XẢ LŨ THỦY ĐIỆN GÂY THIỆT HẠI: TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG - PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!

Dẫn nhập: Theo thông tin mà báo chí đăng tải; Vừa qua - Khi bão số 9 suy yếu, mưa to, người dân sơ tán tránh bão chưa về nhà, thì chập choạng tối - 28.10 thủy điện ĐắK Mi 4 (Quảng Nam) bất ngờ xả lũ, nước dâng đột ngột, tràn qua quốc lộ 14D trung tâm hành chính huyện, vào sân của trụ sở Công an huyện Nam Giang. Gần như cả chính quyền và nhân dân không nhận được thông báo xả lũ với lưu lượng khủng khiếp và đột ngột như vậy ngay sau cơn bão quét qua, khiến lực lượng chức năng địa phương không kịp hỗ trợ di dời tài sản cho dân. Thống kê ban đầu của UBND huyện Nam Giang cho biết, hậu quả xả lũ của thủy điện Đắk Mi 4 đã gây hư hại 106 nhà dân ở thị trấn Thạnh Mỹ, 215 nhà ở xã Cà Dy bị ngập lụt, tất cả tài sản trong nhà bị trôi mất, kể cả gia súc, gia cầm, cây cối hoa màu.....

Vậy việc xả lũ như trên của Thủy điện có đúng quy định của pháp luật?! Việc gây ra thiệt hại cho Bà con xuất phát từ việc xã lũ có đặt trách nhiệm pháp lý cho Ai?! Chủ thể nào phải đứng ra bồi thường?! Và Bà con cần làm gì để bảo vệ quyền lợi cho mình?! Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích các quy định của pháp lý có liên quan, để Bà con tham khảo!

I. QUY TRÌNH XẢ LŨ CỦA HỒ THỦY ĐIỆN

Việc xả lũ của Hồ Thủy điện, được điều chỉnh bởi Luật Thủy lợi năm 2017, Luật Tài nguyên nước năm 2012, và các quy định của pháp luật khác có liên quan!

Một trong những nguyên tắc Luật định, khi vận hành và xã lũ đối với Hồ Thủy điện là: Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nguồn nước cho thủy điện phải tuân theo quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu nguồn nước; có trách nhiệm hỗ trợ người dân nơi có hồ chứa; Đặc biệt - Trước khi vận hành xả lũ, phải có trách nhiệm thông báo cho chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan theo quy trình vận hành được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, Luật quy định rõ ràng: Việc xã lũ phải được thông báo trước cho chính quyền địa phương và Người dân, nhằm có thời gian di chuyển tài sản, cũng như có phương an ứng phó, mà không thể bất ngờ xả theo kiểu đánh úp! Ngoài ra, khi xã lũ phải có sự điều tiết theo quy chuẩn đã được phê duyệt, không thể xả ầm ầm vô tội vạ, khiến Bà con và Chính quyền không kịp trở tay!

Trong thời đại công nghệ rất tân tiến, Ban quản lý Hồ Thủy điện hoàn toàn đủ điều kiện để đánh giá về lưu lượng nước dâng lên, thời gian dâng, tốc độ dâng, qua đó có thể vận hành xả lũ điều tiết hợp lý. Không thể có chuyện "Ngủ quên" để cho nước dâng quá cao, rồi sau đó hoảng hốt, xả hết công suất, và đổ lỗi cho bất khả kháng. Lập luận này, không hợp lý, không hợp tình, nếu không muốn nói là quá vô cảm với Tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

II. TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Để Bà con dễ hiểu, Tác giả phân biệt một chút về khái niệm: Ví dụ, Ông A mua của Ông B một chiếc xe, tuy nhiên chiếc xe bị hư hỏng, không dùng được, Ông A kiện Ông B đòi bồi thường, thì đây gọi là Bồi thường thiệt hại phát sinh từ Hợp đồng, tức là A và B có giao dịch với nhau, thiệt hại phát sinh từ đó. Còn trường hợp, A chạy xe máy, tông B bị thương, A phải bồi thường chi phí thuốc men cho B, thì đây là Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tức việc A tông phải B là ngẫu nhiên, không xuất phát từ giao dịch làm ăn hay thỏa thuận nào cả.

Quay lại Vụ việc Chúng ta đang bàn. Việc Thủy điện xã lũ gây thiệt hại cho Bà con, đã làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của Pháp nhân (Chủ sở hữu Hồ Thủy điện) với Bà con. Luật quy định rất rõ: Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Ở đây - Bà con lưu ý là phải dùng thuật ngữ "Bồi thường thiệt hại" chứ không phải "Hỗ trợ". Vì sao? Bởi vì Hỗ trợ mang tính ban phát, ban ơn; Còn bồi thường mang tính trách nhiệm, là nghĩa vụ bắt buộc. Và ở đây, trách nhiệm bồi thường là bắt buộc đối với Chủ sở hữu Hồ Thủy điện (Công ty), vì Họ đã có hành vi xả lũ gây thiệt hại cho Bà con.

Ngoài ra, cũng cần khẳng định thêm rằng: Hồ Thủy điện được xem là nguồn nguy hiểm cao độ, nên trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này gần như tuyệt đối. Nghĩa rằng, bất kể có lỗi hay không có lỗi đều phải bồi thường. Cho nên việc chứng minh có lỗi hay không có lỗi, không có ý nghĩa gì cả - Mặc dù trong trường hợp này, phía Hồ Thủy điện xả lũ là hoàn toàn có lỗi. Mặc dù, phía Hồ Thủy điện có thể cãi chày cối là Họ bị bất khả kháng; Tuy nhiên, như trên đã phân tích: Trong thời đại công nghệ rất tân tiến, Ban quản lý Hồ Thủy điện hoàn toàn đủ điều kiện để đánh giá về lưu lượng nước dâng lên, thời gian dâng, tốc độ dâng, qua đó có thể vận hành xả lũ điều tiết hợp lý. Không thể có chuyện "Ngủ quên" để cho nước dâng quá cao, rồi sau đó hoảng hốt, xả hết công suất, và đổ lỗi cho bất khả kháng. Lập luận này, không hợp lý, không hợp tình, nếu không muốn nói là quá vô cảm với Tính mạng, tài sản của Nhà nước và Nhân dân.

III. THIỆT HẠI ĐƯỢC BỒI THƯỜNG

Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Bao gồm: 1. Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; 2. Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; 3. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại!

Ví dụ: Việc xả lũ khiến Nhà Ông A bị trôi mất 10 con heo, 01 con trâu, hư hại nhà cửa. Thì Ông A có quyền đòi tiền bồi thường bằng toàn bộ giá trị của 10 con heo, 01 con trâu, cùng với chi phí sửa chữa Nhà cửa.

Tuy nhiên, cần thừa nhận rằng, trong trường hợp này, Bà con sẽ gặp khó trong chứng minh thiệt hại: Cơ sở nào để khẳng định là 10 con heo, mà không phải 3 hay 5; Việc chứng minh có bao nhiêu thiệt hại, thuộc nghĩa vụ của Bà con, cho nên đây thực sự là một vấn đề không đơn giản. Trong trường hợp, các vật nuôi bị chết mà vẫn còn xác, đề nghị Bà con lập biên bản, đề nghị Thôn làm chứng về số lượng, sau đó mới đem chôn. Nôm na là phải có bằng chứng!

IV. THƯƠNG LƯỢNG VÀ KHỞI KIỆN

Về nguyên tắc đầu tiên, Bà con cần thống kê các thiệt hại của mình! Các thiệt hại cần cụ thể và có chứng cứ. Sau đó Bà con thương lượng với Bên Hồ Thủy điện. Trên tinh thần thiện chí, cảm thông và chia sẻ.

Trong trường hợp, việc thương lượng không thành, Bà con có thể Khởi kiện Vụ án dân sự ra Tòa án - Và lưu ý các vấn đề sau:

1. Đơn khởi kiện ghi rõ: Đơn Khởi Kiện (Về tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) - Trong đó Người khởi kiện là Bà con (Từng cá nhân cụ thể); Người bị kiện là Pháp nhân: Công ty CP thủy điện Đắk Mi.

2. Đây là Vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại Ngoài hợp đồng, nên Bà con có thể kiện ra Tòa án huyện Nam Giang, nơi Bà con cư trú. Nghĩa rằng, Công ty CP thủy điện Đắk Mi trụ sở ở đâu, không quan trọng.

3. Bà con có thể ủy quyền cho một Người dân nào đó ăn nói trôi chảy, hiểu biết sơ sơ chút, để tham gia Vụ kiện, Bà con không cần phải đi đâu cả. Tránh tụ tập đông Người, gây ra những hệ lụy không hay. Bà con đúng, nên cứ Văn minh, hiện đại, chỉ cần một Người đại diện tham gia tố tụng là được.

Về căn cứ và lý do khởi kiện, Bà con cứ nêu đại ý như trong Bài viết này: Xả lũ không đúng quy trình, gây thiệt hại, nên phải bồi thường. Điều quan trọng nhất, Bà con phải xác định chính xác thiệt hại của mình. Vì trong Vụ việc này, tranh chấp chủ yếu thuộc về phần xác định thiệt hại, còn nguyên nhân thiệt hại, căn cứ bồi thường, cứ lập luận như trong Bài này, là tạm ổn. Chúc Bà con may mắn!

Viết tại Sài Gòn, ngày 02/11/2020 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan