TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ - KHI QUYỀN LỰC BỊ ''KHIẾM KHUYẾT'': NHÌN TỪ VỤ KIỆN UKRAINE - NGA VÀ QUÁ KHỨ TỐ TỤNG!

Toà án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ) - Một cái tên nghe rất kêu, rất hoành tráng, nhưng thực tế chỉ là một mô hình tài phán bị khuyết tật - Khi giá trị phán quyết của Tòa, chỉ mang ý nghĩa biểu trưng, mà không hề có cơ chế cưỡng chế thi hành. Hay nói cách khác, phán quyết của Tòa gần như chỉ có giá trị an ủi, khích lệ Bên "thắng án" rằng Họ đúng, và Bên "thua án" sai, nhưng nó không hề có giá trị bắt buộc Bên thua phải chấm dứt hành vi sai trái và phải bồi thường cho Bên kia. Nếu như đó không là công lý khuyết tật, quyền lực bị khiếm khuyết, thì là gì?! Những phân tích sau đây của Bài viết, sẽ giúp Độc giả rõ hơn về điều này.......

I. VỀ VỤ KIỆN CỦA UKRAINE - NGA

Vì Bài viết này, được viết trong hoàn cảnh đang xảy ra Vụ Ukraine (Ukr) kiện Nga ra Tòa án công lý quốc tế, vì vậy Chúng ta cần phải điểm qua các vấn đề có liên quan đến Vụ kiện này, để từ đó làm nổi bật "Vai trò" của Tòa án công lý quốc tế - Cũng như "Sức mạnh" thật sự của Tòa án này.

Nga tấn công quân sự vào Ukr - Một quốc gia độc lập có chủ quyền, hành động gây chiến tranh, xâm lược này của Nga là trái với Công pháp quốc tế. Tuy nhiên, Tòa án công lý quốc tế lại không có thẩm quyền phán quyết, xét xử về một cuộc chiến tranh xâm lược giữa các Quốc gia. Có nghĩa rằng, một Quốc gia bất kỳ nào đó, không thể kiện Quốc gia khác ra Tòa, với nguyên nhân vì bị Quốc gia khác gây chiến tranh, xâm lược - Bởi lý do, Tòa án công lý quốc tế, không có thẩm quyết xét xử những tranh chấp này.

Nghe thì có vẻ khôi hài - Vì như vậy, chứng tỏ Tòa án công lý quốc tế cũng có "vùng cấm". Nhưng lý do rất đơn giản: Tòa án công lý quốc tế là "con đẻ" của Liên Hợp Quốc, mà Liên Hợp Quốc vào buổi sơ khai và cả bây giờ, thuộc về 05 Nhân vật chóp bu: Mỹ - Liên Xô (Nga) - Anh - Pháp - Tàu (Gọi là Hội đồng bảo an), mà 05 Nhân vật này vào thời điểm đó lúc nào cũng đánh nhau liên miên, chẳng dại gì mà trao cho Tòa án công lý quốc tế thẩm quyền phán xử về chiến tranh xâm lược, để tự bắn vào chân mình. Nhưng chỉ ngay điểm này, cũng đủ cho thấy Tòa án công lý quốc tế được thành lập, chỉ để giải quyết những việc "Ngoài binh đao" giữa các Siêu cường.

Chính vì lẽ đó, mà Bà con lưu tâm rằng, Ukr kiện Nga ra Tòa án công lý quốc tế, không phải vì bị Nga tấn công quân sự và xâm lược, vì nếu kiện theo cách này, Đơn sẽ bị trả về, vì Tòa không có thẩm quyền như đã nói. Thế nên, Ukr kiện Nga, với lý do là Nga đã vu khống Ukr thực hiện hành vi diệt chủng, và chính vì lý do đó mà Nga đánh Ukr. Tức là Ukr kiện Nga liên quan đến hành vi mà Nga cáo buộc Ukr là diệt chủng, kiện theo phạm vi của Công ước về chống diệt chủng, mà cả Ukr và Nga đều là thành viên. Chính vì thế, Tòa án công lý quốc tế sẽ có thẩm quyền xác định Ukr có diệt chủng hay không.

Nội dung và mục tiêu của Ukr là thế này: Vì Nga đã vu khống Ukr thực hiện hành vi diệt chủng, và chính vì lý do đó mà Nga đánh Ukr. Nên Ukr yêu cầu Tòa án công lý quốc tế, điều tra, xét xử và tuyên bố rằng: UKr không có hành vi diệt chủng, mà như thế thì Nga không có lý do để tấn công quân sự Ukr.

Trong khi đó, phía Nga mặc dù chẳng thèm đến tham gia phiên họp để xác định thẩm quyền của Tòa, nhưng có gửi một bản trình bày ý kiến, nêu rõ rằng: Họ không tấn công quân sự vào Ukr với lý do Ukr gây ra nạn diệt chủng, mà tấn công quân sự Ukr theo quy định tại Điều 51 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc - Tức là Nga nói rằng Họ tấn công quân sự là để tự vệ, do an ninh bị đe dọa, chứ phải vì UKr diệt chủng gì cả. Chưa nói đến lập luận của Nga đúng hay sai, nhưng lập luận này, chỉ để nhằm phản bác rằng Tòa án công lý quốc tế không có quyền tài phán cuộc xâm lược này, vì đây là "vùng cấm'' như đã nêu ở trên.

Tuy nhiên, Tòa án công lý quốc tế đã căn cứ vào những phát ngôn ban đầu của Tổng thống - Nguyên thủ quốc gia, đại diện cho Nhà nước Nga, và những nhân vật chóp bu khác, về việc cáo buộc Ukr đã có hành vi diệt chủng, như là cái cớ để tấn công quân sự Ukr, nên Tòa án công lý quốc tế có thẩm quyền xét xử tranh chấp này.

Cùng với việc, xác định mình có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, Tòa án công lý quốc tế đã quyết định áp dụng "Biện pháp khẩn cấp tạm thời" (Khoa học pháp lý đôi khi gọi là "biện pháp ngăn chặn ngay lập tức") đó là buộc Nga, phải dừng tấn công quân sự vào Ukr, cho đến khi Tòa án điều tra và ra phán quyết về vụ tranh chấp. Lưu ý, là ở đây Tòa mới chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời mà chưa phải đưa ra phán quyết cuối cùng để giải quyết tranh chấp, rất nhiều Trang báo đã nhầm ở chi tiết này, khi nói rằng Tòa đã ra phán quyết.

Nói tóm lại - Về trình tự tố tụng: Cho đến thời điểm hiện tại, Tòa đã chấp nhận thụ lý Đơn kiện, tức xác định Tòa có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, và đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tiếp theo đây sẽ là một diễn tiến dài dằng dặc về điều tra, thu thập chứng cứ, để rồi xét xử. Tất nhiên, nước Nga có thể không thèm tham gia, Tòa án công lý quốc tế cũng chẳng thể "áp giải" đại diện nước Nga tới Tòa, có nghĩa là tự Tòa, Ukr và Thế giới tự xử với nhau, mà không có nước Nga. Đây chính là khiếm khuyết thứ hai của Tòa án công lý quốc tế.

II. HIỆU LỰC PHÁN QUYẾT CỦA TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ

Như trên đã nêu, Tòa án công lý quốc tế đã quyết định áp dụng "Biện pháp khẩn cấp tạm thời" (Khoa học pháp lý đôi khi gọi là "biện pháp ngăn chặn ngay lập tức") đó là buộc Nga, phải dừng tấn công quân sự vào Ukr, cho đến khi Tòa án điều tra và ra phán quyết về vụ tranh chấp. Tuy nhiên, phán quyết này hoàn toàn chỉ mang biểu tượng chính trị, để cho Thế giới văn minh thấy rằng, Nga đã bất chấp luật lệ và lý lẽ thế nào, mà không hề có giá trị thi hành. Hay nói cụ thể hơn: Nếu Nga không chịu thi hành phán quyết vừa nêu, thì Tòa án công lý quốc tế cũng chẳng thể làm gì hơn. Ngôn ngữ chính trị - Người ta gọi là "Phớt lờ phán quyết".

Như vậy, hiệu lực phát quyết của Tòa án công lý quốc tế gần như là không có giá trị thi hành - Hay chính xác hơn, chỉ có giá trị trong một chừng mực nào đó, khi và chỉ khi 05 Nhân vật chóp bu: Mỹ - Nga - Anh - Pháp - Tàu (Gọi là Hội đồng bảo an) đều gật đầu đồng ý cưỡng chế thi hành, nghĩa rằng chỉ cần có 01 trong 05 Nhân vật này dùng quyền phủ quyết, là không thể thi hành. Mà trong trường hợp này, đương nhiên Nga sẽ phủ quyết, cho nên phán quyết vừa nêu của Tòa án, chỉ mang tính biểu trưng, khích lệ Nhân dân UKr mà thôi.

Ngược dòng về quá khứ, đã rất nhiều lần phán quyết của Tòa án công lý quốc tế bị các Đương sự xem không ra gì: Năm 2004 Tòa án công lý quốc tế đưa ra phán quyết lên án hàng rào an ninh của Israel, kết tội hành động của Israel là vi phạm luật pháp quốc tế và phải dỡ bỏ hàng rào này ngay lập tức, cũng như bồi hoàn chi phí thiệt hại cho người Palestine. Israel phản đối quyết liệt quyết định trên và lờ đi, vẫn tiếp tục xây dựng và củng cố hàng rào an ninh; Argentina vào năm 1977 và Hoa Kỳ vào năm 1984 cũng có các quyết định tương tự.......

Trong Bài viết trước, khi nói về việc Nga xâm lược Ukr, thì Chúng ta đã từng nêu rằng: Công pháp quốc tế đôi khi chỉ là lý thuyết chém gió tại các hội thảo, nguyên tắc Pacta sunt servanda (Tôn trong cam kết quốc tế) chỉ là trò lừa đảo; Thì hôm nay, thông qua Bài viết này, Chúng ta lại thấy rằng: Phán quyết của Tòa án công lý quốc tế, nhiều khi chỉ là trò con trẻ của các Siêu cường mà thôi. Liên Hiệp Quốc ra đời sau Thế chiến thứ 2, với kì vọng sẽ thay thế và làm tốt hơn vai trò của Hội Quốc Liên đã bị khai tử trước đó, nhưng sự kì vọng đó chưa bao giờ đạt được - Khi nó vẫn thực sự, chỉ là luật chơi của các Nước lớn với nhau?!?!

Viết tại sài gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan