BÀN VỀ MỐI QUAN HỆ NHÂN QUẢ GIỮA HÀNH VI VI PHẠM HỢP ĐỒNG VÀ THIỆT HẠI XẢY RA TRONG HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA QUỐC TẾ

        Trên thực tế không phải mọi hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng đều gây ra thiệt hại, nhưng cũng có thể một hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ gây ra nhiều khoản thiệt hại khác nhau, cũng như một khoản thiệt hại cũng thể được sinh ra do nhiều nguyên nhân khác nhau vậy. Điều đó cũng có nghĩa là không phải tất cả sự vi phạm nghĩa vụ nào cũng đều là cơ sở của trách nhiệm hợp đồng và không phải bất cứ thiệt hại nào xảy ra trong quan hệ nghĩa vụ cũng do bên vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu. Bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng chỉ phải bồi thường khi những thiệt hại xảy ra có mối quan hệ nhân quả với hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của họ. Hay nói cách khác bên có hành vi vi phạm  hợp đồng chỉ phải bồi thường thiệt hại khi thiệt hại xảy ra là kết quả tất yếu của hành vi vi phạm hợp đồng.

        Trong khoa học pháp lí, tính nhân quả gữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại xảy ra có thuộc tính khách quan, nó thể hiện ở chỗ hành vi vi phạm nghĩa vụ trong những điều kiện nhất định đã gây ra thiệt hại như là một quá trình khách quan tất yếu. Khi đó hành vi vi phạm nghĩa vụ là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là tất yếu. Về mặt thời gian nguyên nhân phải có trước kết quả, hành vi vi phạm nghĩa vụ phải có trước khi có thiệt hại xảy ra. Nếu thiệt hại đã xảy ra trước khi có hành vi vi phạm nghĩa vụ thì thiệt hại xảy ra đó không phải là kết quả của hành vi vi phạm nghĩa vụ vì giữa chúng không có mối quan hệ nhân quả, và vì không có quan hệ nhân quả, bên có quyền không thể căn cứ vào thiệt hại đã xảy ra trước đó để đòi bên vi phạm nghĩa vụ phải bồi thường.

        Tuy nhiên trên thực tế có những trường hợp, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ và thiệt hại biểu hiện rõ ràng đến mức hiển nhiên không cần bàn cãi. Nhưng cũng có không ít trường hợp nhất là trong những trường hợp thiệt hại xảy ra là kết quả vận động không phải chỉ của một hành vi mà của nhiều hành vi, của nhiều chủ thể khác nhau thì việc làm sáng tỏ những hành vi nào đã phát sinh hậu quả thiệt hại, việc xác định những chủ thể nào phải chịu trách nhiệm bồi thường là vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp xét trên cả phương diện lí luận và thực tiễn. Có rất nhiều học thuyết đã được đưa ra để giải quyết vấn đề này. Theo học thuyết “các điều kiện ngang bằng” thì cho rằng tất cả các điều kiện dẫn đến việc phát sinh kết quả đều có giá trị bằng nhau. Trái ngược với học thuyết “các điều kiện ngang bằng” các tác giả theo học thuyết “các điều kiện cần thiết” lại cho rằng chỉ có điều kiện tác động nào hay tình tiết tác động nào đóng vai trò quyết định mà nếu không có nó thì hậu quả không thể xảy ra mới được coi là nguyên nhân. Các tác giả theo học thuyết “nguyên nhân điển hình hay nguyên nhân thích hợp” lại cho rằng một hiện tượng nào được gọi là nguyên nhân của hậu quả nào đó chỉ khi hiện tượng đó cũng gây ra hậu quả tương tự. Nói một cách khác, hậu quả xảy ra phải mang tính chất điển hình, thích hợp tức là phải tương ứng với sự hình dung thông thường của nhận thức con người. Học thuyết “quan hệ nhân quả trực tiếp và gián tiếp” thì cho rằng mối quan hệ nhân quả được coi là trực tiếp nếu trong quá trình vận động các sự kiện giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra không tồn tại bất cứ một tình tiết nào khác có ý nghĩa pháp lí để truy cứu trách nhiệm dân sự. Nhưng nếu trong quá trình vận động đó mà xuất hiện những tình tiết khác có ý nghĩa pháp lí đối với việc xác định trách nhiệm dân sự thì mối quan hệ nhân quả đó sẽ mang tính chất gián tiếp. Các tác giả của học thuyết “khả năng và hiện thực” lại cho rằng việc xác định tính nhân quả phải dựa trên sự phân định vai trò của các sự kiện các tình tiết trong việc tạo ra khả năng gây hậu quả, theo đó một sự kiện một tình tiết nếu chỉ tạo ra khả năng trừu tượng của hậu quả thì không nằm trong mối quan hệ nhân quả, vấn đề trách nhiệm không đặt ra, một số sự kiện tình tiết khác nếu tạo ra khả năng cụ thể của hậu quả hoặc thêm một bước nữa là đưa hậu quả trở thành hiện thực thì khi đó mối quan hệ nhân quả đủ để truy cứu trách nhiệm dân sự…Có thể nói rằng, các học thuyết trên ít nhiều chứa đựng những nhân tố hợp lí và thực tế không ít những hạt nhân hợp lí. Trong số đó, đặc biệt là những lí thuyết về tính nhìn thấy trước (hay dự kiến trước) tính trực tiếp, tính khánh quan, tính tất yếu của quan hệ nhân quả đã đề lại ảnh hưởng sâu đậm trong luật tư của các hệ thống pháp luật khác nhau.[1] Tuy nhiên, điều thú vị là mỗi hệ thống pháp luật khác nhau có cách nhìn nhận các học thuyết trên đây khác nhau, từ đó dẫn tới hệ quả mỗi một hệ thống pháp luật lại có những quy định riêng về mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng và thiệt hại xảy ra. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, lí thuyết về tính khách quan, tính tất yếu, tính trực tiếp của quan hệ nhân quả có ảnh hưởng gần như tuyệt đối. Theo quy định tại khoản 2 điều 307 Bộ Luật Dân Sự 2005; điều 302 và 303 Luật Thương mại 2005 thì quan hệ nhân quả được hiểu là mối liên hệ khách quan, tất yếu, trực tiếp, trong đó hành vi vi phạm nghĩa vụ là nguyên nhân trực tiếp, còn việc phát sinh những tổn thất vật chất thực tế là kết quả khách quan tất yếu.

        Theo quy định của Công ước Viên 1980 và Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004, đối với quan hệ nhân quả, lí thuyết về tình nhìn thấy trước hay dự kiến trước và tính trực tiếp của quan hệ nhân quả có vị trí đặc biệt. Thật vậy, theo quy định tại điều 74 của Công ước Viên 1980 thì quan hệ nhân quả với tính cách là cơ sở của trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xác định bởi hai yếu tố: (i) thiệt hại phải bồi thường chỉ bao gồm tổn thất và khoản lợi bị bỏ lở do hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; (ii) khoản bồi thường thiệt hại này không thể cao hơn tổn thất và số lợi bị bỏ lở mà bên vi phạm đã dự liệu được hoặc đáng lẽ phải dự liệu được vào lúc kí kết hợp đồng như một hậu quả có thể xảy ra do vi phạm hợp đồng, có tính đến các tình tiết mà họ phải biết hoặc đáng lẽ phải biết. Tương tự như vậy theo quy định tại điều 7.4.2 và điều 7.4.4 Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004: mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không thực hiện nghĩa vụ và thiệt hại xảy ra phải mang tính trực tiếp, đồng thời chỉ những thiệt hại mà bên có nghĩa vụ đã dự đoán trước một cách hợp lí vào thời điểm giao kết hợp đồng như là một hậu quả có thể xảy ra từ việc không thực hiện mới thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường. Thiết nghĩ rằng việc quy định của Công ước Viên 1980 và Bộ nguyên tắc UNIDROIT 2004 về mối quan hệ giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra với hai thuộc tính là tính trực tiếp và tính nhìn thấy trước là hoàn toàn hợp lí, vì lẽ với tính trực tiếp sẽ giúp chúng ta xác định được tương đối chính xác những thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, còn với tính nhìn thấy trước nhằm đặt bên vi phạm vào tình thế phải có những tính toán kĩ càng trước khi vi phạm hợp đồng nhằm đảm bảo việc tuân thủ hợp đồng.

Đề phục vụ cho một trạm vệ tinh mặt đất tại Đông Phi, tháng 4 năm 1978, nguyên đơn (một công ty Đông Phi) đã kí một hợp đồng mua bán, vận chuyển và lắp đặt một bộ khuếch đại sóng cực ngắn (được gọi là hệ thống HPA) với bị đơn (nhà cung cấp Mỹ). Tiếp đó, nguyên đơn đã kí bản chấp nhận đối với hệ thống HPA tại nhà máy của bị đơn tại Mỹ vào tháng 6 năm 1978, sau đó tại công trường Đông Phi. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, hệ thống HPA luôn bị trục trặc và tháng 1 năm 1980 ngừng hoạt động. Kể từ đó mặc dù hai bên đã vài lần cố gắng sữa chữa tại Đông Phi, song hệ thống HPA vẫn không thể hoạt động được bình thường. Nguyên nhân của hệ thống HPA liên tục bị trục trặc là do việc lắp đặt không đúng thiết bị, cụ thể hệ thống cung cấp điện mà HPA yêu cầu không phù hợp hệ thống điện sẵn có tại hiện trường.

Cuối cùng vào tháng 4 năm 1981 các bên quyết định gửi hệ thống HPA trở lại nhà máy của bị đơn tại Mỹ. Tháng 5 năm 1981 bị đơn đề nghị được sữa hệ thống HPA nhưng nguyên đơn không chấp nhận. Hai bên cũng đã tiến hành thương lượng nhiều lần về việc sữa chữa này nhưng không đạt kết quả. Ngày 25 tháng 11 năm 1981 nguyên đơn hủy bỏ bản chấp nhận hệ thống HPA mà mình đã kí trước đây và mua một hệ thống HPA từ một nhà sản xuất khác để thay thế cho hệ thống HPA của bị đơn.

 Nguyên đơn sau đó đã kiện ra trọng tài, yêu cầu bị đơn: (i) hoàn lại số tiền đã thanh toán theo hợp đồng; (ii) bồi thường khoản chênh lệch giữa giá mua của hệ thống HPA cũ và hệ thống HPA thay thế; (iii) bồi thường những thiệt hại ngẫu nhiên và những thiệt hại nhân quả kéo theo.

Ủy ban trọng tài giải quyết vụ kiện đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn được quyền hủy bỏ “bản chấp nhận” hệ thống HPA, được hoàn trả lại tiền đã thanh toán và được bồi thường khoản chênh lệch giá do phải mua một hệ thống HPA khác để thay thế, đồng thời bác yêu cầu của nguyên đơn về các thiệt hại ngẫu nhiên và các thiệt hại nhân quả kéo theo.[2]

Như vậy, có thể thấy khoản chênh lệch giá do phải mua hệ thống HPA khác để thay thế được coi là thiệt hại có thể nhìn thấy trước được và là hậu quả trực tiếp từ việc vi phạm hợp đồng. Còn các thiệt hại ngẫu nhiên và thiệt hại nhân quả kéo theo không phải là hệ quả trực tiếp và cũng không thể nhìn thấy trước được từ việc vi phạm hợp đồng.

Viết tại Sài Gòn - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
 


[1] TS. Nguyễn Ngọc Khánh, Chế định hợp đồng trong bộ luật dân sự Việt Nam, tr 417-418.

[2] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, “50 phán quyết trọng tài quốc tế chọn lọc”, tr 24-28.

Bình luận (0)


Bài viết liên quan