TỪ VỤ VIỆC “RẮC RỐI VÌ ĐÀO ĐƯỢC CÂY GỖ DƯỚI RUỘNG”: HIỂU VỀ QUY ĐỊNH XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU ĐỐI VỚI TÀI SẢN BỊ VÙI LẤP/CHÌM ĐẮM!

Dẫn nhập: “Một người dân tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) báo và xin phép địa phương được tận thu một cây gỗ to bị vùi dưới lòng đất. Sau nhiều ngày thông báo, người này bỏ gần 100 triệu đào cây gỗ lên, để làm đồ gia dụng thì bị cơ quan công an huyện lập biên bản tạm giữ cây gỗ này” – Trích từ Báo Thanh Niên.

Có lẽ, trong nhiều nhận thức của một số Bà con ta, thường hay nghĩ rằng: Tài sản bị vùi lấp trong lòng đất, lòng nước mà mình tìm được, đào lên được, thì đương nhiên tài sản đó phải thuộc về mình, bởi tài sản này do mình thấy giữa đất trời, chứ nào phải trộm cắp gì của ai, nhất là khi tài sản đó “vô chủ”, thì càng phải thuộc về mình, là lẽ “thuận theo tự nhiên”, vô cùng hợp lý! Tuy nhiên, cần khẳng định ngay rằng, rất tiếc suy nghĩ đó của một số Bà con ta, lại không đúng với quy định của pháp luật – Vì vậy, trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải những khía cạnh pháp lý có liên quan, để Bà con hiểu thêm, nhằm vận dụng khi cần thiết.

1. Người phát hiện tài sản bị vùi lấp, chìm đắm phải thông báo hoặc trả lại ngay cho chủ sở hữu. Ví dụ 1: Ông A mang cái lư đồng ra bờ sông chùi rửa, chẳng may lỡ tay làm rơi lư xuống sông, tuy đã tìm kiếm nhưng không thấy. Vài hôm sau, Ông B là Người cùng làng, đi bắt cá, lụm được cái lư đồng này, và biết nó là của Ông A, thì Ông B có nghĩa vụ trả lại cái lư đồng cho Ông A. Ông B không được quyền sở hữu cái lư trong trường hợp này, vì luật không cho phép như vậy.

2. Người phát hiện tài sản bị vùi lấp, chìm đắm nếu không biết ai là chủ sở hữu thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc công an cấp xã nơi gần nhất. Khác với trường hợp trên, trường hợp này, Người phát hiện tài sản lại không biết ai là Chủ sở hữu cả, nên phải thông báo hoặc giao nộp cho Cơ quan chức năng của địa phương. Nhưng cần lưu ý rằng, việc thông báo hoặc giao nộp này, chỉ nhằm trước hết là Cơ quan chức năng ở địa phương phải thông báo, loan tin, để Chủ sở hữu biết mà đến nhận lại, chứ không phải là tài sản sẽ thuộc quyền sơ hữu của Cơ quan chức năng của địa phương. Trường hợp sau khi, Cơ quan chức năng của địa phương đã thông báo, loan tin mà vẫn không xác định được Ai là Chủ sở hữu, thì sẽ giải quyết như tiếp theo dưới đây.

3. Tài sản bị bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy mà không có hoặc không xác định được ai là chủ sở hữu thì sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản, quyền sở hữu đối với tài sản này được xác định như sau:

3.1 Thứ nhất: Nếu Tài sản được tìm thấy là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa thì tài sản sẽ thuộc về Nhà nước; Người tìm thấy tài sản đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo công thức lũy thoái từng phần: Phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 30%; Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 15%; Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 7%; Phần giá trị của tài sản trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 1%; Phần giá trị của tài sản trên 10 tỷ đồng thì tỷ lệ trích thưởng là 0,5%. Ví dụ 2: Ông H tìm được một cổ vật bị vùi lấp, cổ vật này được xác định là đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật di sản văn hóa, do đó ông H phải giao nộp cổ vật này cho Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Giả dụ cổ vật này được định giá là 1 tỷ đồng, thì Ông H sẽ được thưởng: 10 triệu đầu tiên - Ông H được 3 triệu (30% của 10 triệu), 90 triệu tiếp theo - Ông H sẽ được 13,5 triệu (15% của 90 triệu), 900 triệu cuối cùng – Ông H sẽ được 63 triệu (7% của 900 triệu), như vậy tổng cộng Ông H được thưởng 79,5 triệu.

3.2 Thứ hai: Nếu Tài sản được tìm thấy không phải là tài sản thuộc di tích lịch sử - văn hóa như trường hợp vừa nêu, thì sẽ phát sinh hai khả năng:

(i) Một là – Nếu tài sản nhỏ hơn hoặc bằng mười lần mức lương cơ sở, thì thuộc sở hữu của Người tìm thấy. Mức lương cơ sở hiện tại là 1,49 triệu đồng/tháng, 10 lần mức lương cơ sở là 14,9 triệu, cho nên nếu giá trị tài sản chỉ từ 14,9 triệu trở xuống (Sau khi trừ chi phí tìm kiếm, bảo quản) sẽ thuộc về Người tìm thấy. Ví dụ 3: Chúng ta lấy ngay trường hợp về việc "Một người dân tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) báo và xin phép địa phương được tận thu một cây gỗ to bị vùi dưới lòng đất" trong Bài báo. Nếu giả định cây gỗ này được định giá là 100 triệu, nhưng do chi phí Ngươi dân bỏ ra để đưa được cây gỗ này lên đã mất 90 triệu, như vậy giá trị tài sản còn lại chỉ là 10 triệu, tức nhỏ hơn 14,9 triệu do đó toàn bộ cây gỗ này sẽ thuộc về Người dân đã phát hiện ra cây gỗ.

(ii) Hai là - Nếu tài sản tìm thấy có giá trị lớn hơn mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định thì người tìm thấy được hưởng giá trị bằng mười lần mức lương cơ sở, cộng thêm với 50% của phần tài sản vượt quá 10 lần mức lương cơ sở này. Hiểu nôm na, sau khi Người phát hiện được nhận giá trị là 10 tháng lương cơ sở, còn lại bao nhiêu chia đôi, Người phát hiện tài sản được một nửa, Nhà nước được một nửa còn lại. Ví dụ 4: Chúng ta cũng lấy ngay trường hợp về việc “Một người dân tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) báo và xin phép địa phương được tận thu một cây gỗ to bị vùi dưới lòng đất” trong Bài báo. Nếu giả định cây gỗ này được định giá là 1 tỷ, thì đầu tiên phải thanh toan cho Người dân chi phí đã bỏ ra để trục vớt cây gỗ là 90 triệu, tiếp theo thanh toán cho Ngươi dân số tiền 14,9 triệu tương đương với 10 lần mức lương cơ sở. Số tiền còn lại là 895,1 triệu được chia đôi, Ngươi dân đã phát hiện được nhận tiếp 447 triệu 550 nghìn đồng, nửa còn lại là 447 triệu 550 nghìn đồng thuộc về Nhà nước.

Từ những phân tích, luận giải nêu trên, Bà con ta thấy rằng, có nhiều khả năng về hậu quả pháp lý có thể xảy ra, khi Bà con phát hiện, tìm thấy tài sản bị vùi lấp, chìm đắm. Quay lại vụ việc, là “Một người dân tại huyện Sa Thầy (Kon Tum) báo và xin phép địa phương được tận thu một cây gỗ to bị vùi dưới lòng đất” được nhắc đến ở đầu Bài viết này, Chúng ta thấy rằng, nếu như có cơ sở, căn cứ để xác định rằng trước đó cây gỗ này thuộc về rừng do Nhà nước quản lý nhưng bị lâm tặc đốn trái phép hoặc cây gỗ này thuộc về rừng trồng của Người dân nào đó, bị lũ cuốn trôi - Tức cây gỗ này xác định được ai là Chủ sở hữu. Thì Người nào là Chủ sở hữu dù là Nhà nước hay Người dân, cũng có quyền nhận lại cây gỗ này, nhưng với điều kiện phải thanh toán chi phí trục vớt là 90 triệu cho Người phát hiện (Rơi vào trường hợp tại mục [1] của Bà viết). Ngược lại, nếu không xác định được nguồn gốc cây gỗ này là của ai, thì Người phát hiện sẽ được nhận phần tài sản như đã nêu tại mục [3.2] Bài viết. Cần nói thêm với Bà con rằng, Bộ luật dân sự có quy định về việc tìm được tài sản vô chủ, nếu tài sản đó là động sản (cây gỗ đã bị đốn là động sản), thì Người phát hiện sẽ được hưởng toàn bộ tài sản này, mà không phải chia như trên về tài sản chìm đắm, vùi lấp. Nhưng cái khó, là Bộ luật dân sự lại quy định rằng: “Tài sản vô chủ là tài sản mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản đó” - Nếu hiểu máy móc một cách minh thị, thì phải chứng minh được, có bằng chứng Chủ sở hữu đã từ bỏ cây gỗ này, kiểu giống như đem bàn ghế hỏng vứt ra bãi rác – Mà điều đó rất khó biện luận trong tình huống này, nên không thể nào vận dụng được về quy định tài sản vô chủ, và buộc phải áp dụng quy định về tài sản bị vùi lấp, chìm đắm như đã trình bày./.

Viết tại Sài Gòn, ngày 24/05/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan