CÂU CHUYỆN "TAO LÀ TIẾN SỸ" VÀ MỘT VÀI KHÍA CẠNH PHÁP LÝ LIÊN QUAN!

Dẫn nhập: "Khoảng 23h khuya 15-8, ông Nguyễn Đ. đi xe máy về nơi ở tại khu đô thị Đặng Xá. Khi đi đến chốt kiểm dịch số 12 (khu đô thị Đặng Xá, Gia Lâm, Hà Nội), ông có biểu hiện say rượu, không đeo khẩu trang nên bị lực lượng trực chốt yêu cầu dừng xe kiểm tra giấy tờ. Thấy cán bộ trực chốt nhắc nhở đeo khẩu trang, ông Đ. liền quát lớn: "Tao là VTV, là tiến sĩ đấy, đừng có chỉ vào mặt tao. Bây giờ như nào? Cần giấy tờ gì? Nói!"." - Trích từ Báo Tuổi trẻ!

Có một vài Người mặc dù có học vị (Ví dụ như: Cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ được gọi là học vị.......) hoặc học hàm (Ví dụ như: Phó Giáo sư, Giáo sư được gọi là học hàm......) - Nhưng không thể phân biệt được giữa giá trị pháp lý của học hàm, học vị mà mình có được cũng như "Công dụng - Chức năng" của nó - Với - Tư cách pháp lý của chính Họ khi tham gia vào các quan hệ pháp luật!

Một Người có học vị (Chẳng hạn tiến sỹ, thạc sỹ) chỉ chứng minh được một điều rằng, Người này đã có "Văn bằng do một cơ sở giáo dục hợp pháp trong hoặc ngoài nước cấp cho người tốt nghiệp một cấp học nhất định", phái sinh theo đó, nó có thể khẳng định bề ngoài rằng Người này có chuyên môn trong một lĩnh vực nào đó theo chuyên ngành mà Họ đã theo học và cấp bằng (Dù thực chất, thì không chắc rằng học vị và chuyên môn của Họ, lúc nào cũng tương xứng cùng nhau) - Và học vị này, chỉ có giá trị để Họ có thể đạt đủ điều kiện về văn bằng khi ứng tuyển vào một vị trí công việc, công tác hoặc chức danh nghiệp vụ nào đó, theo yêu cầu của các Cơ quan, tổ chức này; Đôi khi nó cũng có thể có giá trị trong việc tính hệ số lương, mức lương trong các Đơn vị sự nghiệp, hoặc tương tự......

Ngoài điều đó ra - Học vị này không hề có bất kỳ một giá trị nào khác, không mang lại bất kỳ một ưu tiên hay ưu ái nào cho Người sở hữu nó khi tham gia vào các quan hệ pháp luật công hay tư - Đó là điều đương nhiên! Nghĩa rằng: Dù cho một Người có học vị là Tiến sỹ luật, biết mọi thứ luật trên đời, nhưng khi tham gia giao thông, mà không có bằng lái xe, cũng sẽ bị xử lý như những trường hợp bình thường khác - Bởi bằng Tiến sỹ luật của Anh ta, KHÔNG có giá trị thay thế cho Giấy phép lái xe.

Thậm chí, về nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật, quy định của pháp luật luôn có định hướng sẽ áp dụng trách nhiệm pháp lý nặng hơn với những người có học hành, kiến thức (Gọi là có hiểu biết) hơn những Người không có điều kiện học hành, ở vùng sâu vùng xa. Điều này rất hợp lý, bởi nếu không biết mà vi phạm, có thể được xem là vô tình, vô ý; Còn biết mà vẫn vi phạm, được xem là cố tình, cố ý - Và dĩ nhiên, Người có lỗi cố ý lúc nào cũng bị áp dụng một chế tài nặng hơn.

Trong vụ việc đang bàn - Vị tiến sỹ này phạm rất nhiều lỗi: (i) Không đeo khẩu trang khi ra ngoài - Tức là không áp dụng biện pháp phòng hộ cá nhân theo quy định; (ii) Điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi trong Người có nồng độ cồn vượt mức; (iii) Ra ngoài trong trường hợp không cần thiết...... Và tất nhiên, bằng tiến sỹ mà Anh ấy có được, không thể và không có giá trị thay thế cho chiếc khẩu trang mà Anh ấy phải đeo, cũng như việc chỉ được ra ngoài khi cần thiết...... Bởi trong những quan hệ pháp luật đã diễn ra trong trường hợp này, Anh ấy đang mang tư cách pháp lý của một Công dân, như mọi Công dân khác, không hơn không kém - Khi đó, mọi Công dân đều bình đẳng trước pháp luật về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý.

Không hiếm Người, cố gắng phấn đấu để đạt được một học hàm, học vị nào đó nhằm "Sĩ diện với đời", thay vì chỉ xem đó như là một chứng nhận về chuyên môn của mình, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công việc và công tác mà thôi. Họ luôn nghĩ rằng khi ta đây có học hàm, học vị cao tức là hơn Người, và có quyền khinh Người! Nhưng đó là một suy nghĩ sai lầm: Bởi xưa nay sự thông minh chưa bao giờ là điều khiến con Người ta kính phục; Điều khiến Người ta kính phục chính là nhân tâm trong mỗi con Người...... Và khi một Người có học hàm, học vị nhưng lại có những hành xử vô pháp, phàm phu tục tử thì càng bị xã hội xem thường và lên án, chứ không phải là sự ưu ái, dễ dàng bỏ qua sai trái của Họ.

Nhiều Người thường hay thắc mắc rằng: Tại sao có những Người bằng cấp cao, mà lại xử sự thiếu nhận thức như vậy - Đương nhiên ở đây Chúng ta đang nói đến học thật, bằng thật! Lý do - Bởi vì trí tuệ và nhân cách là hai phạm trù khác nhau, dù có chút liên quan. Cho nên không phải khi nào Người có trí tuệ cũng là Người lương thiện, và không phải khi nào Người lương thiện cũng là Người có trí tuệ - Vốn dĩ, Chúng chưa bao giờ đồng nhất. Phẩm cách, sự lương thiện, chuẩn mực thuộc về nhân tâm và sự tu dưỡng trong chính tâm hồn và ý chí của mỗi con Người, mà nó vốn không cùng song hành trong mỗi cấp đào tạo về chuyên môn. Từ đó cũng cho thấy rằng: "ĐÀO TẠO MỘT TRÍ TUỆ - DỄ GẤP NGÀN LẦN RÈN LUYỆN MỘT NHÂN CÁCH" .........

Viết tại Sài Gòn, ngày 17/08/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan