VỀ VỤ ÁN BÉ GÁI 8 TUỔI BỊ SÁT HẠI TẠI BÌNH THẠNH: CẦN THẬN TRỌNG ĐỂ KHÔNG BỎ LỌT TỘI PHẠM!

Liên quan đến Vụ án Cháu bé 8 tuổi bị sát hại tại quận Bình Thạnh, truyền thông và báo chí đa phần đều mô tả sự việc với cụm từ "Bé gái bị bạo hành dẫn đến tử vong"! Cần phải nói ngay rằng, việc dùng từ bạo hành trong trường hợp này là chưa chính xác, vì nó không tương xứng với thực tế đã diễn ra hành vi cũng như hậu quả của nó. "Bạo hành" là hành vi có tính chất bạo lực, nên thường được dùng để mô tả những hành vi có tính chất vũ lực, một cách khá chung chung, ví dụ một vài cái bạt tai, một vài đòn roi, một vài cái xô đẩy là cũng đã đủ để gọi là có hành vi bạo hành.... Trong pháp luật về hình sự, pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, pháp luật về trẻ em, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, hành vi bạo hành được quy định, lý giải theo một hướng nhẹ hơn, so với các loại hành vi phạm tội khác cũng có yếu tố vũ lực.

Chính vì vậy, trong Vụ án bé gái bị sát hại nói trên, chính xác phải là dùng từ bị sát hại, thì hành vi của kẻ thủ ác không phải là hành vi bạo hành theo nghĩa phổ thông như vừa nêu. Mà đó phải là hành vi thuộc dạng từ cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người hoặc là hành vi giết người - Với rất nhiều tình tiết tăng nặng như, phạm tội với trẻ em, hành vi có tính chất dã man, vì động cơ đê hèn. Và khung hình phạt luôn phải từ 20 năm đến chung thân hoặc tử hình. Khoảng 01 năm trước, Vụ án mẹ ruột và cha dượng sát hại một Cháu bé, kẻ thủ ác cũng đã phải nhận mức án kịch khung cho hành vi này, theo đó một kẻ bị chung thân, kẻ còn lại bị tử hình. Nói tóm lại, đối với những Vụ án mà kẻ thủ ác có hành vi cố sát, để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, thì không thể dùng từ bạo hành, vì nó không hề tương xứng về tính chất và hậu quả: Nếu Chúng ta chưa chắc chắn về tội danh là "Cố ý gây thương tích" dẫn đến hậu quả chết Người hay tội danh "Giết Người", thì có thể tạm dùng từ Cháu bé "bị sát hại" là hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Một vấn đề khác - Rất quan trọng trong Vụ án này, đó là, không biết vô tình hay cố ý, mà từ báo chí, cho đến mạng xã hội, đều thông tin rằng Cháu bé bị mẹ kế sát hại - Trong khi bố đẻ của Cháu bé vẫn sống chung với bé trong suốt quá trình xảy ra sự việc. Các bậc Phụ huynh chắc chắn không phản đối Tác giả rằng: Chỉ cần con cái của Chúng ta có một vết cào nhỏ do bạn bè nhỏ gây ra, hay một vài vết trầy xước do ham chơi bị té, cũng đã đủ để Chúng ta có thể nhận ra ngay tức thì - Nên không thể có chuyện Cháu bé trong Vụ án này với nhiều thương tích đầy mình như vậy, gần như khắp mọi nơi trên cơ thể, mà bố Cháu không hề biết! Như vậy có nghĩa rằng ông bố này có biết sự việc - Mà đã biết thì không thể vô can - Theo đó: (i) Hoặc cũng là đồng phạm/tòng phạm với vai trò giúp sức, thậm chí chủ mưu chưa biết chừng của tội danh cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người hay tội danh giết người như đã nêu trên, nếu như có hành vi cùng đánh đập hoặc/và xúi dục, kích động, cổ súy cho mẹ kế đánh đập; Hoặc (ii) là ngó lơ, thờ ơ không ngăn cản hành vi phạm tội của người mẹ kế đối với con đẻ của mình, trường hợp này nếu nhẹ thì tội danh của ông bố sẽ là không tố giác tội phạm với mức hình phạt là 3 năm tù, còn nặng thì sẽ bị xem xét với vai trò đồng lõa. Tóm lại, ông bố này không thể nào thoát tội, không tội này, thì tội khác - Đó là bản án pháp luật. Còn bản án đạo đức và lương tâm, thì không lời văn, ngôn từ nào có thể mô tả được.

Theo một số nguồn tin - Cần phải kiểm chứng, rằng vào thời điểm xảy ra án mạng, có Người đã nghe được người mẹ kế nói rằng "Nó (Ý nói Cháu bé) ngưng thở rồi, gọi bệnh viện đi" và ông bố đáp lại rằng "Gọi để đi tù à" - Nếu như thông tin này là chính xác, thì không biết ai mới là hung thủ độc ác thực sự, ai mới thực sự là kẻ chủ mưu?! Và như đã nêu ở trên, cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra trong Vụ án này, thì ông bố không thể nào vô can, không thể nào thoát tội - Hơn thế nữa, theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân & Gia đình, Luật Trẻ em, cũng như bản án ly hôn mà tòa đã tuyên là giao Cháu bé này cho ông bố trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng, thì chính ông ta là người đại diện theo pháp luật của Cháu bé, nên phải là người đầu tiên, trước hết có nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ Cháu bé trước mọi sự xâm hại - Và ông ta đã vi phạm đặc biệt nghiêm trọng nghĩa vụ của mình. Không một bà mẹ kế nào có thể làm gì, nếu cha của đứa trẻ thực sự bảo vệ chúng. Vì vậy, Chúng ta đừng vô tình, đổ hết tội lỗi cho bà mẹ kế, bà ấy có tội, nhưng ông bố thì tội càng nặng hơn thế.

------

Một Cháu bé 8 tuổi - Trong một xã hội hiện đại - Giữa một thành phố đông đúc: Nhưng lại cô đơn, cô độc ngay trong chính căn nhà của mình trước những sự tấn công của kẻ thủ ác. Ở quê Tác giả, một vài ông bố, bà mẹ nóng tính, khi con hư, nếu có đòn roi thái quá, chỉ là lâu lâu mới thế, nhưng hàng xóm cũng đã vội vàng tới can ngăn, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc, sợ cả giận mất khôn - Đó không phải là nhiều chuyện, mà là trách nhiệm cộng đồng. Hơn thế nữa, Luật Trẻ em quy định rõ, trách nhiệm bảo vệ trẻ em (Một nhóm Người yếu thế, cùng những nhóm yếu thế khác như người cao tuổi, người khuyết tật....) là trách nhiệm chung của cả Cộng đồng, của toàn xã hội, chứ không chỉ riêng trách nhiệm của một ai. Vì thế, Chúng ta cần mở lòng mình hơn, cần xây dựng cho nhau những ý thức chung vì Cộng đồng, trong đó có trách nhiệm bảo vệ những Người yếu thế - Đó cũng chính là sự nhân văn, sự thiện lương nhằm chống lại cái ác trong xã hội. Nếu Chúng ta im lặng hay thờ ơ, thì chính Chúng ta cũng đã có lỗi, góp phần cho cái ác được tự do tung hoành.....

Viết tại Sài Gòn, ngày 28/12/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan