RỦI RO PHÁP LÝ TỪ VIỆC NHẬN CẦM ĐỒ (NHẬN CẦM CỐ) TÀI SẢN KHÔNG CHÍNH CHỦ: LUẬN GIẢI VÀ KHUYẾN NGHỊ!
Vài ngày trước, truyền thông đưa tin về việc một “Ông trùm siêu xe” vướng vòng lao lý, khi đã có hành vi mang xe của Khách hàng nhờ bán, đem đi cầm cố/cầm đồ để vay tiền phục vụ cho mục đích cá nhân của “Ông trùm”. Thông tin này, cho phép Bà con ta tạm kết luận rằng, “Ông trùm siêu xe” đã mang xe của Khách đi cầm cố, trong khi chưa được Khách hàng ủy quyền thực hiện loại giao dịch này - Đương nhiên là phải vậy, bởi nếu đã được Khách hàng ủy quyền, thì tất lẽ “Ông Trùm” có quyền thực hiện giao dịch đó dựa trên công việc và phạm vi ủy quyền.
Vụ việc vừa nêu, đặt ra một vấn đề, đó là đối với những Chủ thể đã nhận cầm cố/nhận cầm đồ chiếc “Siêu xe” không phải của “Ông Trùm” sẽ gặp phải rủi ro pháp lý gì? Hay phổ quát hơn thì: Điều gì sẽ xảy ra nếu như nhận cầm đồ/cầm cố tài sản từ Người không phải chủ sở hữu và cũng không được Chủ sở hữu ủy quyền (Nôm na là Người không có quyền đối với tài sản hay tài sản không chính Chủ). Đây là điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng lý luận và thực tiễn lại chứa đựng nhiều khía cạnh khá phức tạp.
Để giải quyết tình huống vừa nêu, pháp luật phân loại hai tài sản với hai hướng xử lý có phần khác nhau: (i) Tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu; (ii) Tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản.
1. Đối với tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu (Ví dụ như Tivi, vàng bạc, xe đạp…). Đối với tài sản này, thì Người nhận cầm cố/nhận cầm đồ không thể biết và không bắt buộc phải biết là Người mang tài sản đến cầm cố có phải là Chủ sở hữu hay không, nên dựa trên thuyết chiếm hữu thực tế “Người đang chiếm hữu được suy đoán là Người có quyền đối với tài sản đó”, vì vậy Chủ thể nhận cầm cố/cầm đồ luôn được xem là ngay tình, cho dù tài sản sau này được xác định là không phải của Người đã cầm cố. Khi đó sẽ xảy ra hai khả năng: (i) Nếu như tài sản là do Người đến cầm cố trộm cắp, cướp giật… (Nôm na là bị chiếm hữu ngoài ý chí của Chủ sở hữu), thì Người nhận cầm cố/nhận cầm đồ phải trả lại tài sản này cho Chủ sở hữu và không được đòi Chủ sở hữu bồi thường bất cứ khoản tiền nào, tất nhiên Người đã nhận cầm cố có quyền yêu cầu Người đã cầm cố phải trả lại tài sản đã vay của mình và bồi thường thiệt hại (Ví dụ: A cầm cho B một chiếc xe đạp lấy 1 triệu đồng, sau này chiếc xe đạp được xác định là do A lấy cắp của C, thì B phải trả lại chiếc xe này cho C, mà không được đòi tiền chuộc từ C, nhưng B vẫn có quyền đòi A trả lại tiền cho mình); (ii) Nếu như tài sản do Người đến cầm cố mượn hay thuê từ Chủ sở hữu hoặc được Chủ sở hữu gửi giữ (Nôm na là ban đầu bị chiếm hữu bởi ý chí của Chủ sở hữu) thì Người nhận cầm cố/nhận cầm đồ không phải trả lại tài sản này cho Chủ sở hữu vô điều kiện như trên, hay nói cách khác Chủ sở hữu muốn nhận lại tài sản thì phải bỏ tiền ra chuộc, tất nhiên sau đó Chủ sở hữu có quyền yêu cầu Người đã cầm cố phải trả lại tiền mà mình đã bỏ ra để chuộc lại tài sản (Ví dụ: A cầm cho B một chiếc xe đạp lấy 1 triệu đồng, sau này chiếc xe đạp được xác định là do A mượn của C, thì B chỉ phải trả lại chiếc xe này cho C, với điều kiện C phải bỏ tiền ra để chuộc lại (Hiểu nôm na là C phải đặt mình vào trạng thái như chính mình đã đi cầm chiếc xe), tất nhiên sau đó C vẫn có quyền đòi A trả lại tiền chuộc cho mình). Lưu ý: Ở mục này, Bà còn ta vẫn chỉ đang bàn đến tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu. Tất nhiên hành vi của A trong cả hai tình huống đều có dấu hiệu vi phạm hành chính hoặc hình sự, nhưng Chúng ta chưa bàn đến vì không phải trọng tâm Bài viết này.
2. Đối với tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản (Ví dụ như xe ô tô, xe máy, tàu bay, đất đai, nhà cửa….). Đối với tài sản này, thì Người nhận cầm cố/nhận cầm đồ bắt buộc phải biết là Người mang tài sản đến cầm cố có phải là Chủ sở hữu hoặc đã được Chủ sở hữu ủy quyền hay không? Tất nhiên rồi, Ông A mang một chiếc xe máy đứng tên Ông B đến để cầm cố, rõ ràng Ông A không phải là Chủ sở hữu đối với xe này, cho nên muốn cầm cố thì phải được Chủ sở hữu ủy quyền, bằng không thì giao dịch sẽ bị vô hiệu. Do đó, đối với trường hợp này thì Chủ thể đã nhận cầm cố luôn luôn phải trả lại tài sản cho Chủ sở hữu mà không phân ra nhiều trường hợp như mục trên. Vụ việc của “Ông trùm siêu xe” thuộc dạng này, tóm lại Chủ thể đã nhận cầm cố phải trả lại “Siêu xe” cho Chủ sở hữu mà không được đòi Chủ sở hữu trả tiền chuộc, nhưng Chủ thể đã nhận cầm cố vẫn có quyền đòi lại tiền từ “Ông trùm”, nhưng chỉ là quyền thôi, thực tế “Ông trùm” còn tiền để trả không, lại là một vấn đề khác.
Trong cuộc sống thường nhật, có vẻ như những Đơn vị nhận cầm đồ khá dễ dãi trong việc nhận cầm cố tài sản là động sản phải đăng ký quyền sở hữu, tức chỉ cần có tài sản có giấy tờ là được chấp nhận cầm cố, ngay cả khi Người đến cầm cố không phải là Người đứng tên trên tài sản và cũng không có ủy quyền. Trong trường hợp này, Chủ thể nhận cầm cố luôn không được xem là Người ngay tình, vì tài sản phải đăng ký quyền sở hữu nên Họ buộc phải biết Người đến cầm cố có hay không có quyền đối với tài sản đó. Nếu biết Người đến cầm cố không có quyền, mà Họ vẫn nhận cầm cố, thì Họ không được xem là ngay tình và không được pháp luật bảo vệ. Cho nên rủi ro pháp lý Họ đón nhận: Nhẹ thì phải trả lại tài sản cho Chủ sở hữu mà không được đòi tiền chuộc từ Chủ sở hữu, nặng thì bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy từng trường hợp cụ thể. Cho nên, đây là vấn đề Bà con cần hết sức lưu tâm, để phòng tránh những rủi ro pháp lý có thể gặp phải.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!