông A trước khi chết có lập Di chúc để lại tài sản của mình cho Công ty B. Do đó, khi Ông A qua đời, Công ty B sẽ được quyền nhận di sản do Ông A để lại. Tuy nhiên Công ty X, không được quyền để thừa kế tài sản của mình cho bất kỳ ai. Vì khái niệm "Chết" và "Người Để lại di sản" chỉ áp dụng cho Cá nhân.

II. Các phương thức về Thừa kế

Có 02 phương thức để lại cũng như được hưởng di sản thừa kế, đó là: (i) Thừa kế theo Di chúc và (iii) Thừa kế theo pháp luật.

Thừa kế theo Di chúc, hiểu nôm na là việc thừa kế theo ý nguyện của Người chết lúc họ đang còn sống. Và nếu Di chúc được lập hợp pháp thì việc thừa kế theo Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng trước.

Như vậy, chỉ khi nào Chủ thể không để lại Di chúc, Di chúc không hợp pháp hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì lúc đó mới áp dụng phân chia thừa kế theo pháp luật. Trừ ngoại lệ, có một số Cá nhân đặc biệt, được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc sẽ được nói tiếp ở mục sau. 

Ví dụ 2: Ông A có 03 căn nhà. Trước khi qua đời, Ông A có lập Di chúc với nội dung để lại căn nhà thứ nhất cho Người con út. Và Di chúc không nhắc gì đến 2 căn nhà còn lại. Ví dụ Ông A có 6 Người con (Vợ đã mất từ lâu). Theo đó, khi Ông A chết, căn nhà thứ nhất sẽ được chia cho Cậu con út theo nội dung Di chúc. 02 căn nhà còn lại, không được nhắc đến trong Di chúc, sẽ được chia đều cho 6 Người con (Có cả phần của Cậu con út). Tức là, không phải vì Cậu út đã nhận một căn nhà, thì không được thừa kế theo pháp luật nữa - Đây là 02 vấn đề khác nhau. Tuy nhiên, nếu trong di chúc đã lập, Ông A có nói rõ rằng, ngoài căn nhà thứ nhất, Cậu con út không được hưởng thừa kế thêm bất kì một di sản nào khác, thì lúc đó lại cần hiểu rằng, Ông A đã tước quyền hưởng thừa kế của Cậu con út đối với những di sản còn lại. Lúc này, hai căn nhà tiếp theo chỉ phải chia đều cho 5 Người con (Không bao gồm Con út) mà thôi. 

III. Di chúc hợp pháp

Một Di chúc được coi là hợp pháp, nghĩa rằng nó có hiệu lực thi hành, phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau đây:

1. Người lập di chúc, vào thời điểm lập di chúc phải trong tình trạng minh mẫn, sáng suốt - Nghĩa rằng nếu khi lập Di chúc mà đã quá cao tuổi, rồi lúc nhớ, lúc quên, không còn minh mẫn thì Di chúc đó có thể bị tuyên vô hiệu nếu có tranh chấp.

2. Người lập Di chúc hoàn toàn tự nguyện - Nghĩa rằng họ không bị lừa dối, cưỡng ép hay đe dọa. Nếu vi phạm điều này, Di chúc không có giá trị.

3. Nội dung Di chúc không vi phạm điều cấm pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Ví dụ: Nếu Ông A qua đời, lập Di chúc để lại vài khẩu súng quân dụng cho đứa cháu, thì không có giá trị. Vì đây là vũ khí cấm Người dân sở hữu.

4. Di chúc phải được lập thành văn bản (Có thể công chứng hoặc không cần). Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, khi tính mạng bị đe dọa như bị tai nạn đột ngột dẫn đến hấp hối, không thể lập Di chúc bằng văn bản, thì có thể lập Di chúc miệng - Sau 03 tháng kể từ thời điểm Di ngôn miệng, mà Người này vẫn còn sống minh mẫn, sáng suốt, thì Di chúc miệng xem như bị hủy bỏ, không có giá trị. Như vậy, một Người không rơi vào hoàn cảnh tính mạng bị đe dọa, hoặc có bị đe dọa nhưng vẫn sống minh mẫn, sáng suốt sau 03 tháng tính từ lúc quay video, thì nếu lập di chúc miệng bằng cách quay video lại, video đó vẫn không có giá trị. Cá nhân Tác giả cho rằng, đây là một sự lạc hậu lớn của pháp luật so với sự phát triển của khoa học. Nhưng luật là luật, nên Bà con cần lưu ý lại điểm này, tức không được lầm tưởng cứ có video là yên tâm. 

Lưu ý: Một Người khi đang sống, họ có quyền lập cả trăm cái Di chúc. Và nếu những Di chúc đó mâu thuẫn với nhau - Thì Di chúc sau cùng là Di chúc có giá trị thi hành.

Ví dụ 3: Ông A có một căn nhà. Năm 2002, Ông A lập Di chúc, có Công chứng hẳn hoi, để lại căn nhà cho Anh con cả. Đến năm 2010, Ông A lập Di chúc để lại căn nhà này cho Anh con út. Năm 2015, Ông A qua đời, thì Di chúc năm 2010, có giá trị thi hành. Bà con lưu ý vấn đề này nhé, nên không phải cứ cầm tờ gì chúc có Công chứng là yên tâm đâu!

IV. Những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc

Đây là vấn đề mà nhiều Bà con thắc mắc nhất: Đã lập Di chúc, lại còn sinh ra những Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc, vậy lập Di chúc làm gì???!! Thực ra đây chính là điểm Công bằng của pháp luật, nhằm bảo vệ một phần những lợi ích cho một số Người nhất định. Sẽ thật là vô lý, nếu Ông A trước khi qua đời lập di chúc để lại hết toàn bộ tài sản riêng của mình cho Người tình, trong khi Cha mẹ già, Con thơ lại không có gì để trang trải cuộc sống.

Pháp luật quy định, những Người sau đây sẽ được hưởng một phần di sản do Người chết để lại, trong trường hợp Họ không được Người lập Di chúc cho hưởng Di sản hoặc cho hưởng, nhưng ít hơn phần Họ đáng ra được hưởng; Bao gồm:

1. Con chưa đủ 18 tuổi.

2. Cha mẹ của Người để lại Di sản.

3. Vợ hoặc Chồng (Chưa ly hôn) của Người để lại Di sản.

4. Con đã đủ 18 tuổi, nhưng không có khả năng lao động (Do tàn tật......).

Như vậy, đối với Con đã đủ 18 tuổi và có khả năng lao động, thì không thuộc diện được hưởng Di sản không phụ thuộc vào nội dung Di chúc.

** Về giá trị Di sản được nhận của những Người này là bằng 2/3 một suất thừa kế theo pháp luật. Đoạn này hơi lằng nhằng, Tác giả sẽ ví dụ cho Bà con dễ hiểu:

Ví dụ 4: Ông A có một khối tài sản riêng là 4 tỷ đồng. Ông A có vợ là Bà B, và 7 Người con (Cha mẹ Ông A đã chết). Trong đó Người con thứ 7 mới 15 tuổi. Những Người con khác đã trên 18 tuổi, và có khả năng lao động. Ông A lập Di chúc, để lại toàn bộ tài sản 4 tỷ này, cho Người con cả. Khi Ông A qua đời, di sản được chia như sau:

- Về nguyên tắc, Ông A có Di chúc, nên việc Di chúc sẽ được ưu tiên áp dụng. Tuy nhiên trong trường hợp này, có 02 Người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc: Vợ Ông A; Và Người con út chưa đủ 18 tuổi.

- Giả định, lúc đầu Ông A không có Di chúc, thì có 8 Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được hưởng Di sản của Ông A. 4 tỷ chia đều cho 8 Người, tức là mỗi Người 500 triệu.

- Theo đó, Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung Di chúc được hưởng thừa kế mức bằng 2/3 suất thừa kế theo pháp luật, tức là 2/3 của 500 triệu = 333 triệu.

- Tóm lại, Bà Vợ được 333 triệu; Đứa con út được 333 triệu. Còn bao nhiêu thuộc về Anh con cả. Những Người con còn lại không được gì!

V. Các hàng thừa kế theo pháp luật

Khi Người để lại Di sản không lập Di chúc, Di chúc không hợp pháp hoặc Di chúc không định đoạt hết tài sản, thì tài sản không có Di chúc sẽ được chia đều cho những Người thuộc cùng một nhóm hàng thừa kế, theo thứ tự ưu tiên sau:

1. Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

2. Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

3. Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Lưu ý: Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn bất kỳ ai ở hàng thừa kế trước do đã chết hoặc không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Nếu không có ai thuộc những hàng thừa kế đã nêu, di sản sẽ thuộc về Nhà nước.

VI. Thừa kế thế vị

Ví dụ 5: Ông A có 2 Người con là B và C. Anh B có 1 Người Con là F. Năm 2005, Anh B chết. Năm 2008 Ông A chết không để lại Di chúc. Những Người được hưởng thừa kế theo pháp luật của Ông A là B và C. Nhưng vì B đã chết trước đó, nên F là con B, sẽ được thay cha mình hưởng phần Di sản từ Ông nội của mình.

Như vậy, Thừa kế thế vị là: Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.

Lưu ý: Thừa kế thế vị không áp dụng trong trường hợp thừa kế theo Di chúc. Ví dụ: Ông A có tài sản 2 tỷ. Ông A có 3 Người con là B, C, D. Năm 2005, Ông A lập Di chúc để lại toàn bộ tài sản cho B. Năm 2007, Anh B chết. Năm 2008, Ông A chết. Di chúc của Ông A coi như vô giá trị, vì Anh B đã chết trước đó, con của Anh B không được thế vị cha mình để hưởng Di sản theo di chúc đó. Như vậy, 02 tỷ này sẽ được chia theo pháp luật cho 03 Người con, Anh B đã chết trước đó, nên con Anh B sẽ được thế vị cha mình hưởng phần di sản theo pháp luật. Đừng thắc mắc đoạn này: Con Anh B không được thế vị Di chúc, nếu thế vị Di chúc thì đã ôm trọn 02 tỷ, Vì Ông A Di chúc để hết cho B. Nhưng con B lại được thế vị theo pháp luật, vì lúc này, chia theo pháp luật, là chia đều cho 3 Người con, tức là 02 tỷ chia 03, tầm khoảng 700 triệu. Con Anh B sẽ được phần 700 triệu này thay cha mình.

VII. Thừa kế giữa Con nuôi và Cha mẹ nuôi

Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau như con đẻ và cha mẹ đẻ.

Ví dụ: Ông A có 02 Người con đẻ, và 01 Người con nuôi. Giả định, Ông A chết không để lại Di chúc, thì 03 Người con này, được hưởng thừa kế bằng nhau. Hiểu nôm na là không phân biệt Con nuôi hay đẻ.

VIII. Thừa kế giữa Con riêng và Cha dượng, mẹ kế

Con riêng và bố dượng, mẹ kế nếu có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau. Nghĩa rằng không phân biệt Con chung hay riêng. Lưu ý là giữa họ phải có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, thì mới được áp dụng quy định này.

........................

Công đoạn cuối cùng, của việc dịch chuyển tài sản từ Người chết sang cho Người sống, đó là Thủ tục khai nhận di sản - Bắt buộc áp dụng đối với tài sản phải đăng ký như Nhà cửa, xe cộ, hoặc tài sản gửi trong Ngân hàng.... (Còn đối với những tài sản khác, như vàng bạc, đá quý, tiền mặt, thì có thể chia nhau ngay mà không cần làm thủ tục khai nhận di sản). Khai nhận di sản là một thủ tục Dân sự - Hành chính; Bà con có thể thực hiện thủ tục này tại Văn phòng/Phòng Công chứng hoặc Ủy ban nhân dân cấp Xã. Sau khi hoàn tất thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thì tiến hành đăng ký sang tên tại Cơ quan có thẩm quyền - Hiểu nôm na, gần giống với thủ tục đăng ký sang tên khi Bà con mua Nhà cửa, xe cộ.....

Viết tại Sài Gòn - Luật sư Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan