ĐẠI LÝ THƯƠNG MẠI: LUẬN GIẢI CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CƠ BẢN!

Trong giao thương buôn bán, Bà con ta thường thấy xuất hiện những Bảng hiệu quảng cáo như: Cửa hàng A là Đại lý của hãng nước ngọt T, Cửa hiệu B là Đại lý của hãng Vé máy bay V …… Nói chung: Cụm từ “Đại lý” là một thuật ngữ không hề xa lạ, trong đời sống kinh tế và xã hội.

Tuy vậy, các vấn đề pháp lý về Đại lý thương mại, lại không hề đơn giản! Và Bà con ta, hay phải chịu thiệt thòi khi nhận làm Đại lý cho một Nhà cung cấp nào đó; Bởi khi ký kết Hợp đồng Đại lý, Nhà cung cấp luôn có mẫu Hợp đồng đã soạn sẵn và Họ thường có những Ban pháp chế tham mưu cho những hoạt đồng này; Trong khi Bà con ta, không nắm rõ quy định của luật. Chính vì vậy – Bài viết này, Tác giả sẽ luận giải và phân tích một số vấn đề cơ bản, quan trọng về hoạt động Đại lý thương mại, để Bà con tham khảo và ứng dụng khi cần thiết.

I. Hiểu về hoạt động Đại lý thương mại

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó Bên giao đại lý và Bên đại lý thoả thuận việc Bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho Bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của Bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

Ví dụ 1: Công ty A là Công ty sản xuất bia, nước giải khát. Cửa hàng kinh doanh bách hóa của Bà B, nhận làm Đại lý thương mại, bán bia, nước ngọt cho Công ty A, và hưởng thù lao từ doanh thu bán sản phẩm. Trong ví dụ này: Công ty A là Bên giao đại lý (Gọi là nhà cung cấp sản phẩm); Cửa hàng của Bà B là Bên đại lý (Gọi là Bên phân phối sản phẩm). Đây gọi là hình thức Đại lý bán.

Ví dụ 2: Công ty H là Công ty xuất khẩu trái cây, cho nên cần thu mua trái cây. Cửa hàng của Ông S nhận làm Đại lý cho Công ty H nhằm thu mua trái cây của Người dân, và Cửa hàng của Ông S được nhận thù lao từ Công ty H. Trong ví dụ này: Công ty H là Bên giao đại lý (Gọi là nhà thu mua sản phẩm); Cửa hàng của Ông S là Bên đại lý (Gọi là Bên đầu mối nhận thu gom sản phẩm). Đây gọi là hình thức Đại lý mua.

Như vậy, trong hoạt động mua bán thông qua Đại lý thương mại, Chúng ta thấy rằng, thường có sự xuất hiện của 03 Bên: Bên Bán, Bên mua và Bên Đại lý – Được xem là Trung gian thương mại.

II. Đặc điểm của Đại lý thương mại

Mặc dù, khái niệm về Đại lý thương mại, như đã nêu trên, không có gì gây khó hiểu. Nhưng đặc điểm pháp lý của Đại lý thương mại, lại có khá nhiều vấn đề cần phải làm rõ; Cụ thể:

1. Đại lý thương mại là một Thương nhân độc lập

Dưới góc độ Chủ thể kinh doanh, Đại lý thương mại là một Thương nhân độc lập. Họ không phải là chi nhánh, hay đơn vị phụ thuộc của Bên giao đại lý (Nhà cung cấp). Đại lý thương mại có thể tồn tại dưới hình thức là Hộ kinh doanh, Doanh nghiệp tư nhân, hay Công ty. Do vậy, xét dưới góc độ Chủ thể, Họ là những thực thể độc lập. Họ chỉ bị ràng buộc với Bên giao đại lý về mặt phân phối sản phẩm, xuất phát từ Hợp đồng đại lý. Nhưng hoàn toàn không bị chi phối về mặt quản trị.

Ví dụ 3: Công ty A thành lập chi nhánh B. Thì Công ty A có quyền bổ nhiệm Trưởng chi nhánh, thuê nhân sự, có quyền giải thể chi nhánh. Tuy nhiên, nếu Công ty A ký Hợp đồng đại lý với Cửa hàng C, thì Công ty A không có những quyền vừa nêu. Hai bên chỉ bị rằng buộc về Hợp đồng phân phối sản phẩm mà thôi. Khi Hợp đồng chấm dứt, Cửa hàng C vẫn tồn tại, và có thể đi tìm nhà cung cấp khác.

2. Đại lý thương mại nhân danh chính mình khi phân phối sản phẩm

Mặc dù Đại lý thương mại được coi là hoạt động trung gian thương mại, là nhà phân phối sản phẩm. Nghĩa rằng, đúng ra Đại lý, không phải bên bán, cũng chẳng phải bên mua. Nhưng theo quy định của Luật thương mại, thì khi tham gia giao dịch phân phối sản phẩm, Đại lý thương mại lại nhân danh chính mình – Đây là điểm khác biệt giữa Đại lý thương mại và các loại hình khác như: Môi giới thương mại, hay Đại diện cho thương nhân.

Ví dụ 4: Công ty M là nhà nhập khẩu Tivi, đồ điện tử ….. Trung tâm G là Đại lý phân phối các dòng Tivi, đồ điện tử do Công ty M nhập khẩu. Như vậy, Công ty M là Bên giao đại lý, Trung tâm G là Bên Đại lý. Nếu có khách hàng đến Trung Tâm G mua Tivi, thì Người bán ở đây là Trung Tâm G, Trung Tâm G nhân danh chính mình, bán Tivi cho khách hàng, chứ không phải nhân danh Công ty M. Điều này hoàn toàn khác với việc môi giới, nếu là môi giới, thì Công ty M vẫn là bên bán, giống như môi giới bất động sản, Người môi giới chỉ giới thiệu các bên với nhau, còn mua bán là tự các bên.

Chính vì vậy, khi khách hàng có khiếu kiện gì về hàng hóa, thì sẽ tìm đến Đại lý đầu tiên. Đại lý không có quyền chối bỏ trách nhiệm, nói rằng mình chỉ là Đại lý, mà Đại lý có nghĩa vụ khiếu nại chuyển tiếp cho khách hàng đến Bên giao đại lý (Nhà cung cấp), mà khách hàng không phải tự làm việc này. Hiểu nôm na, Khách hàng cứ ăn vạ Đại lý, còn Đại lý lại tiếp tục ăn vạ đến Nhà cung cấp.

Ví dụ 5: Ông A đến Đại lý B mua một chiếc máy in. Mua về, máy bị lỗi sản xuất, không dùng được, Ông A có quyền yêu cầu Đại lý B đổi máy mới cho mình, và Đại lý B phải đổi cho Ông A. Còn sau đó Đại lý B, yêu cầu nhà sản xuất đổi máy hoặc lấy máy hỏng về sửa chữa. Trong môi giới thì không có chuyện này, Bên môi giới, sau khi nhận tiền “Cò”, có quyền lặn sủi tăm.

3. Không chuyển giao quyền sở hữu tài sản giữa Bên giao và Bên nhận Đại lý

Đây là điểm pháp lý quan trọng, có liên quan đến nhiều vấn đề khác, mà Bà con phải nắm rõ. Trong hoạt động Đại lý thương mại, hàng hóa sản phẩm không chuyển giao quyền sở hữu từ Bên giao đại lý (Nhà cung cấp) sang cho Đại lý (Nhà phân phối), có nghĩa rằng: Tài sản vẫn thuộc quyền sở hữu của Bên giao đại lý (Nhà cung cấp).

Về nguyên tắc – Theo quy định: Chủ sở hữu phải chịu rủi ro đối với tài sản, trừ khi có thỏa thuận khác.

Ví dụ 6: Công ty A sản xuất phân bón; Cửa hàng B là Đại lý phân phối phân bón. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của siêu bão, khiến cho kho chứa phân bón của Cửa hàng B bị đổ sập (Không có lỗi của Bên B), nước dâng lên, toàn bộ phân bón bị hư. Thì việc rủi ro đối với phân bón này, Công ty A phải chịu. Luật quy định như vậy, nhưng nếu Bà con không nắm rõ, khi ký Hợp đồng, nếu Hợp đồng đại lý quy định, Bên nhận Đại lý phải chịu rủi ro, thì Bà con lại phải chịu.

III. Các hình thức Đại lý thương mại

Dưới góc độ pháp lý, Luật không hạn chế các loại hình Đại lý thương mại, tức các Bên có quyền “Sáng tạo” các hình thức Đại lý, miễn không làm thay đổi bản chất. Thông thường, có các loại hình Đại lý sau đây:

1. Đại lý bao tiêu

Là hình thức đại lý mà zbên đại lý thực hiện việc mua, bán trọn vẹn một khối lượng hàng hoá hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho Bên giao đại lý.

Chữ “Bao tiêu” ở đậy, Bà con hiểu nôm na như mấy Cô bác bán trái cây, hay nói “Bao ngọt”. Tức là sản phẩm được các bên thỏa thuận giao bán phải được một khối lượng nhất định, trong một thời gian nhất định. Ví dụ: 01 Tháng phải bán được 10 chiếc xe máy.

2. Đại lý độc quyền

Là hình thức đại lý mà tại một khu vực địa lý nhất định Bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua, bán một hoặc một số mặt hàng hoặc cung ứng một hoặc một số loại dịch vụ nhất định. Ví dụ như, tại xã X thì Công ty A chỉ giao cho mỗi Đại lý B phân phối sản phẩm của mình.

3. Tổng đại lý

Là hình thức đại lý mà bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý. Tổng đại lý đại diện cho hệ thống đại lý trực thuộc. Các đại lý trực thuộc hoạt động dưới sự quản lý của tổng đại lý và với danh nghĩa của tổng đại lý. Cái này, Bà con để ý sẽ thấy Người ta hay gọi là Đại lý cấp 1, cấp 2 ….. Ví dụ: Tại Tỉnh Z, Công ty X chỉ giao cho Trung tâm F làm Tổng đại lý, còn Trung tâm F sẽ phân phối tiếp cho các Đại lý tại các huyện trong tỉnh.

IV. Thù lao Đại lý

1. Trường hợp bên giao đại lý ấn định giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng thì bên đại lý được hưởng hoa hồng tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá mua, giá bán hàng hóa hoặc giá cung ứng dịch vụ.

Trường hợp này, Bà con phải hiểu rằng, giá mua bán hàng hóa là do Bên giao đại lý ấn định, tức là do Nhà cung cấp ấn định. Bên Đại lý phải bán đúng giá như vậy, không được thay đổi giá bán. Và như vậy, Bên đại lý sẽ được hưởng thù lao bằng số % nhất định của sản phẩm.

Ví dụ 7: Công ty M là nhà nhập khẩu Tivi, đồ điện tử ….. Trung tâm G là Đại lý phân phối các dòng Tivi, đồ điện tử do Công ty M nhập khẩu. Giá bán hàng hóa, do Công ty M ấn định. Ví dụ mỗi chiếc Tivi là 10 triệu, thì Trung tâm G phải bán đúng giá này. Thù lao của Trung Tâm G, là 10% của giá bán 10 triệu, tức là 1 triệu đồng.

2. Trường hợp bên giao đại lý không ấn định giá mua, giá bán hàng hoá hoặc giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng mà chỉ ấn định giá giao đại lý cho bên đại lý thì bên đại lý được hưởng chênh lệch giá. Mức chênh lệch giá được xác định là mức chênh lệch giữa giá mua, giá bán, giá cung ứng dịch vụ cho khách hàng so với giá do bên giao đại lý ấn định cho bên đại lý.

Trường hợp này, Bà con được hiểu rằng, giá mua bán hàng hóa là do Bên lý quyết định; Bên giao đại lý, tức là Nhà cung cấp chỉ ấn định giá sàn mà thôi. Bên Đại lý được quyền bán giá cao hơn, và hưởng chênh lệch.

Ví dụ 8: Công ty M là nhà nhập khẩu Tivi, đồ điện tử ….. Trung tâm G là Đại lý phân phối các dòng Tivi, đồ điện tử do Công ty M nhập khẩu. Giá bán hàng hóa, Công ty M không ấn định. Mà chỉ giao giá sàn là 8 triệu một chiếc Tivi, nghĩa là khi bán 01 chiếc Tivi, Trung tâm G phải chuyển hoàn cho Công ty M là 8 triệu. Trong trường hợp này, khi có khách đến mua, Trung tâm G muốn bán bao nhiêu thì bán, bán được giá cao thì hưởng nhiều.

Đây là lý do vì sao, cũng là 01 chiếc xe máy cùng hãng, mà các nơi bán cao thấp khác nhau là do vậy. Ngoài hai hình thức hưởng thù lao trên đậy, thì các bên có thể thỏa thuận các hình thức khác.

V. Những điều cần lưu ý khi giao kết Hợp đồng đại lý

Theo quy định: Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương. Bà con, khi giao kết Hợp đồng đại lý thương mại, cần phải lưu ý một vài vấn đề sau:

1. Thứ nhất, là quy định rõ việc Ai phải chịu rủi ro đối với các sự cố hư hỏng, mất mát về hàng hóa, trong các trường hợp như bị cháy, bị thiên tai, trộm cắp. Thường khi xảy ra sự cố, những thiệt hại này rất lớn, nên Các bên hay phát sinh tranh chấp. Nếu quy định không rõ ràng, sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

2. Thứ hai, cần quy định rõ hình thức đại lý và thù lao đại lý. Vì mỗi hình thức đại lý khác nhau, sẽ dẫn đến hệ quả pháp lý không giống nhau, và thù lao đại lý cũng vậy. Cho nên phải ghi rõ ràng các vấn đề này.

3. Thứ ba, Bà con cũng cần lưu ý đến điều khoản giải quyết tranh chấp. Thông thường, Bên giao đại lý, hay quy định là Tòa án giải quyết tranh chấp là Tòa án nơi Họ có trụ sở, như vậy, nếu tranh chấp kiện tụng, Bà con sẽ tốn phí đi lại, lưu trú nếu Tòa án ở xa.

Nói chung, Hợp đồng càng rõ ràng, minh bạch, thì càng ít xảy ra tranh chấp, và kể cả khi xảy ra tranh chấp, thì cũng dễ giải quyết. Cho nên, Bà con phải hết sức lưu tâm, đọc, xem xét các nội dung thỏa thuận, trước khi đặt bút ký vào Hợp đồng.

Viết tại sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan