VỀ VỤ VIỆC NỮ SINH LỚP 10 TỰ TỬ TẠI THÀNH PHỐ VINH: PHÁP LÝ - ĐẠO ĐỨC VÀ GIÁO DỤC!

Một Em học sinh lớp 10, tại Trường THPT Chuyên Đại học Vinh (Nghệ An), đã tự tử trong tư thế treo cổ tại nhà riêng tối 15/4/2023 - Nguyên nhân sự việc đang được làm rõ, trong đó có nghi vấn Nữ học sinh bị bạo lực học đường..... Đây chỉ là một ví dụ, trong nhiều những trường hợp - Con Người ta đã tìm đến cái chết, không chỉ đơn giản là để giải thoát khỏi những quẫn bách trong thực tại Họ đang sống, mà còn là để khẳng định sự oan khuất, và cái chết như là một lựa chọn cuối cùng, để Họ tự minh oan cho mình! Và những câu chuyện như vừa rồi: Đấy không chỉ là câu chuyện của số phận - Đó còn là một mệnh đề Pháp lý/Đạo đức/Giáo dục, mà Chúng ta cần đi tìm lời giải!

I. THAY ĐỔI QUÁN NIỆM VỀ PHÁP LUẬT

1. Có lẽ, trong một bộ phận không nhỏ của xã hội, bao gồm cả những vùng miền nơi làng quê Tác giả....... Phần đông Bà con, vẫn thường quán niệm rằng: Việc Ai đó tự sát, luôn luôn là lựa chọn của chính Nạn nhân, là sự chán nản về cuộc sống, về con Người, nên Họ mới tự tìm đến cái chết. Vậy thôi! Nên chẳng có yếu tố pháp lý nào liên quan ở đây cả.

2. Tuy nhiên - Quán niệm này, cần phải thay đổi. Bởi có những sự tự sát của Nạn nhân, chính là hệ quả trực tiếp của một hành vi khách quan của một loại tội phạm nào đó. Thì Hung thủ - Kẻ đã có hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến quyết định của cái chết đó, cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Tất nhiên phải còn đi kèm với những yếu tố khác trong Cấu thành tội phạm). Trong Đạo luật hình sự, có rất nhiều Tội danh liên quan đến hành vi tự sát của Nạn nhân - Ví dụ: Tội làm nhục Người khác (Hung thủ có hành vi làm nhục nạn nhân, khiến nạn nhân cảm thấy nhục nhã tự sát); Tội vu khống (Hung thủ có hành vi vu khống Nạn nhân, làm Nạn nhân cảm thấy oan ức mà tìm đến cái chết); Tội bức tử (Hung thủ có hành vi đối xử tàn ác, ngược đãi Người lệ thuộc mình, khiến Nạn nhân tìm đến cái chết); Tội xúi giục hoặc giúp Người khác tự sát (Hung thủ có hành vi dụ dỗ, kích động khiến Nạn nhân tìm đến cái chết)......................

3. Như vậy - Qua sự viện dẫn ở trên, Bà con ta thấy rằng, không chỉ một, mà có rất nhiều tội danh, mặc dù Nạn nhân là Người trực tiếp tự tước đoạt tính mạng của mình, nhưng hành vi tự sát đó, được thúc đẩy mãnh liệt và chính yếu, bởi những hành vi trái pháp luật của Người khác, thì Người đã có hành vi thúc đẩy, khiến nạn nhân tự sát này, phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh nào, sẽ cần phải điều tra, xác minh xem hành vi của Hung thủ, phù hợp với hành vi khách quan của tội danh nào được mô tả trong Luật. Tuy nhiên - Điều mà Tác giả muốn nhấn mạnh với Bà con ở đây là: Cần phải thay đổi tư duy, rằng không được cứ thấy ai đó tự sát, thì mặc nhiên xem đó là do họ tự tìm đến cái chết, nên không có ai là thủ phạm cả - Vì đây là một quán niệm sai lầm!

4. Theo đó - Khác với những trường hợp tự tử thông thường như do buồn đời, thất tình, chán nản khi làm mãi không giàu, bị bệnh tật - Thì "Tự sát pháp lý" là hành vi mặc dù Nạn nhân đã tự tước đoạt mạng sống của chính mình. Tuy nhiên, hành vì này có nguyên nhân xuất phát trực tiếp, chịu tác động trực tiếp, là hệ quả trực tiếp từ những hành vi khách quan của Người khác, thì những Người có hành vi khách quan, dẫn đến việc Nạn nhân tự sát này, cần phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với những tội danh cụ thể được luật hình sự quy định! Hay nói cách khác, việc Nạn nhân tự sát sát trong những trường hợp này, dù chính họ tự tước đoạt mạng sống của mình - Nhưng đây là sự tự nguyện cưỡng bách - Chính vì thế, Hung thủ có hành vi tạo ra sự cưỡng bách tự nguyện này, cần phải chịu trách nhiệm hình sự!

II. MÊNH MÔNG ĐÂU CHỈ MỘT CON ĐƯỜNG

1. Tác giả hiểu và đồng ý rằng: Mỗi Chúng ta, mỗi con Người, có một cuộc sống riêng, một hoàn cảnh riêng, những lo lắng riêng, những áp lực riêng, những khó khăn riêng....... Chính vì thế, Tác giả không lấy Mình, hay Ai đó, để làm thước đo đánh giá Ai. Cũng bởi thế, nên Tác giả không lên án, hay chỉ trích Ai, rằng tại sao Họ lại lựa chọn như thế này, hay như thế kia ..... Bởi có thế, Họ có nỗi khổ riêng! Đó là điều Tác giả hết sức thấu hiểu và cảm thông.

2. Tuy nhiên - Tác giả hoàn toàn không đồng ý, không ủng hộ Ai đó, dùng chính sinh mệnh của mình, tự tước đoạt mạng sống của mình, để giải quyết bất cứ khó khăn gì trong giông bão của Cuộc đời này - Vì sao vậy?! Vì nó không thể giải quyết được điều gì hoặc nếu có thì cũng chỉ giải quyết được một vài vấn đề nào đó - Nhưng cái giá phải trả là quá đắt, đắt vô cùng. Cho nên, không thể phí phạm sinh mệnh như vậy.

3. Không những thế - Việc lựa chọn cái chết với những trường hợp như đã nêu trên, sẽ khiến cho 04 chữ "Tự sát pháp lý" đi đến một kết cục: Dấu chấm hết cho mọi minh oan về pháp lý, và bắt Hung thủ thực sự phải chịu tội. Rõ ràng trong nhiều trường hợp, sau khi Nạn nhân tự sát, mọi chuyện sẽ rơi vào quên lãng - Theo đó, chính Nạn nhân đã tự hủy diệt Con đường đi tìm Công lý của mình. Có thể Con đường đó là gian nan, là xa thẳm - Nhưng còn sống là còn cơ hội! Nạn nhân phải dũng cảm, phải đồng hành với xã hội với những con Người có lương tri. Nghĩa rằng - Nạn nhân, không thể và không nên phó mặc nhiệm vụ đi đòi Công lý của mình cho xã hội, bằng cách rời bỏ nhân thế này!

4. Bất kỳ Ai khi rơi vào một hoàn cảnh pháp lý, một tranh chấp pháp lý, cho dù đó chỉ là những tranh chấp dân sự bình thường, cũng đều mang trong mình những tâm tư, nhưng phẫn uất nào đó, khi lẽ phải thuộc về Họ, nhưng không thể biện minh - Cũng chính bởi thế, Tác giả luôn phải tiến hành liệu pháp tâm lý, giải tỏa những khối nặng cảm xúc tiêu cực, đang đè nén Họ bấy lâu trước đã. Sau đó, mới bàn đến vấn đề giải quyết về chuyên môn - Bởi có nhiều Người, đôi khi vì thấy bất công, thấy phiền muộn, mới dẫn đến những bi kịch, chứ không phải bởi vì thắng thua hay tiền tài, trong một tranh chấp.

5. Theo đó - Chính nhận thức, chính sự thấu hiểu rằng: Khó khăn là giai điệu của cuộc sống; Thế gian này chẳng có con đường nào bằng phẳng; Thì con đường công lý, lại càng gian nan, phong ba, nguy hiểm nhất. Chính bởi thế, Con Người ta cần phải dũng cảm đương đầu với mọi sóng gió và phong ba trên hành trình này. Và một hành trình dài như vậy, thì không thể mang theo những thứ không cần thiết vì nó sẽ tạo thêm gánh nặng và mệt mỏi: Đó là sự căm thù, lòng hiếu chiến, những phẫn uất và âu lo...... Khi đã tự giải thoát cho mình, khỏi những khối bỉ cực tâm can, cũng là lúc sự bình yên và thảnh thơi ngự trị tâm hồn - Đó đã là: Một Thành công - Một Thắng lợi - Một Đạt được lớn lao rồi!

III. VÀ SINH MỆNH CHÍNH LÀ ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT

1. Nếu để ý, Chúng ta sẽ nhận thấy, có rất nhiều Người, khi gặp phải những bệnh nan y trong cuộc sống - Dù đã được kết luận là y học chưa thể tìm ra liệu pháp chữa trị, nhưng Họ vẫn không ngừng hi vọng, vẫn tìm mọi cách chạy chữa để có thể kéo dài thêm sự sống! Vì sao vậy - Vì Họ yêu cuộc sống này, Họ trân quý sinh mệnh của Họ, dù cho đã mang án tử trong Người! Vậy thì tại sao chỉ vì những khó khăn, những biến cố trong cuộc sống, mà những Người khác lại dễ dàng lựa chọn cái chết - Dễ dàng đầu hàng số phận như vậy?! Không! Không được dại dột như thế.

2. Vậy nên - Dù là gì đi chăng nữa, trong bất kỳ hoàn cảnh nào - Tác giả vẫn khát khao, gửi đến tất cả một thông điệp rằng: Phải may mắn lắm, Bạn mới có mặt trên nhân gian này - Phải hạnh phúc lắm, khi Bạn đang được sống đầy khỏe mạnh, không đau yếu, bệnh tật. Vì vậy, dù bất cứ lý do gì, trong bất cứ nguyên nhân nào, Bạn hãy trân quý và yêu thương sức khỏe, sinh mệnh của Chính mình. Tác giả không phải là Bạn - Tác giả còn xót thương cho sinh mệnh của Bạn - Vậy tại sao Bạn lại không xót thương cho sinh mệnh của mình??!!!

IV. CẦN PHẢI NHẬN THỨC ĐỂ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC TRONG LĨNH VỰC RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH

Những gì Chúng ta vừa trao đổi ở trên, có thể vượt tầm nhận thức của không ít Các Em học sinh phổ thông - Nhưng chỉ chừng nào, trong hệ thống giáo dục phổ thông, vẫn chưa có môn tâm lý học đúng nghĩa. Có lẽ, Chúng ta cần phải thẳng thắn, thừa nhận với nhau rằng: Hệ thống giáo dục phổ thông của Chúng ta có quá nhiều môn học, học đủ thời gian trong tuần - Nhiều môn học, nhưng lại có rất ít môn và thời lượng liên quan đến lĩnh vực tâm lý nhận thức xã hội; Rút cuộc, lúc các Em rơi vào bế tắc thì không biết bày tỏ cùng ai, khi Cha mẹ, Giáo viên - Đối với các Em vẫn có những khoảng cách nhất định. Để rồi lâu ngày, sự bế tắc đó tạo nên một tâm trang u uất, buồn chán, tiêu cực, sinh ra trầm cảm, stress, và cuối cùng là những hành vi đáng tiếc xảy ra......

Trên Trang này của Tác giả, có rất nhiều Fan nhí độ tuổi từ 14, 15 đến 17, 18... Các em thường xuyên vào hộp thư để hỏi Tác giả về các vấn đề như: Bạo lực học đường, đi học bị bạn bè cô lập, tung tin xấu phải làm thế nào; Cha thường xuyên uống rượu chửi bởi đánh đập Mẹ con thì phải làm sao; Con không muốn học thêm có được không.... Mỗi câu hỏi của các Em thường gắn với một Câu chuyện buồn. Nhưng đó là một chỉ giấu đáng mừng, cho thấy các Em đã có những ý thức tư duy trưởng thành và biết tìm Người để hỏi, đó đã là đáng quý. Tuy nhiên, dù có nhiều Người như Tác giả, thì đó cũng chỉ là giải pháp sự vụ cho những Em nào biết để tìm đến mà hỏi. Trên bình diện rộng lớn, cần phải có cải cách giáo dục, phải xây dựng môn học về khoa học tâm lý, và quan trọng nhất là phải đào tạo được một đội ngũ Giáo viên, đủ khả năng đảm trách lĩnh vực này, để có thể chỉ dạy cho các Em.

Song song với đó, ở các Trường học phải thành lập các Phòng/Ban chức năng, có trách nhiệm gỡ rối, giải khó, thậm chí là giải cứu các Em học sinh đang rơi vào những hoàn cảnh bị bạo lực học đường, bạo lực gia đình, khủng hoảng về tâm lý, bế tắc về cuộc sống. Nói chung, là phải có nơi để cho Các Em tìm đến và "bấu víu", khi rơi vào những tình huống mà các Em không thể nào tự mình giải quyết được. Các Phòng/Ban này phải là thực chất, có năng lực, chuyên môn giải quyết những vấn đề đã nêu, mà không phải chỉ để thành lập cho có, như vậy thì mới có thể hoàn thành được sứ mệnh của mình.

------

"Cuộc sống này rất ngắn ngủi, ngắn vô cùng tận; Vì thế đừng mất quá nhiều thời gian cho sự buồn khi Bạn gặp khó khăn, bất công, bất hạnh hay giông tố trong cuộc đời; Hãy luôn mỉm cười, vì cuộc đời này là thế; Chính những gian nan, những trắc trở trong cuộc sống, là nơi rèn luyện cho Chúng ta ý chí kiên cường, lòng dũng cảm, cũng như sự cảm thông và thấu hiểu hơn về Con Người; Và sinh mệnh là điều quý giá nhất, mà phải trải qua bao nhiêu kiếp luân hồi, trải qua sự mang nặng đẻ đau, Bạn mới có mặt trên nhân thế này; Vì vậy phải luôn yêu thương và trân quý sinh mệnh của mình; Khi một Người con bị mất Cha mẹ, Người ta gọi đó là Đứa trẻ mồi côi; Khi một Người chồng/vợ bị mất vợ/chồng - Người ta gọi là Người góa vợ/chồng; Nhưng khi Cha mẹ bị mất con, Người ta đã không biết gọi bằng ngôn từ nào cả, bởi không có ngôn từ nào có thể diễn đạt được nỗi đau của Đấng sinh thành trong trường hợp đó; Thế nên trong mọi hoàn cảnh, Bạn đừng chỉ vì giải thoát cho mình, mà gieo nỗi đau cùng tận đấy, cho Đấng sinh thành...." - Dưới mái Trường, cần phải có Giáo viên, truyền tải được cho các Em học sinh, những thông điệp như thế!

Viết tại Sài Gòn, ngày 18/04/2023 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)


Bài viết liên quan