KHÔNG CÓ CƠ SỞ PHÁP LÝ TRONG VIỆC XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐÃ DỰ ĐOÁN ĐÚNG MỘT PHẦN ĐỀ THI MÔN VĂN: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!
Dẫn nhập: Ngày 14/7, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả xác minh nghi vấn lộ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Theo đó, hoàn toàn không có việc lộ đề thi môn Ngữ văn với trường hợp tài khoản mạng xã hội "Kaito Kid" đoán trúng đề thi. Tuy nhiên, việc này đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ, ảnh hưởng đến công tác bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi. Hành vi này có dấu hiệu vi phạm hành chính theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Ngay sau đó – Một Tờ báo đã có bài phỏng vấn Chuyên gia pháp lý là một Tiến sỹ luật, vị Chuyên gia này cho rằng: Đối với người đã đưa tin không chính xác, gây hiểu nhầm rằng lộ đề thi môn Văn lên mạng xã hội, người này sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện với mức phạt là từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tuy nhiên – Có thể nói rằng, với tất cả những thông tin hiện có về vụ việc, cùng những tình tiết, sự kiện pháp lý khách quan đã xảy ra, thì việc kết luận của Bộ GD-ĐT rằng hành vi đoán trúng đề thi có dấu hiệu vi phạm hành chính và quan điểm của Chuyên gia pháp lý cho rằng, hành vi đó sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng như vừa nêu trên – Là rất khiên cưỡng và gượng ép, nếu không muốn nói là không có cơ sở pháp lý vững chắc. Do đó, thiết nghĩ các Cơ quan chức năng cần phải hết sức thận trọng khi xử lý tình huống này, nhằm đảm bảo áp dụng đúng quy định của pháp luật. Trong Bài viết dưới đây, Tác giả sẽ phân tích và luận giải các vấn đề pháp lý có liên quan nhằm làm rõ hơn quan điểm vừa nêu, để Bạn đọc tham khảo.
1. Xử phạt vi phạm hành chính là một dạng chế tài pháp lý, trách nhiệm pháp lý được áp dụng đối với Người đã có hành vi vi phạm pháp luật gọi là vi phạm hành chính. Có nghĩa rằng việc xử phạt vi phạm hành chính chỉ áp dụng đối với Người có hành vi vi phạm hành chính – Do đó, muốn xử phạt thì trước đó phải xác định Người bị xử phạt đã có hành vi vi phạm hành chính. Chính vì thế, Người không có hành vi vi phạm hành chính thì đương nhiên không bị xử phạt vi phạm hành chính.
Trong khi đó “Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính” (Điều 2.1 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012) – Hiểu một cách đơn giản, Người có hành vi vi phạm hành chính là Người đã thực hiện hành vi mà pháp luật không cho phép/bị cấm (Ví dụ đi xe vào đường cấm) hoặc đã không thực hiện hành vi mà pháp luật bặt buộc phải làm (Ví dụ không niêm yết/công khai giá bán món ăn tại cửa hàng).
Trên cơ sở đó - Trong việc dự đoán trúng một phần đề thi môn Văn, Người dự đoán không rơi vào bất kỳ khả năng nào trong hai trường hợp đã nêu trên. Bởi không hề có bất kỳ quy định nào trong toàn hệ thống Văn bản pháp luật cấm Người nào đó được dự đoán đề thi (Không cấm) VÀ cũng không có bất kỳ quy định nào trong toàn hệ thống Văn bản pháp luật bắt buộc Người nào đó không được dự đoán đề thi (Không bắt buộc phải làm) – Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mọi Người có quyền dự đoán đề thi mà không hề vi phạm pháp luật. Mà đã không vi phạm pháp luật, thì không thể nào đặt vấn đề về trách nhiệm pháp lý hay chế tài pháp lý. Trong thực tế, việc dự đoán đề thi xảy ra một cách phổ biến, không chỉ các Thí sinh dự đoán (Ôn tủ/Trúng tủ/Tủ đè), mà các bậc Phụ huynh, Thầy cô ôn luyện thi, nhiều Người khác cũng “Trổ tài” dự đoán đề thi – Những điều này không hề vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, nên không thể đặt vấn đề trách nhiệm pháp lý.
2. Giả định rằng (Lưu ý chỉ là giả thiết) – Nếu lúc đầu, Người dự đoán đề thi dựa trên việc dự đoán đề thi nhằm trục lợi, chẳng hạn như nói rằng có khả năng “Bói” đúng đề thi hoặc dựa vào việc dự đoán đề thi để nhằm cá cược (Tương tự như cá độ bóng đá)… Thì câu chuyện sẽ hoàn toàn khác, vì lúc này hành vi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc đánh bạc, hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong vụ việc mà Bà con ta đang bàn đến, chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy có những tình tiết này – Do đó, không có căn cứ để xử lý vi phạm. Hơn nữa, nếu giả định có những tình huống này xuất hiện, thì cần lưu ý rằng lúc đó hành vi vi phạm sẽ là đánh bạc, hoạt động mê tín dị đoan, lừa đảo… Như đã nêu, mà không phải là hành vi dự đoán đề thi – Đây là những vấn đề hoàn toàn khác xa nhau, không được nhầm lẫn.
3. Giả định tiếp rằng (Lưu ý chỉ là giả thiết) - Nếu lúc đầu, Người dự đoán đề thi đưa ra dự đoán nhằm mục đích thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc rằng đề thi bị lộ, để gây rối, xâm phạm uy tín, danh dự của Tổ chức/Cá nhân… Thì câu chuyện cũng sẽ hoàn toàn khác, vì lúc này hành vi đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật về việc tung tin thất thiệt, vu khống. Nhưng trong vụ việc mà Bà con ta đang bàn đến, chưa có bất kỳ thông tin nào cho thấy có những tình tiết này – Do đó, không có căn cứ để xử lý vi phạm. Hơn nữa, nếu giả định có những tình huống này xuất hiện, thì cần lưu ý rằng lúc đó hành vi vi phạm sẽ là đưa tin sai sự thật, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự của Tổ chức/Cá nhân … Như đã nêu, mà không phải là hành vi dự đoán đề thi – Đây là những vấn đề hoàn toàn khác xa nhau, không được nhầm lẫn. Hiểu nôm na giống như Bà con ta đánh bài vậy, bản thân đánh bài không phạm pháp, còn nếu đánh bài ăn tiền thì lại phạm pháp, nhưng lý do phạm pháp là đánh bạc chứ không gọi là đánh bài đơn thuần nữa – Tương tự như thế, dự đoán đề thi không phạm pháp, còn dự đoán đề thi nhằm những mục đích như bịa đặt sai sự thật, bói toán lấy tiền thì lại phạm pháp như nêu trên, nhưng lý do phạm pháp là hành vi đưa tin xuyên tạc, hoạt động mê tín dị đoan… Chứ không đơn thuần là hành vi dự đoán đề thi nữa.
4. Trong vụ việc này – Kết luận của Bộ GD-ĐT theo thông tin báo chí đăng tải có đoạn “Tuy nhiên, việc này (Dự đoán đúng một phần đề thi) đã tạo ra sự hiểu lầm trong dư luận về việc đề thi bị lộ…”. Khẳng định và lập luận như vậy là không ổn, nếu không muốn nói là xác định sai bản chất sự việc và đối tượng cần bị xử lý nếu có. Vì rằng, việc đoán trúng một phần đề thi gây hiểu nhầm, lưu ý là hiểu nhầm chứ không phải là hiểu đúng, vậy vấn đề nằm ở chổ Người hiểu nhầm – Chứ Người đoán đề thi không hề nói thế. Cho nên đúng ra, cần phải truy Người nào vì thấy Người khác đoán trúng đề, nên đã xuyên tạc thành đề bị lộ, chứ không phải đi truy Người đã đoán trúng đề. Hiểu na ná như Bà con ta đánh bài vui, đánh bài quỳ, nhưng Người nào đó hiểu nhầm là đánh bạc, rồi đi tung tin là Bà con ta đánh bạc, thì Người cần xử lý là Người tung tin xuyên tạc, vu khống kia – Chứ không thể đi xử lý hành vi đánh bài vui của Bà con ta, với lý do là gây hiểu nhầm.
5. Chúng ta có thể ví von thế này: Nếu có rất nhiều Người dự đoán đề thi, nhưng chỉ Người đoán trúng bị xử lý, thế thì cũng chẳng khác nào nhiều Người chơi lô đề, nhưng chỉ Người trúng lô mới bị xử lý, nhiều Người đánh bạc, nhưng chỉ Người thắng bạc mới bị xử lý – Rõ ràng, không có một hệ thống pháp luật nào lại đi quy định như vậy. Nếu việc dự đoán đề thi là hành vi vi phạm pháp luật (Đương nhiên không phải thế, chỉ là giải thiết) – Thì việc đoán đúng hay sai không quan trọng, đã có đoán là vi phạm. Nhưng rõ ràng - Trong việc dự đoán trúng một phần đề thi môn Văn, Người dự đoán không có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nên không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Bởi không hề có bất kỳ quy định nào trong toàn hệ thống Văn bản pháp luật cấm Người nào đó được dự đoán đề thi (Không cấm) VÀ cũng không có bất kỳ quy định nào trong toàn hệ thống Văn bản pháp luật bắt buộc Người nào đó không được dự đoán đề thi (Không bắt buộc phải làm) – Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, mọi Người có quyền dự đoán đề thi mà không hề vi phạm pháp luật.
Từ tất cả những luận chứng nêu trên – Bà con ta thấy rằng, trong vụ việc đoán trúng một phần đề thi môn Văn, đó là điều hết sức bình thường. Nếu chỉ vì có Ai đó đoán trúng, khiến Ai đó nghĩ rằng có việc lộ đề thi – Thì Bộ GD-ĐT chỉ cần thông cáo khẳng định rằng, việc đoán trúng là do tài năng tiên tri của Người nào đó, mà không hề có chuyện lộ đề, là xong, xem như câu chuyện được khép lại, một mùa thi rộn ràng, xôm tụ trôi qua. Chứ không nên khiên cưỡng, gượng ép là phải xử lý bằng được Người đã đoán trúng đề thi – Bởi điều đó vừa thiếu căn cứ pháp lý, vừa không nhân văn. Bộ GD-ĐT nên cảm thấy được khích lệ, vì sau bao nhiêu chuyện, nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được Dân chúng quan tâm hết sẩy, việc có thêm các Anh tài tiên đoán đề thi mà trúng thì ít, trật vô vàn, như là một nét chấm phá, khiến kỳ thi thêm sinh động, thực tế hơn. Chỉ khi nào có những tiêu cực thật sự liên quan đến việc lộ đề thi, chấm thi, hay những vấn đề tương tự - Lúc đó mới cần sự vào cuộc một cách khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ của Cơ quan chức năng, để đem lại sự trong sạch cho những kỳ thi mà thôi……
Viết tại Sài Gòn, ngày 15/07/2022 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!