NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN VỤ VIỆC GIỮA VINFAST VÀ CHỦ KÊNH YOUTUBE GOGO TV: PHÂN TÍCH - ĐÁNH GIÁ VÀ LUẬN GIẢI!
Liên quan đến Vụ việc lùm xùm giữa Vinfast và Chủ kênh YouTube GoGo TV, Tác giả đã đăng trên Trang bài viết “CUỘC CHIẾN PHÁP LÝ GIỮA VINFAST VÀ CHỦ KÊNH YOUTUBE GOGO TV: BÀN VỀ NGUYÊN TẮC THIỆN CHÍ TRONG QUAN HỆ PHÁP LUẬT DÂN SỰ” – Trong đó chủ yếu chỉ đưa ra quan điểm đánh giá về cách thức lựa chọn giải quyết vấn đề của các bên liên quan, trên cơ sở đối chiếu với nguyên tắc căn bản của pháp luật dân sự là tính thiến chí. Tuy nhiên, có một số Bạn độc giả muốn tìm hiểu sâu hơn vấn đề về nội dung pháp lý của vụ việc, nên Tác giả sẽ viết thêm một Bài để phân tích rõ hơn, nhằm giúp Bà con tham khảo các khía cạnh pháp lý liên quan, và có cách nhìn khách quan, chính xác hơn đến vụ việc.
1. Trước hết, cần phải khẳng định chắc chắn và chắc chắn rằng: Vụ việc này, khác hoàn tòan về bản chất so với vụ việc con ruồi của Tân Hiệp Phát năm xưa; Vì lẽ Vụ việc năm xưa anh Minh đã bị tuyên án với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, nhưng Vụ việc này sẽ không bao giờ có tội danh đó, bởi chưa có bằng chứng nào cho thấy Bên mua có hành vi “Đòi tiền” Bên bán. Tất nhiên, không phải cứ đòi tiền bồi thường, thì sẽ cấu thành tội phạm, nhưng ý ở đây muốn nhấn mạnh rằng, vì không có hành vi đòi tiền, nên sẽ không có một tội danh nào liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu ở đây. Do đó, bản chất Vụ việc này, khác hẳn Vụ việc năm xưa, dù khởi nguồn đều có những tình tiết khá giống nhau.
2. Giả định 1: Nếu như hành vi cáo buộc của Bên mua liên quan đến lỗi xe trong vụ việc này là đúng sự thật, thì hành vi đăng tải thông tin lên mạng xã hội của Anh ta sẽ không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật, cho dù đó là hành chính hay hình sự. Đương nhiên và hiển nhiên nó phải như vậy, mà không cần bàn cãi. Chính Bên bán cũng nói rằng, vì Bên mua nói sai sự thật nên mới tố ra Công an, cũng có nghĩa là, nếu Bên mua nói đúng, thì không thể nào lại đi tố. Và nếu như vậy, khi đó Bên mua còn được quyền tố ngược lại Bên bán về hành vi vu khống (Tức là tố lại Bên bán vì đã tố sai sự thật).
3. Giả định 2: Nếu như hành vi cáo buộc của Bên mua liên quan đến lỗi xe trong vụ việc này là không đúng sự thật, thì đương nhiên hành vi này là trái pháp luật – Cho dù Anh ta là Người tiêu dùng. Đương nhiên và hiển nhiên nó cũng phải như vậy, đó là công bằng. Vì Người tiêu dùng cần được bảo vệ, nhưng Doanh nghiệp cũng cần phải được pháp luật bảo vệ. Ở đây Chúng ta không lăn tăn về vấn đề này, mà chỉ cần hiểu nôm na: Pháp luật phải bảo vệ sự thật và cái đúng. Do đó, nếu như hành vi của Bên mua là đã đưa tin không đúng sự thật, thì đó là hành vi vi phạm pháp luât: Đó có thể là vi phạm pháp luật hành chính hoặc vi phạm pháp luật hình sự, đương nhiên kèm theo cả trách nhiệm dân sự mà thường là cải chính và bồi thường.
4. Giả định 2 (Tiếp theo): Vẫn tiếp tục Giả định rằng Người mua đưa tin sai sự thật, thì tùy vào mức độ của thông tin sai trái tới đâu mà có thể bị xử phạt hành chính cho hành vi đưa tin thất thiệt, xâm phạm uy tín tổ chức….. Còn nếu nặng, thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự, của một trong hai tội danh: Vu khống hoặc Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức. Trong trường hợp cụ thể này, việc xác định thuộc tội danh nào, có ranh giới khá mong manh. Vì lẽ - Tội danh vu khống và Tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ đều có một phần hành vi khách quan khá giống nhau, đó là đưa tin sai sự thật – Nhưng có mục đích không hoàn toàn giống nhau: Tội vu khống có mục đích là nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi ích; Còn tội Lợi dụng quyền thì chỉ có mục đích xâm phạm quyền lợi ích hợp pháp. Do đó, vẫn theo giả định là nếu có việc đưa tin sai sự thật đi nữa, thì phải chứng minh mục đích của Bên mua ở đây là gì.
5. Như vậy từ Giả định 1 và Giả định 2 nêu trên, và từ phát ngôn của các bên thì điều cần làm rõ trong Vụ việc này là: Việc Bên mua cho rằng, xe của Anh ấy bị lỗi sản xuất là đúng hay sai?! Từ đó sẽ kết luận được: Bên mua có vi phạm pháp luật hay không! Đó mới chính là trọng tâm, là bản chất vấn đề của Vụ việc. Có một số bài viết đánh giá rằng: Người mua dùng ngôn từ nhẹ nhàng, lịch sự, và chỉ nói về xe Anh ta thôi, mà không nói chung xe khác – Tuy nhiên, việc đề cập những chi tiết này không mang nhiều ý nghĩa pháp lý, vì rằng, nếu Anh ta nói sai, thì việc Anh ta chỉ nói về xe anh ta cũng không được; Còn nếu Anh ta nói đúng, thì miễn bàn, chẳng cần biết nhẹ nhàng hay hung hổ, Anh ta cũng đều đúng và có quyền.
6. Trên cơ sở đó – Để trả lời cho câu hỏi: Việc Bên mua cho rằng, xe của Anh ấy bị lỗi sản xuất là đúng hay sai, thì những tình tiết, cũng có thể gọi là những chứng cứ sau đây, cần phải thu thập, làm rõ: Xe Anh ta mua có bị lỗi không?! Nếu có lỗi thì lỗi này là do lỗi sản xuất, hay là lỗi do tai nạn, hay lỗi do những tác động ngoại lực khác?! Có một số Bạn thông tin rằng, Bên mua đã đưa xe đi độ - Giả định, thông tin này là thật, thì điều đó, cũng không thể mặc nhiên nói ngay được rằng, xe bị lỗi là do Anh ta, mà không phải do sản xuất. Đương nhiên không thể suy đoán như thế, và pháp luật chưa bao giờ đơn giản như vậy. Nguyên nhân và hệ quả phải là nguyên nhân trực tiếp, nghĩa rằng phải chứng minh được những lỗi xuất hiện là do độ xe mà ra, còn nếu không phải như vậy thì không thể kết luận như thế. Chẳng hạn nếu Anh ta chỉ độ dàn đèn, không làm gì đến ghế ngồi phía sau, nhưng da của ghế sau bị sùi, bị tróc, nôm na là da đểu, thì không thể nói do độ xe, nên da ghế bị hỏng, ai mà tin cho được. Những vấn đề khác phải hiểu tương tự như vậy.
7. Và để trả lời được những câu hỏi vừa nêu, nhằm đi đến kết luận cuối cùng – Thì có một thủ tục bắt buộc phải làm: Đó là trưng cầu giám định chiếc xe của Bên mua, việc này sẽ do các tổ chức có chuyên môn tiến hành giám định, để xác định lỗi xe, nguyên nhân, và các vấn đề khác. Khi có được bản kết luận giám định này rồi, lúc đó mới có thể tiến hành các bước tiếp theo. Cho nên có thể nói rằng, Vụ việc này sẽ còn kéo dài - Chừng nào chưa có kết quả giám định, thì sẽ chưa biết ai đúng, ai sai, và vì vậy, cũng không có bất kỳ Cơ quan nào có thể ra phán quyết về vụ việc, nếu như chưa có kết quả giám định – Đó là điều chắc chắn!
Qua vụ việc này, Chúng ta thấy rằng: Bên mua (Người tiêu dùng/Khách hàng) là Người đã bỏ ra một số tiền lớn để mua sản phẩm, nên nếu sản phẩm bị lỗi thì họ phải được bảo hành, bồi thường; Nếu quyền lợi của họ không được bảo đảm, họ có quyền bảo vệ mình bằng mọi cách mà pháp luật không cấm: Của đau con xót! Tuy nhiên, Doanh nghiệp cũng cần phải được bảo vệ, vì họ kinh doanh cũng vì thu nhập, không những thế nó còn liên quan đến người lao động và gia đình họ, cho nên phải được bảo vệ, nếu như họ đã hành xử đúng. Vì thế, ở đây Chúng ta không thể nói rằng, mình chỉ bênh vực Bên nào, hay chỉ bảo vệ Bên nào – Mà Chúng ta bênh vực lẽ phải, nói không với sai trái….. Cho nên Bên nào đúng, Chúng ta sẽ ủng hộ, đó cũng là hành động góp phần bảo vệ sự thật và công lý!
Viết tại Sài Gòn, ngày 05/05/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!