CẦN HIỂU ĐÚNG VỀ GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA “SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG” TRONG GIAO DỊCH DÂN SỰ!
“Bất khả kháng” với ý nghĩa là một sự kiện pháp lý làm căn cứ miễn trách nhiệm cho Bên vi phạm nghĩa vụ trong giao dịch dân sự - Là một định chế pháp lý khá phức tạp với một bình diện rộng lớn liên quan đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như: Thế nào được xem là một sự kiện bất khả kháng, những điều kiện cần và đủ để Bên vi phạm nghĩa vụ được viện dẫn bất khả kháng bao gồm những gì, hệ quả khi phát sinh sự kiện bất khả kháng ra sao, trình tự thủ tục thông báo để được áp dụng bất khả kháng……. Những vấn đề này, Tác giả đã có một Bài viết rất dài trước đây trong lĩnh vực mua bán hàng hóa Quốc tế, vì vậy Tác giả sẽ để đường dẫn Bài viết đó ở phần bình luận, Bà con nào muốn hiểu sâu hơn, thì có thể bấm vào xem và đọc tham khảo. Trên cơ sở đó, trong Bài viết này, Tác giả chỉ nêu ngắn gọn nội hàm cốt lõi giá trị của cái gọi là bất khả kháng, để Bà con có thể biết và vận dụng khi cần thiết, tránh hiểu sai, rồi từ đó dẫn đến những hệ lụy pháp lý xấu không đáng có.
1. Trong giao dịch dân sự có 02 thuật ngữ, khái niệm khác nhau, nhưng thường được nhiều Người sử dụng chung như nhau, đó là khái niệm “Nghĩa vụ dân sự” và khái niệm “Trách nhiệm dân sự”. “Nghĩa vụ dân sự” luôn xuất hiện trong các giao dịch dân sự, trong khi “Trách nhiệm dân sự” chỉ xuất hiện khi có vi phạm nghĩa vụ. Ví dụ: Ông A bán cho Bà B một căn nhà giá 1 tỷ đồng, thì Bà B có nghĩa vụ giao đủ cho Ông A 1 tỷ, còn Ông A có nghĩa vụ giao nhà cho Bà B – Việc giao tiền, giao nhà ở đây được gọi là nghĩa vụ, phát sinh từ giao dịch của các bên, vì vậy cần phải gọi là nghĩa vụ giao nhà hay nghĩa vụ giao tiền, mà không gọi là trách nhiệm giao nhà, trách nhiệm giao tiền (Dù thực tế, nhiều Người hay dùng lẫn lộn như vậy). Trong ví dụ vừa nêu, giả sử Bà B đã giao tiền cho Ông A, nhưng đến hạn Ông A vẫn chưa giao nhà cho Bà B, thì Ông A đã vi phạm nghĩa vụ của mình, cho nên Ông A vẫn có nghĩa vụ phải giao nhà cho Bà B, ngoài ra việc vi phạm nghĩa vụ, tức việc chậm giao nhà của Ông A, có thể đã gây ra thiệt hại cho Bà B, nên Ông A có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại phát sinh – Việc bồi thường thiệt hại này được gọi là trách nhiệm dân sự, mà không gọi là nghĩa vụ dân sự. Rút gọn lại: Nghĩa vụ dân sự luôn xuất hiện trong giao dịch dân sự dựa trên thỏa thuận của các bên hoặc quy định của pháp luật – Trong khi đó, trách nhiệm dân sự chỉ xuất hiện khi có sự vi phạm nghĩa vụ, do đó nếu nghĩa vụ được thực hiện đúng và đầy đủ, thì không bao giờ xuất hiện trách nhiệm dân sự.
2. Tại sao phải phân biệt hai khái niệm trên – Vì rằng, sự kiện bất khả kháng chỉ miễn trừ trách nhiệm dân sự chứ không miễn trừ nghĩa vụ dân sự! Đây chính là cốt lõi vấn đề nhất cần phải hiểu về sự kiện bất khả kháng – Ví dụ sau đây sẽ làm rõ hơn vấn đề: Ông H nhận làm, bán cho Bà N một bộ bàn ghế gỗ giá 100 triệu đồng, Ông H đã nhận cọc 50 triệu đồng, thỏa thuận chậm nhất là ngày 15/10/2021 Ông H phải giao bộ bàn ghế tại nhà cho Bà N, nếu Ông H giao chậm 1 ngày sẽ bị phạt 1 triệu đồng. Giả sử vào ngày 10/10/2021 Ông H đã làm xong bộ bàn ghế và chuẩn bị vận chuyển đến cho Bà N, tuy nhiên chẳng may liền sau đó cây cầu bắc sang sông giữa hai bên đã bị sập, không còn con đường nào khác để đi, và Ông H đã báo cho Bà N việc này, đến ngày 30/10/2021, cây cầu xây sửa xong, Ông H mới có thể giao bàn ghế sang cho Bà N. Trong ví dụ này Bà con thấy rằng, Ông H có nghĩa vụ giao bàn ghế đúng thời hạn, việc ông giao trễ 15 ngày xem như là đã vi phạm nghĩa vụ - Tuy nhiên, việc vi phạm nghĩa vụ là do sập cầu, là bất khả kháng, nên Ông H được miễn trách nhiệm, nhưng là miễn trách nhiệm bị phạt chậm một ngày 1 triều đồng, chứ không phải là miễn nghĩa vụ giao bàn ghế. Nếu giả sử không có sự kiện bất khả kháng, thì Ông H vừa phải giao bàn ghế, vừa bị phạt chậm 15 ngày là 15 triệu. Nhưng vì việc vi phạm nghĩa vụ là do bất khả kháng, nên Ông H được miễn trách nhiệm là không bị phạt, nhưng bàn ghế thì vẫn phải giao. Rút gọn lại: Bất khả kháng là căn cứ để có thể miễn trách nhiệm đã phát sinh do sự vi phạm nghĩa vụ, mà không phải là miễn trừ bản thân nghĩa vụ đó. Bằng chứng rõ rệt nhất cho điều này – Chính là việc Bộ luật dân sự khi quy định về các căn cứ chấm dứt nghĩa vụ: Không có quy định nào về trường hợp bất khả kháng cả. Bởi lẽ bất khả kháng không có giá trị miễn trừ nghĩa vụ, mà chỉ có thể miễn trách nhiệm phát sinh do vi phạm nghĩa vụ mà thôi.
3. Một số Bà con có thể thắc mắc, nên Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn đến tận cùng vấn đề! Giả sử vụ việc vừa nêu, thay vì sập cầu, thì kho hàng của Ông H bị cháy, bộ bàn ghế cũng bị cháy, sự việc có gì khác không? Cũng không khác nhau là mấy, việc bị cháy cũng là bất khả kháng, cho nên Ông H sẽ được miễn trách nhiệm nếu chậm giao hàng, nhưng Ông H vẫn phải nhanh chóng hoàn tất một bộ bàn ghế khác để giao cho Bà B, nghĩa rằng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ giao hàng, chỉ được miễn trách nhiệm do chậm trễ mà thôi, vì bàn ghế này là vật cùng loại, nên có thể thay thế được. Còn giả dụ đó là một loài tài sản, là vật đặc định không thể thay thế ví dụ như một chiếc bình cổ, thì Ông H phải đối trừ lại nghĩa vụ, nghĩa rằng phải trả lại 50 triệu tiền cọc đã nhận cho Bà N, xem như là bù trừ nghĩa vụ, chứ không phải được nhận luôn 50 triệu này.
Từ lý luận trên về ý nghĩa và giá trị pháp lý của “Bất khả kháng” – Cho thấy có vẻ như Thế giới di động đang hiểu nhầm hoặc cố tình hiểu nhầm về “Bất khả kháng”! Trong trường hợp này - Việc Thế giới di động chứng minh mình rơi vào trường hợp bất khả kháng vốn dĩ đã không hề đơn giản (Xem thêm Bài phân tích của Tác giả về bất khả kháng như đã nói ở đầu bài, để ở phần bình luận) vì một trong những điều kiện để áp dụng bất khả kháng, là khi sự kiện bất khả kháng xảy ra, hậu quả của nó là không thể khắc phục được, nên nếu nói Thế giới di động không có tiền trả thuê mặt bằng do mấy tháng đóng cửa – Mấy ai tin?!
Nhưng ngay cả là khi Thế giới di động có chứng minh là mình rơi vào trường hợp bất khả kháng – Thì Họ cũng chỉ có thể được miễn trừ trách nhiệm phát sinh, tức là nếu có chậm trả tiền thuê so với quy định thì không phải bồi thường thiệt hại, không bị phạt lãi – Mà không hề được miễn nghĩa vụ thanh toán tiền thuê mặt bằng như đã nêu trên. Hay nói cách khác, việc Thế giới di động muốn viện dẫn bất khả kháng, để “xù” luôn tiền thuê mặt bằng là điều hết sức viễn vông. Thế giới di động có thể viện dẫn các quy định để được thanh lý hợp đồng trước thời hạn, tuy nhiên cho đến thời điểm đó trong tương lai, thì có bao nhiêu tháng chưa trả tiền thuê mặt bằng, sẽ phải trả đầy đủ. Nhắc lại: Bất khả kháng chỉ là “Điều khoản giải thoát” cho Thế giới di động về các trách nhiệm phát sinh nếu có do vi phạm nghĩa vụ như được miễn tiền lãi, miễn bồi thường do chậm thanh toán tiền thuê – Chứ không hề miễn tiền thuê mặt bằng cho Thế giới di động. Và rằng – “Trách nhiệm dân sự” và “Nghĩa vụ dân sự” là hai định chế pháp lý khác nhau………
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!