ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC PHÉP GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP - PHÂN BIỆT VỚI PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP: LUẬN GIẢI VÀ PHÂN TÍCH CÁC KHÍA CẠNH PHÁP LÝ!

Dẫn nhập: "Tại Bình Dương, ngày đầu tiên đi làm lại sau kỳ nghỉ Tết, hàng trăm công nhân ngỡ ngàng trước tin công ty của mình làm giải thể. Cụ thể, sáng 17.2 (mùng 6 Tết) nhiều công nhân đến Công ty TNHH Delancey Street Furniture Việt Nam để làm việc. Tuy nhiên đến nơi, công ty khóa cổng không cho công nhân vào làm việc. Khi hỏi ra mới biết, công ty đã giải thể từ ngày 6.2" - Trích từ báo lao động.

Vụ việc vừa nêu, cùng với cách đưa tin của báo chí, có lẽ sẽ khiến cho nhiều Bạn công nhân không khỏi hoang mang. Vì nếu đúng vậy, thì vào bất cứ lúc nào, các Bạn cũng đều có thể rơi vào trạng thái thất nghiệp ngay tức thì, khi công ty tuyên bố giải thể. Tuy nhiên về lý thuyết lẫn thực tiễn pháp lý - Việc giải thể một doanh nghiệp, chưa bao giờ đơn giản như vậy. Chỉ xét riêng dưới góc độ lý thuyết luật định, thời gian để hoàn tất thủ tục giải thể doanh nghiệp thông thường cũng đã mất 187 ngày - Hơn nửa năm (Trừ những doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc có cơ cấu tổ chức quá đơn sơ)! Và tất nhiên, thực tế phải lâu hơn như thế rất nhiều. Nhằm làm rõ thêm vấn đề, trong Bài viết này Tác giả sẽ luận giải và phân tích các khía cạnh pháp lý liên quan đến giải thể doanh nghiệp, trong sự đối sánh với phá sản doanh nghiệp để Bà con, các Bạn công nhân tham khảo.

I. NGUYÊN NHÂN - ĐIỀU KIỆN ĐỂ GIẢI THỂ HOẶC PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP

Giải thể doanh nghiệp hay Phá sản doanh nghiệp đều dẫn đến một hệ quả đó là Doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, sẽ chấm dứt hoạt động, chấm dứt tồn tại hay nói cách khác, doanh nghiệp sẽ chính thức bị "Khai tử". Chính vì điểm giống nhau này, mà nhiều Người vốn lầm tưởng giải thể và phá sản doanh nghiệp là một.

Dưới góc độ pháp lý và thực tiễn, nguyên nhân và điều kiện dẫn đến việc giải thể và phá sản doanh nghiệp là khác xa nhau: Doanh nghiệp muốn giải thể có thể xuất phát từ nhiều lý do, chẳng hạn như không còn nhu cầu kinh doanh, hoặc hết thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ mà không muốn gia hạn; Trong khi đó lý do để phá sản doanh nghiệp, chính là: Doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn - Hiểu nôm na là kinh doanh thua lỗ, Doanh nghiệp cạn vốn, trắng tay, hết tiền.

Ngược lại, một Doanh nghiệp, muốn được giải thể phải đáp ứng điều kiện: Thanh toán đầy đủ hết mọi khoản nợ của Doanh nghiệp, bao gồm cả các khoản nợ lương, bao hiểm và mọi quyền lợi khác của Người lao động. Nghĩa rằng, nếu Doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ các khoản nợ cho đối tác, cho Người lao động - Thì không được phép giải thể - Tức là không được phép "Khai tử", không được "Chết" dưới hình thức giải thể.

Tóm lại - Giải thể Doanh nghiệp là khi Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là đã thanh toán xong xuôi mọi khoản nợ nần về tài chính, bao gồm cả nợ lương, bảo hiểm, các khoản khác của Người lao động - Chừng nào chưa thanh toán, thì chưa được giải thể. Trong khi đó, phá sản doanh nghiệp, là khi doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn. Hiểu nôm na: Giải thể Doanh nghiệp là "Chết" khi có tiền - Phá sản doanh nghiệp là "Chết" khi hết tiền. Chí vì thế: Chúng ta gọi là Doanh nghiệp "đã được" giải thể hoặc Doanh nghiệp "đã bị" phá sản.

II. VỀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

Chính vì giải thể và phá sản có sự khác nhau mang tính bản chất như trên, mà trình tự thủ tục và thẩm quyền giải quyết đối với từng trường hợp cũng khác nhau:

1. Đối với giải thể doanh nghiệp

Việc giải thể doanh nghiệp, sẽ do các chủ sở hữu tiến hành theo thủ tục luật định, sau đó gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh để xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh.

Theo đó, đầu tiên các chủ sở hữu doanh nghiệp sẽ thông qua nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp, nghĩa rằng quyết định sẽ chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp - Lưu ý: Đây chỉ mới là những thủ tục bắt đầu, còn Doanh nghiệp vẫn chưa được giải thể. Sau đó, phải gửi quyết định giải thể doanh nghiệp này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế, Người lao động trong doanh nghiệp.

Như vậy kế hoạch sẽ giải thể doanh nghiệp, phải được gửu cho Người lao động, và thông thường Người lao động buộc phải biết trước kế hoạch này, ít nhất là 180 ngày so với ngày mà Cơ quan đăng ký kinh doanh chính thức cập nhật tình trạng doanh nghiệp đã được giải thể - Có nghĩa rằng, Người lao động phải biết trước ít nhất nửa năm, trước khi doanh nghiệp chính thức chấm dứt hoạt động (Được giải thể). Theo đó - Trong Vụ việc tại Bình Dương, nêu ở đầu bài, không thể có chuyện Công ty được tự ý tuyên bố giải thể, khi chưa thực hiện đúng trình tự pháp luật, và vẫn đang còn nợ lương công nhân.

Sau khi Doanh nghiệp gửi quyết định giải thể đến Cơ quan đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế, Người lao động trong doanh nghiệp như vừa nêu. Doanh nghiệp phải hoàn tất thanh toán các khoản nợ cụ thể, tuần tự như sau: Nợ lương, bảo hiểm, các khoản khác của Người lao động được ưu tiên thanh toán trước; Tiếp đến là nợ thuế; Các khoản nợ khác như tiền hàng đối tác........

Chỉ khi hoàn tất các khoản nợ nần đã nêu - Doanh nghiệp mới được gửi Hồ sơ giải thể doanh nghiệp đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Lưu ý, ở trên chỉ mới gửi quyết định sẽ giải thể, đến đây mới được gửi Hồ sơ giải thể. Hiểu nôm na là gửi thông báo sẽ giải thể trước, sau đó thanh toán nợ nần, cuối cùng mới gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh.

Sau thời hạn 180 ngày tính từ ngày Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận được quyết định, nghị quyết giải thể doanh nghiệp hoặc trong vòng 5 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp, mà không có bất kỳ khiếu nại, tranh chấp nào của các bên liên quan - Cơ quan đăng ký kinh doanh mới chính thức cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở giữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp - Doanh nghiệp chính thức được "Khai tử" kể từ đây.

2. Đối với phá sản doanh nghiệp

Phá sản doanh nghiệp, là khi doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn - Dó đó, bản chất của phá sản doanh nghiệp là một thủ tục đòi nợ và thanh toán đặc biệt, thông thường được khởi xướng bởi chủ nợ, thông qua con đường tố tụng tại Tòa án, và được tiến hành bởi Tòa án có thẩm quyền. Như vậy, thủ tục phá sản hoàn toàn khác thủ tục giải thể. Nếu như thủ tục giải thể thường do các Chủ sở hữu tự biên, tự diễn; Thì thủ tục phá sản sẽ do Tòa án tiến hành theo trình tự luật định về tố tụng phá sản.

III. VỀ HẬU QUẢ PHÁP LÝ

Giải thể doanh nghiệp hay Phá sản doanh nghiệp đều dẫn đến một hệ quả đó là Doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản, sẽ chấm dứt hoạt động, chấm dứt tồn tại hay nói cách khác, doanh nghiệp sẽ chính thức bị "Khai tử".

Tuy nhiên, có một điểm khác căn bản đó là: Trong giải thể doanh nghiệp - Thì sau khi doanh nghiệp được giải thể, các chủ sở hữu doanh nghiệp, các Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, vẫn được quyền góp vốn thành lập và quản lý doanh nghiệp; Thì ngược lại, trong phá sản doanh nghiệp - Thì sau khi doanh nghiệp bị phá sản, các chủ sở hữu doanh nghiệp, các Thành viên hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, không được quyền góp vốn thành lập và quản lý tại bất cứ doanh nghiệp nào trong thời hạn từ 1 - 3 năm.

Từ những phân tích và luận giải nêu trên, Bà con ta thấy rằng, trình tự thủ tục để giải thể hay phá sản một doanh nghiệp không đơn giản một chút nào, ngoại lệ với nhưng doanh nghiệp siêu nhỏ, hay những doanh nghiệp đã trắng tay hoàn toàn, không còn một tài sản đáng giá nào, sẽ được "Khai tử" khá nhanh, sau khi đã xác minh không còn tài sản gì. Những trường hợp còn lại, quá trình tuyên bố và hoàn tất giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp, sẽ mất nhiều thời gian, phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Đó chính là sự chặt chẽ của pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích cho các bên liên quan, nhất là Người lao động - Do đó, không có chuyện, cứ thành lập doanh nghiệp, tuyển công nhân, nợ lương, rồi tuyên bố giải thể, nhằm trốn tránh trách nhiệm - Đó là điều không thể!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan