BÊN CHO TIM KHÔNG THỂ GẶP ĐƯỢC NGƯỜI NHẬN TIM: LUẬT PHÁP VÀ TÌNH NGƯỜI!
Dẫn nhập: "Lần đầu tiên có chuyện gia đình người hiến tạng cần gặp người nhận. Nhiều lúng túng pháp lý đã diễn ra khi người mẹ mong gặp người đã nhận trái tim con mình nhưng không được. Hôm 14-9-2020, gia đình bà N. ở Hải Dương đau đớn khi người con trai, niềm hi vọng của gia đình, bị chấn thương sọ não và được xác định không qua khỏi. Nhưng rồi vượt lên nỗi đau riêng, gia đình bà N. đã quyết định hiến tạng con trai, "hiến bao tạng là thêm bấy nhiêu em T. và như em vẫn bên mẹ" - người con gái của bà động viên. Bà N. đồng ý với điều kiện phải biết được tên tuổi, địa chỉ của người nhận tạng, để sau này bà được biết phần cơ thể ở trên đời có được ổn không. 9h00 ngày 16-9-2020, gia đình bà N. được gặp mặt con lần cuối, ngay sau đó các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lấy 2 tay, gan, thận, phổi để ghép cho những người bệnh đang chờ, tim được điều phối sang ghép tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. "Chiều 16-9 lễ tang cho T. được tổ chức trang trọng, đại diện Bệnh viện Phổi, Bệnh viện 108 cùng 5 gia đình nhận tạng tiễn đưa em, 5 gia đình thường xuyên cập nhật tình hình của những người được ghép, mẹ mừng mỗi khi nghe tin tiến triển; buồn, lo lắng mỗi khi có tin sức khỏe của ai đó không tốt. Cháu trai ghép tay nhận mẹ là bà, tình cảm với bà. Duy chỉ có ca nhận tim mẹ mong mỏi nhất, muốn được nghe nhịp thở nhất thì không có liên hệ gì. Mẹ đã tìm đến Việt Đức, nhưng thông tin mỗi lúc một khác. Mẹ đau khổ, gần đây không ngủ được, thậm chí có lời đồn mẹ bán tim, mẹ càng muốn tìm, muốn chứng minh cho mọi người thấy mẹ làm vì nghĩa cử" con gái của bà N. chia sẻ - Trích từ báo Tuổi trẻ.
Câu chuyện trên đây đã gây ra một sự tranh cãi lớn trong công chúng, có sự tham gia của cả giới Trí thức, Chuyên gia pháp lý......... Mỗi bên đều ra sức bảo vệ cho quan điểm của mình, điều đó cũng không có gì là bất thường - Vì mỗi con Người luôn có một quán niệm riêng về xã hội và nhân thế, về cái hay, cái dỡ! Tuy nhiên, có những vụ việc nếu cứ tranh cãi hoài sẽ đi vào ngõ cụt, và đưa đến những hệ lụy rất tệ hại, mà như ngay chính trong vụ việc này, đã có một làn sóng trong công chúng, bày tỏ rằng: Nếu như vậy, thì máu cũng sẽ không hiến, đừng nói chi đến tạng. Có nghĩa rằng, nếu một bên cứ quá cố chấp, quá lý tính, thì bên còn lại sẽ tự vệ tránh tổn thương, bằng cách giảm đi lòng yêu thương con Người vốn có của Họ.
Chính vì vậy - Tác giả mong mỏi rằng, Bài viết này, sẽ góp một phần nhỏ nhoi, để Bà con chúng ta - Các Bạn độc giả, cùng nhau đi trên một hành trình: Tìm về trong một thiên hướng bất biến của nhân thế "Người với Người sống để thương nhau" - Để tình yêu thương đồng loại, không thể bị vơi đi, do bởi khác niệm của mỗi chúng ta.
I. SỰ VĨ ĐẠI CỦA NGƯỜI MẸ - NGƯỜI HIẾN TẠNG
Trong văn hóa của Người Phương đông, Họ rất tối kị với cái chết bị "phanh thây", tức là chết không còn nguyên vẹn phần xác. Chính vì thế, Tác giả đã chứng kiến những trường hợp, họ bị bệnh, bác sỹ nói cần phải mổ, nhưng khả năng sống khá thấp, thì họ và gia đình quyết định không mổ nữa, vì họ sợ mổ, mà không sống được, xem như là bị phanh thây trước khi chết, nên chẳng thà, để chết mà lành lặn người còn hơn.
Nói như vậy, để thấy những Người họ sẵn sàng cho, hiến tạng của mình hoặc người thân của mình là cao cả và vĩ đại nhường nào. Họ không chỉ chấp nhận bị phanh thây, mà còn bị mất đi những bộ phận trên cơ thể của mình, để thắp lên tia hi vọng được sống, được lành lặn của những sinh linh khác. Đó là một sự cao quý, mà không có ngôn từ, văn chương nào có thể diễn tả được. Rất đáng trân trọng, rất đáng tri ân, cần được lan tỏa, dung dưỡng, và vun đắp.
Bác N - Người mẹ trong câu chuyện chúng ta đang bàn đến lại càng vĩ đại hơn, vì Con trai của Bác, được lấy đi rất nhiều bộ phận cơ thể gồm 02 tay, gan, thận, phổi .... và tim. Năm nay Bác N cũng đã lớn tuổi (71 tuổi), cái tuổi mà con Người ta rất dễ cô đơn, tủi thân nhất, hơn nữa con của Bác cũng chỉ mới mất được ít tháng, Bác ấy chưa thể nào nguôi ngoai đi được việc mất đứa con của mình, cho nên chúng ta cần phải thấu cảm tất cả những điều đó........
II. PHÁP LUẬT KHÔNG PHẢI LÀ KẺ VÔ TÌNH
Luật quy định rằng: Phải "Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác" và cấm "Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật"; Sẽ bị "Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi "Tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của các bên hoặc pháp luật có quy định khác".
Như vậy, quy định trên, không phải là một quy định cấm tuyệt đối, mà vẫn để ra những ngoại lệ, là các bên được quyền thỏa thuận khác đi, hoặc pháp luật có quy định khác. Ngoài ra - Xét về mặt kỹ thuật lập pháp, quy định trên không hợp lý, vì hơi ngược, tức là mặc định không được tiết lộ, chỉ được tiết lộ khi đã thỏa thuận đồng ý. Vậy không lẽ, bây giờ cứ mỗi lần có một ca hiến và nhận, là cứ phải hỏi các bên có đồng ý tiết lộ thông tin không, nếu đồng ý phải thỏa thuận bằng văn bản, nhất là đối với người nhận, chẳng lẽ nói không - Tức là cách quy định ngược như vậy, đã mặc định rằng, người cho, nhận, không muốn biết về nhau, đồng nghĩa đã mặc định về tính cách con người là vô ơn.
Việc lý giải rằng, không tiết lộ thông tin, nhằm để tranh phiền hà cho các bên, không thật thuyết phục. Nói thế cũng chẳng khác nào: Khi yêu nhau, và kết hôn, tốt nhất đừng nên biết quê quán, nguồn gốc, thông tin của nhau, để lỡ mai mốt có ly hôn, thù ghét nhau, thì cũng đỡ tìm về, rồi làm phiền nhau - Hoàn toàn y chang vậy!
Cho nên, đáng ra là phải quy định ngược lại: "Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, khi có yêu cầu" - Tức là mặc định các bên sẽ biết thông tin của nhau, trừ khi yêu cầu không tiết lộ, quy định như vậy vừa hợp tình, hợp lý, và không đẩy bên trung gian vào thế khó là bệnh viện như hiện tại, đặc biệt nó giúp minh bạch hóa thông tin.
Nhiều Người giải thích rằng, pháp luật quy định như vậy nhằm tránh phiền hà cho các bên. Lập luận này chỉ phù hợp với bên cho, tức là họ không muốn trả ơn, chứ không thể áp dụng cho bên nhận. Vì rõ ràng, bạn nhận của Người ta cả một quả tim, đúng hơn là nhận cả một sinh mệnh, mà lại không muốn người ta làm phiền, thì không còn gì để nói - Ở đây chúng ta đang phản chứng lại lập luận vừa nêu, không có ý nói đến những Người đã nhận tạng.
Luật pháp không phải là bất biến, trong quá trình áp dụng, khi có những quy định không còn phù hợp, việc cần sửa đổi nó là điều bình thường. Ví như chúng ta có Luật đất đai năm 1987, đến năm 1993 được thay thế bằng một luật mới toanh, năm 2003 lại có phiên bản mới, và hiện tại mới nhất là luật đất đai 2013; Hay như Bộ luật dân sự năm 1995, đến năm 2005 được thay thế bằng bộ luật mới toanh, hiện tại, là Bộ luật dân sự 2015. Cho nên việc luật hiến bộ phận cơ thể người (Nói gọn) được ban hành năm 2006, có thể và cần phải sửa đổi cho phù hợp, cũng là điều bình thường.
III. NẾU CẦN VIỆN DẪN PHÁP LÝ
Như trên đã phân tích, Luật quy định rằng: Phải "Giữ bí mật về các thông tin có liên quan đến người hiến, người được ghép, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác"; Như vậy, quy định trên, không phải là một quy định cấm tuyệt đối, mà vẫn để ra những ngoại lệ, là các bên được quyền thỏa thuận khác đi.
Trong vụ việc này, trước khi hiến tạng, Bác N đã ra điều kiện phải biết được tên tuổi, địa chỉ của người nhận tạng, để sau này Bác được biết phần cơ thể ở trên đời có được ổn không, và Bệnh viện 108 đã đồng ý. Cũng chính vì thế, trong 04 ca ghép tạng được thực hiện tại Bệnh viện 108, thì Bác N đều biết thông tin người nhận. Nhưng do ca ghép tim được thực hiện tại Bệnh viện Việt Đức, nên Bác N không thể biết được, vì Bệnh viện Việt Đức nói rằng, Họ không hứa gì cả!!!!! Như vậy, lỗi trong trường hợp này trước hết thuộc về Bệnh viện 108, vì chính họ đã hứa là sẽ cung cấp thông tin cho Bác N, đáng ra trước khi Bệnh viện 108 bàn giao cho Việt Đức, cần phải nói rõ vấn đề này, hoặc để Bác N trực tiếp nói với Việt Đức, trước khi bàn giao. Hiện tại Bệnh viện 108, có cử Người sang làm việc với Việt Đức, nhưng chưa có kết quả.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện giữa bệnh viện 108 và Việt Đức. Còn Bệnh viện 108 đã chấp thuận điều kiện của Bác N, thì phải thực hiện, còn làm thế nào để Bệnh viện 108 có được thông tin từ Việt Đức, không phải là nghĩa vụ của Bác N. Cho nên, cần nhấn mạnh rằng, kể cả theo quy định của pháp luật hiện tại, thì Bác N hoàn toàn có quyền được yêu cầu cung cấp thông tin của bên nhận, vì đây là điều kiện đã được đưa ra từ đầu, và đã được Bệnh viện 108 chấp thuận.
Vì thế, việc viện dẫn luật để bác bỏ yêu cầu chính đáng của Bác N trong trường hợp này là không đúng. Theo đó, sự lý giải rằng, không thể chấp thuận yêu cầu cả Bác N vì vướng luật, vì lúng túng pháp lý như báo Tuổi trẻ đã viết nêu trên, là hoàn toàn không chính xác. Luật không cấm tuyệt đối, không vô tình, mà vẫn cho các bên thỏa thuận. Do đó, Bác N hoàn toàn có quyền yêu cầu. Hơn nữa, nếu không có gì khuất tất, thì không có lý do gì không thể minh bạch trong chuyện này?! Tác giả không tin, nếu như mọi thứ bình thường, mà Người nhận tim lại không muốn Bác N biết về mình do sợ phiền hà??!! Cả một sinh mệnh, chứ đâu phải đơn giản!!! Cho nên, đừng đỗ lỗi rằng do vướng quy định của Luật.
------
Thế giới này, chưa bất cứ nơi đâu, tồn tại được một hệ thống pháp luật hoàn hảo. Việc pháp luật trong quá trình tồn tại, cần phải điều chỉnh, sửa đổi cũng là điều thường xuyên xảy ra đối với mọi nền pháp luật trên thế giới. Tuy nhiên, với những quy định pháp luật thực định hiện có, dựa trên nền tảng nguyên tắc chung, việc vận dụng để xử lý giải quyết các tình huống thực tế, mang tính nhân văn hơn, không phải là không có. Và cho dù ở xã hội nào, thể chế nào đi chăng nữa, thì pháp luật cũng cần phải khuyến khích, khơi gợi được lòng trắc ẩn, tình yêu thương giữa Con Người với nhau.
Viết tại Sài Gòn, ngày 24/03/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!