KHOA HỌC HÌNH SỰ TỪ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI: NHỮNG NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ ĐIỀU TRA TỘI PHẠM - NGƯỢC DÒNG GIỮA MUÔN TRÙNG!

Có lẽ trong lịch sử Tố tụng hình sự - Hiếm có một Vụ án nào gây ra nhiều tranh luận như Vụ án Hồ Duy Hải (Từ đây được gọi tắt là Vụ án này). Nó thu hút gần như sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội hiện đại, từ những Người bình dân cho đến các Tiến sỹ, Giáo sư về Luật học.

Hơn một thập kỷ đã trôi qua, kể từ ngày xảy ra Vụ án - Nhưng cho đến nay, Ai thực sự mới là Hung thủ của Vụ án này, vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Dù rằng, về mặt pháp lý - Những Bản án có hiệu lực pháp lý, đã xác định Người thực hiện hành vi phạm tội là Người nào. Tuy nhiên, một phần đông dư luận, và các nhà khoa học chuyên môn, vẫn không chấp nhận cái kết khó chấp nhận đó! Vì sao vậy?!

Đơn giản là với nhiều Người - Vụ án này không chỉ đơn thuần là một Vụ án. Mà nó còn là nhiều vấn đề khác liên quan đến quá trình xác minh, điều tra các Vụ án hình sự nói chung: Là nguyên tắc xác định chứng cứ và chứng minh hành vi phạm tội, Người thực hiện hành vi tội phạm - Trong khoa học hình sự nói chung! Bởi chỉ cần có một tiền lệ không chuẩn xác, có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không đáng có.

Liên quan đến Vụ án này, Tác giả đã có hai bài phân tích đăng trên Trang này, trong đó chủ yếu tập trung viện dẫn và luận giải dưới góc độ Khoa học tố tụng hình sự: Về quá trình giải quyết một Vụ án hình sự, những mâu thuẫn, và điều còn băn khoăn về Vụ án này ...... Cho nên, những luận điểm đã trình bày - Xin phép không nhắc lại tại đây.

Trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích và luận giải một số vấn đế có liên quan đến Vụ án, dưới góc độ Khoa học điều tra hình sự - Về những nguyên tắc trong điều tra tội phạm, để Bà con tham khảo. Cũng xin lưu ý thêm với Bà con rằng: Ở đây - Tác giả chỉ luận bàn dưới góc độ Khoa học nghiên cứu, cho nên những vấn đề khác về Vụ án, những lời đồn đại, những thuyết âm mưu khác - Tác giả xin phép không có ý kiến. Và cũng mong, Bà con khi đọc Bài viết này, nếu có ý kiến, cũng trên cơ sở khoa học, cố gắng hạn chế công kích hoặc bức xúc thái quá đến bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác.

I. BẢO VỆ HIỆN TRƯỜNG VÀ KHÁM NGHIỆM HIỆN TRƯỜNG

Sẽ không có sai sót hoặc sẽ hạn chế đến mức thấp nhất những sai số nếu có trong quá trình Điều tra vụ án hình sự, nếu như ngay từ đầu mọi thứ được tiến hành một cách cẩn trọng, ngay từ khâu đầu tiến là tiếp cận hiện trường và những công tác tiếp theo đó.

1. Hiện trường là nơi lưu lại chính xác nhất và tổng thể nhất về các dấu vết của tội phạm và chứng cứ của nó. Chính vì vậy, ngay sau khi nhận tin báo về tội phạm, và khi có mặt tại hiện trường, một trong những công tác quan trọng hàng đầu của Cơ quan chức năng là phải bảo vệ hiện trường.

2. Điều đó được thể hiện trước hết, là không cho phép những Người không phận sự được tiếp cận hiện trường. Vì nếu điều đó xảy ra, sẽ không đảm bảo được tính nguyên vẹn của hiện trường, có thể dẫn đến những xáo trộn nhất định. Từ đó kéo theo hệ quả là khiến cho việc xác định dấu vết tội phạm trở nên khó khăn, thậm chí là có những đánh giá sai lầm.

3. Đương nhiên là vậy - Có những chi tiết, trong đời thường nó không là gì cả, nhưng trong Vụ án hình sự, nó là vô giá. Ví dụ, cũng là một chiếc ghế nằm ngã tại sàn nhà - Nhưng chỉ cần xác định nó hướng ra ngoài hay hướng vào trong, Người ta có thể khẳng định Hung thủ đi từ ngoài vào bất ngờ, hay là ở trong từ trước, Hung thủ thuận tay phải hay tay trái ..... Thông qua những chi tiết đó, sẽ tạo thêm chứng cứ để chứng minh tội phạm.

4. Nói tóm lại - Hiện trường chính là nơi lưu giữ nhiều nhất và chính xác nhất quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các dấu vết tội phạm, các chứng cứ tại hiện trường, tất cả cần phải được xem xét và đánh giá cẩn trọng, trên cơ sở đó, có thể làm rõ sự thật của Vụ án. Việc bảo vệ hiện trường Vụ án - Do đó, mang yếu tố sống còn, trong việc làm rõ sự thật. Cho nên, trong bất kể Vụ án nào, nếu việc Bảo vệ hiện trường không nghiêm túc - Người ta có quyền hoài nghi về tính xác thực của những chứng cứ được thu thập và những lập luận được đánh giá.

II. XÁC ĐỊNH CHỨNG CỨ VÀ BẢO VỆ CHỨNG CỨ

Hiện trường là một Vụ án mạng hai cô gái, tất nhiên những Người có chuyên môn buộc phải giả định ngay được các khả năng: Bị hiếp rồi giết; Bị cướp giết hiếp; Bị trả thù; Mâu thuẫn bột phát rồi bị giết; Khả năng tai nạn là khó, vì hai mạng Người, mà hiện trường lại không có dấu vết của việc bị tai nạn như sập nhà, điện giật.....

1. Như vậy, dù khả năng nào trong các khả năng trên, thì ở đây nạn nhân đã chết do bị Người khác tấn công. Vậy thì phải khoanh định nguyên nhân chết - Cái "Hay" nằm ở chổ này. Nếu hiện trường không có vết máu, mà cổ có dấu vết, thì có thể bị siết cổ. Vậy quan trọng là phải tìm được hung khí - Là dây siết.

2. Nếu hiện trường không có bất kì biểu hiện gì khác, nhưng nạn nhân có biểu hiện trúng độc, cần xác định xung quanh hiện trường có chai lọ, hay thức ăn gì không. Nhưng riêng trường hợp bị trúng độc thì khá dễ để xác định nguyên nhân chết. Vì giám định pháp y là ra ngay.

3. Trong Vụ án cụ thể này - Nạn nhân bị bê bết máu. Như vậy, phải xác định ngay rằng: Nạn nhân bị tấn công bằng hung khí là vật cứng hoặc dao, hoặc cả hai. Vậy thì đương nhiên - Trong trường hợp thông thường, Người ta buộc phải khám xét hiện trường để tìm hung khí gây án - Nghĩa rằng về nguyên tắc, là phải khám xét thật kĩ để tìm hung khí. Nhưng khôi hài trong Vụ án này là hung khí: Con dao, cái thớt nằm lù lù ngay cạnh nạn nhân, những bản ảnh chụp đều cho thấy điều đó. Nhưng Người ta lại "Bỏ quên" không thu thập???!!!

4. Không có một biện minh nào cho trường hợp này! Bởi lẽ như đã nói: Nạn nhân bị bê bết máu, nghĩa rằng là bị giết bằng hung khí là vật cứng hoặc dao, thì đương nhiên phải thu thập hung khí. Hay đặt ngược lại: Nếu không thu thập hung khí trong Vụ án này - Vậy sẽ xác định nạn nhân bị chết bởi nguyên nhân gì?! Tất nhiên là không trả lời được - Còn nếu muốn trả lời được, phải cho Người ra chợ mua vật mô phỏng - Nhưng đó không phải là vật chứng!

5. Nếu như hiện trường là nơi lưu giữ nhiều chứng cứ nhất liên quan đến hành vi phạm tội, thì Vật chứng - Hung khí gây án là nơi phản ánh sâu sắc và chính xác nhất chi tiết đó. Đương nhiên là thế: Dấu vân tay, cách thức gây án, vết máu ...... Do đó - Việc không thu thập vật chứng, trong khi nó nằm lù lù tại hiện trường, cho thấy rằng: Chứng cứ quan trọng bậc nhất của Vụ án đã bị bỏ qua. Ngoài ra, trong Vụ án này, ngay từ đầu đã không giám định mẫu máu, đến khi thời gian trôi đi, máu bị phân hủy, không thể giám định được nữa. Hơn tất cả: Hung thủ giết hai mạng Người bằng dao, thớt, không phải sát thủ chuyên nghiệp, cũng phải giằng co với nạn nhân, vậy mà cũng không có chút dấu vân tay nào cả tại hiện trường hay trên Người nạn nhân??!!

6. Tất cả những điều đó cho thấy rằng - Việc không thu thập đầy đủ chứng cứ, trong đó bỏ quên những chứng cứ trực tiếp, là những sai phạm rất nghiêm trọng. Nên không thể nói có sai sót, mà không ảnh hưởng đến bản chất? Cần lưu ý rằng: Những chứng cứ khác được dùng để buộc tội, đều chỉ là những chứng cứ gián tiếp, những lời khai bất nhất. Nên Người ta có quyền hoài nghi về giá trị đích thực của nó.

III. ĐỘNG CƠ GÂY ÁN VÀ SỰ PHẢN CHỨNG

Dưới góc độ Cấu thành tội phạm trong Khoa học hình sự: Thì có rất nhiều loại tội phạm, mà động cơ phạm tội không phải là yếu tố bắt buộc của việc định danh Tội phạm. Ngược lại - Dưới góc độ Khoa học điều tra hình sự và Tố tụng hình sự, thì việc xác định động cơ gây án, rất quan trọng trong việc xác minh và khoanh vùng đối tượng. Đương nhiên là thế!

1. Nếu động cơ gây án chỉ là trả thù, thì hiện trường sẽ không có dấu hiệu bị lục lọi. Nếu động cơ gây án là để chiếm đoạt tài sản, thì hiện trường sẽ có dấu hiệu bị lục lọi. Còn nếu Vụ án vừa có động cơ trả thù vừa có mục đích chiếm đoạt tài sản như Vụ án giết 5 mạng Người tại Bình Phước vài ba năm trước, thì sẽ có đủ các dấu hiệu vừa nêu!

2. Đối với Vụ án này - Động cơ gây án cho đến bây giờ vẫn không thể biết đích xác?! Ban đầu xác định là có hiếp dâm, nhưng sau đó là bỏ tội danh này. Nghĩa rằng không có hiếp dâm. Nhưng điều bất thường ở chổ: Năm lần bảy lượt, Các cơ quan chức năng đều khẳng định - Trước khi xảy ra Vụ án: Các Bên có ngồi tán tỉnh, vuốt ve nhau - Ấy vậy nhưng chẳng có lấy tí vân tay nào cả??!!

3. Vậy thì cuối cùng: Động cơ gây án là gì?! Cướp tài sản - Nhưng không tìm được tang vật?! Tài sản bị tịch thu, sau đó được xác định là của Em gái, nên trả lại - Nên cũng chẳng có gì để xác minh! Nhưng hai nạn nhân bị chết - Bị giết là có thật. Vậy là phải có động cơ gây án - Trừ khi hung thủ bị tâm thần, mọi trường hợp còn lại phải có động cơ! Động cơ từng được xác định là đòi yêu nhưng không cho - Khôi hài, giằng co nhau đòi yêu, mà chẳng có lấy tí vân tay nào?! Hơn nữa, thực tế, nếu như đông cơ là hiếp dâm, thì trong cơn cực độ để khiến dẫn đến án mạng như vậy, kiểu thú tính đó cũng sẽ giết xong là hiếp. Nhưng như trên đã nói, tội danh hiếp đã bị loại ra!?! Vậy thì, rút cuộc động cơ là gì?!.

4. Rõ ràng việc xác định không chính xác về động cơ gây án. Sẽ dẫn đến nguy cơ của việc, định hướng không đúng cho việc điều tra, khoanh vùng đối tượng, từ đó sẽ dẫn đến những luận điểm đánh giá và phân tích thiếu cơ sở vững chắc! Cộng với việc có những sai sót trong quá trình thu thập, đánh giá chứng cứ, bỏ quên vật chứng, càng làm cho Người ta hoài nghi về Hung thủ thật sự của Vụ án có phải là Người đã bị kết tội!......

5. Ngoài ra, phải nói thêm rằng: Lịch sử điều tra các Vụ án hình sự, cho thấy: Có những Vụ án rất khó, ví như nạn nhân đã bị chết cháy, hiện trường để lại rất ít dấu vết, vì hung thủ là sát thủ chuyên nghiệp, những manh mối có liên quan rất mơ hồ - Nhưng Cơ quan điều tra vẫn lần ra và bắt kẻ thủ ác về quy án. Cho nên, so với những Vụ án như vậy, thì Vụ án này không khó để xác định sự thật.

------------

Có lẽ đây là Bài viết tạm kết của Tác giả về chủ đề này - Cho đến một ngày, nó có thể được xem xét lại một lần nữa! Vì những gì cần nói, Tác giả đã trình bày, phân tích và làm hết khả năng của mình! Chân thành - Công bằng - Khách quan mà nói: Tác giả không phê phán bất kỳ Ai có liên quan đến Vụ án hay Bản án này; Bởi sự sai sót dù thế này hay thế khác, đều có thể diễn ra trong mọi phương diện Cuộc sống; Tác giả cũng không dám khẳng định chắc chắn Ai đó vô tội; Cũng không đề nghị Ai đó được tuyên vô tội ngay: Nhưng với nhưng vi phạm đã xảy ra trong quá trình điều tra Vụ án này; Viện Kiểm sát Tối cao cũng đã có kháng nghị hủy án; Dư luận vẫn bày tỏ, vẫn phản ứng về Vụ án: Cớ sao lại không nên để Vụ án được điều tra, xét xử lại một lần cho thỏa lòng tất cả - Đến lúc đó, nếu Hung thủ vẫn là Người đã bị kết án; Cũng chẳng còn ai oán trách hay giày vò nhau!!!

Viết tại Sài Gòn, ngày 19/11/2020: Luật sư Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan