HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ: CHẾ TÀI BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI - PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi có đầy đủ các căn cứ: (i) có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; (ii) có thiệt hại xảy ra, và (iii) có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại. Khác với các quan điểm trước đây khi cho rằng: bồi thường thiệt hại chỉ nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu như là trước khi giao kết hợp đồng. Hiện nay theo quy định của các văn bản pháp lí quốc tế, cũng như pháp luật quốc gia, hình thức trách nhiệm bồi thường thiệt hại có mục đích nhằm đặt các bên vào vị thế như hợp đồng đã được thực hiện. Thật vậy, theo quy định tại điều 74 Công ước Viên 1980 thì: số tiền bồi thường thiệt hại do một bên vi phạm hợp đồng gồm có số tiền mất mát, kể cả tiền lời bị mất mà bên kia phải chịu do hậu quả của sự vi phạm hợp đồng, mức bồi thường thiệt hại này không được cao hơn những mất mát mà bên vi phạm đã thấy trước hoặc lẽ ra phải thấy trước vào lúc kí kết hợp đồng căn cứ vào các sự việc và sự kiện mà lúc đó họ đã biết hoặc lẽ ra phải biết như là một hậu quả có thể xảy ra của sự vi phạm hợp đồng. Như vậy bên bị vi phạm không những chỉ được bồi thường những chi phí, những tổn thất phải gánh chịu mà cả những khoản lợi nhuận đáng lẽ được hưởng nếu như hợp đồng được thực hiện nghiêm chỉnh. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là tất cả mọi thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đều được bồi thường, mà chỉ những thiệt hại xảy ra là hậu quả trực tiếp của hành vi vi phạm nghĩa vụ mới được bồi thường. Thật vậy, “những thiệt hại, kể cả thiệt hại trong tương lai chỉ có thể được bồi thường khi chúng được thiết lập với mức độ hợp lí về tính xác thực (điều 7.4.3 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004).
Ngày 03 tháng 8 năm 1997, nguyên đơn (công ty Việt Nam) và bị đơn (người bán Hàn Quốc) kí một hợp đồng mua bán máy thêu theo đó nguyên đơn mua của bị đơn hai máy thêu trị giá 130.000 USD theo điều kiện CIF cảng Thành phố Hồ Chí Minh, bảo hành 12 tháng sau khi hoàn tất lắp đặt.
Thực hiện hợp đồng, ngày 16 tháng 8 năm 1997 bị đơn đã giao hai máy thêu cho nguyên đơn, máy đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng. Trong quá trình sử dụng máy có nhiều sự cố. Bị đơn đã cử chuyên gia sang Việt Nam sữa chữa nhưng không thành công. Bị đơn cam kết sữa chữa xong vào ngày 04 tháng 4 năm 1998 và sẽ bồi thường 29.202 USD cho 90 ngày máy ngừng hoạt động nhưng sau đó bị đơn chỉ bồi thường 4.302 USD và không tiếp tục sữa chữa nữa.
Nguyên đơn đã trưng cầu giám định. Trong bản giám định cuối cùng của ViNaControl cấp ngày 28 tháng 4 năm 1999 đã kết luận máy bị hỏng hóc, tình trạng lắp ráp, căn chỉnh hai máy chưa hoàn tất, vào thời điểm giám định cả hai máy đều không vận hành được.
Ngày 04 tháng 5 năm 1999 nguyên đơn kiện bị đơn ra trọng tài và đưa ra bốn yêu cầu bồi thường thiệt hại gồm: (i) chi phí nhân công trong thời gian máy ngừng hoạt động; (ii) lãi suất trên số tiền hàng 130.000 USD kể từ ngày thanh toán đến ngày trọng tài xét xử; (iii) chi phí giám định; (iv) thiệt hại do mất khách hàng, thiệt hại mất doanh thu, thiệt hại tinh thần.
Ủy ban trọng tài xử chấp nhận ba yêu cầu đầu tiên của nguyên đơn (riêng đối với yêu cầu bồi thường thứ hai thì lãi suất được tính cho thời gian kể từ ngày máy ngừng hoạt động cho đến ngày trọng tài xét xử) vì đây được coi là những thiệt hại trực tiếp từ hợp đồng.
Đối với yêu cầu bồi thường thứ tư (yêu cầu bồi thường thiệt hại do mất khách hàng, thiệt hại do mất doanh thu, thiệt hại về tinh thần) thì ủy ban trọng tài đã xử bác bởi vì đây không phải là những thiệt hại thực tế trực tiếp, không phải là do máy móc có khuyết tật trực tiếp gây ra.[1]
Ngoài ra, để giới hạn trách nhiệm bồi thường cũng như để bảo đảm sự công bằng nhất định cho các bên, cả Công ước Viên 1980 lẫn Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 đều khẳng định quy tắc về tính dự đoán trước của thiệt hại, theo đó “bên có nghĩa vụ chỉ chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình đã dự đoán trước hoặc đã có thể dự đoán trước một cách hợp lí vào thời điểm giao kết hợp đồng như là một hậu quả có thể xảy ra từ việc không thực hiện” (điều 7.4.4 Bộ nguyên tắc). Tất nhiên, khi đánh giá đòi hỏi về tính nhìn thấy trước đối với hậu quả và thiệt hại xẩy ra, chúng ta sẽ không cần phải tính tới suy nghĩ chủ quan của chính người vi phạm nghĩa vụ mà áp dụng tiêu chí tham chiếu là việc dự liệu trước hợp lí của bất kì một người bình thường, cẩn thận có thể có được về hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong hoàn cảnh tương tự.
Nguyên đơn (người Bỉ) kí một hợp đồng mua của bị đơn (người Bỉ) 500 tấn thép theo các điều kiện C&F Karachi, Pakistan. Hợp đồng quy định bốc hàng lên tàu khởi hành từ “bất kì cảng nào của Châu Âu” và theo “bất kì đường biển nào” theo lựa chọn của bị đơn. Tuy nhiên một tháng sau khi hợp đồng được kí kết nguyên đơn gửi cho bị đơn yêu cầu của người mua lại hàng (người Pakistan). Theo đó “hàng được chở bằng tàu theo tuyến thông thường” đến thẳng Karachi. Bị đơn đã chuyển các yêu cầu này đến người trung gian vận chuyển của mình và nêu rõ “tuyến đường yêu cầu: tàu chở hàng theo tuyến thông thường, đi trực tiếp đến Karachi”.
Không may là chiếc tàu được người trung gian vận chuyển của bị đơn thuê đã không tới được Karachi. Chuyến tàu này xuất phát từ Anvers với số thép bán cho nguyên đơn dừng lại ở Rotterdam vài ngày rồi đến Dunkerque để dỡ hàng trên tàu. Tại đây tàu này đã không thể rời cảng Dunkerque vì bị chủ nợ của các chủ tàu tịch thu để bán đấu giá. Sau khi tất cả các hàng hóa trên tàu bao gồm cả số hàng bán cho nguyên đơn đã được dỡ xuống và lưu kho theo quyết định của chánh án tòa án thương mại Dunkerque.
Do không nhận được số thép nói trên nên người mua Pakistan của nguyên đơn đã quyết định hủy bỏ hợp đồng đối với nguyên đơn. Nguyên đơn thông báo yêu cầu bị đơn phải chịu trách nhiệm cho mọi thiệt hại vì tàu đã không đi tuyến từ Anvers đến Karachi và nói rõ rằng để giảm thiệt hại nguyên đơn sẽ cố gắng thu xếp với người mua Pakistan. Việc dàn xếp này đã kết thúc bằng việc nguyên đơn đã bồi thường thiệt hại cho người mua Pakis tan. Và cũng để giảm thiệt hại nguyên đơn đã bán lại lô hàng nói trên với sự chấp thuận của bị đơn, bị đơn cũng tự nguyện mua lại 3/5 số hàng này.
Nguyên đơn sau đó đã khởi kiện bị đơn và yêu cầu ủy ban trọng tài buộc bị đơn bồi thường toàn bộ thiệt hại mà nguyên đơn đã phải gánh chịu, bao gồm: (i) khoản chênh lệch giữa giá của hợp đồng với giá mà nguyên đơn thu được sau khi phải bán lại lô hàng tại Dunkerque, (ii) khoản tiền đã bồi thường cho người mua Pakistan; (iii) các chi phí đã chi tại Dunkerque.
Ủy ban trọng tài đã chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại của nguyên đơn với nhận định: trong các trường hợp cụ thể của trường hợp này, có tính đến các yêu cầu của bên mua về tuyến đường trực tiếp của hàng hóa, những thiệt hại có thể lường trước được là hậu quả trực tiếp và ngay tức thì của việc không thực hiện hợp đồng không chỉ bao gồm thiệt hại là khoản lợi nhuận bị mất do không chuyển được hàng hóa đến người mua Pakistan, mà còn bao gồm cả các thiệt hại từ việc nguyên đơn phải bồi thường cho các chi phí mà người mua Pakistan đã phải bỏ ra vô ích và việc hàng hóa đã phải bốc dỡ tại Dunkerque, cũng như những giảm giá mà nguyên đơn đã thực hiện khi bán lại lô hàng với sự chấp thuận của bị đơn để hạn chế thiệt hại. Nói tóm lại, bị đơn là bên bán phải chịu toàn bộ những thiệt hại kể trên vì đó là những thiệt hại có thể lường trước được và là hậu quả trực tiếp và ngay tức thì của việc không thực hiện hợp đồng.[2]
Một nội dung khác liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại là vấn đề xác định thiệt hại. Công ước Viên 1980 và Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 quy định hai phương thức xác định thiệt hại đã được chấp nhận rộng rãi. Đó là phương thức xác định thiệt hại trong trường hợp thực hiện hợp đồng thay thế dựa trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thỏa thuận tại hợp đồng ban đầu và giá mà người mua hàng hóa đã thay thế hoặc giá mà người bán đã bán lại hàng cho người khác (điều 75 Công ước viên 1980, điều 7.4.5 Bộ nguyên tắc UNIDROIT); và phương thức xác định thiệt hại dựa trên cơ sở chênh lệch giá giữa giá ấn định trong hợp đồng với giá thị trường hiện hành khi các bên không thực hiện hợp đồng thay thế (điều 76 Công ước Viên 1980, điều 7.4.6 Bộ nguyên tắc UNIDROIT). Phương thức thứ nhất được gọi là phương thức xác định có tính chất cụ thể vì thiệt hại được xác định trên cơ sở phần chênh lệch giữa giá thỏa thuận trong hợp đồng ban đầu với giá cụ thể của một hợp đồng thay thế được thực hiện trên thực tế. Phương thực thứ hai được gọi là phương thức xác định có tính chất giả định hay trừu tượng, vì thiệt hại được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa giá ấn định trong hợp đồng với giá thị trường hiện hành của một hợp đồng thay thế có tính chất giả định[3]. Thiết nghĩa rằng việc đưa ra các phương thức xác định thiệt hại như vậy là hợp lí và phù hợp với thực tiễn, vì lẽ không phải lúc nào sau khi hợp đồng bị hủy bỏ thì các bên cũng đều có thể kí kết được một hợp đồng khác thay thế ngay được, rất tiếc là pháp luật Việt Nam không có quy định nào tương tự.
Nguyên đơn (người bán Singapore) và người mua (bị đơn Việt Nam) kí kết hợp đồng ngày 29 tháng 6 năm 1994 theo đó nguyên đơn bán cho bị đơn giấy gói kẹo có in mẫu và tên cụ thể, theo điều kiện CIF Hải Phòng và giao hàng từng đợt. Mở L/C và giao hàng đợt một: Annex1. Mở L/C và giao hàng đợt hai và các đợt khác: bị đơn sẽ thông báo cho nguyên đơn bằng telex hoặc fax. Thời gian giao hàng là 20 ngày sau khi mở L/C.
Thực hiện hợp đồng, hai bên đã tiến hành giao hàng và trả tiền cho đợt một và đợt hai. Sau hai đợt giao hàng, ngày 11 tháng 02 năm 1995, nguyên đơn fax cho bị đơn là đã sản xuất xong lô hàng giấy gói kẹo trị giá 77.705 USD và yêu cầu bị đơn mở L/C để giao hàng tiếp vào đợt ba. Ngày 17 tháng 5 năm 1995 bị đơn telex đồng ý nhận lô hàng đó làm hai lần: lần đầu vào giữa tháng 6 năm 1995 còn lần thứ hai thì sau lần đầu. Nhưng vào ngày 19 tháng 6 năm 1995 bị đơn lại điện cho nguyên đơn với lí do là kẹo không bán được trên thị trường Hà Nội nên bị đơn không thể tiếp nhận giấy gói kẹo nữa. Vì vậy lô hàng trị giá 77.705 USD của nguyên đơn còn nằm lại kho.
Ngày 31 tháng 12 năm 1996 nguyên đơn khởi kiện đòi bị đơn bồi thường thiệt hại trong đó có 83.185 USD trị giá lô hàng giấy gói kẹo đã được sản xuất xong chờ để giao hàng nhưng bị đơn từ chối nhận.
Ủy ban trọng tài cho rằng, về nguyên tắc khi bị đơn từ chối nhận hàng không có căn cứ mà gây thiệt hại cho nguyên đơn thì nguyên đơn có quyền đòi bồi thường. Muốn được bồi thường thiệt hại thì nguyên đơn phải chứng minh thiệt hại và xuất trình các chứng từ làm bằng chứng. Trong trường hợp này, nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại thực tế phát sinh, không cung cấp các chứng từ làm bằng chứng cho thiệt hại mà coi giá trị lô hàng giấy gói kẹo bị từ chối nhận không có căn cứ là thiệt hại để đòi bị đơn bồi thường.
Thông thường, khi người mua (bị đơn) từ chối nhận hàng (nguyên đơn) có quyền và phải bán lô hàng cho người khác. Nếu giá cao hơn giá hợp đồng kí với bên mua thì người bán được hưởng, nếu giá thấp hơn thì có quyền đòi bồi thường chênh lệch cộng với các chi phí phát sinh như chi phí lưu kho, chi phí liên quan đến việc bán lại lô hàng chứ không có quyền đòi bồi thường toàn bộ giá trị lô hàng giấy gói kẹo. Nhưng trong trường hợp này giấy gói kẹo sản xuất ra đã mang nhãn và tên cụ thể nên nguyên đơn không thể bán cho ai khác bởi không ai có thể sử dụng được trừ bị đơn. Vì thế, nguyên đơn có quyền đòi bị đơn trả tiền toàn bộ lô hàng giấy gói kẹo với điều kiện là nguyên đơn phải giao lô hàng đó cho bị đơn. Vì lô hàng giấy gói kẹo đó đang nằm trong kho của nguyên đơn nên ủy ban trọng tài quyết định buộc bị đơn phải bồi thường cho nguyên đơn trị giá lô hàng giấy gói kẹo là 77.705 USD chứ không phải là 83.185 USD như nguyên đơn đòi, đồng thời buộc nguyên đơn phải giao lô hàng giấy gói kẹo tương ứng với 77.705 USD theo điều kiện CIF Hải Phòng cho bị đơn, trừ khi bị đơn không muốn nhận lô hàng nữa.[4]
Trong vụ việc này, có thể thấy rằng ủy ban trọng tài đã có sự khó khăn trong việc xác định thiệt hại, vì lô hàng không được bán cho ai nên không thể áp dụng phương thức xác định cụ thể để tính toán thiệt hại, hơn nữa vì lô hàng không thể bán cho ai nên cũng không thể áp dụng phương pháp giả định để xác định thiệt hại vì sẽ không có căn cứ để xác định phần chênh lệch. Phán quyết mà trọng tài đưa ra về lí thuyết là buộc bồi thường thiệt hại nhưng thực chất là buộc các bên phải thực hiện hợp đồng.
Một nguyên tắc quan trọng nữa có ý nghĩa trong bảo đảm sự công bằng, hợp lí giữa các bên là nguyên tắc nghĩa vụ hạn chế thiệt hại của bên có quyền. Theo quy định tại điều 77 Công ước Viên 1980, điều 7.4.8 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 và điều 305 Luật Thương mại Việt Nam 2005 đều có chung quy định: bên nào viện dẫn sự vi phạm hợp đồng của bên kia thì phải áp dụng những biện pháp hợp lí căn cứ vào các tình huống cụ thể để hạn chế tổn thất kể cả khoản lợi bị bỏ lỡ do sự vi phạm hợp đồng gây ra. Nếu họ không làm điều đó, bên vi phạm hợp đồng có thể yêu cầu giảm bớt một khoản tiền bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ hạn chế được. Như vậy pháp luật đặt ra nghĩa vụ cho bên có quyền không được thụ động chờ đợi được bồi thường những thiệt hại mà lẽ ra có thể ngăn chặn được hoặc hạn chế được. Nếu không áp dụng những biện pháp hợp lí cần thiết để ngăn chặn hoặc hạn chế tổn thất thì về mặt pháp lí bên có quyền không bị bắt buộc thi hành những biện pháp này, nhưng về mặt kinh tế bên có quyền phải chịu hậu quả là sẽ không được hưởng khoản bồi thường đối với những khoản thiệt hại lẽ ra có thể ngăn chặn được hoặc hạn chế được bằng các biện pháp hợp lí cần thiết.
Nguyên đơn (công ty Pháp) kí một hợp đồng với bị đơn (công ty Mỹ), theo đó nguyên đơn nhường quyền sử dụng tên và nhãn hiệu hàng hóa của mình trong ba năm cho bị đơn để sử dụng trên những sản phẩm do công ty này sản xuất và tiêu thụ trong phạm vi lãnh thổ Mỹ. Thông thường theo phương thức hoạt động này, bị đơn phải trả 6 tháng một lần các khoản chi phí tương đương với số % nhất định của doanh thu và một khoản tiền bảo đảm tối thiểu trong mọi trường hợp. Về điều này, trong hợp đồng có quy định rằng việc không thanh toán các chi phí vào các ngày đáo hạn tương ứng sẽ dẫn đến việc hợp đồng tự bị hủy bỏ mà không làm ảnh hưởng đến quyền được bồi thường thiệt hại của bên kia.
Tuy nhiên, bị đơn chỉ thanh toán một khoản tiền bảo đảm tối thiểu theo hợp đồng trong năm đầu tiên và quyết định chấm dứt hợp đồng. Nguyên đơn kiện và yêu cầu bị đơn thanh toán khoản tiền bảo đảm tối thiểu còn lại vào ngày đáo hạn theo quy định của hợp đồng trong thời gian hai năm còn lại.
Ủy ban trọng tài bác yêu cầu trên của nguyên đơn vì yêu cầu trái với ý chí của các bên thể hiện trong hợp đồng và trái với tập quán và thực tiễn trong quan hệ thương mại quốc tế; nhưng cho rằng nguyên đơn có quyền được nhận khoản tiền đền bù thiệt hại do bị đơn vi phạm hợp đồng với điều kiện đã cố gắng hết sức mình nhằm giới hạn mức độ thiệt hại xảy ra.
Khoản tiền bồi thường được xác định là khoản đảm bảo tối thiểu đến ngày X, bởi vì bị đơn đã có thông báo dự kiến khả năng tiếp tục quan hệ hợp đồng trong một thời gian xác định và do đó nguyên đơn đã không tìm cách để đặt các quan hệ hợp đồng với một hoặc nhiều công ty khác ở Mỹ để thay thế cho quan hệ hợp đồng với bị đơn. Triển vọng về đàm phán và bàn bạc với bị đơn không còn kể từ ngày X. Như vậy, kể từ ngày X nguyên đơn lẽ ra phải cố gắng thiết lập những quan hệ mới nhằm bù đắp những thiệt hại gây ra do chấm dứt hợp đồng với bị đơn. Tuy nhiên, nguyên đơn đã không đưa ra một bằng chứng nào dù nhỏ nhất về các nổ lực này. Do đó hoàn toàn hợp lí và công bằng khi cho rằng nếu như nguyên đơn đã tiến hành những nổ lực như vậy thì nguyên đơn đã có thể giảm một nữa những thiệt hại gây ra do chấm dứt hợp đồng với bị đơn. Kết quả cuối cùng là do không tiến hành những nổ lực cần thiết nguyên đơn chỉ được đền bù ½ tổn thất xảy ra trên thị trường Hoa Kỳ.[5]
Liên quan đến vấn đề hạn chế tổn thất, trong khoa học pháp lí có một số quan điểm cho rằng: “nếu vi phạm hợp đồng là cố ý thì bên bồi thường không có quyền viện dẫn đến việc bên bị thiệt hại không áp dụng những biện pháp hợp lí để hạn chế thiệt hại hay không.”[6] Tuy nhiên, thiết nghĩ rằng, quan điểm trên có chỗ không hợp lí, thể hiện: một là, trong các quy định pháp lí khi nói về nghĩa vụ hạn chế tổn thất không hề có một ý niệm nào ám chỉ đến việc vi phạm của bên có nghĩa vụ là có lỗi cố ý hay vô ý, như vậy trong mọi trường hợp bên có quyền luôn có nghĩa vụ hạn chế tổn thất trong khả năng có thể; và hai là, quan trọng hơn, việc xác định hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ là lỗi cố ý hay vô ý là phải do cơ quan có thẩm xác định khi giải quyết tranh chấp, như vậy khi hành vi vi phạm xảy ra nếu chúng ta để cho bên có quyền dựa vào ý chí chủ quan của mình để đánh giá hành vi vi phạm đó là cố ý hay vô ý rồi từ đó quyết định có phải thực hiện nghĩa vụ hạn chế tổn thất hay không là một điều không thuyết phục, hậu quả sẽ bất lợi nếu như đánh giá của bên có quyền không giống với đánh giá của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, cho nên thiết nghĩ nghĩa vụ hạn chế tổn thất luôn đặt ra đối với bên có quyền mà không cần quan tâm hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ là do lỗi cố ý, vô ý hay không có lỗi; ba là, nguyên tắc thiện chí, trung thực và công bằng trong giao lưu dân sự nói chung luôn yêu cầu các bên thực hiện đúng nghĩa vụ của mình trong khả năng cho phép, cho dù phía bên kia hành động như thế nào, chứ không phải ở sự “ăn miếng trả miếng”, trừ trường hợp việc vi phạm nghĩa vụ là do lỗi của bên kia mà chúng ta sẽ đề cập ở những phần sau của đề tài.
Ngoài ra cũng cần phải nói thêm rằng, khi tiến hành các biện pháp hợp lí cần thiết bên có quyền thường phải bỏ ra những khoản tiền chi phí nhất định. Những khoản tiền chi phí này không được là nguyên nhân gây tổn hại cho bên có quyền và chúng phải được coi là một phần cấu thành những tổn thất mà người có quyền phải gánh chịu. Cho nên bên có quyền có quyền yêu cầu bên vi phạm hoàn trả những chi phí mà mình đã bỏ ra để hạn chế tổn thất. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cần phải hiểu những chi phí hợp lí để hạn chế tổn thất “không chỉ giới hạn trong phạm vi những chi phí hợp lí đã bỏ ra mà còn bao hàm cả những chi phí hợp lí mà bên bị thiệt hại “sẽ phải bỏ ra” trong tương lai do ngăn chặn, hạn chế, khắc phục hậu quả vi phạm. Ví dụ: nếu bên bán giao hàng thiếu và chậm thì chi phí hợp lí để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại phải bao gồm cả chi phí hợp lí người mua đã bỏ ra để thực hiện việc mua thêm hàng hóa bù vào cũng như chi phí mà người mua sẽ phải bỏ không sau đó để nộp phạt hoặc bồi thường do giao hàng chậm trễ cho những người mua kế tiếp.”[7]
Ngày 27 tháng 11 năm 1997, nguyên đơn (một công ty Việt Nam) kí một hợp đồng bán gạo cho một công ty Angieri theo điều kiện C&F tại một cảng Angieri. Thực hiện hợp đồng mua bán này, ngày 5 tháng 1 năm 1998 nguyên đơn kí kết hợp đồng vận chuyển với bị đơn (một công ty vận tải đường biển Singapore). Tàu vào cảng Thành phố Hồ Chí Minh ngày 12 tháng 01 năm 1998 hoàn thành việc xếp hàng và rời cảng ngày 20 tháng 01 năm 1998. Vận đơn đường biển xác nhận tàu đã xếp đủ hàng theo hợp đồng và nguyên đơn cũng đã thanh toán đủ tiền cước vận chuyển.
Thông thường với chặng đường từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Angieri tàu chỉ phải đi mất từ ba đến bốn tuần. Nhưng mấy tháng sau tàu vẫn chưa đến Angieri, sau một thời gian bặt tin, ngày 16 tháng 7 năm 1998 tàu đến Gibralta, bị bắt giữ ở đây theo yêu cầu của ngân hàng nhận cầm cố của chủ tàu và hàng hóa trên tàu bị bán đấu giá.
Với tư cách là người giữ vận đơn gốc và là chủ của số lượng hàng hóa bị mất, nguyên đơn kiện yêu cầu ủy ban trọng tài tuyên bố bị đơn phải chịu trách nhiệm đối với mọi khiếu kiện phát sinh từ hoặc có liên quan đến việc không giao hàng/mất hàng mà một bên thứ ba có thể tiến hành chống lại nguyên đơn.
Ủy ban trọng tài thừa nhận rằng về nguyên tắc, nguyên đơn được quyền bồi hoàn trong trường hợp có một khiếu kiện của một bên thứ ba đưa ra sau này chống lại nguyên đơn, mặc dù nguyên đơn có được bị đơn hoàn trả lại những khoản tiền mà nguyên đơn phải bồi hoàn cho bên thứ ba hay không chỉ có thể xác định khi và nếu một khiếu kiện như vậy phát sinh. Do đó ủy ban trọng tài quyết định bị đơn phải bồi hoàn cho nguyên đơn mọi khoản tiền mà nguyên đơn phải nộp phạt hoặc bồi thường cho một bên thứ ba, xuất phát từ việc bị đơn không giao hàng.[8]
Trong trường hợp, bên có quyền áp dụng các biện pháp nhằm hạn chế tổn thất, nhưng thiệt hại không những không được khắc phục mà còn lớn hơn thì trong trường hợp này những thiệt hại phát sinh sẽ không được bồi thường, vì lẽ đó không phải là hậu quả trực tiếp từ hành vi vi phạm của bên có nghĩa vụ, hơn nữa trong trường hợp này những biện pháp mà bên có quyền áp dụng để hạn chế tổn thất được coi là không hợp lí.
Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
[1] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 138-148.
[2] Trung tâm trọng tài quốc tể Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 232-244.
[3] TS.Nguyễn Ngoc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam, tr 454.
[4] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 117-121.
[5] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 308-310.
[6] PGS.TS Nguyễn Văn Luyện, TS Lê Thị Bích Thọ, TS.Dương Anh Sơn, Hợp đồng thương mại quốc tế, tr 264.
[7] TS.Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam, sđd, tr 458.
[8] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 245-152.