BÀN VỀ ĐIỀU KHOẢN MIỄN TRÁCH NHIỆM DO THỎA THUẬN CỦA CÁC BÊN TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

        Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không chỉ được điều chỉnh bởi các quy định pháp lí mà còn được điều chỉnh bởi chính các thỏa thuận của các bên được ghi nhận trong hợp đồng. Trên cơ sở tự do ý chí thể hiện ý chí, các bên có quyền thỏa thuận mọi vấn đề liên quan đến điều kiện của hợp đồng nhằm ràng buộc quyền và nghĩa vụ của các bên với nhau, nếu thỏa thuận đó không trái với các quy định của pháp luật, trong đó có cả vấn đề loại trừ trách nhiệm khi có sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ trong những trường hợp nhất định.

        Có thể nói rằng các bên khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận và quy định về trường hợp miễn trách nhiệm vào trong hợp đồng là một điều hết sức quan trọng và cần thiết. Vì rằng, mặc dù các hệ thống pháp luật của các quốc gia trên thế giới, cũng như các văn bản pháp lí quốc tế đều có quy định về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm như sự kiện bất khả kháng, do lỗi của bên có quyền mà chúng ta đã phân tích ở phần trước. Tuy nhiên, nội hàm của các trường hợp miễn trách nhiệm nói trên ở các hệ thống pháp luật khác nhau là không giống nhau. Hơn nữa các quy định của pháp luật về trường hợp miễn trách nhiệm chỉ đưa ra ở dạng các nguyên tắc chung, mô phỏng một cách khái quát hóa và trừu tượng hóa, chính vì vậy các bên khi cần viện dẫn để áp dụng trên thực tế luôn gặp phải những khó khăn nhất định; khắc phục hạn chế này, việc các bên quy định rõ ràng và cụ thể vào trong hợp đồng các trường hợp miễn trách nhiệm, không những tạo ra một hành lang pháp lí an toàn để các bên có thể dựa vào đó nhằm bảo vệ quyền lợi của mình mà còn giúp cho cơ quan giải quyết tranh chấp cũng như các bên có thể dễ dàng áp dụng trên thực tế.

        Như vậy, cần phải khẳng định rằng khi tham gia giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, việc có thỏa thuận hay không có thỏa thuận về trường hợp miễn trừ trách nhiệm và phạm vi miễn trừ trách nhiệm như thế nào, mức độ miễn trừ trách nhiệm tới đâu là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên giao kết. Tuy nhiên, xuất phát từ việc cho rằng: hiện nay nền kinh tế thị trường với những bất ổn và rủi ro cộng với xu thế toàn cầu hóa với những chấn động kinh tế xã hội dây chuyền đã làm gia tăng nhiều trường hợp quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong quan hệ hợp đồng không được bảo đảm. Điều đó không chỉ hạn chế vai trò của hợp đồng trong việc điều tiết sự vận động của quan hệ hàng hóa, tiền tệ mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Mặt khác, quá trình phân công lao động xã hội ngày càng sâu sắc cùng với sự phát triển nhiều loại hình hợp tác trong nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt hợp đồng với tư cách là điều kiện cần thiết để hệ thống kinh tế thị trường phức tạp có thể hoạt động. Trong điều kiện đó, việc từ chối thực hiện hay thực hiện không đúng hợp đồng có thể phá vỡ sự cân đối của thể chế các quan hệ kinh tế. Do đó cần phải giới hạn sự tự do thỏa thuận của các bên về trường hợp miễn trách nhiệm như là một công cụ pháp lí nhằm hướng tới mục đích bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của bên có quyền trong quan hệ hợp đồng, đồng thời buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ hợp đồng. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật của một số quốc gia đã thông qua một loạt quy định hạn chế việc tự do thỏa thuận về trường hợp miễn trách nhiệm, theo hướng không công nhận giá trị pháp lí của những thỏa thuận về hạn chế hoặc miễn trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng một cách cố ý hoặc vô ý nghiêm trọng.

        Thật vậy, chẳng hạn như theo quy định của pháp luật Anh, về nguyên tắc thỏa thuận của các bên về trường hợp miễn trừ trách nhiệm có hiệu lực pháp luật, tuy nhiên những thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm do vi phạm những điều kiện cơ bản của hợp đồng thì lại được coi là không có hiệu lực pháp lí. Ví dụ, theo thỏa thuận của các bên về miễn trừ trách nhiệm của người bán do các khuyết tật ẩn trong hợp đồng mua bán hàng hóa không thể loại bỏ điều kiện cơ bản của hợp đồng, theo đó chất lượng của hàng hóa phải bảo đảm cho việc sử dụng cho một mục đích cụ thể, hay thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm đối với thiệt hại là khoản lợi được hưởng không có ý nghĩa đối với những thiệt hại là hậu quả trực tiếp. Còn theo quy định của pháp luật Cộng hòa liên bang Đức, tại điều 176 BLDS quy định: bên vi phạm không thể được miễn trừ trách nhiệm trong tương lai nếu cố ý vi phạm hợp đồng. Quy định này có nghĩa là các thỏa thuận hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm nếu có liên quan đến trách nhiệm do vi phạm cố ý thì không có giá trị pháp lí. Cũng theo quy định tại điều 476 BLDS Đức các thỏa thuận trên bị coi là không có giá trị pháp lí nếu người bán cố tình im lặng, không thông báo cho người mua những khuyết tật của hàng hóa mà người bán đã biết trước. Cũng tương tự như vậy, khoản 4 điều 401 BLDS Liên bang Nga quy định: các thỏa thuận trước giữa các bên về hạn chế hay miễn trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ một cách cố ý sẽ không có hiệu lực.[1]

        Tuy nhiên, ngược lại cũng có pháp luật của một số quốc gia khi quy định về miễn trừ trách nhiệm do thỏa thuận, đã không đặt vấn đề cố ý vi phạm hợp đồng để từ đó có cho phép áp dụng điều kiện miễn trách nhiệm do các bên đã thỏa thuận hay không. Chẳng hạn, theo quy định tại khoản 1 điều 194 Luật Thương mại Việt Nam 2005 thì các bên sẽ không phải chịu trách nhiệm do không thực hiện hay thực hiện không đúng nghĩa vụ của hợp đồng nếu có sự thỏa thuận của các bên về trường hợp miễn trách nhiệm đó. Như vậy, theo quy định này, chỉ cần thỏa mãn trường hợp miễn trách nhiệm đã thỏa thuận thì bên vi phạm nghĩa vụ sẽ được giải thoát khỏi trách nhiệm của mình, bất chấp sự vi phạm nghĩa vụ đó là cố ý hay vô ý. Điều này đã cho chúng ta thấy rằng các nhà làm luật của Việt Nam hết sức coi trọng nguyên tắc tự do ý chí của các bên trong khi kí kết hợp đồng.

        Trong các văn bản pháp lí quốc tế thì Công ước Viên 1980 đã không có quy định cụ thể nào về vấn đề này, nhưng chúng ta có thể tìm thấy nó trong quy định của Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, thật vậy điều 7.1.6 Bộ nguyên tắc quy định: một bên không thể viện dẫn điều khoản hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp không thực hiện được nghĩa vụ hoặc điều khoản cho phép thực hiện nghĩa vụ thực chất khác với nghĩa vụ mà bên kia có thể chờ đợi một cách hợp lí, nếu tính đến mục đích của hợp đồng, thì rõ ràng không thể chấp nhận việc thực hiện đó. Theo cách tiếp cận này, trên cơ sở thừa nhận áp dụng thuyết tự do thỏa thuận hợp đồng (điều 1.1), Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 công nhận các điều khoản miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận về mặt nguyên tắc là có hiệu lực pháp lí. Tuy nhiên một bên không thể viện dẫn điều khoản đó nếu việc áp dụng sẽ rõ ràng là bất bình đẳng. Trước hết đó là trường hợp khi bản thân điều khoản đó bất bình đẳng bởi việc áp dụng nó sẽ dẫn tới một sự mất cân bằng tự nhiên giữa các nghĩa vụ của các bên. Mặt khác, có thể tồn tại những hoàn cảnh mà theo đó sẽ không thể viện dẫn một điều khoản ngay cả khi bản thân điều khoản đó không bất bình đẳng, chẳng hạn như khi việc không thực hiện là kết quả của một hành vi rõ ràng cẩu thả hoặc khi bên có quyền đã không ngăn ngừa được các hậu quả của việc hạn chế hay miễn trừ trách nhiệm bằng cách mua bảo hiểm phù hợp. Trong tất cả các trường hợp cần xem xét đến mục đích của hợp đồng và đặc biệt là mong muốn chính đáng của mỗi bên từ việc thực hiện hợp đồng. Nói tóm lại, Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 không cho phép các bên viện dẫn điều khoản miễn trách nhiệm với những vi phạm hợp đồng do cố ý hoặc việc áp dụng là bất bình đẳng.

        Trong khoa học pháp lí, cũng có một số nhà nghiên cứu đồng tình với quan điểm bên vi phạm nghĩa vụ không được viện dẫn và áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận nếu hành vi vi phạm là do cố ý, và từ đó đã cho rằng: “việc pháp luật Việt Nam không có quy định nào điều chỉnh vấn đề này có thể đưa đến câu hỏi là nếu sự vi phạm hợp đồng là cố ý thì thỏa thuận hạn chế hoặc miễn trừ trách nhiệm có hiệu lực pháp lí hay không? Thực tiễn có nhiều trường hợp xảy ra nhiều trường hợp mà một bên (thông thường là bên có kinh nghiệm) dựa vào điều khoản hợp đồng có nội dung hạn chế hoặc miễn trừ trách nhiệm để cố ý vi phạm hợp đồng mà không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp này, nếu muốn tuyên bố điều khoản hạn chế hoặc miễn trừ trách nhiệm có vi phạm một cách cố ý thì tòa án không có cơ sở pháp lí. Ngược lại nếu công nhận giá trị pháp lí của điều khoản đó thì bên bị thiệt hại (bên có quyền trong quan hệ hợp đồng) phải gánh chịu hậu quả một cách phi lí từ sự vi phạm của bên kia mà không có quyền yêu cầu tuyên bố điều khoản đó vô hiệu và đòi bên vi phạm bồi thường thiệt hại.”[2] Trên cơ sở đó đã đi đến khuyến cáo “khi hoàn cảnh bắt buộc phải đưa vào hợp đồng thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm, chúng ta cần bổ sung vào hợp đồng “thỏa thuận này sẽ không có giá trị pháp lí nếu việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng là cố ý”. Điều kiện này chắc chắn sẽ ngăn cản được sự lợi dụng của phía bên kia”.[3]

        Tuy nhiên, xuất phát từ nguyên tắn tự do ý chí và thể hiện ý chí, thiết nghĩ rằng, khi các bên kết ước hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thỏa thuận về trường hợp miễn trách nhiệm thì thỏa thuận đó cần phải được chúng ta tôn trọng, trừ khi nó trái với các quy định của pháp luật, trong trường hợp này thỏa thuận đó sẽ bị coi là vô hiệu (không có giá trị pháp lí) và tất nhiên nó không thể được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng của các bên. Trong trường hợp ngược lại, nghĩa là thỏa thuận miễn trách nhiệm không trái với các quy định của pháp luật về mặt nguyên tắc thỏa thuận đó có hiệu lực pháp luật, có giá trị ràng buộc đối với các bên tham gia hợp đồng. Cho nên khi bên vi phạm nghĩa vụ thỏa mãn các trường hợp miễn trách nhiệm đã được quy định trong hợp đồng, thì thiết nghĩ rằng họ cần phải được giải thoát khỏi trách nhiệm của mình mà không cần đặt vấn đề vi phạm đó là cố ý hay không. Vì những lí do sau đây:

  • Thứ nhất, khi đàm phán soạn thảo, kí kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế các bên có quyền tự do bày tỏ ý chí của mình về mọi vấn đề có liên quan đến hợp đồng, trong đó có cả trường hợp miễn trách nhiệm. Như vậy các bên đều có cơ hội và trách nhiệm tính toán, cân nhắc kỉ càng xem quy định đó có gây ra bất lợi cho mình hay không. Nếu như một bên cảm thấy quy định nào đó là quá bất hợp lí cho mình thì họ có quyền đề nghị thương thảo lại, nếu thương thảo không được thì họ có quyền từ chối không tham gia kí kết hợp đồng đó. Còn nếu như các bên đã kí kết hợp đồng, điều đó có nghĩa là đã chấp nhận với mọi vấn đề đã được quy định trong đó. Cho nên sẽ thật là vô lí nếu như sau này, bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đã thỏa mãn trường hợp miễn trách nhiệm quy định trong hợp đồng mà họ lại không được giải thoát khỏi trách nhiệm của mình.
  • Thứ hai, về mặt nguyên tắc trường hợp miễn trừ trách nhiệm là một điều khoản được quy định chung cho các bên trong hợp đồng, và là một điều khoản có tính dự liệu cho tương lai. Khi các bên soạn thảo và kí kết hợp đồng thì chúng ta không thể biết được trong tương lai ai sẽ là người vi phạm hợp đồng, cho nên khi sự vi phạm nghĩa vụ đã xảy ra trên thực tế và nó thỏa mãn trường hợp miễn trách nhiệm mà chúng ta lại coi việc áp dụng trường hợp miễn trách nhiệm là bất bình đẳng thì quả thật là không thỏa đáng. Cũng giống như hai đội bóng khi cùng phải đá trên mặt sân lồi lõm, nhiều vũng nước và dưới cái nắng chói chang, trong trường hợp này chúng ta không thể nói điều kiện thi đấu như vậy là bất hợp lí với đội bóng này hay đội bóng kia vì đó là hoàn cảnh thi đấu chung của cả hai đội, chúng ta cũng không thể vì điều kiện thi đấu như vậy và vì có một đội bóng nào đó có thể lực yếu hơn rồi cho là bất bình đẳng và phải hủy trận đấu để đá lại. Vì lẽ khi các bên đều ở trong một hoàn cảnh chung, một điều kiện chung và một cơ hội chung thì không bao giờ có cái gọi là “bất bình đẳng” hay “bất lợi” cho bên nào theo đúng nghĩa của nó. Vì ai rơi vào hoàn cảnh đó cũng được như vậy.
  • Thứ ba, về mặt lí luận chung các căn cứ miễn trách nhiệm dù được pháp luật quy định hay do các bên thỏa thuận vẫn luôn đòi hỏi một điều kiện tiên quyết đó là việc vi phạm nghĩa vụ phải là giải pháp cuối cùng, có nghĩa là không có cách nào để có thể hoàn thành được nghĩa vụ dù đã áp dụng nhiều phương án khác nhau. Như vậy, khi có sự vi phạm nghĩa vụ xảy ra, không cần quan tâm sự vi phạm nghĩa vụ đó là do lỗi cố ý, vô ý hay không có lỗi. Chỉ cần sự không thực hiện nghĩa vụ đó không phải là phương án cuối cùng, có nghĩa là vẫn còn khả năng để thực hiện hợp đồng thì bất kể nguyên nhân dẫn đến sự vi phạm nghĩa vụ là gì bên có nghĩa vụ cũng sẽ không được miễn trách nhiệm. Như vậy, suy cho cùng, việc dặt vấn đề lỗi cụ thể là lỗi cố ý trong sự vi phạm hợp đồng của bên có nghĩa vụ không mang lại nhiều ý nghĩa trong trường hợp này; và
  • Thứ tư, giả định rằng lí luận về trường hợp bên vi phạm nghĩa vụ không được viện dẫn và áp dụng điều khoản miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận, nếu hành vi vi phạm do cố ý, là cần thiết nhằm mục đích là bảo vệ bên yếu thế hơn trong quan hệ hợp đồng thì thiết nghĩ rằng điều này cũng chỉ hợp lí khi áp dụng đối với các quan hệ dân sự thuần túy trong nước, mà cụ thể là nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng, trước các nhà kinh doanh, vì ở đây có sự tồn tại của cái gọi là bên yếu thế theo đúng nghĩa của nó. Còn trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như đã trình bày, các bên tham gia chủ yếu là các thương nhân, là những người hiểu biết và có kinh nghiệm trong hoạt động thương mại, trên phương diện pháp lí họ là những kẻ “ngang cơ với” nhau. Do đó không cần thiết để đặt vấn đề vi phạm cố ý để bảo vệ bên yếu thế.

Nói tóm lại, ngoài các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định trong pháp luật, bên vi phạm nghĩa vụ còn được miễn trách nhiệm khi rơi vào các trường hợp được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Phải thừa nhận rằng, việc các bên thỏa thuận và ghi nhận vào trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế điều khoản miễn trách nhiệm mang lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên việc thiết kế ra một điều khoản miễn trách nhiệm hợp lí, rõ ràng và chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên cũng  như có thể vận dụng dễ dàng vào thực tế không phải là một điều đơn giản. Không hiếm những trường hợp, điều khoản miễn trách do các bên thỏa thuận trong hợp đồng không rõ ràng dẫn tới việc khi cần viện dẫn sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có những trường hợp điều khoản miễn trách được quy định với quá nhiều sơ hở nên dễ bị các bên lợi dụng để chụp lợi. Cho nên thiết nghĩ rằng, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các bên tham gia hợp đồng và thay vì phải đặt vấn đề có lỗi cố ý không khi vi phạm hợp đồng để từ đó có cho phép viện dẫn điều khoản miễn trách nhiệm đã thỏa thuận không, thì tốt hơn hết chúng ta cần nghiên cứu và thiết lập ra được một điều khoản miễn trách nhiệm thật chặt chẽ, hợp lí. Để điều khoản miễn trách nhiệm phát huy được vai trò của nó đó là miễn trách nhiệm cho bên vi phạm hợp đồng khi sự vi phạm đó là điều không thể khác đi được.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 


[1] Dương Anh Sơn, các thỏa thuận hạn chế và miễn trừ trách nhiệm, tạp chí nghiên cứu lập pháp số 3, 2005.

[2] TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam, tr 145.

[3] Đại học quốc gia thành phố TP. HCM,  Giáo trình luật hợp đồng luật thương mại quốc tế, tr79.

Bình luận (0)


Bài viết liên quan