MỘT VÀI VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC THI HÀNH BẢN ÁN DÂN SỰ!
Có lẽ với nhiều Bà con, thường hay quan niệm, nghĩ rằng, khi có tranh chấp, và việc tranh chấp đó đã được Tòa án xét xử và đã có Bản án, là xem như xong, mọi chuyện đã kết thúc! Nhưng đó thực sự mới chỉ là một phần của chặng đường, nếu không muốn nói đó chỉ mới là non nửa chặng đường. Bởi quá trình tổ chức thi hành Bản án đó - Được tiến hành bởi Cơ quan thi hành án Dân sự (Cấp huyện gọi là Chi cục thi hành án dân sự; Cấp tỉnh gọi là Cục thi hành án dân sự; Cấp trung ương gọi là Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ tư pháp) là một quá trình hết sức vất vả, gian nan.
Trong phạm vi hạn hẹp của Bài viết này, Tác giả chỉ đề cập đến những vấn đề mấu chốt nhất liên quan đến việc thi hành án, dưới góc độ lý luận và thực tiễn, để Bà con tham khảo, và có thể vận dụng khi cần thiết. Những vấn đề này không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi cho Người được thi hành án (Hiểu nôm na là Người được quyền nhận tiền, được trả nợ, được bồi thường ..... tựu chung là Người có lợi ích) mà cho cả Người phải thi hành án (Hiểu nôm na là Người phải trả tiền, trả nợ, phải bồi thường ..... tựu chung là Người có nghĩa vụ).
I. Không phải Bản án nào cũng có thể được thi hành trên thực tế
Mặc dù pháp luật quy định rằng, mọi Bản án đã có hiệu lực đều có giá trị thi hành và được tuân thủ. Nhưng trên thực tế, có nhiều Bản án không thể thi hành bởi nhiều lý do, mà một trong những lý do phổ biến nhất là Người phải thi hành không có khả năng thi hành án.
Ví dụ 1: Ông A nợ Ông B 500 triệu đồng, Ông A không chịu trả. Ông B kiện ra Tòa án, Tòa án tuyên buộc Ông A phải trả nợ cho Ông B. Sau khi Bản án có hiệu lực, Ông B nộp đơn ra Cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành Bản án. Quá trình xác minh, Ông A không còn bất kỳ tài sản nào đáng giá. Nghĩa rằng không có khả năng thi hành án. Mọi thứ phải hoãn vô thời hạn cho đến khi nào ..... Ông A có tiền! Hiểu nôm na, thắng án trong trường hợp này, gần như vô nghĩa.
Do đó, trước khi khởi kiện, Bà con cần cân nhắc xem, Người bị kiện còn có khả năng thi hành án hay không?! Nếu không còn khả năng thì tốt nhất đừng kiện, vì mất thời gian, chi phí, mà vô ích!
II. Đừng kéo dài thời gian phải thi hành án nếu không có cơ may lật lại Vụ án
Nếu như Bản án mà Tòa tuyên, buộc Bà con phải trả nợ, trả tiền cho Ai đó. Và Bà con nhận thấy việc Tòa tuyên như thế là hợp tình, hợp lý, nghĩa rằng Bà con không thể đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm để hủy án. Thì Bà con nên nhanh chóng tự nguyện thi hành án. Vì càng dây dưa, để lâu, Bà con càng thiệt. Bởi khi đó Bà con phải trả lãi cho việc chậm thi hành án. Càng để lâu thì lãi càng nhiều.
Ví dụ 2: Ông A vay Ngân hàng 01 tỷ đồng, có thế chấp 01 căn nhà. Ông A không trả nợ, Ngân hàng kiện ra Tòa yêu cầu trả nợ gốc và lãi là 1,2 tỷ. Tòa tuyên theo yêu cầu của Ngân hàng. Khi tổ chức thi hành án, căn nhà đã thế chấp được định giá là 02 tỷ đồng. Nếu lúc đầu Ông A tự nguyện thi hành, thì sau khi bán nhà trả nợ Ông A vẫn còn gần 800 triệu. Nhưng Ông A không tự nguyện thi hành, cứ ở mãi trong nhà không chịu giao, Ngân hàng cũng không làm căng, Ông A nghĩ thế là hay. Nhưng Ngân hàng đợi đến khi khoản nợ lãi và gốc bằng hoặc vượt quá giá trị căn nhà! Xong - Ông A bị trục xuất khỏi nhà, mà không có một đồng nào.
Cho nên, nếu có điều kiện thi hành án, và nhận thấy việc Bản án tuyên là hợp tình hợp lý, thì Bà con nên tự nguyện thi hành án.
III. Chủ động yêu cầu Cơ quan thi hành án, đưa vào tham gia với tư cách Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Có những Vụ án khi tranh chấp và xét xử tại Tòa án, không hề liên quan đến Bà con, nhưng khi thi hành án lại liên quan đến Bà con, trong những trường hợp này, Bà con phải chủ động yêu cầu cơ quan thi hành án đưa mình vào tham gia với tư cách là Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nhằm có những biện pháp thích hợp bảo vệ quyền và lợi ích của mình.
Ví dụ 3: Ông A nợ Ông B 500 triệu đồng, Ông A không chịu trả. Ông B kiện ra Tòa án, Tòa án tuyên buộc Ông A phải trả nợ cho Ông B. Sau khi Bản án có hiệu lực, Ông B nộp đơn ra Cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành Bản án. Quá trình xác minh, nhận thấy Ông A có 01 thửa đất do Ông A đứng tên. Nên cơ quan thi hành án quyết định kê biên, bán đấu giá thửa đất này để trả nợ. Tuy nhiên, nếu thửa đất này có Ông C góp chung tiền để mua, và có giấy tờ việc góp chung này. Thì Ông C phải yêu cầu cơ quan thi hành án đưa mình vào với tư cách Người có quyền lợi liên quan. Khi đó sẽ phải xác minh giá trị mà Ông A góp bao nhiêu, Ông C góp bao nhiêu. Và cơ quan thi hành án chỉ được lấy phần của Ông A trả nợ cho B, chứ không được lấy cả thửa đất!
IV. Lưu ý vấn đề về thời hiệu
Đây là một trong những vấn đề quan trọng bậc nhất, nhưng lại thường bị Bà con xem nhẹ nhất. Thời hiệu được nói đến ở đây là thời hiệu yêu cầu thi hành án, thời hiệu khiếu nại, là khoảng thời gian mà pháp luật quy định cho Bà con được quyền yêu cầu, quyền khiếu nại, nếu thời gian này qua đi, thì Bà con mất quyền này.
Ví dụ Bà con được Tòa án tuyên là được Bồi thường một khoản tiền. Thì thời hạn để Bà con yêu cầu thi hành án là 05 năm. Nếu thời gian này trôi qua, Bà con không được quyền yêu cầu nữa. Còn thời hạn khiếu nại các quyết định thi hành án là 15 ngày, 30 ngày .... tùy từng trường hợp, nếu Bà con thấy các quyết định này không đúng, thì phải khiếu nại ngay trong thời gian này, nếu để nó qua đi, là không còn khiếu nại được nữa.
Nói chung các vấn đề liên quan đến thi hành án là khá phức tạp và gian truân. Thời gian có thể kéo dài mông lung với vô vàn lý do. Cho nên khó có thể trình bày cặn kẽ được. Tuy nhiên, với những vấn đề cốt lõi trên đây, hi vọng ít nhiều có thể giúp Bà con vận dụng khi cần thiết!
Viết tại Sài Gòn - Luật sư Đặng Bá Kỹ!