VỀ VỤ TẠI NẠN GIAO THÔNG LÀM TỬ VONG NỮ SINH TẠI NINH THUẬN: PHÂN TÍCH MỘT VÀI KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CÓ LIÊN QUAN!
Vụ tai nạn giao thông làm tử vong một Nữ sinh tại Ninh Thuận, thu hút sự chú ý của báo chí, mạng xã hội và dư luận, bởi có nhiều vấn đề pháp lý có liên quan, trong đó bao gồm nhưng không giới hạn đến cả vấn đề nồng độ cồn của Nữ sinh. Hiện tại, vụ việc này vẫn đang được các Cơ quan chức năng tiến hành xử lý giải quyết theo trình tự luật định, song song với đó là những tranh luận của Bà con liên quan đến vụ việc. Và để cho các Bạn độc giả của Trang có thêm sự tham khảo về khía cạnh pháp lý, trong Bài viết này, Tác giả sẽ phân tích một vài điểm mấu chốt quan trọng, nhằm giúp Bà con có thể có thêm góc nhìn về sự việc.
1. Hiểu thêm về cái gọi là nồng độ cồn trong máu
Theo thông tin mà báo chí đăng tải, căn cứ kết quả xét nghiệm do Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận tiến hành, thì nồng độ cồn trong máu của Nữ sinh là 0,79 mg/100 ml máu - Tức chỉ là 0,0079mg/ml máu.
Trong khi đó, theo Mục 60 của Tài liệu "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh" được Ban hành kèm theo Quyết định số 320 năm 2014 của Bộ Y tế, thì trị số bình thường về nồng độ cồn trong máu là dưới 10.9 mmol/L nghĩa rằng dưới 0,5023 mg/ml.
Như vậy, với quy định nồng độ cồn trong máu dưới 0,5023 mg/ml được xem là bình thường (Xem là không có nồng độ cồn), thì việc Nữ sinh có chỉ số 0,0079/ml máu đương nhiên được xem là bình thường, tức không có nồng độ cồn trong máu (Vì 0,0079/ml đương nhiên nhỏ hơn 0,5023 mg/ml).
Hay nói cách khác, nồng độ cồn không có vấn đề gì ở đây, cái khiến một số Người hiểu nhầm có thể là do vấn đề hiểu sai về yếu tố đơn vị, kiểu như 10 cây vàng với 20 chỉ vàng, cái nào lớn hơn trong tác phẩm hài "Vợ thằng Đậu", đại loại vậy.
Khoa học pháp y giải thích rằng, sở dĩ nồng độ cồn trong máu mặc dù nhỏ hơn 0,5023 mg/ml (Nghĩa rằng vẫn có nồng độ cồn nếu lớn hơn 0,0...) nhưng được xem là không có nồng độ cồn, là bởi vì trong nội tố sinh học của mỗi Người có rất nhiều nguyên nhân, lý do cộng hưởng mà cho dù không uống rượu bia, hay chất có cồn khác, nhưng khi đo vẫn có nồng độ cồn ở một mức nhất định nhỏ như vừa nêu.
Điều lắt léo là theo quy định tại Điều 6.6.c Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông, có thể hiểu rằng, Pháp luật đang áp dụng nguyên tắc "Số 0 tuyệt đối" trong việc xử phạt vi phạm về nồng độ cồn, nghĩa rằng cứ có nồng nộ cồn dù chỉ là 0,000000001 mg/ml vẫn có thể bị phạt - Nhưng vì vấn đề này không quá ảnh hưởng đến nội dung vụ việc này, nên Chúng ta không bàn ở đây, lý do Tác giả sẽ giải thích ở phần sau.
2. Bắt buộc phải có Người nhà nạn nhân khi lấy mẫu máu xét nghiệm?!
Cũng theo Mục 60 của Tài liệu "Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh" được Ban hành kèm theo Quyết định số 320 năm 2014 của Bộ Y tế đã nêu, có nhiều trường hợp cần xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của bệnh nhân, như những trường hợp nghi ngộ độc.... Tuy nhiên, riêng đối với trường hợp xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của Người bị tai nạn, thì lại yêu cầu phải có Người thân của Nạn nhân khi tiến hành lấy mẫu máu xét nghiệm.
Mặc dù quy định vừa nêu, đôi khi có thể gây khó khăn chơ Đơn vị xét nghiệm, vì có nhiều trường hợp không thể, không kịp xác định Thân nhân của Nạn nhân. Nhưng Chúng ta có thể hiểu là đối với những trường hợp xác định được, và Người thân đã có mặt hoặc đến kịp thời thì buộc phải có sự chứng kiến của Người thân nạn nhân.
3. Cần phân biệt vi phạm hành chính và nguyên nhân lỗi gây ra tai nạn
Mục này, được viết cho mọi trường hợp về tai nạn giao thông. Thông thường, Bà con ta hay suy nghĩ rằng, cứ một ai đó điều khiển xe máy mà không có bằng lái xe, hoặc trong người có nồng độ cồn, thì nếu có tai nạn xảy ra, đương nhiên Người này cũng có lỗi trong vụ tai nạn đó. Nhưng quan niệm này, không phải lúc nào cũng chính xác, mà còn tùy vào trường hợp cụ thể.
Chúng ta sẽ lấy ví dụ sau đây cho dễ hiểu: Một Người đang chạy xe máy, trong khi không có bằng lái xe, việc tham gia giao thông khi không có giấy phép này đương nhiên là vi phạm luật giao thông đường bộ, là vi phạm hành chính, sẽ bị xử phạt. Nhưng giả định rằng, trong quá trình Người này chạy xe, đã đi đúng phần đường của mình, chạy xe đúng tốc độ cho phép, bất ngờ bị một chiếc xe ô tô đang chạy chiều ngược lại phía bên kia lao sang, tông văng ra, gây tử vong. Trong tình huống này, Chúng ta thấy rằng, đúng là Người chạy xe máy có vi phạm quy định của luật giao thông đường bộ, nhưng vi phạm đó không phải là nguyên nhân trực tiếp/nguyên nhân chính yếu/nguyên nhân quyết định/nguyên nhân quan trọng gây ra vụ tai nạn.
Nói như vậy, để thấy rằng, Bà con ta phải phân biệt được đâu là bản chất vấn đề của từng vụ việc cụ thể. Nghĩa rằng ngay cả khi nạn nhân có nồng độ cồn vượt ngưỡng (Giả định vậy) mà họ đi đúng làn đường, đúng tốc độ, thì ai chạy đằng sau sai làn, tông thẳng vào đít xe/đuôi xe/hậu xe của nạn nhân, thì đó mới chính là nguyên nhân trực tiếp/nguyên nhân chính yếu/nguyên nhân quyết định/nguyên nhân quan trọng gây ra vụ tai nạn, chứ không phải là vấn đề nồng độ cồn. Tất nhiên, cũng có những vụ việc mà nguyên nhân là do tài xế say xỉn, mất ý thức, chạy xe như ngáo đá, rồi gây tai nạn, thì trường hợp này lại là một tình huống khác, như được phân tích dưới đây.
4. Các tình huống pháp lý có thể xảy ra trong một vụ tai nạn giao thông
Thông thường sẽ có 04 khả năng chính: (i) Lỗi hoàn toàn thuộc về Người gây tai nạn; (ii) Lỗi hoàn toàn thuộc về Nạn nhân; (iii) Hỗn hợp lỗi, tức cả hai bên đều có phần sai; (iv) Do sự kiện bất ngờ như bão lũ, cây đổ. Do đó - Cần phải căn cứ vào các tình huống và trường hợp cụ thể, để xác định một vụ tai nạn giao thông thuộc trường hợp nào trong các tình huống vừa nêu.
Đầu tiên cũng là quan trọng nhất là phải xác định được ý thức chủ quan của Người gây ra tai nạn. Theo đó, bất kể ai đúng, ai sai khi tham gia giao thông, nhưng phải chắc chắn rằng, chỉ được coi là tai nạn giao thông, khi nó nằm ngoài sự kiểm soat của Người gây tai nạn, hậu quả là không mong muốn, không phó mặc, còn ngược lại, thì đó là cố sát, chứ không phải là tai nạn. Ví dụ, một Người vì thấy Người khác đi ngược chiều, chạy quá tốc độ, ngứa mắt, nên cố tình "Tông cho bỏ ghét" thì đó không phải là tai nạn, mà tùy từng trường hợp cụ thể, sẽ là giết Người hoặc cố ý gây thương tích....
Sau đó là xác định các yếu tố có liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn, ví dụ Bên nào đi đúng làn đường, Bên nào đi đúng tốc độ - Và quan trọng nhất, Bên nào đã tông Bên nào. Bởi thông thường, Bên tông sẽ luôn được xác định là Bên phải chịu trách nhiệm, những vấn đề còn lại sẽ chỉ là xác định trách nhiệm tới đâu liên quan đến các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ ví dụ Nạn nhân cũng có lỗi hay không.... Trường hợp hai bên cùng tông nhau, nhất là tông trực diện, vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn. Tất nhiên, không phải cứ lúc nào Bên tông cũng sai, nhưng thường sẽ được quy cho là như thế.
Tai nạn là sự xui rủi cho tất cả các Bên liên quan, đó là một sự cố ngoài ý muốn, một sự bất hạnh trong cuộc sống, không chỉ riêng Bên nào. Vì thế, khi điều không may xảy ra, đầu tiên, quan trọng bậc nhất là phải cứu Người, chứ không phải ở chổ sai đúng - Tiếp nữa là không đổ lỗi, không thoái thác trách nhiệm, càng chân thành tới đâu, càng được thấu hiểu cảm thông tới đó. Bởi càng biện minh, càng chối bỏ, thì càng tạo thêm hố sâu ngăn cách, không thể nào hóa giải được. Trong sự tang thương và đau lòng, vận hạn của cả đôi Bên, chỉ có thiện tâm chuộc lỗi, chân thành sẻ chia, thì mới có thể nhận được sự bao dung và nhân ái........
Viết tại Sài Gòn, ngày 02/08/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!