HIỂU VỀ TỘI DANH "LÂY LAN DỊCH BỆNH TRUYỀN NHIỄM CHO NGƯỜI" TỪ VIỆC "KHỞI TỐ VỤ ÁN LÀM LÂY LAN COVID19 LIÊN QUAN ĐẾN TIẾP VIÊN HÀNG KHÔNG": PHÂN TÍCH - LUẬN GIẢI VÀ GÓP Ý!

Ngày 03/12/2020 - Truyền thông và báo chí loan tải thông tin: "Công an TPHCM đã điều tra bước đầu và xác định có dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật. Trên cơ sở kết quả điều tra xác minh ban đầu, CATP đã báo cáo, xin ý kiến Thủ trưởng Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an và Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo TPHCM và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của TP. Đồng thời, căn cứ theo quy phạm pháp luật, lãnh đạo CATP đã chỉ đạo Cơ quan An ninh điều tra Công an TPHCM khởi tố vụ án hình sự “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” - Trích dẫn từ Báo Công an Tp.HCM.

Trong rất nhiều Bài viết mà Tác giả đã đăng trên Fanpage này, khi phần tích về các Vụ án có liên quan đến Tố tụng hình sự - Tác giả đã lưu ý Bà con, cần phân biệt 02 thủ tục tố tụng khác nhau: Khởi tố vụ án hình sự và Khởi tố Bị can. Khởi tố Vụ án hình sự là khi Cơ quan tiến hành tố tụng xác định vụ việc có dấu hiệu tội phạm, nên đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự để tiến hành điều tra; Theo đó có rất nhiều Vụ án, mà Cơ quan có thẩm quyền đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khi chưa xác định được nghi can, nghi phạm là ai. Trong khi đó, Khởi tố Bị can là khi đã xác định được Con Người cụ thể nào đó có dấu hiệu đã thực hiện hành vi tội phạm của Vụ án đã khởi tố đó. Như vậy, về nguyên tắc - Khởi tố vụ án luôn có trước, Khởi tố Bị can có sau, có trường hợp hai quyết định này liền kề nhau, nhưng cũng có khi cách xa hàng tuần, hàng tháng ......

Theo đó - Trong Vụ việc mà Chúng ta đang bàn, thì Cơ quan tiến hành tố tụng mới chỉ Khởi tố vụ án thôi; Còn chưa khởi tố Bị can; Nghĩa rằng công việc tiếp theo đây, sẽ là điều tra xác định, chứng minh xem ai hoặc những ai có liên quan đến vụ án, có dấu hiệu thực hiện hành vi tội phạm, thì sau đó mới tiến hành Khởi tố Bị can - Như vậy, về mặt lý thuyết, sau này có thể Khởi tố bị can một Người, nhưng cũng có thể rất nhiều Người!! Cho nên - Bà con ta cũng không thể quá nôn nóng, vô hình chung tạo áp lực cho Cơ quan điều tra, đó là một trong những nguyên nhân, làm cho việc điều tra phải tiến hành gấp rút, có thể dẫn đến những thiếu sót nào đó. Nghĩa rằng: Mọi việc cần phải tiến hành theo đúng trình tự thủ tục tố tụng luật định - Án hình sự, liên quan đến số phận pháp lý một Con Người, ảnh hưởng đến cả đời Người, cho nên phải hết sức thận trọng.

Do vậy - Trên cơ sở đó và trong lúc chờ đợi kết quả điều tra của Cơ quan tiến hành tố tụng - Trong phạm vi Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải một số vấn đề pháp lý có liên quan đến Tội danh đối với Vụ việc đang bàn, để Bà con tham khảo.

I. MỘT TỘI DANH: "CỐ Ý VỀ HÀNH VI - NHƯNG VÔ Ý VỀ HẬU QUẢ"

1. Có lẽ, đây là lần đầu tiền Bà con ta nghe về thuật ngữ này: "Cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả" - Không chỉ riêng Bà con, mà có lẽ đối với nhiều Người có chuyên ngành, cũng lần đầu tiên được tiếp cận! Đây là thuật ngữ, được Tác giả diễn giải và rút gọn một cách cô đọng nhất, để Bà con có thể hiểu về loại tội danh này.

Ví dụ: Ông A tham gia giao thông, và chạy xe của mình vào đường cấm, dù biết đó đường cấm phương tiện giao thông, và Ông A đã gây tai nạn khi tông phải Bà B đang đi bộ trên đường khiến nạn nhân tử vong. Trong vi dụ này, hành vi đi vào đường cấm của Ông A là hành vi trái luật, và đó là hành vi cố ý, tức là ông ta cố tình đi vào, dù biết đó là đường cấm. Nhưng hành vi tông phải Bà B và hậu quả xảy ra, phải là vô ý - Đương nhiên là vậy, thì Ông A mới bị xem xét với một loại Tội danh khác, ví dụ như Tội vi phạm về quy tắc giao thông! Còn nếu hành vi tông Bà B tử vong này là Cố ý - Thì đó sẽ là Tội "Giết Người".

2. Tương tự như vậy - Trong Tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”: Người thực hiện hành vi tội phạm, cũng có dấu hiệu hành vi khách quan là Cố ý - Nhưng không phải là cố ý làm lây lan dịch bệnh, mà cố ý thực hiện những hành vi có nguy cơ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Theo đó, đáng ra Người thực hiện hành vi tội phạm, phải tập trung cách ly, hay tự cách ly, tuân thủ các nguyên tắc về phòng chống dịch, thì lại rời khỏi khu cách ly, tiếp xúc nhiều Người, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh; Cho nên hành vi không tuân thủ quy định ở đây là hành vi cố ý, cố ý không tuân thủ quy định về cách ly, về phòng chống dịch bệnh - Còn hậu quả làm cho dịch bệnh lây lan, chỉ là vô ý. Do đó việc bị khởi tố về tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” là hoàn toàn hợp lý. Còn nếu Ai đó, biết mình bị bệnh, nhưng rồi vì thù tức cuộc đời, mà cố tình đi lây lan dịch bệnh, thì lúc đó không còn là tội danh này nữa. Lúc đó tùy tính chất, có thể là giết Người hàng loạt, hay những tội danh khác, được Tác giả phân tích ở phần tiếp theo.

II. LÀ MỘT TỘI DANH CHỈ CẤU THÀNH KHI KHÔNG CÓ ĐỘNG CƠ MỤC ĐÍCH NÀO KHÁC BIỆT

1. Hiện tại - Cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành khởi tố Vụ án về tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”! Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, sẽ xác minh và làm rõ nhiểu vấn đề có liên quan đến Vụ án, lúc đó Tội danh có thể được thay đổi mà cũng có thể là không - Xét dưới góc độ quy trình về tố tụng hình sự.

2. Như trên - Chúng ta đã phân tích: Tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người”: Người thực hiện hành vi tội phạm, cũng có dấu hiệu hành vi khách quan là Cố ý - Nhưng không phải là cố ý làm lây lan dịch bệnh, mà cố ý thực hiện những hành vi có nguy cơ dẫn đến lây lan dịch bệnh. Như vậy, có thể thấy, đây là một loại tội danh mà cấu thành tội phạm của nó phải không có một động cơ mục đích nào đặc biệt. Trên cơ sở đó, nhiệm vụ của Cơ quan có thẩm quyền là phải điều tra, xác minh xem nghi can có động cơ mục đich nào khác không.

3. Giả định rằng - Nếu nghi can biết mình mang mầm bệnh, nên đã cố tình tiếp xúc với nhiều Người khác để lây lan dịch bệnh, nhưng với động cơ và mục đích là gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng - Mà đúng là công chúng đang hoảng sợ thiệt (Vấn đề là Anh ta có mục đích, động cơ này hay không) - Thì lúc đó Tội danh được thành lập có thể là Tội khủng bố (Khủng bố sinh học), một Tội danh nguy hiểm hơn nhiều. Cho nên, cũng loại hành vi như trên, nhưng nếu có động cơ, mục đích khác nhau, thì tội danh thành lập khác nhau. Lưu ý: Ở đây Chúng ta đang phân tích khả năng dưới góc độ học thuật, còn thực tế thì phải điều tra, xác minh, phải có chứng cứ. Điều mà Tác giả muốn nhấn mạnh ở đây, là có nhiều khả năng có thể xảy ra.

III. LOẠI TỘI DANH KHÔNG ÁP DỤNG CHO PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI

1. Kể từ khi có Bộ luật hình sự 2015 (Hiệu lực từ ngày 01/01/2018) - Việt Nam đã có quy định về Pháp nhân thương mại phạm tội, tức là Pháp nhân thương mại (Công ty) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một vài tội phạm nhất định, nghĩa rằng có những tội phạm chỉ thuộc về cá nhân, như Cướp giết hiếp....... Còn Pháp nhân thương mại chỉ có thể chịu trách nhiệm hình sự về các tội như: Tội buôn lậu, Tội buôn bán hàng cấm.....

2. Trên cơ sở đó - Trong Vụ việc này, nhiều Người cũng đề nghị phải khởi tố Hãng hàng không, khi đã không kiểm soát được việc cách ly, để cho nhân viên đi ra ngoài làm lây lan dịch bênh; Tuy nhiên Tội danh “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người” thì Chủ thể phạm tội chỉ có thể là cá nhân. Hay nói cách khác, Tội danh này không áp dụng cho Pháp nhân thương mại, nên không có chuyện có thể truy tố Hãng hàng không về tội danh này với tư cách là một Pháp nhân.

3. Tuy nhiên, dưới góc độ cá nhân hóa trách nhiệm hình sự - Nếu thông qua quá trình điều tra, xác định rằng có nhiều Người có liên quan đến vụ việc này, chẳng hạn như có nhiều Người đã không tuân thủ quy định về "Việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh" - Lúc đó, Cơ quan có thẩm quyền có thể khởi tố, truy tố nhiều người có liên quan với vai trò khác nhau trong Vụ án, mà con số này không giới hạn. Thực tế có nhiều Vụ án, mà số lượng Bị cáo là hàng chục Người cũng là chuyện bình thường.

IV. BĂN KHOĂN VỀ SỰ "CÔNG BẰNG"

1. Có rất nhiều Người đưa ra thắc mắc và quan điểm rằng: Nếu bây giờ Khởi tố bệnh nhân này, thì những bệnh nhân trước đây cũng có hành vi tương tự làm lây lan này kia, sao không khởi tố?! Tuy nhiên, cách đặt câu hỏi như vậy, dễ bị hiểu nhầm ý - Rõ ràng, nhiều Người sẽ hiểu theo cách: Trước đây không khởi tố, thì giờ cũng không nên khởi tố! Mà hiểu như vậy sẽ loạn, giống như đã sai rồi, thì sai luôn.

2. Với những thông tin có được, Chúng ta cần khẳng định rằng việc Cơ quan Công an thành phố Hồ Chí Minh khởi tố Vụ án là hợp lý và đúng pháp luật. Do đó, nếu có thắc mắc, Bà con ta nên chỉ thắc mắc một vế còn lại ở trên thôi: Tại sao Bệnh nhân trước đây cũng có hành vi làm lây lan này kia, sao không khởi tố?! Và đây đúng là một câu hỏi khó - Mà có lẽ như, mọi câu trả lời nhằm giải thích cho việc trước đây không khởi tố là đúng, đều không thuyết phục?!

3. Có một vài chuyên gia pháp lý (Không phải Cơ quan Nhà nước), cho rằng trước đây chưa có Công văn của Tòa tối cao đối 45/TANDTC-PC V/v xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nên không có căn cứ để khởi tố. Lập luận này là chưa chính xác. Vì Công văn này không phải là văn bản quy phạm pháp luật, cũng chỉ là văn bản nội bộ trong ngành Tòa án, trong khi thẩm quyền khởi tố, truy tố Vụ án hình sự phần lớn thuộc về Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Bộ luật hình sự cũng không giao cho Tòa tối cao hướng dẫn cụ thể điều luật này, nên không thể dựa vào Công văn này để lý giải. Hơn nữa, lập luận này càng không chính xác ở điểm, thời hiệu khởi tố Vụ án hình sự đối với những trường hợp trước đây, vẫn còn, nếu giờ khởi tố cũng không vi phạm gì cả - Không thể dựa vào công văn để lý giải nó không có hiệu lực về trước giống như đạo luật hình sự. Do đó, mọi lập luận cho rằng trước đây không khởi tố là vì thế này hay thế khác, đều không thuyết phục. Ngoại trừ một cách lý giải Nhân văn nhất: Trước đây do mới xảy ra dịch bệnh, chưa ai ý thức được sự nghiêm trọng của nó ........

------

Tổng Kết Luận: Việc Cơ quan có thẩm quyền Khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp này là hợp tình, hợp lý! Việc khởi tố Vụ án, chính là cơ sở pháp lý, để Cơ quan đều tra tiến hành các nghiệp vụ theo trình tự do Luật định, nhằm xác định, chứng minh các vấn đề có liên quan đến Vụ việc. Có thể còn có nhiều ý kiến về quy trình cách ly, về biện pháp phòng bệnh và Cơ quan, Tổ chức nào phải chịu trách nhiệm liên đới - Nhưng Chúng ta hãy đặt thử vấn đề: Nếu mầm bệnh xuất phát từ Khu cách ly của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam - Thì tại sao? Nó lại được lây lan ra ngoài, bởi Người tiếp viên này, mà không phải bởi những Người tiếp viên khác?! Oan hay không Oan, nó nằm ở câu trả lời cho câu hỏi đó!

Viết tại Sài Gòn, ngày 04/12/2020 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan