TỪ CHIẾC VÁY 160 NGHÌN ĐỒNG - ĐẾN CÁC TỘI DANH CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH - LÀM NHỤC NGƯỜI KHÁC VÀ CƯỠNG ĐOẠT TÀI SẢN: PHÂN TÍCH - LUẬN GIẢI!

Dẫn nhập: Một Cô bé mới khoảng chưa đầy 16 tuổi, ăn trộm một chiếc (chân) váy có giá chưa đến 200 nghìn, bị Chủ shop bắt quả tang và đã ra sức đánh đập, bắt quỳ, cấu xé hành hạ Cô bé, đồng thời quay lại video tung lên mạng xã hội. Chưa dừng lại ở đó, Chủ shop còn đe dọa và bắt Cô bé phải bồi thường (đền) .... 15 triệu đồng. Vụ việc mới xảy ra ngày hôm qua (03/12/2021) tại Thanh Hóa.

1. Hành vi ăn trộm của Cô bé có vi phạm pháp luật không?! Đương nhiên là có - Vì hành vi đó đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Người khác. Hành vi ăn trộm này có là hành vi xấu không?! Đương nhiên là có - Hành vi này không thể được khuyến khích! Nhưng dù vậy - Hành vi này, bất quá cũng chỉ là một hành vi vi phạm pháp luật hành chính, ở mức vô cực nhẹ. Có chăng, chỉ là một lỗi lầm nhỏ thời thơ ấu cần phải được khuyên bảo, uốn nắn thêm mà thôi. Chúng ta phải rạch ròi, rõ ràng từng mặt vấn đề như vậy, để không vô tình, cổ súy cho những hành vi không tốt.

2. Chủ shop khi phát hiện vụ việc có quyền bắt Cô bé quỳ lạy, đánh đập, hành hạ như vậy không?! Đương nhiên là không bao giờ - Vì nó không thuộc khuôn khổ của chế định phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng trong tình huống này (Trong trường hợp những vụ việc mà tên trộm có ý tấn công lại Gia chủ khi bị phát hiện, thì mới phát sinh quyền phòng vệ chính đáng). Cho nên, hành vi của Chủ shop đã xâm phạm vào quyền bất khả xâm phạm về thân thể, sức khỏe của Người khác, có dấu hiệu của hành vi cố ý gây thương tích, nhất là khi nạn nhân mới chỉ là Vị thành niên. Vì hành vi này có tính chất côn đồ với trẻ em, nên có thể cấu thành Tội danh cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của Người khác, dù chưa đến 11% tổn hại.

3. Chủ shop có quyền quay lại video đánh mắng, hành hạ, rồi tung lên mạng xã hội như vậy không?! Đương nhiên là không - Vì đây là trường hợp phát hiện quả tang, mọi thứ đã rõ ràng, Người vi phạm cũng đã khai nhận; Nghĩa rằng chỉ trong trường hợp khi không bắt được nghi phạm, muốn truy tìm được nghi phạm, thì có thể cung cấp đoạn video do camera ghi lại cho Cơ quan chức năng hoặc đưa lên mạng xã hội, để nhờ cộng đồng cùng hỗ trợ truy tìm. Vì vậy, hành vi của Chủ shop trong tình huống này chỉ với mục đích thu hút sự chú ý của dư luận, nhằm thỏa mãn những động cơ hẹp hòi, có tính chất bêu riếu, làm nhục Người khác. Nên có dấu hiệu khách quan của Tội danh làm nhục Người khác. Có thông tin cho rằng, hiện Cô bé đã bỏ nhà đi, khi không chịu được áp lực của dư luận. Theo đó, việc làm nhục Người khác, trong tình huống này, đã có hệ quả nghiêm trọng, có thể là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm của Chủ shop, nếu như nạn nhân tự sát.

4. Chủ shop có quyền đe dọa buộc Cô bé hoặc Gia đình bắt đền 15 triệu đồng không?! Đương nhiên là không - Các bên có quyền thỏa thuận dân sự về việc bồi thường khi có thiệt hại, nhưng phải là trên cơ sở tự nguyện, cùng thỏa thuận, nếu không tự nguyện thỏa thuận được, thì có thể yêu cầu Cơ quan có thẩm quyền xử lý, mà không có quyền cưỡng ép. Và đặc biệt - Xin lưu ý rằng: Một nguyên tắc tuyệt đối trong bồi thường thiệt hại là phải có thiệt hại thực tế xảy ra, thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó. Có nghĩa rằng, dù có hành vi vi phạm, nhưng không có thiệt hại xảy ra, thì cũng không được bồi thường (Ví dụ: Một tên trộm phá khóa, vào nhà Gia chủ trộm một chiếc ti vi, nhưng vừa bê tivi đi ra thì bị phát hiện và bị bắt giữ. Trong tình huống này, tên trộm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự vì tội trộm cắp tài sản. Nhưng Anh ta không phải bồi thường gì cho Chủ nhà, ngoại trừ bồi thường chi phí phải sửa lại, lắp lại cái ổ khóa mà Anh ta đã phá để lẻn vào nhà, vì thực tế chỉ bị hư hại chừng đó mà thôi). Trong vụ việc này cũng vậy, Cô bé chỉ ăn cắp cái chân váy, nhưng bị phát hiện, tức chưa gây thiệt hại gì cho Chủ shop, nên không phải bồi thường gì cả. Chính vì thế, việc Chủ shop đe dọa Cô bé, bắt đền 15 triệu, đã có dấu hiệu hành vi khách quan của Tội danh cưỡng đoạt tài sản. Bà con cần lưu ý: Do Chủ shop có hành vi đe dọa, thì mới cấu thành Tội danh này, nghĩa rằng nếu giả sử ban đầu, Chủ shop chỉ ngỏ ý thỏa thuận nhẹ nhàng, yêu cầu bồi thường, không đe dọa, không ép buộc gì cả, và khi Cô bé không đồng ý, thì Chủ shop cũng không cưỡng ép gì thêm, thì lại không cấu thành Tội danh này - Ranh giới giữa có tội hay không có tội nằm ở chi tiết có đe dọa hay không đe dọa, chứ không phải ở chi tiết đòi bồi thường.

5. Về chi tiết Chủ shop bị tịch thu, tạm giữ hàng hóa - Chi tiết này không liên quan trực tiếp đến những hành vi vi phạm nói trên. Mà chỉ có thể là "Cái sẩy nẩy cái ung" - Tức là từ vụ việc nêu trên, trong quá trình xác minh, kiểm tra Cơ quan chức năng phát hiện ra hàng hóa buôn bán là là hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng tem mác giả (Đại loại vậy), nên cần phải niêm phong, thu giữ để xác minh. Nếu có vi phạm về hàng hóa sẽ xử lý. Tóm lại, việc xử lý liên quan đến hàng hóa, không phải xuất phát từ vi phạm liên quan đến vụ việc với Cô bé. Mà là từ vụ này, lòi ra vụ kia: Sai một ly, đi một dặm là vậy.

Một vụ việc tuy nhỏ, nhưng để lại một hậu quả lớn với một hệ lụy khá nghiêm trọng. Rất nhiều Người ngoài bản tính thiện hay ác, bao dung hay hẹp hòi - Thì trong nhiều trường hợp, Họ hành xử như vậy là do nghĩ mình được quyền làm thế, như thế là đúng không sai, giống trong tình huống này, cứ nghĩ Người ta ăn cắp đồ của mình, nên muốn làm gì cũng được. Hay nói cách khác, những hành xử đó xuất phát từ sự thiếu hiểu biết - Cụ thể là thiếu hiểu biết pháp luật. Đó cũng chính là một trong những lý do, là động lực thúc đẩy Tác giả phát triển Fanpage (Trang) Pháp lý này, nhằm truyền tải chuyên môn, phổ cập quy định của pháp luật đến Bà con - Với một ước mong, khi Bà con đọc xong mỗi Bài viết, sẽ góp nhặt cho mình thêm những kiến thức quan trọng, để có thể phòng tránh rủi ro pháp lý, cũng như vận dụng khi cần thiết!

Viết tại Sài Gòn, ngày 04/12/2021 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!

 

Bình luận (0)


Bài viết liên quan