LỐI THOÁT NÀO CHO CÁC NẠN NHÂN TRƯỚC "SÁT THỦ ĐIÊN TÌNH" TRONG CÁC VỤ ÁN VỀ HÔN NHÂN?!

Một vụ án mạng kinh hoàng vừa xảy ra tại Tỉnh Thái Bình, khiến 03 nạn nhân tử vong tại chổ, bao gồm có cha mẹ vợ và vợ của hung thủ. Theo thông tin từ báo chí đăng tải, do mâu thuẫn vợ chồng, nên người vợ đã bỏ về nhà cha mẹ ruột, và có ý định ly hôn, còn người chồng sau khi đến thuyết phục mong người vợ đổi ý nhưng không được, đã ra tay sát hại các nạn nhân, và đến cơ quan công an đầu thú.

Có thể nói rằng, vụ việc nói trên chỉ là một trong số rất nhiều vụ án mạng liên quan đến mâu thuẫn, rạn nứt trong quan hệ hôn nhân. Và khi một bên muốn chia tay, thì bên còn lại sẽ tìm mọi cách ngăn cản để không thể nào chia tay được, đường cùng, khi không thể níu kéo, thường hung thủ sẽ ra tay một cách rất dã man, tàn độc, bất chấp tất cả. Xét về góc độ khoa học về tâm lý tội phạm, thì kẻ thủ ác trong những vụ án này, vào trước và trong lúc thực hiện hành vi tội phạm, thường đã rơi vào trạng thái "Điên tình" (Không phải tâm thần), một trạng thái cho thấy ý thức của hung thủ, không hề còn bất kỳ một chút tự trọng, tự tôn, và danh dự, sẵn sàng giết người để thỏa mãn sự ích kĩ trong con người, đó là không chịu buông tha, trả lại tự do cho nạn nhân.

Có một vài Bạn độc giả từng cho rằng, ly hôn là quyền của mình, và phụ nữ khi thấy không được yên bình, thì cứ việc ly hôn, không việc gì phải sợ, mọi thứ đã có pháp luật, ai dám làm gì thì báo cơ quan chức năng...... Thực ra nói như vậy, chỉ là lý thuyết! Thực tế có nhiều tình huống rất phức tạp, mà nếu không khéo léo đối phó, ứng xử, sẽ phải trả một cái giá vô cùng đắt, mà vụ việc trên là một ví dụ điển hình. Nói như vậy, không có nghĩa rằng chúng ta run sợ trước cái ác, nhưng cần phải có biện pháp đối phó hiệu quả, nhằm hạn chế những hậu quả xấu xảy ra, mà có thể không bao giờ khắc phục được.

Trên cơ sở đó, khi rơi vào tình huống tương tự như trên, thì cần phải làm tuần tự các bước sau: Đầu tiên, là cần phải trình báo tình hình với chính quyền, công an, đoàn thể tại địa phương bao gồm cả nhà chồng và nhà cha mẹ đẻ mình, trong đó cần phải nói rõ về nguy cơ cao độ có thể bị xâm phạm tính mạng sức khỏe, và đề nghị được bảo vệ. Tiếp đến là không nên về nhà cha mẹ đẻ, tránh khỏi liên lụy, nếu như nhà cha mẹ đẻ cũng ít người, không có khả năng phòng vệ, trong tình huống này, có thể tạm thời lánh nạn ở một nhà người thân nào đó, mà hung thủ không biết để tìm đến, việc này sẽ làm cho có thời gian, để mong chờ "cơn điên" của hung thủ có thể dịu bớt lại, lưu ý khi đó, nếu hung thủ có tìm đến nhà cha mẹ đẻ, thì cần khéo léo, tránh kích động, tốt nhất cứ nói là không biết ở đâu cả; Còn trường hợp bên nhà cha mẹ đẻ đông người, lực lượng mạnh, khả năng phòng vệ tốt, thì có thể về nhà cha mẹ đẻ, cũng được. Tiếp đó, quá trình đi làm thủ tục ly hôn, thì tuyệt đối không đi một mình, mà phải đi với vài ba người nhà mà phải là đàn ông, nên di chuyển bằng ô tô, taxi, đón và đưa ngay tại sân tòa án. Ngày mở phiên tòa, thì có thể làm Đơn đề nghị tòa yêu cầu lực lượng cảnh sát tư pháp bảo vệ phiên tòa, nhằm đề phòng bất trắc.

Ngoài ra, nếu như bên phía chồng có người có uy tín có thể can thiệp được, thì cũng nên cử người đến nói chuyện rõ ràng, mong được cảm thông, thấu hiểu, để giải thoát cho nhau. Nói chung là phải luôn trong trạng thái cảnh giác, phòng bị, phòng vệ, thận trọng, nhưng luôn tận dụng cơ hội để có thể hóa giải, giải thoát trong êm đẹp, như thế sẽ giải quyết gốc rễ vấn đề, dù cơ hội khá mong manh. Nhưng tuyệt đối là không khiêu khích, không gây kích động, khiến đối phương dễ có những hành vi manh động. Trong trường hợp đã ly hôn được, thì có thể tìm cách lánh đi đâu đó làm ăn xa một vài năm, thời gian sẽ làm mọi thứ có thể nguôi ngoai, vơi bớt đi những hận thù, oán trách .....

Từ những phân tích trên cho thấy, nếu như kết hôn là một thủ tục hành chính – Khi các bên chỉ cần đăng ký tại Ủy ban nhân dân có thẩm quyền; Thì ly hôn lại là một thủ tục tư pháp – Khi thẩm quyền chấp thuận cho phép ly hôn hay không, thuộc về Tòa án. Cũng chính vì thế, nếu việc kết hôn đơn giản và dễ dàng bao nhiêu, thì ngược lại, thủ tục ly hôn khó khăn, phức tạp bấy nhiêu, thậm chí có khả năng rơi vào bế tắc, không thể giải quyết khi một bên vợ hoặc chồng, cố tình trốn tránh việc ly hôn. Và đôi lúc phải trả một cái giá rất đắt, như trường hợp vừa xảy ra tại Thái Bình nêu trên.

Một vụ việc ly hôn, nếu như hai bên thuận tình, cùng đồng thuận sẽ ly hôn, và tự giàn xếp với nhau về việc nuôi con, chia tài sản, nghĩa rằng không có bất kì tranh chấp gì, thường sẽ được Tòa án giải quyết rất nhanh, chỉ vài tuần đến một tháng là xong xuôi tất cả. Còn một vụ án ly hôn, nghĩa rằng có tranh chấp về nuôi con, chia tài sản, hoặc một bên không muốn ly hôn, thời gian giải quyết sẽ khá lâu, nhanh thì nửa năm đến một năm, lâu thì vài ba năm, có vụ việc thì chẳng biết đến bao giờ.

Cá biệt, có những trường hợp một bên không muốn ly hôn, nên họ sẽ tìm cách để cho bên còn lại không thể nào thực hiện thủ tục được, ví dụ như: giấu hộ khẩu, chứng minh thư đặc biệt là giấy đăng ký kết hôn…… Khi đó bên còn lại nộp đơn khởi kiện ly hôn, thông thường Tòa án sẽ không thụ lý, vì không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh quan hệ hôn nhân cả. Việc sao lục giấy tờ tại Cơ quan nhà nước đối khi cũng khó - Chẳng hạn, một Người về quê chồng làm vợ, nhưng sổ hộ khẩu vẫn tại quê cha mẹ đẻ, nên giờ muốn sao lục sổ hộ khẩu nhà chồng, giấy đăng ký kết hôn tại quê chồng không đơn giản. Chính vì thế, ngay cả khi cơm lành, canh ngọt, thì việc sao y một vài giấy tờ liên quan đến nhân thân các bên là điều nên để ý.

Có trường hợp, một bên không muốn ly hôn, thì họ sẽ “lẫn tránh pháp luật” bằng cách xin nhập hộ khẩu thường trú ở chổ khác, lúc đó bên còn lại muốn lý hôn sẽ gặp trở ngại rất lớn. Ví dụ hai Vợ chồng đang thường trú tại Cà Mau, biêt Người vợ có ý định muốn ly hôn, nên Người chồng đã nhanh chóng xin nhập hộ khẩu của mình vào nhà Người thân tại Quảng Ninh, lúc này Người vợ muốn ly hôn, phải nộp đơn khởi kiện tại Quảng Ninh (Nơi thường trú của Bị đơn), rồi quá trình giải quyết vụ án cũng phải ra Quảng Ninh…… Rất nan giải!

Trường hợp phổ biến nhất, hay được áp dụng nhất, đó là khi một bên nào đó không muốn ly hôn, họ sẽ không tới Tòa án theo giấy mời, triệu tập, lúc này về mặt tố tụng, Tòa án phải đi xác minh chổ ở, tiến hành niêm yết văn bản thông báo, giấy tờ….. Rất mất thời gian, và khi họ cố tình trốn tránh, sẽ không biết bao giờ mới được giải quyết xong. Trường hợp họ quyết tâm lánh mặt hẳn luôn, có khi phải quay sang thực hiện thủ tục tuyên bố mất tích, thời gian chờ đợi lúc này, càng xa xăm.

Và cuối cùng – Chính là trường hợp cùn nhất, hạ đẳng nhất, khi một bên không muốn ly hôn, họ sẽ đe dọa, áp bức tinh thần, dùng vũ lực với bên còn lại hoặc người thân như Cha mẹ, nhằm mục đích khiến cho bên còn lại cảm thấy sợ hãi mà từ bỏ việc muốn ly hôn. Thực tế trong xã hội, có những hiện trạng khiến Chúng ta không thể nào giải thích được: Không còn yêu thương, không còn trách nhiệm, không còn tôn trọng, sẵn sàng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay – Nhưng ly hôn thì không, mà vụ việc vừa xảy ra tại Thái Bình là một minh chứng rõ rệt.

Trớ trêu nhất, là có nhiều trường hợp việc khó khăn trong ly hôn, lại xuất phát từ chính bên muốn được giải thoát. Nghe qua thì có vẻ khó hiểu, nhưng nội tình lại có lý do phù hợp – Chẳng hạn, có những người lúc chưa lập gia đình, rất được nhiều người theo đuổi, sau khi kén cá chọn canh, lại lấy nhầm người, dù rất muốn ly hôn, nhưng vì sĩ diện về hào quang tuổi thanh xuân, nên lại cắn răng chịu đựng, để lấy được tiếng là vẫn giữ được gia đình; Có trường hợp trước khi kết hôn bị cha mẹ phản đối, sau khi kết hôn cũng không hạnh phúc, nhưng sợ cha mẹ buồn, nên ráng chịu. Tuy nhiên, phổ biến nhất trong trường hợp này, khi bên muốn giải thoát, những sẵn sàng cam chịu, là với suy nghĩ truyền thống rằng: Phải vì con cái, muốn con cái lớn lên trong tình yêu thương, đùm bọc của cả Cha mẹ - Dù vậy, điều này chỉ đúng, khi mà Vợ chồng có thể không còn tình yêu thương, có quan hệ ngoài luồng, nhưng vẫn còn thương yêu con cái, có trách nhiệm và tôn trọng nhau. Còn việc nếu Vợ chồng suốt ngày đánh chửi nhau, xúc phạm nhau….. Và để con cái chứng kiến cảnh tượng đó thường xuyên, thì liệu ai dám chắc và bảo đảm rằng đứa trẻ sẽ tốt hơn khi có cả Cha mẹ………

------

Cuộc sống gia đình, đôi khi xuất hiện những xung đột, mâu thuẫn, cãi vã….. Cũng là điều bình thường. Có những xung khắc có thể hóa giải, khi đôi bên không tìm thấy tiếng nói chung, nhưng vẫn còn sự tôn trọng và trách nhiệm đối với nhau, trách nhiệm với gia đình và con cái. Có những xung khắc nhỏ, nhưng vì cái tôi lớn, không nhìn nhận ra vấn đề, cũng cần phải được hàn gắn, vun đắp, và rồi khi nhận ra, sẽ thấy trân trọng nhau hơn, tốt với nhau hơn, đó thật là điều đáng quý. Tuy nhiên, nếu một khi mâu thuẫn đã đến mức trầm trọng kéo dài, mắng chửi thậm chí là đánh nhau liên miên, không còn sự tôn trọng nhau, không còn trách nhiệm với nhau, sống chết mặc nhau…… Cuộc hôn nhân đó, càng kéo dài, sẽ càng gây căng thẳng, thậm chí là sang chấn tâm lý cho bên còn lại, mà rất khó để cứu chữa. Phật pháp có chỉ rằng “Yêu nhau mà phải ở xa nhau cũng khổ - Ghét nhau mà phải ở gần nhau cũng khổ”, cho nên trong những hoàn cảnh nào đó, nếu cảm thấy mọi thứ đã vượt quá giới hạn, thì cần phải văn minh buông bỏ giải thoát nỗi khổ cho nhau: Hãy văn minh lúc đi, như lúc đến!

Viết tại Sài Gòn, ngày 28/06/2021 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan