TẬP QUÁN PHÁP: LUẬT VÀ LỆ - NHÌN TỪ VỤ VIỆC THU LẠI TIỀN TỪ THIỆN MÀ NGƯỜI DÂN NHẬN ĐƯỢC!
Dẫn nhập: Cách đây ít ngày, nhiều Mạnh Thường Quân đã đến các xã của huyện Quảng Trạch cứu trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đợt lũ lụt vừa qua. Trong đó, Ca sĩ Thủy Tiên đã về xã Cảnh Hoá trao quà ủng hộ cho hơn 700 hộ dân. Riêng thôn Ngọa Cường có 69 hộ dân bị thiệt hại nghiêm trọng sau lũ cũng được Thủy Tiên trao tiền hỗ trợ. Tuy nhiên sau đó cán bộ thôn đã thu lại toàn bộ. Theo thông tin trên báo Quảng Bình, thì Trưởng thôn Ngọa Cường: “Để đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, Ban cán sự và người dân thôn Ngoạ Cường đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại. Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với Người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng". Trước phản ứng của Dư luận, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch, đã chỉ đạo Thôn Ngọa Cường phải trả lại tiền cho Người dân.
Tuy nhiên - Sự việc trên, vẫn gây ra nhiều tranh luận với nhiều ý kiến khác nhau! Và để Bà con, có thể đưa ra quan điểm của Mình, trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích các quy định của Pháp luật có liên quan trong sự kết hợp với các vấn đề gọi là Tiền Lệ pháp, Tập quán pháp - Để Bà con tham khảo!
I. TẬP QUÁN PHÁP VÀ HIỆU LỰC RÀNG BUỘC
Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự!
Ví dụ: Ở Miền Trung, khi nói 01 chục quả cam - Nghĩa rằng là 10 quả cảm. Tuy nhiên ở một số vùng của Miền Tây. Khi nói 01 chục quả cam - Nghĩa rằng là 12 quả cam.
Từ đó cho thấy rằng, mỗi vùng miền, có những quy tắc, những tập quán khác nhau, trong giao dịch dân sự. Và khi những tập quán đó đã được thừa nhận và mặc định như vậy. Thì nó có giá trị nhất định, trong việc điều chỉnh quan hệ dân sự cho các bên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng: Chỉ khi Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì mới có thể áp dụng tập quán.
Ví dụ 2: A ký hợp đồng, mua của B 05 chục quả cam (50 quả). Nghĩa rằng trong Hợp đồng Các bên đã quy định rõ 05 chục là 50 quả. Thì không thể vận dụng để nói tập quán của vùng này hay vùng khác là 60 quả.
Quan trọng hơn: Trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì có thể áp dụng tập quán nhưng tập quán áp dụng không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự - Đó là: Bình đẳng, tự do, tự nguyện thỏa thuận và cam kết! Nghĩa rằng, những thói quen, tập tục như Bắt vợ, Phạt vạ chuộc Trâu bò đi lạc: Là hủ tục, là bất hợp pháp.
II. LỆ LÀNG VÀ QUYỀN ĐỊNH ĐOẠT TÀI SẢN
Thôn Ngọa Cường lý giải rằng: Việc thu lại tiền để sau đó phân bổ là Lệ Làng! Ở đây chắc chắn không có lệ nào như vậy. Và nếu có - Thì Lệ làng này là bất hợp pháp. Lý do:
1. Thứ nhất xâm phạm Quyền sở hữu tài sản
Trong Bài viết "Từ thiện luôn hợp pháp" trước đây, Chúng ta đã khẳng định rằng: Bản chất của việc từ thiện là tặng cho tài sản. Theo đó, khi nhận được tài sản, thì Quyền sở hữu được xác lập.
Ví dụ 3: Ông A đi làm công nhân. Lương tháng 03 triệu. Khi được trả lương, 03 triệu này thuộc quyền sở hữu của Ông A. Trường hợp Ông A bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, được đoàn từ thiện tặng cho 04 triệu. Thì ngay sau khi nhận, 04 triệu này cũng thuộc quyền sở hữu của Ông A. Có nghĩa rằng: 03 triệu Ông A làm ra, và 04 triệu Ông A được cho này, đều là tiền của Ông A, thuộc quyền sở hữu của Ông A: Và hai khoản tiền này giống nhau tuyệt đối, dưới góc độ quyền sở hữu tài sản. Hay nói cách khác, nếu 03 triệu Ông A làm ra, không ai có quyền thu lại, thì 04 triệu này cũng thế - Không khác gì nhau cả! Nghĩa rằng, dù nguồn gốc thu nhập có khác nhau, nhưng quyền năng chủ sở hữu là y chang nhau.
Do đó, việc Thôn thu lại tiền từ những Người dân là hành vi bất hợp pháp - Xâm phạm quyền sở hữu tài sản của Công dân. Ngôn ngữ dân gian có thể nói đó là hành vi "Trấn lột", còn dưới góc độ Khoa học hình sự, thậm chí nó có dấu hiệu của Tội "Cưỡng đoạt tài sản"!
2. Thỏa thuận khiếm khuyết và hiệu lực ràng buộc
Những Người đồng tình với cách làm của Thôn Ngọa Cường thì cho rằng: Nếu thôn đã họp và mọi Người đã đồng ý, thì nó có giá trị thi hành.
Tác giả sẽ lấy ngay một ví dụ để Bà con thấy lập luận vừa nêu là không ổn: Ông A cho Ông B vay 100 triệu, hẹn 01 tháng trả. Tuy nhiên, khi đến hạn, nếu Ông B không trả, vậy Ông A có được quyền đến nhà Ông B lấy tài sản không?! Đương nhiên là không, nếu Ông A tự ý đến lấy, sẽ bị buộc ngay tội cưỡng đoạt tài sản hoặc Công nhiên chiếm đoạt tài sản?! Do đó, muốn đòi nợ, Ông A buộc phải kiện ra Tòa. Vì sao vậy? Vì nếu cứ để tự do phát triển, thì đó đã là Luật rừng, và đổ máu, xã hội sẽ loạn. Qua đây, Bà con thấy, Tiền của Ông A đã cho vay, Ông A cũng không được tự đi xiết nợ đòi lại, thì huống chi, Thôn đòi tự ý đi thu lại tiền của Người khác cho.
Nghĩa rằng - Thỏa thuận của Thôn Ngọa Cường, chỉ có giá trị ràng buộc với những Ai tự nguyện đồng ý: Lưu ý rằng, không bao giờ được áp dụng nguyên tắc đa số ở đây! Ví dụ cuộc họp Thôn, có 70% Người dân đồng ý, thì thỏa thuận thu lại tiền, chỉ có giá trị với 70 % Người dân này! Không được áp dụng với 30% Người dân còn lại. Vì sao vậy: Vì đây là quyền sở hữu cá nhân. Không phải chung của cả làng. Nên không ai có nghĩa vụ phải tuân theo.
Hơn thế nữa, mặc dù thỏa thuận trên có giá trị thi hành với những Người đồng ý. Tuy nhiên, việc thi hành sau đó cũng phải trên tinh thần tự nguyện. Nghĩa rằng, Thôn không có chức năng, thẩm quyền tự ý đi cưỡng chế thu lại như vậy. Ví dụ luôn cho Bà con dễ hiểu: Thôn A có 100 Người dân, Họp thống nhất nhận tiền Thôn sẽ thu lại, rồi chia đều. Cả 100 Người đều đồng ý. Tuy nhiên 03 tháng sau có lũ lụt, 10 Hộ dân sau khi nhận tiền không chịu nộp lại. Thì trường hợp này Thôn chỉ có 02 cách lựa chọn: 1 là Kiện ra Tòa hoặc 02 là "Cạch mặt" lần sau. Mặc nhiên, Thôn không có quyền cưỡng chế thu tiền.
Nói tóm lại: Trong mọi trường hợp, kể cả việc đã có đồng thuận từ trước, thì việc chuyển giao tiền (Không nên dùng từ nộp lại), phải là sự tự nguyện, vì bất cứ lý do gì, Ban cán sự thôn đi thu lại tiền là trái pháp luật! Không một tiền lệ hay tập quán nào được Viện dẫn ở đây - Vì nếu có - Đó cũng trái với Nguyên tắc của Luật Dân sự: Bình đẳng - Tự nguyện!
III. SỰ HOÀI NGHI HỢP LÝ
Ở trên Chúng ta đã phân tích dưới góc độ Luật - Lệ và Tập quán! Còn phần này, Chúng ta thử đánh giá vấn đề dựa trên Xã hội học!
Theo thông tin trên báo Quảng Bình, thì Trưởng thôn Ngọa Cường: “Để đảm bảo sự công bằng, hài hoà và giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, những năm trước đây, Ban cán sự và người dân thôn Ngoạ Cường đã bàn bạc, đi đến thống nhất chủ trương, khi có các hoạt động cứu trợ bão lụt, đối với hàng hoá thì người dân được hưởng, còn tiền mặt thì thôn sẽ thu lại. Cuối đợt, Ban cán sự thôn sẽ họp bàn với Người dân bình xét, cân đối và phân chia lại cho từng hộ, trong đó ưu tiên cho những hộ gia đình bị thiệt hại nặng".
Nghe qua thì luận điểm này khá hợp lý! Nhưng có lẽ như - Cách vận hành trên thực tế sẽ có vấn đề! Làng xóm nào chẳng có Họ hàng. Có Họ đông, Họ ít....... Cho nên cách bình xét, theo số phiếu này - E rằng, những Người ít Họ hàng, thân cô, thế cô đã nghèo sẽ lại càng không có cơ hội được bình xét! Khách quan mà nói - Đây là Bài toán không đơn giản! Và với những tiêu cực đã từng xảy ra - Người ta có quyền hoài nghi hợp lý, về việc phân phát tiền sẽ có những khuất tất về sau! Đó cũng là lý do vì sao, Các Hội đoàn từ thiện đã chọn cách vất vả là đi giao tiền trực tiếp! Ấy vậy nhưng - Mới đây, Thủy Tiên đã phải thông báo dừng phát tiền tại Quảng Trị, khi nhận thấy có nhiều Người khá giả tới nhận tiền ...... Quả là - Rất gian nan!
Dẫu sao - Tác giả cũng chỉ là một Nhà khoa học pháp lý chuyên môn! Vì vậy, xin phép chỉ luận bàn về quy định pháp lý để Bà con tham khảo, hiểu và vận dụng. Còn việc nghĩ cách làm sao để phát tiền được đúng chuẩn, không tiêu cực - Đành phiền Độc giả "Dự mưu" hộ Bà con.......
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!