GIẢI ĐÁP BĂN KHOĂN VỀ "KHÁCH THỂ" VÀ "ĐỐI TƯỢNG TÁC ĐỘNG" TRONG VỤ CƯỚP "TIỀN ẢO" TRỊ GIÁ HÀNG CHỤC TỶ ĐỒNG TẠI ĐỒNG NAI!

Liên quan đến Vụ cướp "Tiền ảo" như Bitcoin... Có giá trị hàng chục tỷ đồng xảy ra tại Đồng Nai mà Viện kiểm sát Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố các Bị can trước Tòa án - Một số Bạn độc giả (Chủ yếu là các Bạn sinh viên luật), có gửi cho Tác giả một số thắc mắc về khách thể của vụ việc này, ngoài khách thể về nhân thân - Đại ý: "Tiền ảo" trong vụ việc này, không được pháp luật Việt Nam xem là tài sản hợp pháp, vậy thì việc buộc tội các nghi can trong Vụ án này với tội danh "Cướp tài sản" có phải là đã có sự mâu thuẫn hay không, bởi như thế, chẳng khác nào, gián tiếp công nhận "Tiền ảo" là tài sản hợp pháp?! Trên cơ sở đó - Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một số khía cạnh có liên quan để các Bạn và Bà con tham khảo.

Chúng ta hãy bắt đầu bằng một ví dụ: A muốn giết B, nên nửa đêm lẻn vào nhà B; Thấy B nằm yên bất động, A tưởng B đang nằm ngủ, đã dùng dao đâm nhiều nhát vào bụng B, rồi bỏ trốn. Khám nghiệm pháp y, cho thấy B đã đột tử nhiều giờ trước khi bị A đâm vào bụng. Nghĩa rằng A đã trực tiếp đâm vào một xác chết, mà không phải đâm vào một Người còn sống. Nhưng hành vi của A vẫn cấu thành Tội danh "Giết Người". Bởi A đã có hành vi dùng dao đâm vào đối tượng là thân thể của B, và trong ý thức chủ quan của A vào thời điểm thực hiện hành vi là vì muốn tước đoạt mạng sống của B, nên nó đã thỏa mãn cấu thành Tội danh giết Người, mà không phải là Tôi xâm phạm thi thể, mồ mả. Việc B bị đột tử trước đó, nằm ngoài ý thức chủ quan của A, chính vì thế A đã đâm vào một cái xác, thay vì một Người đang sống. Khoa học hình sự gọi trường hợp này là: Có sai lầm về đối tượng (Nghĩ là Người sống nhưng thực tế là thi thể) - Nhưng không dẫn đến sai lầm về khách thể. Vì khách thể trong trường hợp này, chính là quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của Công dân (Con Người).

Thêm một ví dụ khác: C biết D thường xuyên buôn bán một số hóa chất là hàng cấm lưu hành, vì C đã từng mua hàng của D. Nhưng hiện tại do không có tiền để mua tiếp, đồng thời cũng muốn có thêm tiền để tiêu xài cho những việc cá nhân khác. Vì vậy C nảy ra ý định cướp các mặt hàng này của D, một ít để dùng, phần còn lại sẽ bán lấy tiền. Nghĩ là làm, nên C đã hẹn D ra đường vắng và nói cần mua hàng, khi D vừa tới nơi đã bị C dùng dao kề cổ và yêu cầu đưa hết hàng cho C, sau đó C rời đi. Trong tình huống này, rõ ràng hóa chất bị cấm lưu hành là bất hợp pháp, là hàng hóa bị cấm lưu thông, hành vi buôn bán hóa chất này của D đương nhiên cũng là bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm hình sự. Nhưng điều đó không có nghĩa là hành vi cướp hàng của C không cấu thành tội cướp tài sản. Vì dù rằng, các chất cấm này không được thừa nhận là tài sản hợp pháp, không được quyền sở hữu. Nhưng vào thời điểm thực hiện hành vi, trong ý thức chủ quan của C có nhận thức sẽ tước đoạt trái phép "tài sản" của D, đã có hành vi dùng vũ lực, để buộc D phải giao "tài sản" cho mình, nên đã thỏa mãn đủ các dấu hiệu của tội danh "Cướp tài sản", dù hóa chất này là bị cấm sở hữu, là bất hợp pháp. Khoa học hình sự gọi trường hợp này là: Có sai lầm về đối tượng (Hóa chất theo danh mục quy định của pháp luật là bất hợp pháp bị cấm sở hữu) - Nhưng không dẫn đến sai lầm về khách thể. Vì khách thể trong trường hợp này, chính là quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu của Công dân (Con Người).

Vụ việc cướp tiền ảo được nói đến ở đầu Bài viết này cũng hiểu tương tự như thế. Mặc dù tiền ảo chưa được công nhận tại Việt Nam, chưa nằm trong danh mục tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Mặc dù nó rất có giá trị ở trong một môi trường nào đó - Cũng giống như chất cấm ở ví dụ vừa nêu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Người khác được quyền cho phép mình tước đoạt trái phép từ một Chủ thể khác - Bởi khách thể mà pháp luật đang bảo vệ ở đây và đang bị xâm phạm là "Quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu" (Cũng có thể gọi là quyền chiếm hữu) - Và "Quyền" này luôn được suy đoán là hợp pháp. Nếu nó không hợp pháp - Thì việc phán xét thuộc về Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, chủ yếu là Tòa án. Mà không phải là thuộc về mọi Người - Vì nếu như vậy xã hội sẽ loạn, khi ai cũng có quyền chất vấn Người khác là có đang có tài sản hợp pháp hay không. Chính vì vậy, trong vụ việc này, mặc dù có sai lầm về đối tượng (Tiền ảo chưa được công nhận là hợp pháp, không phải là tài sản hợp pháp), nhưng không dẫn đến sai lầm về khách thể. Khách thể vẫn là quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu của Công dân được pháp luật bảo vệ.

Chúng ta sẽ phân tích ngược lại bằng một ví dụ: A cướp của B một túi xách trong đó có 100 triệu đồng. Trên đường A di chuyển, thì A vẫn chiếm hữu, chiếm giữ túi xách này, nhưng tài sản này không phải của A, vì nó có được do A phạm tội, nên là tài sản bất hợp pháp. Nhưng không may cho A là cướp gặp cướp, khi A đi qua khu rừng vắng đã bị C cùng đồng bọn cướp mất túi xách. Trong vụ việc này, Tội danh mà A phạm phải là cướp tài sản, Tội danh của C cũng là cướp tài sản, dù tài sản mà C cướp từ tay A không phải là tài sản hợp pháp của A, nhưng hành vi của C vẫn cấu thành tội phạm cướp tài sản. Bởi C đã dùng vũ lực để buộc A phải đưa tài sản cho mình, và vào thời điểm thực hiện hành vi, nhận thức chủ quan của C là phải chiếm đoạt trái phép tài sản của A (Dù không phải của A), cho nên tuy có sai lầm về đối tượng nhưng không dẫn đến sai lầm về khách thể, khách thể vẫn là quyền bất khả xâm phạm về quyền sở hữu của công dân được pháp luật bảo vệ.

Trong Bài viết này, Tác giả đưa ra nhiều ví dụ rộng hơn, để làm rõ cho vấn đề gọi là "Có sai lầm về đối tượng - Nhưng không dẫn đến sai lầm về khách thể - Nên vẫn cấu thành tội phạm", trong đó có ví dụ sẽ không hoàn toàn giống với vụ việc cướp tiền ảo tại Đồng Nai. Sở dĩ phải nói rõ như vậy, vì qua một số Bài có vài Bạn độc giả vẫn máy móc thắc mắc ví dụ này không giống vụ việc kia, ví dụ nọ..... Bởi mỗi ví dụ sẽ mô phỏng cho một luận điểm tại ý Chúng ta đang muốn nói đến, và được xâu chuỗi tổng hợp trong toàn bộ nội dung Bài viết, để đảm bảo tính toàn diện. Nên không thể chỉ cắt xén một đoạn hay một khúc, tách rời ra được - Cũng giống như một cỗ máy hoàn chỉnh, được tạo nên bởi nhiều bộ phận, lắp ráp lại với nhau. Còn nếu tháo rời ra thì hoặc chỉ là bán phụ tùng hoặc bán sắt vụn mà thôi! Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, khái niệm khách thể của tội phạm chỉ có trong khoa học pháp lý hình sự của các Quốc gia theo hệ thống pháp luật Xã hội chủ nghĩa, do bị ảnh hưởng sâu sắc bởi khoa học pháp lý hình sự Sôviết từ những năm 1960. Còn các dòng họ pháp luật khác, đặc biệt là hệ thống Thông luật (Common Law) không có yếu tố về khách thể của tội phạm trong khoa học hình sự!

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan