HỢP ĐỒNG VÔ HIỆU DO BỊ CƯỠNG ÉP: KHOẢNG CÁCH MÊNH MÔNG GIỮA QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THI HÀNH?!
Trước hết, Tác giả xin được giới hạn nội dung phạm vi Bài viết này, Chúng ta chỉ bàn về vấn đề mà nhiều Tờ báo lớn đã/đang phản ánh trong thời gian gần đây - Liên quan đến việc nhiều Người cho rằng: Họ đã bị "Ép" ký Hợp đồng bảo hiểm, khi muốn được vay vốn ngân hàng.
Một nguyên tắc cơ bản, quan trọng bậc nhất trong giao dịch dân sự (Bao gồm cả giao kết hợp đồng) đó chính là sự tự nguyện. Có nghĩa rằng, trước hoặc ngay vào thời điểm giao kết hợp đồng, Các bên phải hoàn toàn tự do về lý trí và ý chí, việc giao dịch hoàn toàn dựa trên quyết định chủ quan của chính Họ, mà không hề bị tác động, chi phối bởi hành vi của Bên còn lại, hoặc Bên thứ ba, dẫn đến hệ quả là khiến cho việc giao kết hợp đồng trái với ý chí hoặc/và mong muốn của Họ.
Cũng chính vì vậy, nếu việc giao kết hợp đồng của một Bên không dựa trên sự tự nguyện của chính Họ (Khoa học pháp lý gọi là đã có sự khiếm khuyết trong thống nhất ý chí khi tham gia giao dịch), mà một trong các nguyên nhân dẫn đến sự không tự nguyện đó, là có tồn tại hành vi cưỡng ép của Bên còn lại hoặc Bên thứ ba, thì Hợp đồng đã giao kết sẽ bị vô hiệu - Tức không có giá trị thi hành, các Bên phải hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận, Bên có lỗi dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu (Đương nhiên là Bên có hành vi cưỡng ép) sẽ phải bồi thường.
Dựa vào những quy định vừa nêu của pháp luật, vận dụng vào đó, Chúng ta có thể thấy - Những Người cho rằng, Họ đã bị ép buộc ký kết Hợp đồng bảo hiểm khi vay vốn Ngân hàng, hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết là vô hiệu do bị cưỡng ép, để sau đó họ được nhận lại tiền phí bảo hiểm nếu đã đóng, không phải tiếp tục đóng phí bảo hiểm cho các kỳ tiếp theo, và đòi bồi thường thiệt hại.
Nghe qua thì có vẻ đơn giản - Nhưng đây chỉ là lý thuyết! Bởi trong tình huống cụ thể này, để đi đến cái đích cuối cùng là Hợp đồng được tuyên vô hiệu - Đó là một hành trình dài đầy khó khăn và trắc trở. Bở hai vấn đề trọng tâm:
1. Thứ nhất - Việc chứng minh có hay không có hành vi cưỡng ép, không phải lúc nào cũng dễ dàng. Giả định rằng vào lúc vay vốn Ngân hàng, Người phụ trách việc cho vay, nói thẳng huỵch toẹt rằng: Muốn vay vốn thì phải mua bảo hiểm, muốn được giải ngân nhanh thì phải mua bảo hiểm (Đại loại vậy, tương tự vậy), và Bà con ta có ghi âm hay ghi hình có âm thanh được nội dung đó - Việc chứng minh bị cưỡng ép, là có cơ sở nguồn chứng cứ để chứng minh. Còn nếu, Người phụ trách việc cho vay vốn, Họ không nói rõ thế, mà chỉ là vài câu bóng gió xa xôi, rồi ngâm hồ sơ của Bà con hoặc/và Bà con không có chứng cứ như vừa nêu trên, thì xem như "Bút sa gà chết", vô phương cứu chữa.
2. Thứ hai - Việc theo đuổi một vụ kiện tụng tại Tòa án, tốn rất nhiều thời gian và công sức. Nhanh thì một vài năm, còn lâu thì Tác giả khống dám nói, đó là chưa kể nếu Bản án của Tòa cấp dưới bị Tòa cấp trên hủy buộc phải xử lại, tua vài vòng như vậy thì không biết đến bao giờ mới xong. Nhiều khi, tiền phí bảo hiểm đã thanh toán, nếu có đòi lại được, cũng không đủ bù đắp cho thời gian, công sức, chi phí để bà con theo đuổi vụ kiện. Cho nên, nhiều Bà con ta chọn cách buông, xem đó như là "lộ phí" vay vốn ngân hàng.
Từ những điều trên - Cho thấy rằng, để giải Bài toán bằng cách là khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu tuyên Hợp đồng bảo hiểm vô hiệu, thực sự không hiệu quả xét trên nhiều khía cạnh. Cho nên giải pháp đặt ra, là cần phải có sự vào cuộc của các Cơ quan hành pháp, những Đơn vị quản lý hành chính về lĩnh vực liên quan - Để tiến hành thanh tra, kiểm tra nhằm đi đến kết luận xem, có hay không có sự việc ép mua bảo hiểm khi vay vốn Ngân hàng, như báo chí phản ánh. Nếu có thì cần phải ngăn chặn ngay tình trạng này, bằng cách xử lý nghiêm minh những Cá nhân, Tổ chức vi phạm. Ngược lại, nếu không có, thì cũng phản hồi để Công luận được rõ, nhằm không tăng thêm sự thiếu thiện cảm của một Bộ phận công chúng đối với ngành nghề bán bảo hiểm......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!