KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH NÀO CỦA PHÁP LUẬT VỀ QUY CHẾ THI NGĂN CẤM CÁN BỘ COI THI ĐƯỢC KIỂM TRA/XÁC MINH SỰ "BẤT THƯỜNG" CỦA THÍ SINH TRONG QUÁ TRÌNH COI THI VÀ CÓ NHỮNG NHẮC NHỞ CẦN THIẾT MIỄN KHÔNG PHẢI "NHẮC BÀI": KHOA HỌC VỀ LẬP LUẬN PHẢN CHỨNG!
Dẫn nhập: Liên quan đến Vụ việc một Thí sinh là học sinh giỏi, điểm các môn thi khác khá cao, nhưng lại bị 0 điểm môn tiếng Anh do ngủ quên trong phòng thi tại Cà Mau - Ông Tạ Thanh Vũ, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau, trả lời Báo chí có nói rằng: "Cán bộ coi thi đã làm đúng quy chế - Theo quy chế, giám thị không được tiếp xúc gần thí sinh".
Cách trả lời trên, khiến Người nghe sẽ hiểu và buộc phải hiểu rằng: Khi coi thi, Giám thị không được tiếp xúc gần với Thí sinh, trong mọi trường hợp, kể cả khi có những dấu hiệu bất thường, như Thí sinh đổ gục xuống bàn trong gần như suốt quá trình thi một cách bất thường, mà không cần biết nguyên nhân là gì (Việc ngủ là bây giờ Chúng ta mới biết, còn lúc đó không tìm hiểu, xác minh thì sẽ không biết lý do là gì).
Và khi Ông Vũ nói cách hành xử của Giám thị là đúng quy chế, điều đó cũng có nghĩa rằng (Theo cách nói của Ông Vũ): Trong quá trình coi thi, nếu Thí sinh đổ gục xuống bàn, trong gần như suốt thời gian thi một cách bất thường, mà Cán bộ coi thi lại gần nhắc nhở, tìm hiểu nguyên nhân thì xem như làm sai quy chế, vì đã tiếp xúc gần thí sinh - Hiểu nôm na, Ông Vũ nói, Cán bộ coi thi không nhắc nhở là đúng quy chế, nghĩa rằng nếu nhắc nhở là sai quy chế?!!
Tuy nhiên - Cách lý giải trên thực sự có vấn đề, hay nói đúng hơn đó là cách lý giải không có cơ sở pháp lý, lẫn cơ sở thực tiễn, không hợp tình, hợp lý, hợp lẽ. Bài phân tích dưới đây, Tác giả sẽ đưa ra những lập luận phản chứng, cho thấy cách lý giải, chứng minh của Ông Vũ là thiếu thuyết phục, không đúng với quy định trong Quy chế thi.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT được ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT năm 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo Quy định tại Điều 22.2 và của Quy chế, thì trong quá trình coi thi, Cán bộ coi thi: Không được mang các thiết bị thu phát thông tin; không được làm việc riêng, không được hút thuốc, không được sử dụng đồ uống có cồn; không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào...
Như vậy, với các quy định trên, Chúng ta thấy rằng không có quy định nào trong quy chế thi ngăn cấm Cán bộ coi thi được quyền nhắc nhở thí sinh những vấn đề cần thiết hoặc tiến hành kiểm tra, xác minh khi thí sinh có những dấu hiệu bất thường. Quan trọng hơn - Cần lưu ý rằng: Cụm từ "không được đứng gần thí sinh" nằm cùng trong cả một phần câu "không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào" - Và cụm từ "không được đứng gần thí sinh" được cách từ "giúp đỡ" ngay liền sau bởi chỉ là dấu phẩy "," chứ không phải dấu chấm phẩy ";" - Cho nên cần phải hiểu câu đó là: Cán bộ coi thi không được đừng gần thí sinh nhằm giúp đỡ thí sinh làm bài, chứ không phải hiểu Cán bộ coi thi không được đừng gần thí sinh trong mọi trường hợp, bởi nếu như vậy, thì cụm từ "không được đứng gần thí sinh" phải là một cụm từ/một câu văn độc lập, trở thành một quy phạm pháp luật độc lập.
Điều đó có nghĩa rằng, ngọai trừ việc đứng gần thí sinh để giúp đỡ làm bài, thì những trường hợp cần thiết khác, Cán bộ coi thi được đứng gần thí sinh. Mà đương nhiên phải hiểu như vậy - Rất dễ để phản chứng trong tình huống này: Nếu khi Thí sinh gian lận thi cử, Cán bộ coi thi không đứng gần sao lập biên bản, xử lý; Hoặc nếu có thí sinh bị lên cơn nhồi máu cơ tim, động kinh, đột quỵ ngã vật ra phòng thi, Cán bộ coi thi không đứng gần, thì sao xử lý được tình huống....
Nói tóm lại - cái gọi là "không được đứng gần thí sinh", không thể giải thích theo kiểu tách rời ra, mà phải nằm trong tổng thể nguyên văn của cả vế câu "không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào", để hiểu rằng Cán bộ coi thi chỉ không được đừng gần thí sinh nhằm giúp đỡ thí sinh làm bài, chứ không phải hiểu Cán bộ coi thi không được đừng gần Thí sinh trong những trường hợp khác, vì có cả vạn trường hợp, Cán bộ coi thi cần phải đừng gần Thí sinh như một vài ví dụ đã nêu.
Qua những phân tích và luận chứng trên - Những Người có trách nhiệm liên quan, cần phải đọc lại, suy ngẫm thật thấu đáo về các quy định trong Quy chế, nhất là nội hàm và ngữ nghĩa của các quy phạm pháp luật. Quy chế thi không có vấn đề gì bất ổn, chỉ có những Người áp dụng nó hiểu chưa tận tường vấn đề mà thôi. Bộ giáo dụng cần có những buổi tập huấn để giải thích rõ ràng đối với các Đơn vị tổ chức thi, nhằm rút kinh nghiệm lần sau. Riêng với Bạn Thí sinh, Tác giả chỉ muốn gửi đến Bạn ấy một lời nhắn nhủ rằng: Người ta chậm cả cuộc đời còn không sợ - Mình chậm một vài năm có nghĩa lý gì đâu - Hãy nỗ lực cho những hành trình ở phía trước và không cần ngoái lại nhìn những thứ đã ở phía sau.....
Viết tại Sài Gòn, ngày 04/08/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!