VỀ "CÂU CHUYỆN TỪ THIỆN" - BÀI CUỐI: VĂN HÓA - ĐẠO ĐỨC VÀ PHÁP LUẬT!

Không biết đến lúc nào những tranh cãi liên quan đến câu chuyện từ thiện sẽ kết thúc hoặc ít ra là "hạ nhiệt" - Vấn đề này, hiện không chỉ còn liên quan đến một vài nhóm người, mà đã kéo theo sự tham gia của rất nhiều bên, đủ mọi giai tầng trong xã hội - Tạo nên một sự chia rẽ sâu sắc trong lòng Công chúng!

Việc khác nhau về quan điểm, tư duy là điều hết sức bình thường - Sẽ thật vô lý, nếu cứ bắt người khác phải giống quan điểm của mình. Tuy vậy, có những chuẩn mực chung phù hợp mà buộc chúng ta phải thừa nhận: Tranh luận, phản biện khác với công kích, chửi bởi, mạt sát, thóa mạ nhau... Rất tiếc rằng, có không ít một số Người hành nghề chuyên môn gọi là tri thức, cũng không thể kìm hãm được "Cái đầu nóng" của mình, đã sa đà vào việc công kích, chửi bới nhau, hô hào sự hưởng ứng để tấn công bên còn lại - Thay vì đúng ra nên đánh giá vấn đề một cách công tâm, khách quan, phản biện có khoa học đúng với chuyên môn của mình.

Việc xác định sai đối tượng, bản chất vấn đề cần nói đến - Dù vô tình, hay cố ý sẽ dẫn dắt câu chuyện đi theo một hướng khác, như tiến vào rừng rậm đại ngàn, không biết bao giờ có lối ra... Sau tất cả - Liên quan đến những lùm xùm của câu chuyện từ thiện đang diễn ra, Tác giả xin tổng gộp lại 03 vấn đề trọng tâm căn bản, để gửi đến Bà con và các Bạn độc giả của Fanpage này - Những Người trung lập, thực sự mong muốn có cái nhìn khách quan về vấn đề:

1. Từ thiện là cần thiết và quan trọng

Tự thân nó - "Từ thiện" là một nghĩa tình cao đẹp thể hiện lòng yêu thương đồng loại, đùm bọc nhau lúc khó khăn hoạn nạn. Xã hội vốn có sự phân cấp, thiên tai luôn rình rập, vì vậy việc có những người sẽ rơi vào hoàn cảnh khổ cực cần hỗ trợ luôn tồn tại. Nhà nước có vai trò quan trọng và đó là trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước phải bảo vệ Công dân trong những tình huống khó khăn đó; Nhưng không phải lúc nào, Nhà nước cũng có đủ mọi nguồn lực để tiến hành, lúc này sự chung sức của Nhân dân là hết sức cần thiết - Lịch sử Nhân loại đã chứng minh điều đó. Cho nên, công tác thiện nguyện, nhân đạo từ những tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, có vai trò và ý nghĩa không thể phủ nhận.

Cũng chính vì vậy, những luận điểm "tấn công" như "Để xem đợt này mưa lũ không còn Nghệ sỹ thì ai sẽ làm từ thiện....", hay luận điểm "phản pháo" rằng "Xưa đến giờ không có Nghệ sỹ, thì Chúng tôi cũng vượt qua bao mùa lũ...." - Đều là những luận điểm có lẽ chỉ xuất phát từ những tự ái giận dỗi hẹp hòi của một số người nào đó.... Những luận điểm này không thể và không đại diện cho bất kỳ ai trong số Bà con khó khăn từng nhận từ thiện, cũng không đại diện cho các Mạnh thường quân từng bỏ vật chất ra để làm từ thiện. Vậy nên, Bà con ta đừng để bị sa đà vào những luận điểm đó để ủng hộ bên nay hay bên kia, vì nó chỉ tăng thêm sự chia rẽ mất đoàn kết.

2. Việc yêu cầu công khai minh bạch từ thiện là chính đáng

Ông cha ta có câu "Cây ngay không sợ chết đứng" - Có hàm ý rằng, nếu mình làm đúng với lương tâm sẽ có trời đất chứng dám; Nhưng cũng có thêm câu rằng "Không cúi xuống sửa giày khi đi vào ruộng dưa, không với tay lên sửa mũ (nón) khi ngang qua vườn cam" - Với ý nghĩa rằng, không nên có những hành động có thể khiến người khác hiểu nhầm như cúi xuống sửa giày tưởng là hái trộm dưa, với tay sửa mũ tưởng là hái trộm cam.

Cho nên việc minh bạch trong công tác từ thiện là điều cần thiết. Nhân loại phát triển hơn là bởi đúc rút kinh nghiệm qua những lần trải nghiệm với các sai lầm, lúng túng nhất định. Cho nên sự hoàn thiện và cẩn trọng là điều cần nghiêm chỉnh tiếp thu, để tránh gây khó cho mình, cũng như bị dị nghị hoài nghi. Từ nay, khi kêu gọi từ thiện thì nên cần lập một tài khoản riêng, chỉ dùng cho đợt từ thiện nhất định, để tránh khỏi nhập nhằng các khoản khi vào ra giữa tiền từ thiện, tiền cá nhân... Khi trao tiền từ thiện cần phối hợp với đoàn thể địa phương, có danh sách ký nhận đầy đủ. Việc rõ ràng minh bạch, không chỉ để chứng minh sự công tâm mà còn tránh những rủi ro pháp lý có thể vướng phải.

Việc thiện nguyện là từ tâm, việc minh bạch là từ trí - Chỉ khi tâm trí cùng đồng điệu, thì sự vận hành mới hoàn hảo, đem lại kết quả tốt. Đương nhiên việc này có những khó khăn nhất định, không hẳn là khó khăn do tâm khuất tất, mà từ việc rối rắm, lằng nhằng do trí, nhưng cần phải cố gắng khắc phục, cần có thêm người đồng hành biết về tài chính, kế toán, có như vậy thì mới tránh được những hệ lụy như đang diễn ra!

3. Không nên vơ đũa cả nắm

Mọi hiện tượng, sự kiện trên đời dù tốt đẹp đến đâu, cũng có những biến tướng của nó - Điều này chỉ bởi do yếu tố con người cụ thể mà thôi, không phải bản chất của hiện tượng đó. Ví như - Phật pháp, luôn hướng con người đến Chân - Thiện - Nhẫn, là yêu thương đồng loại, không tham lam, vô sắc.... Nhưng cũng có rất nhiều Người xuất gia đi tu, lợi dụng danh nghĩa là sư tăng để làm điều ác! Tuy nhiên sự sai trái này là do bản ngã của Con người đó, giáo lý của Phật không dạy như vậy. Cho nên chúng ta không thể vì hành vi đó mà bài trừ Phật giáo, chỉ có thể nên bài trừ sư sãi biến chất đó.

Trong công tác từ thiện cũng vậy - Chắc chắn sẽ có những Người mượn danh nghĩa kêu gọi từ thiện để trục lợi, hành vi đó là trái pháp luật cần bị lên án, cần phải bị chế tài của pháp luật. Tuy nhiên, không phải người nào kêu gọi từ thiện cũng đều như thế là chỉ nhăm nhăm để trục lợi - Cho nên khi chưa có một kết quả chắc chắn, thì chỉ nên đặt nghi vấn, mà không vội vàng "kết án", bởi điều đó có thể dẫn đến việc từ thiện bị bài trừ. Nhưng cũng chính vì vậy mà việc minh bạch trong từ thiện lại càng cần thiết, để tránh bị đánh đồng vàng, thau lẫn lộn vào trong một rổ.

------

Đã có những trải nghiệm nên cần có những chiêm nghiệm và bài học được rút ra, để công tác từ thiện ngày càng hoàn hảo, minh bạch hơn, bởi mục đích tự thân tốt đẹp lớn lao của nó! Việc hỗ trợ, giúp đỡ Đồng bào mình trong khó khăn, thiên tai không chỉ là vấn đề vật chất "Một miếng khi đói bằng cả gói khi no" - Mà còn là sự động viên, khích lệ đem lại sức mạnh về tinh thần rằng "Bà con không lẻ loi đơn độc" trong hoạn nạn này. Cho nên, truyền thống, văn hóa, đạo đức tốt đẹp về sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau đó cần phải được gìn giữ, vun đắp - Để luôn hướng đến những mảnh đời khó khăn, bất hạnh trong nhân thế VÀ CŨNG VÌ CÒN NHIỀU ƯỚC MƠ CẦN ĐƯỢC CHẮP CÁNH......

Viết tại Sài Gòn, ngày 09/09/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan