TỪ VỤ ÁN THẢM SÁT GIA ĐÌNH VỢ CŨ TẠI PHÚ YÊN: KHÔNG ĐƯỢC HẠN CHẾ QUYỀN THĂM CON SAU KHI LY HÔN - TRỪ KHI CÓ QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI CƠ QUAN THI HÀNH ÁN DÂN SỰ!

Vụ án giết 03 mạng Người là Cha mẹ vợ cũ và Vợ cũ, diễn ra mới đây tại Phú Yên, thực sự là một tấn bi kịch nối dài và hậu quả của nó chắc chắn sẽ không bao giờ có thể khắc phục được. Rồi đây, đứa bé bất hạnh càng trở nên thảm thương, khi trở thành trẻ mồ côi Mẹ, có Cha là tử tù, mất đi cả Ông bà ngoại - Một tai họa, quá tàn khốc. Dù bất kỳ là lý do hay nguyên nhân gì, việc tước đoạt mạng sống của nhiều Người, không phải trong trường hợp phòng vệ chính đáng, đó là tội ác, hung thủ sẽ phải chịu chế tài của pháp luật, với hình phạt không thể khác hơn tử hình. Đó có lẽ là điều không còn gì phải bàn cãi, nếu như không có một chi tiết nào khác, đủ để làm thay đổi bản chất vụ án. Tuy vậy - Đằng sau tang thương đó, có những bài học sâu sắc cần phải được nghiêm túc rút ra....

Theo lời khai ban đầu của Hung thủ, do Vợ cũ và Gia đình vợ cũ có hành vi cản trở, không cho được thăm con sau khi ly hôn, nên mới ức chế tâm lý dẫn đến hành động tội ác như trên! Có thể nói rằng, đây không phải là trường hợp cá biệt về việc hạn chế thăm con sau khi ly hôn, bởi trong thực tế, rất nhiều Cha mẹ đều có tâm lý và hành vi này: Nếu Người cha được trực tiếp nuôi Con, thường không muốn cho Con được gặp Mẹ, ngược lại khi Người mẹ được trực tiếp nuôi con, thường không muốn cho Con được gặp Cha. Lý do Người trong cuộc đưa ra có vô vàn, nhưng tựu chung lại thì đó là bởi: Không muốn phiền toái, muốn ly gián, muốn trả thù, không muốn dây dưa... Và có thể, còn những nỗi khổ riêng nào đó.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, ly hôn chỉ là sự kết thúc về hôn nhân, quan hệ nhân thân giữa Người chồng và Người vợ - Nhưng đó không và không bao giờ là căn cứ để chấm dứt mối quan hệ huyết thống/pháp lý giữa Cha mẹ và Con, nghĩa rằng mối quan hệ đó luôn luôn và mãi mãi tồn tại. Chính vì thế, sau khi ly hôn, Người Cha hoặc Mẹ sẽ là Người được trực tiếp nuôi Con, nhưng Người còn lại không trực tiếp nuôi Con vẫn có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở (Điều 82.3 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014). Như vậy, việc thăm nom Con sau khi ly hôn, đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của Người cha/mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng, bởi đó là bổn phận đạo đức và pháp lý được gọi chung là trách nhiệm.

Chỉ khi nào Người cha/mẹ không trực tiếp nuôi Con có hành vi lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục Con thì Người còn lại đang trực tiếp nuôi Con mới có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom Con của người đó. Như vậy, chỉ sau khi có quyết định của Tòa án về việc chấp thuận hạn chế thăm Con, thì Người đang được trực tiếp nuôi Con, mới có quyền ngăn cấm, hạn chế việc thăm Con của Người kia. Bằng không, việc tự ý cản trở, hạn chế quyền thăm Con chính là hành vi vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội.

Giải pháp đặt ra: Khi ly hôn, Tòa án thường sẽ giao Con cho một Người trực tiếp nuôi dưỡng, tùy từng trường hợp cụ thể, và trong Bản án sẽ luôn có câu khẳng định rằng, Người không trực tiếp nuôi dưỡng được quyền thăm con mà không ai có quyền hạn chế hay cản trở; Do đó khi Người cha/mẹ không trực tiếp nuôi Con, muốn thăm Con nhưng lại bị Chồng hay Vợ cũ cùng Gia đình cản trở, gây khó dễ trong việc thăm Con, thì hãy làm Đơn yêu cầu thi hành án đến Cơ quan thi hành án dân sự, đây là Cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền thi hành Bản án đã có hiệu lực của Tòa án, lúc đó Cơ quan thi hành án dân sự sẽ vào cuộc để buộc Người đang trực tiếp nuôi Con, không được hạn chế, cản trở việc thăm Con, nếu Người này không chịu hợp tác, sẽ bị cưỡng chế thi hành án, thậm chí sẽ bị khởi tố về hành vi không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật Hình sự.

Khi Bà con chúng ta vận dụng đúng các quy định pháp luật trên đây, thì không chỉ bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của mình một cách phù hợp, đúng đắn, hiệu quả. Mà quan trọng hơn, là tránh được những rủi ro pháp lý, dẫn đến những ức chế tâm lý, sự phẫn uất, từ đó kéo theo nhiều hành vi trái pháp luật, hậu quả là những tấn bi kịch kéo dài cho biết bao đời, bao thế hệ. Hôn nhân có thể đưa lại hạnh phúc nhưng cũng có thể mang đến khổ đau. Nhưng kể cả trong bất hạnh, nếu Bà con chúng ta tĩnh tâm, suy xét và xử lý thấu đáo, hợp tình, hợp lẽ, hợp pháp, thì vẫn có thể phòng tránh được cơn thịnh nộ của quỷ luôn ngủ yên trong lòng những Con người nào đó, nhưng vẫn chực chờ vùng dậy, nếu bị đánh thức.....

Viết tại Sài Gòn, ngày 31/05/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan