XE VÀ BIỂN SỐ ĐỊNH DANH: HIỂU TỪ GÓC NHÌN TÀI SẢN – QUYỀN SỞ HỮU VÀ PHƯƠNG TIỆN THAM GIA GIAO THÔNG!

Thời gian gần đây, thuật ngữ pháp lý “Biển số định danh” được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thuật ngữ này, nói dễ hiểu cũng là dễ hiểu, nếu tiếp cận theo một cách đơn giản từ phần “ngọn”, còn nói phức tạp thì cũng không kém phần rối rắm, nếu tiếp cận từ “nguồn gốc” vấn đề. Nhưng xét trên nhiều góc độ, đây là một phạm trù rất hay về mặt lý luận và thực tiễn, nếu Bà con ta chịu khó tìm hiểu. Trong Bài viết này, Tác giả xin phép phân tích và luận giải một vài khía cạnh về vấn đề vừa nêu, để Bà con tham khảo.

Xe nói chung, trước hết là một loại tài sản, cụ thể hơn nữa thì đó là một vật, và vật này là tài sản (Tài sản dưới dạng vật). Một chiếc xe, sau khi vừa sản xuất hoàn thành, thì chiếc xe này đã là tài sản mới (Dựa trên sự trộn lẫn, chế biến…. từ nhiều vật/tài sản trước đó), thuộc quyền sở hữu của Nhà sản xuất. Như vậy, ngày khi vừa “thành phẩm” thì chiếc xe đã là tài sản dưới dạng vật, mà không cần phải có Biển số xe. Hay nói cách khác, việc có hay không có Biển số xe không ảnh hưởng đến quyền sở hữu xe của Nhà sản xuất.

Sau đó nhà sản xuất bán hàng loạt chiếc xe cho Doanh nghiệp phân phối bán lẻ, thì quyền sở hữu được chuyển giao từ Nhà sản xuất sang cho Doanh nghiệp phân phối. Tiếp đó, Doanh nghiệp phân phối bán lại từng chiếc xe cho Khách hàng, quyền sở hữu lại tiếp tục tục chuyển giao từ Doanh nghiệp phân phối sang cho Người tiêu dùng. Trong suốt những giai đoạn này, những chiếc xe vẫn chưa có biến số. Hay nói cách khác, việc có hay không có Biển số xe không ảnh hưởng đến vấn đề những chiếc xe được tham gia vào các giao dịch dân sự như mua bán hàng hóa/mua bán tài sản.

Vậy khi nào một chiếc xe cần có biển số hay tại sao phải có Biển số xe? Chúng ta hãy xem xét ví dụ: Ông A ra cửa hàng mua một chiếc xe máy, Ông A đưa chiếc xe này về nhà mình để trưng bày, tức không dùng cho việc đi lại, nên Ông A không làm thủ tục cấp biển số, thì chiếc xe này vẫn thuộc quyền sở hữu của Ông A, Ông A không vi phạm bất kỳ quy định nào của pháp luật, nghĩa rằng không ai được quyền vào nhà Ông A rồi tiến hành xử phạt Ông A, chỉ vì Ông “Trùm mền” một chiếc xe mới mua, mà không có đăng ký biển số xe. Hay nói cách khác, lúc này chiếc xe của Ông A chính là một loại tài sản, thuộc quyền sở hữu của Ông A, được điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật dân sự, theo đó khi nào không muốn trưng bày nữa, Ông A có quyền bán lại cho Ông B.

Tuy nhiên, mọi chuyện sẽ khác, nếu Ông A mang chiếc xe vừa nêu vào tham gia giao thông, lúc này chiếc xe mang thêm trong mình một tư cách (Ngoài tư cách là một loại tài sản nói trên chịu sự điều chỉnh của Luật dân sự) - Đó là một loại phương tiện tham gia giao thông, nên phải chịu thêm sự điều chỉnh của Pháp luật về giao thông đường bộ. Nếu Ông A không làm thủ tục cấp biển số xe, mà lại tham gia giao thông, Ông A sẽ bị xử phạt, nhưng lý do bị xử phạt không phải vì vấn đề tài sản và quyền sở hữu, mà vì tài sản này chưa đủ điều kiện để trở thành phương tiện tham gia giao thông, cụ thể là Chủ sở hữu chưa là thủ tục đăng ký tham gia giao thông cho phương tiện.

Từ những nội dung trên, Chúng ta cần phải hiểu rằng Biển số xe không phải là một tài sản cấu thành của chiếc xe, không phải là vật chính hay vật phụ của chiếc xe dưới góc độ tài sản và quyền sở hữu – Mà đó chỉ là một thủ tục hành chính, để Chủ sở hữu xác định rằng Họ muốn đưa tài sản của Họ là chiếc xe, trở thành phương tiện tham gia giao thông. Hay nói cách khác, Biển số xe chính là THÔNG TIN CỦA CHỦ SỞ HỮU ĐỐI VỚI MỘT PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CHỨ KHÔNG PHẢI THÔNG TIN CỦA CHỦ SỞ HỮU ĐỐI VỚI MỘT LOẠI TÀI SẢN.

Do đó, khi Chủ sở hữu bán xe, là bán một loại tài sản, chuyển giao một loại tài sản theo quy định của Luật dân sự – Mà như trên Chúng ta đã nói, Biển số xe không phải là một thành phần cấu thành nên tài sản là chiếc xe, không phải là vật chính hay vật phụ đối với chiếc xe - Cho nên không chuyển giao biển số xe cùng với việc bán xe, bởi việc mua bán không chịu sự điều chỉnh của Pháp luật về giao thông đường bộ. Hay nói cách khác, Chủ sở hữu đang bán tài sản (Xe) chứ không phải bán phương tiện lưu thông (Xe có biển số để tham gia giao thông), nên Biển số xe sẽ được giữ lại. Người mua xe, nếu mua xe về để trưng bày đồ cổ thì không cần phải làm thủ tục cấp biển mới cho xe, lý luận cũng như trên, vì tài sản là xe đã được xác lập quyền sở hữu. Tuy nhiên, nếu Người mua, muốn đưa xe vào tham gia giao thông, thì phải làm thủ tục đăng ký để xe đủ điều kiện trở thành phương tiện giao thông. Chính vì thế, nên nhiều Người hay nói nôm na là Biển số định danh cấp theo Người, chứ không phải theo xe. Nhưng muốn hiểu cội nguồn, thì cần phải tiếp cận như trên.

Những nội dung vừa trình bày, chính là những điểm thú vị dưới góc độ pháp luật có liên quan đến Biển số định danh. Còn những nội dung dưới đây, chỉ là một vài thông tin cơ bản, có thể nhiều Bà con đã biết, nhưng hẳn sẽ có Người thắc mắc, nên Tác giả thông tin thêm cho nhiều Người được biết:

- Biển số xe mà Bà con đang dùng (Nếu chính chủ), là Biển 5 số, thì Bà con xem như không có chuyện gì xảy ra, cứ chạy xe như trước đến giờ, và biển số đó mặc định chính là Biển số định danh. Chỉ là, nếu từ nay Bà con có bán xe, thì nhớ giữ Biển số lại, rồi làm thủ tục thu hồi biển theo quy định. Người mua lại xe của Bà con phải làm thủ tục cấp mới Biển số xe để lưu thông, hiểu nôm na là mua xe mới hay xe cũ đều giống như nhau, phải làm thủ tục đăng ký cấp biển số.

- Xe mà Bà con đang chạy nếu Biển số chỉ có 3 hay 4 số, thì Bà con vẫn cứ tham gia giao thông như trước đây, mà không bắt buộc phải cấp đổi thành Biển định danh 5 số. Tuy nhiên nếu Bà con có nhu cầu thì vẫn được cấp đổi Biển định danh 5 số. Tất nhiên nếu bán thì biển 3 hay 4 số này sẽ bị thu hồi, còn Người mua phải làm thủ tục cấp biển định danh 5 số như những trường hợp khác.

Nói tóm lại, “Biển số định danh” chứ không phải “Xe định danh”, “Biển số xe” nhằm xác nhận thông tin về một phương tiện tham gia giao thông của Chủ sở hữu, mà không phải là thông tin về tài sản và quan hệ sở hữu tài sản. Do đó, Chủ sở hữu khi bán xe là bán tài sản, không phải bán phương tiện tham gia giao thông, nên không chuyển giao Biển số xe cho Người mua. Chủ phương tiện, khi đem phương tiện vào tham gia giao thông sẽ được cấp biển số, biển số này cấp cho Chủ phương tiện nhằm quản lý hành chính thông tin khi phương tiện tham gia giao thông và xử lý các vấn đề phát sinh có liên quan, mà không phải quản lý tài sản và quyền sở hữu.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan