CẦN HIỂU VÀ ÁP DỤNG THỐNG NHẤT VỀ QUY ĐỊNH TƯỚC GIẤY PHÉP LÁI XE - ĐỐI VỚI TRƯỜNG HỢP THỜI HẠN SỬ DỤNG CÒN LẠI CỦA GIẤY PHÉP ÍT HƠN THỜI HẠN BỊ TƯỚC: KHI CÓ DẤU HIỆU “XUNG ĐỘT LUẬT”?!

Để cho Bạn đọc dễ hình dung, Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: Ông A có hành vi vi phạm hành chính khi tham gia giao thông, hành vi vi phạm của Ông A thuộc trường hợp bị tước Giấy phép lái xe (Bằng lái xe) với thời hạn 24 tháng. Tuy nhiên, Bằng lái xe của Ông A chỉ còn thời hạn sử dụng 02 tháng – Tức chỉ 02 tháng nữa, là Bằng lái xe của Ông A không còn giá trị sử dụng. Câu hỏi đặt ra là: Trong trường hợp này, Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tước Bằng lái của Ông A là 24 tháng hay 02 tháng?! Tình huống nghe có vẻ đơn giản – Nhưng những quy định của pháp luật thực định hiện hành, khiến cho việc giải đáp vấn đề vừa nêu, trở nên “hấp dẫn” và “thách thức”!!

1. Điều 9.2.c Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính Phủ “QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH” ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 - Nêu rõ: “Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó”. Như vậy, nếu áp dụng quy định này, thì Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tước Bằng lái xe của Ông A là 02 tháng, vì thời hạn còn lại của Bằng lái xe là 02 tháng.

2. Điều 81.5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính Phủ “QUY ĐỊNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ VÀ ĐƯỜNG SẮT” ban hành ngày ngày 30 tháng 12 năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 (Đã được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính Phủ, ban hành ngày 28 tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022) - Nêu rõ: “Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Như vậy, nếu áp dụng quy định này, thì Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tước Bằng lái của Ông A là 24 tháng (Vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm – Mà không phải theo thời hạn còn lại của Bằng lái xe là 02 tháng).

3. Đến đây, Chúng ta đã thấy rằng cùng 01 tình huống/vụ việc/trường hợp vi phạm – Nhưng nếu áp dụng các Văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, sẽ đưa lại hệ quả pháp lý không giống nhau, như vừa nêu trên. Trong khoa học pháp lý, gọi đây là trường hợp có “xung đột luật” trong một Hệ thống pháp luật thống nhất (Khác với xung đột luật trong Tư pháp quốc tế). Vấn đề cần giải quyết ở đây là: Trong tình huống ví dụ đã nêu trên – Khi thời hạn sử dụng còn lại của Bằng lái xe, ít hơn thời hạn bị tước, thì Người có thẩm quyền sẽ áp dụng Nghị định nào để quyết định?! Nếu không thống nhất được điều này, sẽ dẫn đến trường hợp, có thể mỗi nơi có những cách hiểu khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không giống nhau.

4. Chúng ta thấy rằng, tất cả các Nghị định trên, đều do Chính phủ ban hành, nghĩa rằng đây là những “Văn bản pháp luật đồng cấp”, tức có giá trị hiệu lực ngang nhau, nên KHÔNG thể áp dụng quy định tại Điều 156.2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xác định (Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn).

5. Nên - Điểm “Cứu cánh” duy nhất mà Người ta có thể nghĩ đến trong tình huống này, đó là quy định tại Điều 156.3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”. Mặc dù vậy, quy định đó, cũng không thể giải quyết được vấn đề gì, trong trường hợp cụ thể này, vì Nghị định 100 đã được sửa đổi bởi Nghị định 123. Cụ thể: Nghị định 118 ban hành tháng 12 năm 2021 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2022, còn Nghị định 100 ban hành tháng 12 năm 2019 có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2020 – Nếu chỉ dừng lại tại đây, thì có cơ sở để khẳng định nghị định 118 ban hành sau nghị định 100, nên sẽ ưu tiên áp dụng. Nhưng sự “hấp dẫn” nói từ đầu nằm ở chỗ, Nghị định 123 ban hàng tháng 12 năm 2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022, tức cùng thời gian với Nghị định 118. Thậm chí Nghị định 123 còn ban hành sau nghị định 118 là 5 ngày, mà nghị định 123 ban hành là để sửa đổi bổ sụng Nghị định 100, nhưng lại không hể sửa đổi Điều 81.5 Nghị định 100. Vì vậy, không thể dựa vào quy định tại Điều 156.3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau” - Bởi rất khó xác định, văn bản nào ban hành sau trong trường hợp rất thú vị này.

6. Sự lắt léo vừa nêu, cũng đã khiến Chúng ta rất khó để có thể giải thích và hiểu được ý tứ của các Nhà làm luật. Thật vậy, nếu như Điều 9.2.c Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính Phủ “Trường hợp thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề ngắn hơn thời hạn tước quyền sử dụng của giấy phép, chứng chỉ hành nghề, thì áp dụng thời hạn tước là thời hạn còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó” – Là một tư tưởng chủ đạo. Thì đáng ra, khi ban hành Nghị định 123 sửa đổi, bổ sung Nghị định 100, Chính phủ cần phải sửa đổi Điều 81.5 Nghị định 100, cho khớp với quy định tại Điều 9.2.c Nghị định 118/2021/NĐ-CP. Nhưng chính vì không có sửa đổi, khiến Người ta có cơ sở để tin rằng, quy định tại 81.5 Nghị định 100, vẫn cần phải được áp dụng.

7. Cuối cùng, khi không thể tìm thấy một quy định pháp lý hữu hiệu nào trực tiếp giải quyết được tình huống đã nêu – Chúng ta buộc phải quay về triết học pháp lý, với cặp phạm trù “Chung – Riêng”. Ở đây, Chúng ta thấy rằng, Nghị định 118 quy định chi tiết, hướng dẫn Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị đình này quy định chung trên tất cả các lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước, mà không phải trong một lĩnh vực cụ thể nào (Tương tự như Bộ luật dân sự quy định chung về tất cả các vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự) – Trong khi đó Nghị định 100, lại quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong một lĩnh vực cụ thể là giao thông đường bộ đường sắt (Tương như Luật thương mại quy định về lĩnh vực thương mại là một lĩnh vực cụ thể hơn của dân sự theo nghĩa rộng). Trên cơ sở đó, nguyên tắc áp dụng cái chung – riêng, sẽ được vận dụng. Khi có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì cái riêng, cụ thể sẽ được ưu tiên áp dụng trước, chỉ khi nào cái riêng, cụ thể không có quy định, thì sẽ áp dụng cái chung. Chiếu theo đó, hành vi vi phạm giao thông bị xử phạt vi phạm hành chính, hình thức tước bằng được quy định cụ thể trong Nghị định 100 (Đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 123), nên sẽ ưu tiên áp dụng Nghị định 100 (Sửa đổi) này.

8. Như vậy, đối với trường hợp “Khi thời hạn sử dụng còn lại của bằng lái xe, ít hơn thời hạn bị tước”, thì Người có thẩm quyền vẫn sẽ áp dụng Nghị định 100 (Sửa đổi) để giải quyết: “Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước thì người có thẩm quyền vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm. Trong thời gian bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, cá nhân, tổ chức không được làm thủ tục cấp đổi, cấp mới giấy phép, chứng chỉ hành nghề”. Theo đó – Với ví dụ nêu ở đầu bài, thì Người có thẩm quyền sẽ ra quyết định tước Bằng lái xe của Ông A là 24 tháng (Vẫn ra quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo quy định đối với hành vi vi phạm – Mà không phải theo thời hạn còn lại của Bằng lái xe là 02 tháng).

Từ những dẫn chiếu, phân tích ở trên - Chúng ta thấy rằng, pháp luật thực định đã có những quy định không giống nhau khi xử lý tình huống “Trường hợp người có hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề nhưng thời hạn sử dụng còn lại của giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó ít hơn thời hạn bị tước” - Điều này, có thể sẽ gây ra những khó khăn, lúng túng nhất định cho những Người thực thi pháp luật. Khi không có một quy phạm trực tiếp điều chỉnh vấn đề, thì tất cả chỉ dừng lại ở quan điểm, mà quan điểm thì luôn bị chi phối bới ý thức chủ quan. Do đó, thiết nghĩ rằng, Chính Phủ nền cần có quy định hướng dẫn cụ thể giải quyết vấn đề nêu trên, nhằm đảm bảo cho việc áp dụng pháp luật được thống nhất, tránh những tranh cãi không đáng có!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)