HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ: CHẾ TÀI PHẠT VI PHẠM - PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng có một nhược điểm, đó là bên có quyền muốn được bồi thường thiệt hại thì bắt buộc phải chứng minh được có hành vi vi phạm, có thiệt hại xảy ra cũng như có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra, một công việc không hề dễ dàng trong thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế, và mất rất nhiều thời gian cũng như chi phí. Nhược điểm này đã được khắc phục bởi hình thức trách nhiệm phạt vi phạm. Thật vậy, “phạt vi phạm không chỉ đơn giản là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ hay hình thức trách nhiệm hợp đồng, hơn thế nữa nó là công cụ pháp lí linh hoạt và hữu hiệu đấu tranh cho việc thi hành đúng và đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng, là công cụ có thể sử dụng ngay tức khắc mà không cần đợi đến khi có thiệt hại xảy ra. Điều đó lí giải tại sao phạt vi phạm được áp dụng khá phổ biến trong hợp đồng thương mại quốc tế.”[1]
Các hệ thống pháp luật khác nhau, có những cách nhìn nhận không giống nhau về hình thức trách nhiệm phạt vi phạm. Trong khi các nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa đều ghi nhận hình thức này thì trái ngược lại các nước theo hệ thống pháp luật Anh-Mỹ lại không thừa nhận vấn đề này, và cho rằng: “các biện pháp bảo vệ pháp lí trong lĩnh vực dân sự chỉ có thể mang tính chất đền bù mà không có tính chất dự phạt hoặc trừng phạt bên vi phạm nghĩa vụ. Vì vậy, những thỏa thuận của các bên về những khoản tiền mang tính chất dự phạt (penalty) sẽ bị bác bỏ hoặc sẽ không được công nhận. Nói cách khác, khi có vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, bên có quyền không có quyền đòi phạt vi phạm (penalty) mà chỉ được bồi thường hoặc những thiệt hại xảy ra hoặc những loại thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước (lig-uidated damaged) với điều kiện những thiệt hại được ấn định trước hay được tính trước đó phải hợp lí, tức là phải tương ứng với thiệt hại dự kiến hoặc thiệt hại thực tế xảy ra.”[2] Đây là một vấn đề mà các thương nhân Việt Nam, cần phải lưu ý khi kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà luật áp dụng cho hợp đồng là luật thuộc hệ thống pháp luật Anh-Mỹ.
Hơn nữa ngay chính trong hệ thống pháp luật của các nước thừa nhận hình thức phạt vi phạm hợp đồng thì nội dung của những quy định về các vấn đề như mức phạt vi phạm, giảm mức phạt vi phạm cũng có sự khác biệt nhất định. Chẳng hạn theo quy định tại điều 1231 Bộ luật dân sự của Công hòa Pháp thì: khi cam kết đã được thực hiện một phần tòa án có thể “mặc nhiên” giảm mức phạt đã thỏa thuận trên cơ sở tỉ lệ với lợi ích mà người quyền đã được hưởng do nghĩa vụ đã được thực hiện một phần và không trái với quy định tại điều 1152, Mọi điều khoản trái lại coi như vô hiệu. Trong khi đó pháp luật Việt Nam cũng thừa nhận hình thức phạt vi phạm, nhưng lại không có một quy định nào tương tự về vấn đề này. Điều đó cũng có nghĩa là ở Việt Nam, tòa án không có quyền can thiệp vào mức phạt vi phạm của các bên cho dù mức phạt đó có rõ ràng là không hợp lí hay không. Ở đây tác giả không đề cập đến vấn đề luật Thương mại 2005, chỉ cho phép các bên thỏa thuận mức phạt không quá 8% nghĩa vụ bị vi phạm, trong trường hợp các bên thỏa thuận mức phạt vi phạm với tỉ lệ lớn hơn thì tòa án sẽ có quyền can thiệp, vì đây đã lại là một vấn đề khác. Thiết nghĩ rằng việc cho phép tòa án can thiệp, cụ thể là giảm mức phạt vi phạm khi mức phạt vi phạm đó do các bên thỏa thuận rỏ ràng là quá mức so với hành vi vi phạm là một điều hoàn toàn hợp lí xuất phát từ nguyên tắc công bằng, thiện chí trong giao lưu dân sự. Bởi vì “nếu mức phạt vi phạm đã thỏa thuận rõ ràng là quá mức so với lợi ích mà người có quyền được hưởng từ nghĩa vụ chính, thì việc đòi một mức phạt vi phạm quá mức như vậy chính là sự “bóc lột” người có nghĩa vụ trong mối quan hệ với khoản lợi nhỏ hơn bị bỏ lở. Điều này rõ ràng là đi ngược lại nguyên tắc thiện chí và hoàn toàn công bằng khi trao cho tòa án quyền được giảm bớt mức phạt vi phạm dù đã có thỏa thuận.”[3]
Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã không có một quy định nào về vấn đề phạt vi phạm, có lẽ đây là hệ quả của việc không thể dung hòa được quan điểm khác nhau của hai hệ thống pháp luật lớn nhất thế giới là civilaw và common law về trách nhiệm phạt vi phạm. Tuy nhiên vấn đề này đã được quy định trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, đây quả thực là một nổ lực đáng ghi nhận của các nhà soạn thảo Bộ nguyên tắc. Bộ nguyên tắc đã không sử dụng thuật ngữ phạt vi phạm, mà lại gọi là tiền bồi thường ấn định trước nhưng thực chất đây chính là hình thức phạt vi phạm hợp đồng. Thật vậy, điều 7.4.13 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 quy định: “khi hợp đồng quy định bên không thực hiện nghĩa vụ sẽ phải trả một khoản tiền bồi thường nhất định do việc không thực hiện, bên có quyền sẽ được hưởng khoản tiền này một cách độc lập với thiệt hại thực tế phải gánh chịu. Tuy vậy, mặc dù có thỏa thuận khác, khoản tiền bồi thường có thể được giảm một cách hợp lí nếu nó quá mức so với thiệt hại gây ra do việc không thực hiện và do các hoàn cảnh khác.”
Mặc dù có một số vấn đề chưa thống nhất, nhưng có một điểm chung đó là tất cả đều thừa nhận phạt vi phạm với tính chất là một hình thức trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ được áp dụng khi các bên có thỏa thuận trong hợp đồng, và chỉ cần có hành vi vi phạm của một bên có nghĩa vụ là đủ mà không cần quan tâm có thiệt hại xảy ra hay không.
Ngày 25 tháng 6 năm 1999, nguyên đơn (người bán Áo) kí kết hợp đồng mua bán theo đó nguyên đơn bán cho bị đơn 1500MT thép cán nóng theo điều kiện C.I.F FO cảng Hải Phòng với tổng trị giá hợp đồng là 370.880 USD, giao hàng vào tháng 7 năm 1999, thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận, ngày mở chậm nhất là ngày 30 tháng 6 năm 1999. Điều 7 trong hợp đồng quy định rằng trong trường hợp giao hàng chậm trễ hoặc nhận được L/C chậm hơn 15 ngày so với ngày hợp đồng quy định thì bên bán/ bên mua có quyền hủy hợp đồng, bên vi phạm phải trả một khoản tiền phạt vi phạm là 5% tổng giá trị hợp đồng cho bên kia.
Mặc dù đã được gia hạn nhưng đến ngày 9 tháng 8 năm 1999 nguyên đơn vẫn không nhận được L/C cũng như không nhận được tiền phạt từ phía bị đơn. Do vậy, nguyên đơn đã kiện ra trọng tài đòi bị đơn nộp phạt vi phạm 5% hợp đồng (18.544 USD).
Bị đơn lập luận rằng việc bị đơn xin hủy hợp đồng, không mở L/C không hề gây thiệt hại nào cho nguyên đơn. Lập luận này không được ủy ban trọng tài chấp nhận, bởi vì nguyên đơn chỉ đòi tiền phạt vi phạm theo điều 7 của hợp đồng chứ không đòi bồi thường thiệt hại. Khi đã quy định tiền phạt vi phạm hợp đồng do không thực hiện hợp đồng thì bên vi phạm không thực hiện phải nộp tiền phạt vi phạm đó cho dù không gây thiệt hại nào cho bên kia. Từ đó ủy ban trọng tài quyết định bị đơn phải nộp cho nguyên đơn 18.544 USD tiền phạt vi phạm[4].
Khi quy định về mối quan hệ giữa hình thức phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại, hầu hết các hệ thống pháp luật đều quy định đây là hai hình thức trách nhiệm độc lập với nhau. Điều đó có nghĩa là các bên có thể thỏa thuận phạt vi phạm cùng với việc đòi bồi thường thiệt hại được quy định trong luật. Vấn đề này, trong hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn chưa có được sự quy định thống nhất. Thật vậy, theo quy định tại điều 422 Bộ luật dân sự năm 2005, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về phạt vi phạm mà không thỏa thuận về bồi thường thiệt hại thì bên có quyền chỉ được áp dụng hình thức phạt vi phạm. Trong khi đó theo quy định tại điều 307 Luật Thương mại 2005, trường hợp các bên có thỏa thuận phạt vi phạm thì bên bị vi phạm có quyền áp dụng cả chế tài phạt vi phạm và buộc bồi thường thiệt hại, trừ khi pháp luật có quy định khác. Mặc dù có sự quy định không thống nhất như vậy, nhưng thiết nghĩ đây không phải là một dấu hiệu đáng ngại vì trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế về nguyên tắc chúng ta sẽ ưu tiên áp dụng Luật Thương mại 2005.
Nói tóm lại, khi có một bên vi phạm hợp đồng sẽ làm cho lợi ích đặt ra của phía bên kia khi giao kết hợp đồng sẽ không đạt được. Chính vì vậy, trên nguyên tắc của sự tuân thủ hợp đồng, cũng như nhằm bảo vệ lợi ích của các bên, vấn đề trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng sẽ đặt ra. Tuy nhiên điều cần nhấn mạnh là trách nhiệm chỉ được đặt ra khi có đầy đủ các căn cứ luật định phù hợp với mỗi hình thức trách nhiệm. Và hậu quả pháp lí mà bên vi phạm phải gánh chịu cũng chỉ nằm trong khuôn khổ những gì mà pháp luật đã quy định hoặc/và các bên đã thỏa thuận mà sự thỏa thuận đó không trái với các quy định của luật áp dụng điều chỉnh hợp đồng.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
[1] O.S.Ioffe: Luật trái vụ, NXB Pháp lí, Matxcơva, 1975, p160, 163, dẫn theo TS Nguyễn Ngọc Khánh.
[2] TS.Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam, tr 481.
[3] M.I.Bragingkiji: những vấn đề cấp bách của luật dân sự, NXB Statut, Matxcơva, 1999, p360 dẫn theo TS Nguyễn Ngọc Khánh.
[4] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 164-169.