CẤM CHẶT ĐÀO RỪNG: MỘT VÀI BĂN KHOĂN PHÁP LÝ VÀ GÓP Ý CÙNG THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ!

1. Chiều 24/12, tại Hội nghị tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 của ngành Nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu nghiêm cấm chặt cây đào rừng và các cây rừng khác, đặc biệt là vào dịp Tết sắp tới: "Tôi yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, hoa đào, các loại cây khác ở núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc. Thủ tướng tuyên bố, ai mua bán, sử dụng, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng bị chặt phá như vậy là vi phạm. Văn phòng Chính phủ phải có một văn bản cá biệt để chỉ đạo vấn đề này của Thủ tướng. Trên các bờ đê, đường phố, họ cặt cây đào bày la liệt giữa phố, nếu bán không được thì thành củi luôn. Như vậy, làm sao một nông thôn miền núi đẹp nữa”, Thủ tướng cảnh báo - Trích từ báo Tiền Phong!

2. Yêu cầu trên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đã gây ra nhiều tranh luận trái chiều. Trong đó, có không ít ý kiến bày tỏ cần làm rõ khái niệm thế nào là "Đào rừng" bị cấm chặt. Vì đối với Đào rừng do Người dân trồng thì không thể cấm Họ chặt bán - Điều đó là đương nhiên! Có không ít Bà con cứ hiểu và mặc định: Nói đến rừng, có nghĩa là rừng tự nhiên, không phải do con Người trồng trọt, chắm sóc. Xét dưới góc độ Sinh học và Pháp lý - Cách hiểu như vậy là chưa đúng. Luật bảo vệ và phát triển rừng do Quốc hội ban hành quy định: Rừng là một hệ sinh thái bao gồm quần thể thực vật rừng, động vật rừng, vi sinh vật rừng, đất rừng và các yếu tố môi trường khác, trong đó cây gỗ, tre nứa hoặc hệ thực vật đặc trưng là thành phần chính có độ che phủ của tán rừng từ 0,1 trở lên. Rừng gồm rừng trồng và rừng tự nhiên trên đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng.

3. Như vậy trước hết, Chúng ta phải xác định với nhau rằng, rừng được phân thành hai loại là: Rừng tự nhiên và Rừng trồng! Theo quy định của Luật Lâm nghiệp (Thay thế cho Luật bảo vệ và phát triển rừng) thì: "Rừng tự nhiên là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên hoặc tái sinh có trồng bổ sung; Rừng trồng là rừng được hình thành do con người trồng mới trên đất chưa có rừng; cải tạo rừng tự nhiên; trồng lại hoặc tái sinh sau khai thác rừng trồng". Hiểu nôm na: Rừng trồng là rừng do Bà con trồng trên đất được giao, được thuê để trồng rừng, và rừng đó thuộc sở hữu của Bà con (Của Tổ chức, Hộ Gia đình, Cá nhân - Gọi là Chủ rừng).

4. Trên cơ sở đó - Quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt của chủ rừng đối với cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng do chủ rừng đầu tư trong thời hạn được giao, được thuê để trồng rừng - Theo đó, Tổ chức, Hộ gia đình, cá nhân là Chủ rừng trồng: Được quyền khai thác rừng do mình trồng, tất nhiên bao gồm cả Đào rừng do mình trồng. Cho nên không thể hiểu: Thủ tướng chỉ đạo cấm tiệt chặt và bán đào rừng. Mà phải hiểu là: Cấm chặt và bán đào rừng tự nhiên. Cũng bởi thế: Những Bạn cho rằng, đào vườn, tức là đào nhà vẫn được chặt và bán. Nói như vậy là không chuẩn xác, vì đã bó hẹp đi loại đào được chặt và bán: Khẳng định lại một lần nữa - Đào rừng vẫn được chặt và bán, nếu đó là đào rừng trồng.

4. Những phân tích trên là Luật định! Thủ tưởng và Chính phủ do Thủ tướng đứng đầu, là cơ quan hành pháp, chỉ được ban hành các Văn bản dưới luật không được trái Văn bản luật do Quốc hội ban hành. Nên đương nhiên, Thủ tướng không thể đưa ra yêu cầu khác luật được - Có thể do cách diễn đạt lại ý Thủ tướng của báo chí không đủ mà thôi. Vì vậy - Sau khi có những băn khoăn của Công chúng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã phát ngôn khẳng định: "Chúng ta đã nghe được chỉ đạo của Thủ tướng về cấm chặt đào rừng. Ở đây muốn nói là nghiêm cấm việc phá đào ở trong rừng tự nhiên, chỉ được khai thác đào rừng mà người dân tự trồng" - Bộ trưởng nhấn mạnh (Trích từ Báo tuổi trẻ).

5. Việc giải thích của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dù "Hơi thừa", nhưng là cần thiết. Vì nhiều Người dân trồng đào rừng không thể biết và viện dẫn quy định của Luật Lâm nghiệp mà Tác giả đã nêu trên: Là Chủ rừng trồng, đương nhiên có quyền chặt đào rừng do mình trồng để bán. Tuy nhiên - Chỉ đạo của Thủ tướng, nó làm nãy sinh thêm vấn đề đó là gây hiểu nhầm cho Cơ quan chức năng quản lý - Như đã từng hiểu nhầm chỉ đạo "Giãn cách xã hội", dẫn đến một số Tỉnh, Huyện đã tiến hành "Ngăn sông, cấm chợ" không cho dân đi lại! "Ông Trần Việt Hùng, phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, tỏ ra băn khoăn khi trả lời về việc kiểm tra, xử lý bán đào rừng ở Hà Nội, ông nói để phân biệt đâu là "đào rừng - đào nhà" phải có hướng dẫn" - Trích từ báo Tuổi trẻ!

6. Như vậy - Ở đây, ngay chính Ông Hùng cũng đã nhầm lẫn khi sử dụng thuật ngữ: Đào rừng - Đào nhà, khiến Người nghe nghĩ rằng, Ông Hùng đang hiểu Đào nhà được bán, Đào rừng thì không?! Vì thế Ông mới dùng từ Đào nhà. Nhưng như trên đã nói - Đào rừng trồng, vẫn được bán. Cho nên, đúng ra Ông Hùng cần dùng thuật ngữ: Đào rừng tự nhiên - Đào rừng trồng, để phân biệt! Nhưng kể cả là như vậy: Chỉ đạo của Thủ tướng, đã dẫn đến lúng túng cho một số bộ phận Cơ quan quản lý chức năng: Làm sao để phân biệt Đào rừng tự nhiên - Đào rừng trồng, để từ đó xác định ai vi phạm để bị phạt. Đây chính là vấn đề pháp lý cốt lõi - Thể hiện bản chất vấn đề. Mà nếu không giải quyết được sẽ gây khó khăn cho cả Cơ quan quản lý lẫn Bà con. Việc cấm chặt và bán đào rừng tự nhiên là đúng, nhưng để xác định và thực thi trên thực tế cần phải hợp lý, hợp tình.

7. Một số địa phương đang giải khó cho Bà con bằng cách "Dán tem chứng nhận" đây là Đào rừng trồng - Nhưng như vậy, vô tình đã tạo ra một điều kiện, một giấy phép về lưu thông Đào rừng trồng của Bà con. Điều này, có vẻ chưa hợp lý, nó giống như là một quy trình ngược. Đúng ra phải ngăn chặn, nghiêm cấm từ khâu chặt đào rừng tự nhiên, ngay khi Lâm tặc mò lên rừng tự nhiên - Thì lại quản lý ngược bằng cách, kiểm tra xem Đào đang được bày bán là đào rừng tự nhiên hay đào rừng trồng. Có một số Chuyên gia lâm nghiệp khẳng định rằng: Đào rừng tự nhiên hiện rất hiếm. Nếu đúng vậy, thì việc hậu kiểm sau khi đào bị chặt hạ, sẽ càng lãng phí và tốn thời gian hơn, vì lượng đào rừng trồng chiếm đa số áp đảo hơn. Hiểu nôm na: Nếu có 1000 Người mặc đồ chỉ đen hoặc trắng, Người mặc trắng áp đảo hơn, vậy muốn biết bao nhiêu Người mặc đồ trắng, Chúng ta sẽ đi đếm số Người mặc đồ đen cho nhanh, rồi trừ ra.

8. Nói tóm lại - Chỉ đạo của Thủ tướng là cần thiết. Nhưng có lẽ nó được đưa ra trong một thời điểm cận tết, nên đã tạo ra tâm lý hoang mang cho Bà con trồng đào, và sự lúng túng cho Cơ quan quản lý. Vì mọi thứ quá gấp gáp, nên sẽ dẫn đến những hệ quả không tốt. Nên chăng, cần phải có quy trình tuần tự: Đầu tiên - Các cơ quan chức năng cần tiến hành kiểm kê xem hiện tại còn bao nhiều đào rừng tự nhiên. Phải xác định được số lượng này trước. Giả định rằng Đào rừng tự nhiên không còn hoặc còn nhưng không thể ra hoa, do không cạnh trạnh sự sống được với các cây rừng khác, thì không cần thiết ban hành, chỉ đạo việc cấm chặt đào rừng tự nhiên, vì có đâu nữa mà chặt. Còn nếu vẫn còn thì lúc đó sẽ rà soát, tiến hành kiểm đếm, ban hành quy định bảo vệ, xử phạt, cần có lộ trình cho Bà con nhận thức để hiểu đúng.

9. Trên cơ sở đó - Xin góp ý với Thủ tướng và Các cơ quan chức năng: Nay đã cận kề tết, Bà con đã giành cả năm để chăm sóc, vun xới và trông chờ vào mùa thu hoạch này. Do đó, cần tạo điều kiện hết sức, để Bà con có thể bán được Đào rừng trồng. Thay vì kiểm tra quyết liệt khu vực bán đào, thì nên tăng cường bảo vệ, kiểm tra nơi có đào rừng tự nhiên, để tránh bị chặt bán. Xem như đợt này là thí điểm, sau đợt tết này sẽ tiến hành quy hoạch, hoạch định lại vấn đề theo các mục vừa nêu, và chuẩn bị tốt hơn cho lần sau....... Việc trồng đào rừng, bán đào rừng trồng xét về mọi mặt đều tốt về kinh tế, sinh thái..... Nên pháp luật cần phải khuyến khích và phát triển, loại bỏ những thủ tục rườm ra khác. Nhiều Bạn thích đi du lịch - Cảm thấy tiếc, và muốn những cánh đào rừng trồng được giữ nguyên để ngắm: Vậy nhưng, Người dân trồng đào - Họ vẫn cần phải có thu nhập để sống, đó là thành quả lao động của Họ. Cho nên, cần phải có giải pháp thấu tình, đạt lý và nhân văn nhất.

10. Sau tất cả - Tác giả khuyến nghị pháp lý đến Bà con như sau: Đào rừng do Bà con trồng, Bà con có quyền chặt, bán - Hoàn toàn hợp pháp, đương nhiên là vậy! Cho nên nếu đó là Đào rừng do Bà con trồng, Bà con cứ quang minh chính đại chặt đem bán, nếu có tem xác nhận càng tốt, còn không có, thì vẫn phải chặt bán. Vì đào Bà con trồng, khi chặt đương nhiên còn dấu tích, nên nếu Cơ quan có kiểm tra, Bà con hãy tự tin khẳng định đây là Đào rừng trồng và cam kết sẽ dẫn Cơ quan tới rừng trồng của mình để xác minh, nếu có yêu cầu. Nếu Bà con là Người buôn đào rừng trồng, thì nên thảo hợp đồng mua bán, sau đó đề nghị địa phương xác nhận, chứng thực Hợp đồng, để còn trưng ra cho Cơ quan chức năng khi cần thiết. Mọi thứ đều có chứng cứ - Không làm sai, không khuất tất, thì không có gì phải lo lắng: Đào rừng Bà con trồng thuộc quyền sở hữu của mình - Bà con cứ chặt bán, lấy tiền trang trải cuộc sống. Tác giả tin rằng: Các cơ quan chức năng sẽ hiểu và tạo điều kiện cho Bà còn.

Từ Sài Gòn gửi yêu thương đến Bà con Tây Bắc - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan