TỪ HÀNH VI "HÔI CỦA" - HIỂU VỀ CÁC TỘI DANH: CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN VÀ CHIẾM GIỮ TRÁI PHÉP TÀI SẢN!
"Sáng 29.1.2021, cộng đồng mạng xôn xao trước video clip “hôi của” chỉ trong 15 giây với sự tham gia của nhiều người. Sau khi tiền rớt, có rất nhiều người đã nhanh chóng chạy đến để… “hôi của” thay vì nhặt trả lại cho người bị rớt. Vụ việc gây xôn xao dư luận, nhiều trang mạng nhanh chóng chia sẻ bài viết và ngập tràn những bình luận chỉ trích, phê phán lòng tham. Theo lời chị Trân (Long An), vào lúc 11 giờ 30 ngày 28.1, chị rút 30 triệu tích góp một năm qua để mang đi trả nợ nhưng không may rớt mất. Từ khi xảy ra vụ việc, chị Trân vô cùng lo lắng, buồn bã, không dám về quê ăn tết vì số tiền dành dụm trả nợ đã mất sạch" - Trích từ báo Thanh niên.
Đây là sự việc mới xảy ra ngày hôm qua tại Sài Gòn! Trước đây, cũng có rất nhiều vụ việc về "hôi của" đã diễn ra tại một số tỉnh thành khác, như vụ ''hôi bia'' tại Đồng Nai, khi rất nhiều Người đã xúm lại nhặt các thùng, lon bia của một tài xế bị lật xe......... Hành vi này xảy ra khá phổ biến - Có lẽ, trong tiềm thức của rất nhiều Người - Họ cho rằng, việc ''hôi của'' là hành vi không trái pháp luật, cho nên cứ thản nhiên thực hiện một cách công khai, không chút sợ hãi, theo kiểu: Rơi giữa đường thì lấy thôi.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì hành vi ''hôi của'' là một hành vi bị nghiêm cấm, không những thế nó còn mang dấu hiệu của hành vi khách quan của các tội phạm hình sự như "Công nhiên chiếm đoạt tài sản" hoặc "Chiếm giữ trái phép tài sản". Tại sao, cùng một hành vi ''hôi của'' mà lại có thể phạm những tội danh khác nhau, sẽ được Tác giả phân tích và luận giải cụ thể dưới đây:
I. TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
1. Ngay tên tội danh đã thể hiện hành vi khách quan của tội phạm này, đó là Người thực hiện hành vi phạm tội công nhiên, ngang nhiên, công khai chiếm đoạt tài sản của Người khác. Tuy nhiên, cũng có nhiều tội danh về chiếm đoạt, mà Người phạm tội thực hiên công khai, như cướp tài sản, cướp giật tài sản, cưỡng đoạt tài sản.
2. Do đó, điểm khác nhau đặc trưng cơ bản giữa tội công nhiên chiếm đoạt và những tội danh khác có yếu tố công khai chiếm đoạt, đó là: Đối với các tội danh như cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, thì Người thực hiện hành vi phạm tội phải thực hiện liên hoàn nhiều hành vi, chẳng hạn như dùng vũ lực, hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc đe dọa, uy hiếp về tinh thần nạn nhân...... Nói tóm lại là phải có yếu tố giành giật đối kháng và yếu tố chiếm đoạt. Trong khi đó, đối với tội danh công nhiên, thì Người thực hiện hành vi chỉ có mỗi yếu tố là lợi dụng sự không thể ngăn cản của nạn nhân, để rồi chiếm đoạt, mà không có bất kì thêm một hành vi nào khác như đe dọa, hay uy hiếp gì.
3. Ví dụ 1: Bà A đang đi trên đường, thì vấp ngã gãy chân, không thể đi lại được, ngồi bất động, dù còn tỉnh táo. Ông B thấy vậy, liền lại gần lấy chiếc túi xách bị văng ra của Bà A, rồi bỏ đi. Hành vi của Ông B là công khai, trước mặt Bà A, tuy nhiên Ông B không có hành vi đe dọa, hay vũ lực gì với Bà A, nên đây là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Giả định, đúng lúc Ông B lại lấy túi xách, mà Bà A vùng dậy được rồi giữ lại, dẫn đến việc xô xát, thì tùy mức độ hành vi của Ông B mà đó sẽ chuyển hóa thành cướp, nếu Ông B đánh bà A để lấy tài sản, hoặc cướp giật, nếu Ông B cố giật, giằng lấy túi xách và đe dọa sẽ đánh Bà A.
4. Ví dụ 2: Anh H lái xe tải chở bia thì xe bị lật, các thùng bia đổ ra giữa đường, nhiều Người thấy vậy, liền lại thi nhau nhặt lấy cho mình, trước sự chứng kiến và năn ni của Anh H là xin đừng lấy. Trong trường hợp này, những Người "hôi của" cũng đã có hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, tức là chiếm đoạt tài sản trước sự chứng kiến của Anh H. Giả định, nếu lúc đầu thay vì năn nỉ, van xin, Anh H chạy lại chổ một Người nào đó đang "hôi của", yêu cầu không được lấy, rồi dẫn đến xô xát, tranh giành, thì cũng giống như trên, sẽ chuyển hóa thành tội cướp hoặc cướp giật, tùy vào phản ứng của những Người đang "hôi của" là như thế nào.
5. Như trên đã nêu, hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, đương nhiên là hành vi trái pháp luật. Tuy nhiên, để cấu thành tội phạm hình sự, còn phụ thuộc vào yếu tố tài sản chiếm đoạt phải từ 02 triệu đồng trở lên. Còn nếu tài sản chiếm đoạt mà dưới 02 triệu đồng thường thì chỉ là vi phạm hành chính. Bởi cũng có trường hợp tài sản dưới 02 triệu đồng, vẫn cấu thành tội phạm khi thỏa mãn thêm các điều kiện khác như Người thực hiện hành vi đã từng bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt như trộm cắp, cướp giật hoặc hành vi công nhiên chiếm đoạt gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự .......
II. TỘI CHIẾM GIỮ TRÁI PHÉP TÀI SẢN
1. Khác với tội danh công nhiên nêu trên, đối với tội danh chiếm giữa trái phép tài sản có một vài khác biệt căn bản đó là: Vào thời điểm chiếm hữu tài sản, hành vi này không diễn ra công khai trước mặt của Người có tài sản, quản lý tài sản giống như trong trường hợp công nhiên - Mà quan trọng nhất là ở chi tiết công khai không trả lại cho Người bị mất, dù sau đó Họ đã biết và đòi lại.
2. Ví dụ 3: Chị B đang chạy xe trên đường thì rơi bọc tiền. Chị B không biết mình bị rơi tiền, nên vẫn tiếp tục chạy. Ông D thấy bọc tiền của Chị B rơi nên đã nhặt lấy. Ông E chứng kiến toàn bộ sự việc, nên chạy theo báo cho Chị B việc bị rơi tiền. Chị B quay lại chổ rơi tiền gặp Ông D, để xin lại tiền mà Ông D nhặt được, tuy nhiên Ông D không trả. Hành vi của Ông D trong trường hợp này là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản.
3. Mặc dù hành vi chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, chỉ cấu thành tội phạm hình sự khi hành vi chiếm giữ trái phép tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên, hoặc dưới 10 triệu đồng nhưng đó là di vật, cổ vật. So với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có mức án cao nhất là 20 năm, thì hành vi chiếm giữ trái phép tài sản có mức án thấp hơn nhiều, khung hình phạt cao nhất chỉ là 5 năm. Dẫu vậy, nhìn chung cả lý luận lẫn thực hiện thì tội danh công nhiên chiếm đoạt tài sản và chiếm giữ trái phép tài sản, vẫn nhẹ hơn nhiều so với các loại tội danh như cướp, cướp giật, cưỡng đoạt tài sản...... Bởi sự khác nhau khá rõ của nó về mức độ nguy hiểm cho xã hội.
------
"Hôi của" không chỉ là hành vi trái với luân thường đạo lý, đạo đức mà đó còn là hành vi vi phạm pháp luật, mà nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh như đã nêu. Cần phải thay đổi quan niệm rằng, việc nhặt được của rơi, trả lại cho Người đánh mất không phải là một sự ban ơn, làm việc thiện như xưa nay vẫn nói - Mà đó chính là một nghĩa vụ pháp lý luật định. Chỉ khi xác định đó là một nghĩa vụ pháp lý, thì Con người ta mới cảm nhận được những trách nhiệm, những chế tài pháp lý mà Họ sẽ phải gánh chịu, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ pháp lý đó.
Viết tại Sài Gòn, ngày 30/01/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!