PHÒNG CHỐNG BẠO LỰC HỌC ĐƯỜNG: CẦN BÌNH TĨNH VÀ THẬN TRỌNG TRÊN HÀNH TRÌNH BẢO VỆ CÔNG LÝ!
Bất kỳ Người làm Cha, làm Mẹ nào khi thấy Con của mình bị hành hung, đều cảm thấy xót xa, tức giận - Đó là tâm lý hết sức bình thường; Cũng như việc đòi hỏi những Cá nhân, Cơ quan liên quan có trách nhiệm xử lý nhanh chóng vụ việc, không để hành vi vi phạm tái diễn, là yêu cầu hết sức chính đáng, hợp tình, hợp lý, hợp lẽ.
Ngay sau khi xảy ra tình huống, vì thương xót Con, nên nếu như có những sự bức xúc, nóng giận, vội vàng, cũng là điều dễ hiểu, dễ cảm thông, bởi đó là những phản ứng hết sức đời thường. Nhưng nên chăng, sau khoảnh khắc đó, cần phải đưa mọi thứ về đúng quỹ đạo, nằm trong tầm kiểm soát, không làm phức tạp, căng thẳng thêm vấn đề. Nghĩa rằng, Chúng ta không thay đổi mục đích, mục đích vẫn là để vụ việc phải được xử lý đến nơi, đến chốn, đúng đắn, nhưng cần phải điều chỉnh lại phương pháp.
Biết là bức xúc, biết là ấm ức, biết là bất bình - Nhưng cần phải kìm tỏa được cơn nóng giận, bình tĩnh giải quyết vấn đề, không để cái "sảy" nãy cái "ung", họa vô đơn chí. Biết bao nhiêu vụ việc, chỉ vì nóng vội, cả giận, không kiểm soát được vấn đề, rồi gió đảo chiều, Bà con chúng ta từ đúng, nhưng phản ứng thái quá, lại thành sai. Sự phấn khích về cảm xúc, là con dao hai lưỡi, nó có thể giúp Chúng ta quyết tâm, nỗ lực giải quyết vấn đề, nhưng nó cũng có thể làm hại Chúng ta, khi mọi thứ vượt qua khỏi làn ranh, không còn trong tầm kiểm soát.
Quan sát thật nhiều, nhưng xử lý phải tập trung, chỉ tập trung vào vụ việc, cắt bỏ đi những chi tiết không liên quan, loại bỏ những động tác thừa: Ví dụ cần làm Đơn yêu cầu Nhà trường, Phòng/Sở Giáo dục, Cơ quan bảo vệ pháp luật.... Để được xử lý vụ việc; Trong trường hợp cảm thấy cần "Ba mặt một lời" thì có thể yêu cầu "Đối chất" giữa các Bé, đây là một thủ thuật, để Phụ huynh có thể hợp lý, hợp tình được gặp các Bé liên quan, nhằm đưa ra những nhắc nhở, không được tái phạm.
Trong mọi tình huống, không để sự việc bị đẩy đi quá xa, tất cả các Bé đều đang quá trẻ, chưa đủ 14 tuổi, lỗi lầm là điều khó tránh khỏi, nhưng cần phải xem xét giải quyết vấn đề một cách cẩn trọng, với mục đích là giáo dục, tu dưỡng cho các Em, chứ không phải nhằm mục đích trừng phạt hay báo thù. Càng không để chuyện của học sinh, của những búp măng non, lại là nơi trở thành sự kết oán thù của Người lớn. Nếu tính chất sự việc chưa quá nghiêm trọng, thì cần bình tĩnh ngồi lại với nhau, con dại cái mang, nhận lỗi với nhau, rồi cùng nhau giáo dục con Em mình.
Tôi không chắc chắn về một thắng lợi nếu Bạn làm điều này - Nhưng Tôi bảo đảm cho một thất bại nếu Bạn không làm như vậy. Lúc nóng giận nhất, cũng chính là lúc cần phải tĩnh tâm nhất để suy xét vấn đề. Pháp luật - Công đường, chỉ nên là giải pháp cuối cùng, khi không còn cách nào khác và khi còn nhiều cách khác, thì chưa nghĩ đến giải pháp này. Những Người lúc nào cũng gợi ý rằng bạn phải đi con đường pháp luật, để rồi chực chờ nhảy vào tham gia, thường là những Người hiếu chiến, và tâm không sáng vì quá nhiều sát khí, thường những Người như vậy lại càng không giỏi, những Người đó cũng không quan tâm đến vận mệnh pháp lý của Bạn, mà chỉ chú ý đến cơ hội của Họ.
Phải thật tỉnh táo, cẩn trọng, không để sự phấn khích cảm xúc đi quá xa, có thể khiến Bà con chúng ta phải trả giá như những trường hợp đã nhìn thấy trước đây. Chúng ta cần phải dũng cảm bảo vệ cái đúng, không thỏa hiệp với cái xấu, cái ác, những sai trái cần bị xử lý, dung túng cho cái ác là tội lỗi - Nhưng cần phải hành động có phương pháp phù hợp, tránh những sai lầm do nóng vội, tức giận. Quan trọng hơn, với lỗi lầm của con trẻ, thì cần phải bao dung, vị tha, nhân ái. Cách xử lý những vụ việc này không khó, nếu không muốn nói là dễ vô cùng tận - Chỉ là những Người liên quan, nhìn nhận vấn đề như thế nào, và có chịu mở lòng với nhau không mà thôi.....
Viết tại Sài Gòn, ngày 29/05/2022 - Luật sư: Đặng Bá Kỹ!