VỤ VIỆC NHỮNG BỨC TƯỢNG LÍNH CANH BỊ TRỤC XUẤT KHỎI LÂM ĐỒNG: NGHĨA VỤ NHẬN HÀNG VÀ SAU ĐÓ!
Mới đây – Một Doanh nghiệp đã mua cả “Đội quân” là mô hình “Tượng lính canh” được đúc bằng xi măng và thép…. Từ Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương) của ông Dũng lò vôi, và chuyển về Lâm Đồng.
Tuy nhiên, trước phản ứng của Dư luận, vì cho rằng: “Đội quân” này giống mô hình đội quân đất nung của thời Nhà Tần bên Trung Quốc; Do đó, sau khi tiến hành kiểm tra, các Cơ quan chức năng của Tỉnh Lâm Đồng, đã yêu cầu Doanh nghiệp phải đưa trả “Đội quân” này về lại nơi sản xuất (Đại Nam – Bình Dương)!
Trên đây là dẫn nhập về Vụ việc! Và vì đây là Trang Fanpage về pháp lý – Cho nên Tác giả xin phép, không bàn luận về những khía cạnh khác, ngoài vấn đề pháp lý.
Vậy vấn đề đặt ra ở đây là: Doanh nghiệp tại Lâm Đồng đã ký Hợp đồng mua bán lô hàng này với Bên phía Đại Nam; Nhưng lại không thể sử dụng – Hậu quả tiếp theo của Hợp đồng này là gì?!
Họ có phải thanh toán tiền mua hàng cho Bên bán, nếu đã thanh toán rồi, Bên mua có quyền đòi lại tiền hay không?! Chi phí vận chuyển từ Bình Dương đến Lâm Đồng đã phát sinh trên thực tế, Ai phải gánh chịu?!
I. NGHĨA VỤ NHẬN HÀNG CỦA BÊN MUA
Thông thường, Bà con ta hay quan niệm rằng: Khi mình đã bỏ tiền ra mua cái gì đó, thì mình có quyền nhận hàng! Nhưng trên thực tế lẫn pháp lý, thì đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ, tức là nghĩa vụ nhận hàng đã mua. Để bà con khỏi thắc mắc, Chúng ta sẽ xem xét vấn đề sau:
Ví dụ 1: Công ty A mua của Công ty B một lô hàng là quạt điện. Theo thỏa thuận thì Bên Bán phải có nghĩa vụ giao hàng, tại trụ sở của Công ty Bên A (Bên mua). Đúng thời gian thỏa thuận, Công ty B đã cho xe vận chuyển hàng đến. Nhưng do Công ty A chưa chuẩn bị kịp kho chứa hàng. Nên Tài xế và Xe của Công ty B phải lưu trú lại tại gần Công ty A thêm 1 tuần. Điều này, đương nhiên là gây thiệt hại cho Công ty B. Do đó, Công ty A phải bồi thường các thiệt hại phát sinh, do việc vi phạm nghĩa vụ là chậm trễ trong việc nhận hàng!
Tương tự như vậy – Về nguyên tắc Doanh nghiệp tại Lâm Đồng, sau khi đã mua Đội quân tượng lính canh nêu trên, thì Họ cũng có nghĩa vụ phải nhận hàng. Bên Bán xem như đã hoàn thành nghĩa vụ giao hàng khi: (i) Đã giao hàng cho Người vận chuyển đầu tiên, nếu Hợp đồng có quy định về Người vận chuyển, không phải đồng thời là Bên Bán; Hoặc (ii) Tại địa điểm nhận hàng của Bên mua hoặc Bên bán hoặc bất kỳ địa điểm nào khác, được quy định trong Hợp đồng – Và khi đó, Bên mua có nghĩa vụ nhận hàng tại các địa điểm này.
Nếu Bên mua không nhận hàng, Bên Bán có quyền gửi giữ hàng hóa tại một địa điểm nào đó phù hợp và gần nhất với Bên mua, đồng thời thông báo cho Bên mua biết để tới nhận hàng. Chi phí gửi giữ do Bên mua chịu.
Ví dụ 2: Công ty A tại Hà Nội, mua một lô hàng của Công ty B, tại Sài Gòn. Địa điểm giao hàng là tại kho chứa hàng của Công ty A tại Hải Phòng. Tuy nhiên, khi Xe của Bên B tới Hải Phòng, thì Bên A không bố trí sắp xếp Người nhận hàng. Trong trường hợp này, Bên B có quyền tìm một Đơn vị nào có chức năng nhận giữ hàng hóa, có kho bãi phù hợp với việc giữ lô hàng này, sau đó gửi hàng hóa vào đây; Đồng thời thông báo cho Công ty A biết thông tin để tới nhận hàng, và trả phí gửi giữ. Bên B hết trách nhiệm về giao hàng.
Trên đây là nghĩa vụ Pháp lý về mặt nguyên tắc là như vậy! Tuy nhiên, trong vụ việc Cụ thể mà Chúng ta đang bàn, thì nguyên nhân mà Doanh Nghiệp tại Lâm Đồng không nhận hàng và trả lại hàng, là không phải do Họ, mà bởi phải thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền! Vậy thì vấn đề có gì khác hay không?!
II. VI PHẠM NGHĨA VỤ VÀ MIỄN TRÁCH NHIỆM
Như trên đã phân tích; Nghĩa vụ của Bên mua là: Nhận hàng theo thoả thuận và thực hiện những công việc hợp lý để giúp bên bán giao hàng. Do đó, nếu Bên mua không nhận hàng, nghĩa rằng Họ đã vi phạm nghĩa vụ của mình, và phải chịu trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ đó.
Tuy nhiên, có những ngoại lệ, mà khi Bên mua mặc dù vi phạm nghĩa vụ nhận hàng của mình, nhưng được miễn mọi trách nhiệm phát sinh. Theo quy định của Pháp luật - Bao gồm các trường hợp sau:
1. Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;
2. Xảy ra sự kiện bất khả kháng;
3. Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;
4. Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Từ quy định trên – Bà con có thể thấy rằng, Doanh nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng không nhận hàng, là do yêu cầu của Cơ quan chức năng, tức là rơi vào trường hợp 4 nêu trên; Do đó việc không nhận hàng của họ, Bà con hiểu nôm na là có lý do chính đáng, bởi quy định của Luật; Nên Họ không phải chịu trách nhiệm phát sinh!
III. VÀ SAU ĐÓ
Trường hợp nếu các bên thỏa thuận được, thì không vấn đề gì! Theo lẽ thông thường, lúc đó: Vì việc mua bán không thành, không ai có lỗi, thì Bên mua trả lại hàng, Bên bán nếu đã nhận tiền thì phải trả lại, chi phí vận chuyển các bên cảm thông, san sẽ cho nhau.
Tuy nhiên – Không phải Vụ việc nào cũng đơn giản như vậy, và các Bên dễ chấp nhận như vậy. Trong trường hợp, nếu có tranh chấp, thì phải đưa ra Tòa án; Lúc này câu chuyện pháp lý sẽ khá rích rắc ở chổ: Ở trên, do Cơ quan chức năng yêu cầu hoản trả, nên Bên mua không bị coi là vi phạm nghĩa vụ, nhưng đó chỉ là yếu tố tạm thời. Cơ quan hành chính tại Tỉnh Lâm Đồng không có quyền tuyên bố Hợp đồng của Các bên là vô hiệu. Mà thẩm quyền này thuộc về Tòa án.
Do đó, khi tranh chấp tại Tòa án: Nếu Tòa án cho rằng việc mua bán này là hợp pháp, không vi phạm điều cấm, cho nên Hợp đồng có hiệu lực. Nghĩa rằng, Bên mua phải có nghĩa vụ nhận hàng trở lại. Tất nhiên dựa trên phán quyết của Tòa, thì các Cơ quan chức năng của Tỉnh Lâm Đồng lúc này không có quyền buộc Doanh nghiệp phải trả lại hàng nữa. Về mặt lý thuyết, Bản án của tòa thì chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền hủy bỏ, mà không có bất kỳ cơ quan nào kể cả Quốc hội hay Chính phủ có quyền này.
Viết tại Sài Gòn, ngày 04/9/2020 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!