TỪ VỤ VIỆC "CON GÁI ĐỐT NHÀ MẸ ĐẺ VÌ MÂU THUẪN ĐẤT ĐAI" TẠI HƯNG YÊN: "LỐI THOÁT" NÀO CHO TRANH CHẤP TÀI SẢN GIỮA NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH!

Dẫn nhập: "Ngày 30-10, nguồn tin từ xã Trung Hoà, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên cho biết, các lực lượng chức năng vẫn đang khẩn trương điều tra làm rõ vụ con gái phóng hỏa nhà mẹ đẻ khiến 4 người bị thương. Thông tin ban đầu, nguồn cơn dẫn đến sự việc trên là do mâu thuẫn đất đai. Không được chia đất như người con trai, những người con gái kéo sang nhà mẹ đẻ "hỏi cho ra nhẽ" rồi một người trong số đó phóng hỏa khiến mẹ đẻ và nhiều người khác bỏng nặng" - Trích từ Báo Công an Nhân dân!

Có thể nói rằng, vụ việc vừa nêu, chỉ là một trong số vô vàn những vụ tranh chấp tài sản giữa những Người thân trong Gia đình, xảy ra trong thời gian qua. Có một điều hết sức nghịch lý rằng: Khi đã xảy ra tranh chấp về tài sản, thì có vẻ như tranh chấp giữa những Người thân trong gia đình, thường có kết cục muốn "khô máu" với nhau, hơn là những tranh chấp giữa Người ngoài. Tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý, thì sự nghịch lý vừa nêu có thể giải thích được - Đó là: Người ngoài khi có tranh chấp với nhau, rất ít khi Họ có cơ hội gặp nhau, nếu giải quyết không được, thường Họ sẽ đưa ra pháp luật, nên cũng ít có cơ hội lời qua, tiếng lại, thách thức, khiêu chiến với nhau (Tất nhiên cũng có thể có nhưng không nhiều); Ngược lại, những Người trong Gia đình, khi tranh chấp với nhau, thường có xu hướng tìm gặp nhau để làm ra chuyện, khi trực diện, mỗi bên đều không kiềm chế, nên buông những lời chửi bới, khiêu khích nhau, và khi nóng giận bột phát, thì chuyện gì cũng có thể xảy ra, lúc lý trí đã mất kiểm soát, cơn thú tính trỗi dậy....

Cha mẹ nghèo, Con cái không dựa dẫm được gì, có thể sẽ vất vả, gian nan trong quá trình tự lập mưu sinh - Đó là điều chắc chắn. Nhưng việc Cha mẹ có tài sản để lại cho Con cái, là phúc hay họa - Đó lại là điều không chắc chắn. Bởi thực tế, không hiếm trường hợp, Cha mẹ để lại tài sản cho Con, nhưng chia không đều, chia không rõ ràng, từ đó dẫn đến những so đo toan tính, suy nghĩ thiệt hơn, là mầm mống cho những tranh chấp giữa các Con. Nhất là khi những Người con này đã có Gia đình riêng, tình anh em ruột thịt, cũng có thể bị chia cách bởi những chị dâu, em rể - Từ đó khiến cho mâu thuẫn thêm trầm trọng, hố sâu ngăn cách thêm mênh mông. Hậu quả đau thương, nồi da xét thịt, là điều có thể thấy trước được.

Về mặt lý thuyết pháp lý, giải quyết trường hợp trên không khó, nếu không muốn nói là cực dễ: Đơn giản là vì tài sản của Cha mẹ, là những Chủ thể pháp lý độc lập, có toàn quyền của một Chủ sở hữu trong việc định đoạt tài sản của mình, nên Cha mẹ muốn cho ai bao nhiêu, cho như thế nào là quyền của Cha mẹ - Trừ trường hợp lập di chúc để lại tài sản, có một số trường hợp được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc, như Tác giả vừa phân tích ở Bài viết về thừa kế, cách đây ít ngày: Đó là Con dưới 18 tuổi, Con trên 18 tuổi nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động.... Tóm lại, Cha mẹ có quyền định đoạt tài sản của mình, Con cái không có quyền ý kiến, đòi hỏi.

Tuy nhiên, dưới góc độ tình thân, thì việc giải quyết được vấn đề vừa nêu, lại vô cùng vất vả, gian nan, thậm chí là bế tắc. Nhất là khi, Cha mẹ không đủ "uy lực" để có thể kiểm soát được mấy cái đầu nóng là những đứa con không biết phải trái, trước sau. Tất nhiên, cũng không hiếm trường hợp một số Cha mẹ, luôn có thái độ thiên vị, dù đều là con chung - Dẫn đến một số Người con cảm thấy "bất công", không được đối xử bằng những Người khác, từ đó sinh ra những suy nghĩ tiêu cực, có những hành động nông nỗi. Tóm lại, về mặt tình, rất khó để phán xét đúng sai, trong câu chuyện này - Những Cha mẹ nào, càng nuông chiều con, không rèn luyện tính tự lập cho Con cái, thì chỉ số tranh chấp càng nhiều hơn.

Trong quá trình hành nghề, khi gặp những Vụ việc tranh chấp giữa những Người thân trong Gia đình, Tác giả luôn khuyên Bà con nên hòa giải, vì rằng: Lọt sàng xuống nia, Anh em đạp đầu nhau ra, có hơn thiệt một chút cũng không sao. Còn hơn nếu để tranh chấp xảy ra, tài sản đó sẽ bị rớt rơi rất nhiều, nào là chi phí kiện tụng, chi phí đi lại cũng không hề ít chút nào.... Tóm lại, hòa giải được, không những bảo toàn trọn vẹn được tài sản Gia đình, mà quan trọng hơn là giữ được tình thân. Con nếu cứ kiện tụng, tranh chấp lẫn nhau, thì không chỉ tài sản sẽ bị rớt rơi cho Người ngoài, mà tình thân cũng mất đi, có thể không bao giờ lấy lại được. Không ít trường hợp, Bà con cảm thấy lời khuyên vừa nêu là chuẩn xác, nên đã làm theo - Và đó là những trường hợp, câu chuyện kết thúc thực sự có hậu. Một phần, vì Tác giả cũng không thấy hứng thú, khi nhận những vụ việc về tranh chấp tình thân như trên, nên phải khuyên Bà con, là bằng mọi giá, phải thương lượng được.

Sâu xa - Câu chuyện tranh chấp tình thân, liên quan nhiều đến vấn đề giáo dục, đạo đức, tình thương trong mỗi Con người - Còn dưới góc độ pháp lý thì "phút mốt" là xử lý được, không có gì khó khăn dưới góc độ chuyên môn. Khi giáo dục đưa Con người ta đến sự hướng thiện, lòng bác ái, yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, thì lòng tham rất khó để có thể trỗi dậy, tranh chấp cũng rất khó nảy sinh. Khi đạo đức hướng Con người đến sự vị tha, bao dung, biết hiếu nghĩa, biết tự lập, thì sự oán trách đấng sinh thành, không bao giờ là ý niệm tồn tại trong mỗi Người, nên tranh chấp cũng chẳng còn chổ thao túng. Cuối cùng, nếu mỗi Con người được giáo dục để nhận thức ra rằng, hãy tự lao động, tự kiếm sống, tự xây đắp, tự lập bằng chính sức lực, trí tuệ của mình - Thì Họ sẽ không bao giờ có tâm ý phải tranh giành với bất kỳ ai, về bất cứ thứ gì không phải do mình làm ra. Phải chăng - Di sản lớn lao nhất mà Cha mẹ cần nên để lại cho Con cái, chính là Nhân cách làm người về lòng nhân nghĩa và sự yêu thương mà không phải là một tài sản vật chất nào cả??!!??!!

Viết tại Sài Gòn, ngày 30/10/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan