LY CÀ PHÊ HƠN 7 TRIỆU ĐỒNG VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ "THUẬN MUA VỪA BÁN"!

Dẫn nhập: "Ngày 21/4, cộng đồng mạng tiếp tục xôn xao với hóa đơn bán hàng của quán cà phê Photo And Bike Coffee với 4 ly cà phê Phượng hoàng lửa có giá 28,8 triệu đồng. Liên quan đến hóa đơn nói trên, chủ quán Photo And Bike Coffee (đường Trần Phú, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) xác nhận hóa đơn bán hàng trên là đúng và người thưởng thức là 4 vị khách tới từ miền Nam, hôm 20/4" - Trích từ Báo điện tử VTC.

Chúng ta không loại trừ về khả năng, câu chuyện vừa nêu, chỉ là một chiêu trò kinh doanh của Ai đó, nhằm thu hút sự chú ý của Công chúng, hay nói cách khác cũng chỉ là một hình thức quảng cáo. Tuy vậy, ở đây, Chúng ta vẫn giả định rằng, câu chuyện này có thật, thì những vấn đề pháp lý nào sẽ được đặt ra, khả năng về số trường hợp có thể xảy ra và hậu quả pháp lý đối với từng trường hợp đó là gì?! Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải cụ thể, để Bà con cùng tham khảo, cũng như vận dụng khi cần thiết.

1. Theo quy định của pháp luật về giá cả, cũng như các quy định pháp lý khác có liên quan, thì chỉ có một số loại hàng hóa thiết yếu như lương thực, thuốc chữa bệnh, xăng, điện.... Là được liệt vào danh mục những mặt hàng bình ổn giá. Hiểu nôm na, đây là hàng hóa có sự quản lý, can thiệp của Nhà nước về mặt giá cả, nhằm đảm bảo an sinh xã hội, cũng như các vấn đề khác có liên quan. Nghĩa rằng, với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá này, thì Đơn vị kinh doanh không được bán giá khác với khung giá do Nhà nước quy định, nếu vượt rào, xem như là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý.

2. Như vậy - Đối với những hàng hóa còn lại, tức không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá vừa nêu, thì Người bán có quyền quyết định giá bán, nghĩa rằng bán giá nào cũng được, nhưng với điều kiện giá bán phải thỏa thuận từ đầu hoặc đã được công bố khai, nếu không thỏa mãn được một trong hai điều kiện vừa nêu tức là nếu không thỏa thuận từ đầu hoặc không công bố công khai, thì lúc này giá cả đối với mặt hàng này, được xác định dựa trên giá cả thị trường. Nghĩa rằng, có 03 trường hợp có thể xảy ra với câu chuyện ly cà phê hơn 7 triệu nêu trên (Các hàng hóa khác không thuộc mặt hàng bình ổn giá cũng hoàn toàn tương tự). Cụ thể như sau:

3. Một là - Trường hợp thứ nhất: Bên bán và Bên mua đã thỏa thuận, thống nhất rõ về giá, việc thỏa thuận này hoàn toàn tự nguyện, không bị nhầm lẫn, lừa dối hay đe dọa; Thì giá cả mà các Bên đã thỏa thuận là hợp pháp, cho dù giá đó có thể cao ngất ngưỡng; Nghĩa rằng giao dịch của các Bên không vi phạm pháp luật. Đây chính là sự thể hiện cho nguyên tắc tự do giao kết, thực hiện hợp đồng, mà Bà con ta hay gọi là thuận mua vừa bán. Ví dụ: Ông A có một căn nhà, giá thị trường khoảng 10 tỷ đồng, nhưng Ông A hét giá 100 tỷ, Ông B vẫn đồng ý mua. Giao dịch này hoàn toàn hợp pháp theo tinh thần thuận mua vừa bán, vì giao dịch này không xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của ai cả (Trừ khi có dấu hiệu rửa tiền, tạm không bàn đến). Hay nói cách khác giao dịch này chỉ trực tiếp liên quan đến Bên mua và Bên bán, không liên quan đến bất kỳ ai khác, nên biên độ tự do thỏa thuận của Họ, gần như không giới hạn: Nhà của Ông A – Còn tiền của Ông B, các Bên muốn làm gì thì làm, miễn là không gây ảnh hưởng đến Ai. Vụ ly cà phê hơn 7 triệu đồng cũng hoàn toàn tương tự, nếu đã thỏa thuận trước về giá, thì giao dịch này hoàn toàn hợp pháp.

4. Hai là - Trường hợp thứ 2: Giá đã được Bên bán niêm yết/thông báo/đăng ký công khai và Bên mua đã biết hoặc buộc phải biết trước khi thực hiện giao dịch, thì giá mua bán này là hợp lệ và có hiệu lực thi hành. Ví dụ, khi Bà con ta vào Nhà hàng, trên thực đơn của Nhà hàng đã ghi rõ mặt hàng cùng giá cả kèm theo, Bà con ta đã biết rõ, mà vẫn gọi món, vẫn mua, thì có nghĩa Bà con đã chấp nhận giá cả này, khoa học pháp lý gọi đây là "Hợp đồng ưng thuận", tức giá cả do Nhà hàng ban hành trước, Bà con biết và đồng ý, xem như là chấp nhận giá cả này; Hay khi Bà con ta đi siêu thị cũng thế, giá cả đã được ghi rõ trên từng sản phẩm. Do đó, dù giá bán nếu có cao hơn thực tế nhiều lần, thì giao dịch này vẫn hợp pháp. Vụ ly cà phê hơn 7 triệu đồng cũng hoàn toàn tương tự, nếu giá cả đã được niêm yết/đăng ký/thông báo công khai, thì giao dịch này hoàn toàn hợp pháp.

5. Ba là - Trường hợp thứ ba - Đây cũng là trường hợp Tác giả muốn Bà con lưu tâm để tránh bị "Chặt chém": Đó là trường hợp Bên mua và Bên bán không thỏa thuận trước về giá, và Bên bán cũng không hề niêm yết/đăng ký/thông báo công khai về giá. Khoa học pháp luật dân sự gọi trường hợp này là "Hợp đồng khiếm khuyết", tức là các Bên đã "quên" không quy định về giá cả: Ví dụ điển hình nhất là Bà con ta vào quán ăn, quên không hỏi giá, quán ăn cũng không niêm yết về giá, sau khi Bà con ta ăn xong một tô phở, gọi tính tiền, thì Chủ quán hét giá gấp cả trăm lần - Vậy tình huống này giải quyết thế nào?! Điều 433.2 Bộ luật dân sự 2015 quy định: "Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về giá, phương thức thanh toán thì giá được xác định theo giá thị trường, phương thức thanh toán được xác định theo tập quán tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng" - Theo đó, lúc này tô phở Bà con ta đã ăn được xác định theo giá thị trường trên địa bàn. Những trường hợp khác, hoàn toàn hiểu y chang như vậy. Trường hợp nếu Bên bán lập luận rằng sản phẩm của họ có chất riêng tạo nên thương hiệu, thì họ phải chứng minh chất riêng và giá trị đó, nhưng thường sẽ rất khó để chứng minh. Vụ ly cà phê hơn 7 triệu đồng cũng hoàn toàn tương tự, nếu không thỏa thuận trước về giá và cũng không công khai trước về giá, thì giá ly cà phê sẽ được định giá theo giá thị trường.

Từ những phân tích và luận chứng trên, Bà con ta có thể hiểu tóm lược lại như sau: Với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá, thì phải bán theo giá đã quy định. Đối bới những mặt hàng khác, Bên bán được quyết định giá bán, nhưng phải thỏa thuận rõ trước hoặc phải công khai trước, bằng không, thì phải xác định theo giá thị trường, mà không phải cố tình tảng lờ, giả quên từ đầu, để rồi sau đó nghĩ rằng được quyền "chặt chém". Vì pháp luật không hề quy định "Lỡ ăn rồi, thì giá nào cũng phải chịu", bởi nếu quên thỏa thuận về giá, hoặc không rõ ràng về giá, thì lúc này giá bán được xác định theo giá chung trên thị trường. Mong rằng, Bà con ta nhớ rõ luận điểm này, để còn vận dụng trong những trường hợp cần thiết......

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan