TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO VI PHẠM NGHĨA VỤ HỢP ĐỒNG: HIỂU VÀ ÁP DỤNG!
Trong quá trình tham gia giải quyết các tranh chấp Dân sự, cũng như tiếp cận các Hợp đồng, giao dịch do Bà con xác lập, ký kết ..... Tác giả nhận thấy, có vẻ như Bà con chưa thật hiểu về trách nhiệm Bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ. Và phần lớn Bà con, hiểu đơn giản rằng: Cứ có hành vi vi phạm nghĩa vụ, là có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Cũng chính vì cách hiểu như vậy, dẫn đến việc Bà con không biết căn cứ vào đâu, để xác định phải đòi bồi thường thiệt hại bao nhiêu là hợp lý.......
Chính vì vậy, trong phạm vi hạn hẹp của Bài viết này, Tác giả sẽ trình bày những nội dung chính yếu nhất, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cách xác định thiệt hại, và những trường hợp loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ..... Để Bà con có thể hiểu và vận dụng trên thực tế!
I. CĂN CỨ PHÁT SINH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Bên có quyền (Hay còn gọi là Bên bị vi phạm) chỉ có thể yêu cầu Bên vi phạm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại, khi có đầy đủ các điều kiện luật định. Bao gồm 03 điều kiện sau đây:
1. Có hành vi vi phạm nghĩa vụ
Căn cứ đầu tiên, làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, đó chính là có hành vi vi phạm nghĩa vụ của Bên có nghĩa vụ.
- Vi phạm nghĩa vụ, đó có thể là việc Bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn. Ví dụ 1: A đặt mua của B một bộ bàn ghế gỗ, thỏa thuận trong vòng 15 ngày phải giao hàng, tuy nhiên phải đến 30 ngày sau, B mới giao hàng cho A. Như vậy, B đã vi phạm nghĩa vụ của mình, là giao hàng không đúng thời hạn.
- Vi phạm nghĩa vụ, đó cũng có thể là việc Bên có nghĩa vụ thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ. Ví dụ 2: A vay của B 100 triệu đồng, thỏa thuận trong vòng 15 ngày trả đủ, nhưng khi đến hạn, A chỉ trả được 50 triệu. Như vậy, A đã vi phạm nghĩa vụ của mình, là thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ.
- Vi phạm nghĩa vụ, đó còn có thể là việc Bên có nghĩa vụ thực hiện không đúng nội dung nghĩa vụ. Ví dụ 3: A đặt mua của B một bộ bàn ghế gỗ lim, nhưng khi giao hàng, B lại giao bộ bàn ghế bằng gỗ sồi. Như vậy, B đã vi phạm nghĩa vụ của mình, là giao hàng không đúng thỏa thuận.
Lưu ý, chỉ cần vi phạm một trong các nghĩa vụ trên đây, thì đã được xem là vi phạm nghĩa vụ, tuy nhiên cũng có trường hợp vi phạm nhiều nghĩa vụ cùng lúc. Ví dụ: Vừa giao hàng trễ hạn, vừa giao thiếu, lại kém chất lượng.
2. Có thiệt hại xẩy ra trên thực tế
Chỉ vi phạm nghĩa vụ thôi chưa đủ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mà chỉ khi nào hành vi vi phạm nghĩa vụ đã làm phát sinh thiệt hại, thì Bên bị vi phạm nghĩa vụ mới có quyền đòi bồi thường thiệt hại. Nghĩa rằng, nếu có vi phạm nghĩa vụ, nhưng không làm phát sinh thiệt hại gì cả, thì cũng không phải bồi thường.
Ví dụ 4: A nhận xây cho B một căn nhà, thỏa thuận trong vòng 2 tháng xây xong. Nhưng thực tế xây 3 tháng mới xong. Ở đây, việc A xây xong trễ hạn, là đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Nhưng nếu B không bị thiệt hại gì, không chứng minh có thiệt hại phát sinh, thì cũng không thể đòi A bồi thường. Trường hợp B chứng minh được, ví dụ, vì chậm có Nhà ở, nên B phải đi thuê khách sạn ở trong 01 tháng đó, thì chi phí thuê khách sạn này, B có quyền yêu cầu A bồi thường.
3. Thiệt hại xảy ra có nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ
Có nghĩa rằng, chỉ những thiệt hại nào phát sinh, mà do nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ, thì Bên bị vi phạm mới có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Còn những thiệt hại dù có liên quan, nhưng không trực tiếp, thì không thể buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại.
Ví dụ 5: A nhận xây cho B một căn nhà, thỏa thuận trong vòng 2 tháng xây xong. Nhưng thực tế xây 3 tháng mới xong. Ở đây, việc A xây xong trễ hạn, là đã có hành vi vi phạm nghĩa vụ. Giả dụ, khi nhà mới xây được 02 tháng, chưa xong. Nhưng B đã đem một số máy móc đến để nơi nhà chưa xây xong này, thì nếu bị mất cắp, B cũng không được đòi A bồi thường, vì việc B bị mất trộm đồ, không phải nguyên nhân trực tiếp từ việc A xây nhà chưa xong. Vì rằng, B có thể đem gửi giữ 01 nơi khác, chi phí gửi giữ B có thể yêu cầu A bồi thường. Vì đây đúng là thiệt hại trực tiếp.
Nói tóm lại, cơ sở của việc đòi bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ, phải có đầy đủ 03 yếu tố: Có hành vi vi phạm nghĩa vụ, có thiệt hại xảy ra, và thiệt hại xảy ra do nguyên nhân trực tiếp từ hành vi vi phạm nghĩa vụ. Do đó, dù có hành vi vi phạm nghĩa vụ, nhưng không làm phát sinh thiệt hại hoặc thiệt hại không phải do nguyên nhân trực tiếp bởi sự vi phạm nghĩa vụ gây ra, thì không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Lưu ý: Bồi thường thiệt hại là trách nhiệm phát sinh, chứ không phải nghĩa vụ, nghĩa rằng trách nhiệm bồi thường thiệt hại là hệ quả của vi phạm nghĩa vụ. Thực ra không phải riêng Bà con, mà nhiều Người trong nghề vẫn nhầm lẫn khái niệm trách nhiệm và nghĩa vụ. Mặc dù, đây là những khái niệm khác xa nhau.
II. CÁC TRƯỜNG HỢP LOẠI TRỪ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI
Như trên đã phân tích, trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ phát sinh, khi có những căn cứ nhất định. Tuy nhiên, có những trường hợp dù có đầy đủ căn cứ nêu trên, nhưng Bên vi phạm vẫn được miễn trách nhiệm, tức là không phải bồi thường thiệt hại, dù có hành vi vi phạm và có thiệt hại xẩy ra. Bao gồm nhưng không giới hạn các trường hợp sau:
1. Do sự kiện bất khả kháng
Tức là hành vi vi phạm nghĩa vụ, bởi do ảnh hưởng của sự kiện bất khả kháng, là các sự kiện xảy ra một cách khách quan, các Bên không thể dự liệu trước.
Ví dụ 6: A mượn của B một chiếc xe tải, hẹn đúng 20 ngày sau, A sẽ lái xe sang Bên nhà B trả. Tuy nhiên, đến ngày thứ 18, thì Cây cầu bắc qua sông bị sập, A không có con đường nào khác để lái xe sang bên nhà B. Sự cố sập cầu sau 60 ngày mới khắc phục xong. Trường hợp này, sự chậm trễ của A là do bất khả kháng, không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Do thực hiện yêu cầu của Cơ quan Nhà nước
Đây là hành vi vi phạm nghĩa vụ của một Bên, nhưng hành vi vi phạm này, do thực hiện yêu cầu của Cơ quan nhà nước.
Ví dụ 7: Vào ngày 20/1/2020, A đặt tiệc cưới của mình tại Nhà hàng B sẽ diễn ra vào ngày 15/4/2020. Tuy nhiên, thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid, nên các Nhà hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước. Do đó, hành vi vi phạm nghĩa vụ của Nhà hàng B, không tổ chức tiệc cưới cho A, là do yêu cầu của Cơ quan Nhà nước, nên không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Hành vi vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của Bên có quyền
Đây là trường hợp vi phạm nghĩa vụ, nhưng sự vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của Bên có quyền, nên không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường.
Ví dụ 8: A đặt mua của B 10 con Bò, hẹn đúng 10 ngày giao, nhưng 10 ngày sau, do chuồng Bò chưa làm xong, nên A nhờ B giữ hộ thêm 10 ngày, trường hợp này, việc B giao chậm hoàn toàn do lỗi của A, nên A không được quyền đòi B bồi thường.
Ở đây, lưu ý rằng, chỉ khi nào hành vi vi phạm nghĩa vụ hoàn toàn do lỗi của Bên có quyền, thì mới không làm phát sinh trách nhiệm bồi thường. Do đó, nếu Bên có quyền chỉ có một phần lỗi, mà không phải hoàn toàn, thì Bên vi phạm vẫn phải bồi thường tương ứng mức độ lỗi của mình.
Ngoài ra, khi bàn đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bà con cũng cần lưu ý đến nghĩa vụ hạn chế, ngăn chặn thiệt hại của Bên có quyền. Tức là, mặc dù bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ và gây ra thiệt hại, nhưng nếu thiệt hại này có thể ngăn chặn hoặc hạn chế được. Thì Bên có quyền cần ngăn chặn, hạn chế nó. Nếu không, Bên vi phạm họ chỉ bồi thường cho phần họ gây ra, và sẽ không bồi thường phần thiệt hại, mà lẽ ra có thể hạn chế hoặc ngăn chặn được.
Ví dụ 9: Bà con mua 01 bao gạo 40 kg, chở về dọc đường bao bị lỗ 01 chổ (Do bên Bán cẩu thả), gạo chảy ra, thì Bà con cần dừng xe, tìm cách buộc lại chổ lủng, rồi quay lại bắt Bên bán đền số gạo đã đổ ra mất. Chứ không phải Bà con cứ để nó chảy hết rồi đi bắt đền cả bao. Như vậy là ko thiện chí. Luật không cho phép. Tất nhiên lưu ý là chỉ với những thiệt hại có thể hạn chế được, thì mới Buộc Bà con phải áp dụng biện pháp ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thất.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!