PHÂN BIỆT “MƯỢN TIỀN” VỚI “VAY TIỀN”: THÚ VỊ HAY RẮC RỐI?!

Khi cho vay tiền, nếu ngay từ ban đầu, các Bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay, đó chắc chắn là giao dịch cho vay tài sản - Dù đôi khi bình dân, Bà con ta có thể nôm na nói là cho mượn, nhưng dù dùng thuật ngữ mượn hay vay, thì như đã nêu, cứ có tính lãi suất, thì bản chất pháp lý của quan hệ pháp luật được xác lập vẫn là Hợp đồng vay tài sản (Vay tiền), mà không thể/không có gì phải bàn cãi.

Tuy nhiên, nếu cho vay/mượn tiền, nhưng các Bên không có thỏa thuận về lãi suất (Gọi là cho vay/mượn tương trợ/giúp đỡ), lúc này việc cho vay tiền có dáng dấp của việc cho mượn tiền, vì giống nhau ở chổ là đều không tính lãi. Vấn đề ở chổ, nếu cho vay không lấy lãi, và các Bên khi giao dịch đều dùng chữ vay, đương nhiên bản chất pháp lý của quan hệ pháp luật được xác lập vẫn là Hợp đồng vay tài sản (Vay tiền) không tính lãi suất, mà không thể/không có gì phải bàn cãi. Nhưng nếu, trường hợp các Bên không dùng từ vay, mà lại dùng từ mượn, ví dụ các Bên ký Hợp đồng cho mượn tiền chẳng hạn – Chúng ta có thể xác định giao dịch được thiết lập là quan hệ cho mượn tài sản (Mượn tiền) hay không?!

Tất nhiên – Phải nhấn mạnh rằng, việc định danh quan hệ pháp luật trong tình huống này (Làm rõ là vay hay mượn), rất quan trọng vì nó dẫn đến những hậu quả pháp lý khác xa nhau (Còn nếu nó giống nhau, không Ai mất công phân biệt làm gì)! Như đã nêu, nếu vay không lãi suất lúc này việc cho vay tiền có dáng dấp của việc cho mượn tiền, vì giống nhau ở chổ là đều không tính lãi; Nhưng khác nhau ở chổ khi đến thời hạn trả lại tiền mà không/chưa trả, tức có sự chậm trả, thì hệ quả pháp lý sẽ khác nhau: (i) Nếu là vay tài sản (Vay tiền) không lãi, đến hạn mà không/chưa trả, thì phải trả lãi chậm trả, ví dụ A cho B vay 10 tỷ, thời hạn vay là 3 tháng, không tính lãi suất, nếu hết thời hạn 3 tháng, mà B chưa trả, thì kể từ thời điểm chậm trả, B ngoài trả gốc, còn phải trả lãi chậm trả là 10%/năm/Số tiền chưa trả (Khoảng 01 tỷ/năm); (ii) Nếu là mượn tài sản (Mượn tiền), đến hạn mà không/chưa trả, thì không phải trả lãi chậm trả, ví dụ A cho B mượn 10 tỷ, thời hạn mượn là 3 tháng, nếu hết thời hạn 3 tháng, mà B chưa trả, thì kể từ thời điểm chậm trả, B ngoài trả gốc, vẫn không phải trả lãi chậm trả. Rõ ràng chữ “Vay” với “Mượn” trong tình huống ví dụ cụ thể này, có khoảng cách khá xa (Khoảng 01 tỷ/năm).

Tuy nhiên – Điều thú vị vừa nêu, chỉ mới là một phần của vấn đề, và phần còn lại chính là sự rắc rối: Luật định rằng, vật tiêu hao không thể là đối tượng của Hợp đồng cho mượn tài sản, nhưng lại có thể là đối tượng của Hợp đồng vay tài sản (Ví dụ gạo là vật tiêu hao nên chỉ có thể cho vay, không thể cho mượn, xe cộ là vật không tiêu hao nên có thể là đối tượng của Hợp đồng cho mượn); Chính vì thế, nhiều Người và nhiều khi là cả Cơ quan xét xử, đều cho rằng tiền là vật tiêu hao, nên không thể là đối tượng của hợp đồng cho mượn, mà chỉ có thể cho vay, nghĩa rằng dù các bên có viết giấy mượn tiền, thì bản chất, theo quan điểm của những Người này, đó vẫn là giao dịch vay tiền do đó nếu chậm trả, sẽ phải trả lãi.

Quan điểm vừa nêu, không phải không có cơ sở thực tiễn, nhưng hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Vì Bộ luật dân sự chỉ đưa ra khái niệm vật tiêu hao, mà không hề đưa ra khái niệm tài sản tiêu hao, vật là tài sản, tiền cũng là tài sản, nhưng vật và tiền là hai loại tài sản khác nhau, và không có quy định nào nói tiền là tài sản tiêu hao. Có nghĩa rằng, nếu lúc đầu Bộ luật dân sự dùng khái niệm tài sản tiêu hao, thì việc biện luận tiền là tài sản tiêu hao sẽ có căn cứ pháp lý, nhưng rất tiếc sự bó hẹp, chỉ đưa ra khái niệm vật tiêu hao, trong khi tiền không phải là vật, nên mọi thứ có vẻ không có gì chắc chắn. Vả lại, giả dụ A vì phòng hờ công việc, nên có mượn của B một cọc tiền 50 triệu, nhưng do công việc không dùng đến, A đã mang đúng cọc tiền còn nguyên vẹn này, đến trả lại cho B, nếu cứ khăng khăng tiền là thứ tiêu hao, nên quan hệ này vẫn là cho vay, không phải cho mượn, quả thật rất gượng ép.

Dẫu sao – Nên chăng, cần xem đây là một “Điểm mờ” pháp lý cần phải khắc phục khi tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự hiện hành, tức nên đưa ra khái niệm tài sản tiêu hao, thay vi vật?! Ngoài những vấn đề vừa nêu, giao dịch vay với mượn, còn khác nhau ở khía cạnh chuyển giao quyền sở hữu tài sản/tiền cho vay/mượn, nhưng do không phải trọng tâm nội dung Bài viết, nên Tác giả xin phép không phân tích.

Viết tại Sài Gòn – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

Bình luận (0)